Lời chứng thống thiết của cô Isaure về khủng hoảng hậu sản

Lời chứng thống thiết của cô Isaure về khủng hoảng hậu sản

Lời chứng thống thiết của cô Isaure về khủng hoảng hậu sản

TGPSG / Aleteia -- “Tất cả đều qua đi, kể cả điều đau đớn nhất”

Isaure Armanet là bà mẹ ba con, người Pháp. Cô vừa cho xuất bản cuốn “Interdit de pleurer” (Cấm khóc), trong đó cô thuật câu chuyện bản thân đã như xuống đáy địa ngục sau khi sinh hai đứa con đầu, phá vỡ điều cấm kỵ chung quanh chứng trầm cảm sau sinh. Một câu chuyện đặc biệt thu hút và gây xúc động.

Người mẹ trẻ mà tôi (tác giả) gặp gỡ qua màn hình là hiện thân của một bà mẹ hoàn toàn bình thường. Chẳng có gì cho thấy cô vừa trờ về từ địa ngục trần gian. Cặp mắt xanh lơ thật đẹp, gương mặt thanh tú của hiền thê một sĩ quan hải quân, nhà cửa ngăn nắp... Isaure, tên của cô, tự đánh giá là vị tha và cầu toàn, cảnh báo: “Trên giấy, trong cuộc đời tôi, tất cả đều có vẻ bình thường và tôi sẽ nói rằng chẳng có gì tiên liệu việc tôi phải trải qua giông bão, thậm chí cả sóng thần nữa, điều mà tôi đã thực sự nếm trải”.

Như mọi người, Isaure sống tuổi thanh xuân của mình giữa những niềm vui lớn và những nỗi buồn phiền nặng nề. Khi còn là thiếu nữ, cô cảm thấy cần phải làm một công việc về tâm lý cho phép cô có được sự an toàn, bình yên và tự trọng. Rồi là cuộc gặp gỡ đầy ơn phúc với chồng cô. Với chồng, mọi hành tinh lại ngay hàng thẳng lối. Anh là người đàn ông của đời cô, anh sẽ là cha của những đứa con của cô. Ngày mai, trời lại sáng...

Câu chuyện thần tiên ấy diễn ra tại xứ đảo Martinique (lãnh thổ hải ngoại của Pháp). Đối với Isaure, người có mọi giềng mối trong vùng Paris, cô phải thích ứng với cuộc sống xa người thân, nhưng hòn đảo này có nhiều điểm đặc sắc nên cô gái bị miền quần đảo Antilles mê hoặc ngay...

Thời gian ngắn sau đó, cô biết mình mang thai và vui mừng vì điều đó. Sau thai kỳ bình thường, con gái Eléanore ra đời ngay ngày cơn bão Maria quét ngang đảo, ít lâu sau khi bão Irma tan... Phải chăng đây là điềm báo?

Trong phòng sinh, Isaure đã nhìn thấy con mình trong hạnh phúc vô bờ, mặc dù sự kết nối với cô công chúa nhỏ nhanh chóng bị mất đi. Khóc lóc, khó ngủ, cho bú khó khăn, những khởi đầu của thời kỳ làm mẹ khác xa so với hình ảnh tưởng tượng lý tưởng hóa. “Rồi cũng sẽ qua đi...” cô nghĩ. Ngoại trừ là nó không qua đi và thực tế phải thừa nhận là có gì đó không ổn. Khi trở về nhà, giữa những cơn sẩu mình khó ở, sự mệt nhọc cực kỳ và những cơn khủng hoảng lo âu, Isaure chẳng có gì giống một bà mẹ trẻ hạnh phúc cả.

Tôi đã lo là anh sẽ xem tôi như một con điên!

Về phần mình, Tanguy, chồng cô, đang tìm thấy niềm vui được làm bố, tung hứng giữa cuộc sống của người cha trẻ với cuộc sống nghề nghiệp.

“Tanguy xuất thân từ một gia đình vững chãi, rất quân bình, bình thường tôi có thể nói vậy, và anh chẳng hiểu gì nhiều về những điều đang diễn ra”, Isaure giải thích trong lúc kể rằng cô đã giấu chồng những gì cô đang trải qua. Chỉ vì cô tin rằng ngày mai mọi việc lại ổn...

