Linh mục, người hiệp thông với Giáo hội

Linh mục, người hiệp thông với Giáo hội

Tham khảo các sách báo in hay các trang mạng về cha thánh Gioan Maria Vianey (cha xứ họ Ars) nhân năm thánh linh mục (11/6/2009 – 11/6/2010), không thấy chỗ nào nói thánh nhân “dốt nát” (‘ignorant’ hay ‘ignoramus’) theo nghĩa thiếu trầm trọng sự hiểu biết về những điều lẽ ra phải hiểu biết trong chức vụ linh mục của mình, mà cùng lắm chỉ nói ngài học hành “vất vả”, “với nhiều khó khăn” – một điều khá dễ hiểu khi ngài vào tiểu chủng viện lúc đã 20 tuổi. Nhưng công bằng mà nói, có lẽ không phải chỉ riêng ngài mới gặp khó khăn và vất vả trong việc học hành tại chủng viện vì lúc bấy giờ hầu hết các môn học đều được giảng dạy và làm bài bằng tiếng la-tinh. Cha Balley nhận trách nhiệm “kềm cặp” ngài cũng nhìn nhận ngài có những hiểu biết rất chắc chắn về Thiên Chúa, Giáo Hội và con người, một khi được học tập bằng tiếng mẹ đẻ. Đây không phải là một nhận xét chủ quan hay thiên vị. Cứ nhìn số giờ ngài ngồi tòa giải tội cho đủ mọi hạng người từ thập phương, cứ nghe các bài giảng của ngài và cứ quan sát các tổ chức hay phong trào ngài thành lập (như trường học cho nữ giới và trường học cho nam giới, các phong trào từ thiện bác ác…), người ta không thể không nhìn nhận sự hiểu biết của cha thánh Gioan Maria Vianê. Cha Lacordaire – một nhà giảng thuyết lừng danh tại nhà thờ Đức Bà Paris cùng thời – đã vài lần đến Ars, ngồi lẫn vào đám đông để nghe ngài giảng. Cuối cùng, Lacordaire đã công khai đến xin cha thánh Ars ban phép lành cho mình và nhìn nhận sự uyên thâm của ngài. Chưa hết, nghe những câu trả lời dí dỏm của ngài, người ta cũng phải nhìn nhận sự nhanh trí và điềm tĩnh của ngài. Chẳng hạn, khi kể lại giường mình bất ngờ bị cháy nhưng mình vẫn bình an vô sự, thánh nhân nhận xét : “Ma quỷ chỉ đốt được lồng giữ chim, chứ chẳng thiêu được chim trong lồng”. Hay khi có người đòi níu áo cha để được theo cha bay lên thiên đàng, ngài lưu ý ngay rằng “cửa vào thiên đàng rất hẹp, e không đủ chỗ cho hai người chen vào”… (x. Wikipedia, “Jean- Marie Vianey”).

1)Việc đào tạo tri thức quan trọng như thế nào?