Thực ra người phụ nữ trẻ này đang sợ. “Tôi sợ là anh sẽ xem tôi như một con điên – tôi đã phải điều trị một đợt thời trẻ nhưng không kể với anh ấy – sợ anh hối tiếc vì đã cưới tôi và nhất là  sợ anh bỏ tôi”.

Chồng đi công tác, tình trạng của bà mẹ trẻ – lúc này đã về chính quốc – nặng thêm, Tanguy đi - đã gây ra sự sụp đổ tính khí trong con người cô. Isaure thực sự cố gắng đối mặt với thời kỳ làm mẹ mới mẻ quá chông gai này, nhưng không kết quả. Thay vì có niềm hạnh phúc đơn sơ và nồng nàn, cô lại sống một cơn ác mộng thực sự: đêm không chợp mắt, ám ảnh hành vi, ý nghĩ chết chóc... Người thân của cô lo lắng, cuối cùng phải hẹn cho cô đến khu cấp cứu bệnh viện Bégin. Ở đó, bản án được đưa ra: “Bà phải nằm lại chỗ chúng tôi, tình trạng của bà quá nặng”. 

Nhập viện

Buộc rời xa con bé của mình, bà mẹ trẻ phải nhập viện ngay tức khắc. Cô bước vào thời kỳ đen tối nhất trong cuộc đời của mình và vào một đường hầm đen tối chưa từng thấy. Chẩn đoàn trầm cảm sau sinh cuối cùng được đưa ra với đề nghị đưa cô vào đơn vị “La Pomme” (Trái Táo), chuyên khoa Bà mẹ-Em bé. Isaure chấp nhận. Sự chăm sóc y tế này mang tính quyết định đối với bà mẹ trẻ khi cô tin theo nền y học và những tiến bộ của khoa học. “Các bác sĩ tâm lý hiểu rõ cơ chế tác động của tình cảm lên não, Khi nhức đầu tôi sẵn sàng uống một viên Doliprane, vậy thì khi bị rối loạn tâm lý, tại sao lại không dùng thuốc ?” Isaure cũng tin sâu sắc vào sức mạnh của lời nói chữa lành nên trở lại thăm khám ở một bác sĩ tâm lý.

Trải qua một lần trầm cảm sau sinh, đó là đi qua một cơn bão, bão nhiệt đới hay tố lốc, một cơn sóng thần, từ đó người ta nghĩ sẽ không bao giờ vượt qua được, “trong lúc có bắt đầu thì phải có chấm dứt chứ”, Isaure thốt lên mạnh mẽ. Đó cũng là phải đương đầu với sự mất đi mọi ham muốn, những lo âu kinh khủng ban đêm, những ám ảnh hành vi, những viễn tưởng tiêu cực và sự mất đi lòng tự trọng: “Tôi bất tài, tôi không bao giờ làm được, khó khăn quá”.

Thế rồi cơn trầm cảm thoát ra khỏi thân xác: “Cơ thể thì khỏe mạnh, tim và cơ bắp đều hoạt động, nhưng trí óc thì không ổn” bà mẹ trẻ nói thêm một cách tỉnh táo. Như vậy thì phải hồi sinh lại. Các bác sĩ khuyến khích cô nên đi ra ngoài để sống những khoảng khắc vui thú: đi làm móng, cà-phê sân vườn... và mỗi lần đi về cô lại thấy tươi tắn lại.

Một thử thách dành cho lứa đôi

Còn Tanguy thì sao? Trong giai đoạn đó, cặp cha mẹ trẻ hoàn toàn mất kết nối với nhau, hơn nữa Isaure, xấu hổ vì tình trạng của mình, lại tiếp tục giữ im lặng trước những gì mình phải trải qua. “Tôi có tất cả để hạnh phúc, tôi không có quyền để mình mắc trầm cảm” cô giải thích.

Cô đâu có ngờ, ở đầu bên kia thế giới, người cha trẻ phát điên vì lo lắng: một người bạn bác sĩ đã nói với anh về tình trạng nghiêm trọng của vợ anh. “Anh ấy thấy điều đó thật khó khăn” Isaure nhớ lại một cách đơn giản.

Tháng Mười Một. Tanguy về chính quốc. Ngày tái ngộ có nhiều cảm xúc mãnh liệt. ”Anh xuất hiện trước mặt tôi, vững vàng và mạnh mẽ. Thái độ của anh vẫn không thay đổi. Anh ôm tôi vào lòng. Tôi bỗng tin tưởng chắc chắn rằng anh sẽ ở cạnh tôi dù bất cứ chuyện gì xảy ra” Isaure viết trong cuốn sách của mình mà lời đề tặng nói lên tất cả: “Tặng Tanguy, người chồng bất biến-vững vàng-không lay chuyển-không thể chìm, vì đã yêu em và nâng đỡ em trong suốt thời gian qua”.

Từ lúc đó, cô quyết sẽ không giấu chồng những lo âu hay tình trạng tâm lý của mình nữa. Anh là chỗ dựa, một nguồn lực quý giá từ đó cô sẽ phát hiện ra những mặt tốt, có ích. Người cha trẻ cũng hạnh phúc thấy lại đa con gái yêu của mình, và vài tuần sau đó trở lại với công việc ở Martinique. 

Nỗi sợ ở một mình với con mình biến mất

Về phần mình, sau hai tháng nằm chuyên khoa Mẹ-Em Bé, Isaure thấy khá hơn và đã đến lúc phải rời khỏi cái kén ấm áp “La Pomme”, chia tay với những bà bạn đầy day dứt và sáng chói để trở lại với cuộc sống thật.

Đang hồi sức, Isaure cùng Eléanore bay về hòn đảo của mình, về với chồng và cuối cùng cũng được hưởng niềm vui của một gia đình “bình thường” thực thụ. Liệu cô đã lành hẳn chưa? Khó nói được. “Không bao giờ người ta nói là lành hẳn rồi, nhưng những cuộc hẹn tái khám thưa dần, liều thuốc chống trầm cảm giảm đi, giấc ngủ và thèm ăn trở lại, bạn lại có thể đương đầu với công việc hàng ngày và nhất là, nhất là nỗi sợ ở một mình với con biến mất”. Cô giải thích. Và ham muốn lại nảy sinh...

Lần sinh nở thứ hai, trầm cảm lần thứ hai

Chính vì vậy, một cách nhẹ nhàng, ý muốn đón nhận một em bé nữa nảy sinh trong lòng đôi vợ chồng trẻ và Pio ra đời một sáng tháng Một.

Trong lúc Isaure, lúc đầu, có vẻ như đã đạt ở toàn bộ những mục bà mẹ tốt, thì cỗ máy lại trục trặc một lần nữa. Chứng mất ngủ lại xâm chiếm, kèm theo những cơn sảng hồn sảng vía, lo lắng và ý nghĩ bệnh hoạn.

Bà mẹ trẻ nhấn mạnh đến tính cách bí ẩn của thực tế tâm thần ấy và tự hỏi làm sao cô thoát ra được. “Một thiên thần hộ thủ đúng lúc, một câu kinh thốt lên ban đêm, một linh hồn thượng giới chăm chú?”

Thực ra, cô thuộc số những bà mẹ có lịch sử cá nhân hỗn loạn mà cơ thể không chịu nổi việc hạ mức nội tiết tố (kích thích tố) đột ngột sau sinh – giống như nữ hoàng Victoria của Anh. Nhưng điều đó thì cô chưa biết và lúc này đây mắt bão lại chụp xuống cô một lần nữa.

“Lần thứ hai trầm cảm sau sinh rất khó khăn, tôi có cảm giác như mình là một ca ngoại lệ”, bà mẹ trẻ thú nhận. Nhưng lần này, cùng với Tanguy, họ tạo thành bộ đôi chiến thắng. Do đó sau khi cân nhắc kỹ, và theo lời yêu cầu của cô, Isaure quyết định quay lại đơn vị “La Pomme”.

Cô hôn con gái Eléanore – sẽ được gia đình chăm sóc -  rồi cùng với con sơ sinh, một lần nữa đi qua cánh cửa của chuyên khoa Chăm sóc Mẹ-Bé: “Tôi tự hỏi mình làm cái quái gì ở đây và ngay tức khắc tôi nhận ra mình là một phần của gia đình những người đầy day dứt”. Đó sẽ là đợt trầm cảm sau sinh 2. 

Một trải nghiệm thiêng liêng đáng nhớ

Trong những chuyến vượt biển cam go như vậy, đức tin là một cứu tinh đối với Isaure, người không giấu diếm mình tin vào Chúa. Cô làm chứng cho tiếng van xin của cô lên trời, cho bài kinh nguyện thánh vịnh “rất mãnh liệt”, cho bí tích dành cho người bệnh được nhận hai lần, cho vị linh mục đã trấn an cô trong một lần xưng tội: “Không, con không phải chịu trách nhiệm về những ý nghĩ tự tử trong đầu”.

Cô nói thêm “Khi bị trầm cảm lần thứ hai, tôi đã có một trải nghiệm thiêng liêng đáng nhớ. Về phương diện con người, mọi người đã làm tất cả để bảo bọc tôi, an ủi tôi. Nhưng người duy nhất đã cùng tôi trải qua lo âu chính là Chúa Giêsu. Chưa bao giờ tôi thấy mình bị bỏ rơi, tôi biết rằng Người đang ở đó”.

Cuối cùng cô nhắc đến một bài kinh dành cho đôi lứa – đặc biệt là một tuần cửu nhật cho sự lành bệnh của cô được thực hiện nhờ một bài kinh của cha thánh Padre Pio. “Và chúng tôi đã đi hành hương đến vùng Pouilles (Italia) vì chính nhờ cha thánh mà tôi đã thoát nạn, tôi tin chắc là vậy!” Vì cơn bão số 2 đã qua đi và giông bão đã giảm nhiều...

Sau khi sinh hai đứa con, hai đợt trầm cảm và hai lần nhập viện, Isaure trở lại cuộc sống của người mẹ nội trợ bình thường hay đúng hơn là phi thường! Sống động, vui vẻ, cô hạnh phúc lấy lại cuộc sống thường nhật của một bà mẹ trẻ và ở lứa tuổi 35, khẳng định thật sáng suốt: “Tôi thích nàng Isaure ngày nay gấp trăm lần cô nàng trước đây!”

Sau khi đã nhận biết, đặt tên, đón nhận, thuần phục sự yếu đuối mỏng manh của mình, người mẹ trẻ ấy cảm thấy mạnh mẽ hơn: “Tôi nhận ra rằng sự yếu đuối mỏng manh cũng có thể rất đẹp, cô cười. Và ngay cả hiện nay tôi vẫn tiếp tục đến khám ở bác sĩ tâm lý. Đôi khi cũng khó khăn lắm nhưng đó là sự an toàn của tôi và sự quân bình trong tôi tùy thuộc vào nó.” Cô tự hiểu mình hơn, biết rằng thời kỳ sau sinh có nguy cơ cao với cô.

Tôi học cách chấp nhận cái nhìn của chồng tôi về những sai li, những vết thương trong tôi.

Và cô thích kể ra nhưng lợi ích của một thử thách đã cho phép hai vợ chồng cô ngày càng chân thành, thẳng thắn và minh bạch hơn: “Tôi đã học cách chấp nhận cái nhìn của chồng tôi về những sai li, những vết thương trong tôi”. Isaure im lặng một lát rồi tiếp tục: “Và rồi, tôi tự nhủ nếu Tanguy không hiểu tôi, anh sẽ không vào được sự yếu đuối mỏng manh đó và có lẽ anh sẽ khó chịu hơn, ít thông cảm với người khác hơn...”

Giữa sự đau khổ cực kỳ, điều chính yếu là bà mẹ trẻ đã trải nghiệm được rằng ánh sáng cuối cùng sẽ xuyên thủng bóng tối. Vâng, cuộc sống mạnh hơn tất cả và cái gì cũng có thể lành, kể cả những điều không thể nói ra. Bằng chứng ư? Sau một sự đắn đo kéo dài, sau khi được tư vấn y khoa và sau khi tổ chức đón đầu kỹ lưỡng, một chú Joseph bé nhỏ đã mở rộng số anh chị em ra. Và thời kỳ hậu sản trôi qua êm đẹp: chẳng còn bão tố cũng như sóng thần đánh vào con tàu gia đình nữa, nhưng là một bảng thời tiết tuyệt đẹp. “Alléluia! Tất cả đều qua đi, kể cả điều đau đớn nhất”. 

Marie Lucas (Aleteia) / Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

 

Top