Kể dài dòng như thế để xác nhận rằng sự hiểu biết – nhất là sự hiểu biết đã được kiểm tra trong đời sống – đóng vai trò rất quan trọng không những trong đường tu đức của linh mục mà cả trong công việc mục vụ của linh mục. Tông huấn của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II về việc đào tạo linh mục, mang tên la-tinh là “Pastores dabo vobis”, ban hành năm 1992, đã nêu rõ hai lý do bắt Giáo Hội và bản thân các linh mục phải coi trọng việc đào tạo tri thức của linh mục : vì đó là yêu cầu căn bản của trí tuệ con người (xem thêm tông huấn của cùng một tác giả về vai trò của lý trí trong đời sống đức tin, mang tên “Fides et ratio”, ban hành năm 1998) và vì đó là yêu cầu cũng căn bản của công cuộc phúc âm hóa hiện nay (số 51). Riêng lý do này được tông huấn “Pastores dabo vobis” giải thích như sau : “Nếu chúng tôi (tức là các giám mục tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990 bàn về thừa tác vụ linh mục) cầu mong mọi ki tô hữu phải sẵn sàng bênh vực đức tin và trả lời về niềm hy vọng mà chúng ta đang cưu mang (x. 1Pr 3,15), thì mọi ứng viên cho chức linh mục và các linh mục càng phải chuyên cần chăm lo cho việc đào tạo tri thức của mình được có chất lượng khi học tập cũng như khi làm mục vụ. Để góp phần cứu rỗi anh chị em mình, họ cần phải hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa càng ngày càng sâu sắc hơn” (PDV số 51. Cf. Các đề nghị của THĐ GM điều 26). Tông huấn cũng thẳng thắn nêu ra những nét đặc trưng của thế giới và con người hôm nay, mà các nhà đào tạo cũng như bản thân các ứng viên chức linh mục và chính linh mục cần lưu ý khi tham gia học tập hay trau dồi kiến thức. Đó là một thế giới với những con người và cơ chế nổi tiếng là “dửng dưng trước tôn giáo, nghi ngờ khả năng của trí tuệ không thể tìm ra được sự thật khách quan và phổ quát, lúng túng trước những vấn đề và chất vấn mới mẻ do các khám phá khoa học và kỹ thuật đặt ra. Thế giới ấy đòi các linh mục phải được đào tạo về mặt tri thức ở một trình độ cao, hầu có thể giúp các linh mục rao giảng Tin Mừng trước sau như một của Đức Kitô trong bối cảnh ấy và làm cho Tin Mừng ấy trở nên đáng tin trước những đòi hỏi chính đáng của lý trí con người. Ngoài ra, hiện nay đang có hiện tượng đa nguyên rất rõ không chỉ trong xã hội loài người mà cả trong chính cộng đoàn Giáo Hội. Vì thế, các linh mục cần phải quan tâm đặc biệt tới việc phân định một cách có phê bình : đây là một lý do nữa cho thấy cần phải có sự đào tạo tri thức một cách hết sức nghiêm túc” (PDV số 51). Dĩ nhiên, muốn phục vụ công tác mục vụ cách hữu hiệu, các ứng viên cho chức linh mục và các linh mục “phải kết hợp việc đào tạo tri thức với đời sống tâm linh mà nổi bật là có kinh nghiệm bản thân về Thiên Chúa. Làm như thế, chúng ta sẽ hóa giải phương cách trau dồi hiểu biết thuần túy trừu tượng bằng cách tập hiểu biết bằng con tim, giúp chúng ta biết “nhìn ở bên kia” (hiện tượng) và nhờ đó, đặt mình vào trong vị thế có thể truyền đạt mầu nhiệm Thiên Chúa cho người khác” (PDV số 51, trích dẫn Tài Liệu Làm Việc của THĐ GM “Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hôm nay”, số 39).

Thật ra, nguyên trong tư cách là con người, các ứng viên chức linh mục và các linh mục đã có đủ lý do để quan tâm đào tạo mình về mặt tri thức. Ai cũng rõ con người khác con vật ở chỗ có hiểu biết, và vì thế, thật khó hình dung một con người trưởng thành lại là một sinh vật chỉ biết hành động theo bản năng và hoàn toàn máy móc. Huống nữa là muốn trở thành một con người không chỉ làm chủ bản thân mình mà còn cả hoàn cảnh và thế giới chung quanh. Phụ họa cho điều này hiện nay còn có tiếng nói của biết bao khoa học nhân văn và xã hội, xác nhận tầm quan trọng không thể thiếu của “văn hóa”, cũng là sự hiểu biết để đi đến hành động làm cho con người và các sinh hoạt con người ngày càng “đẹp” hơn, ngày càng khác với những gì diễn ra theo bản năng tự nhiên và xứng với phẩm giá con người hơn, giả thiết một sự hiểu biết ngày càng sâu sắc và rộng rãi hơn.

2) Đào tạo tri thức thế nào?

Người ta vẫn thường chia việc đào tạo tri thức hay học hành của các ứng viên chức linh mục thành hai phần hay hai giai đoạn : đào tạo khả năng triết học và đào tạo khả năng thần học. Nên lưu ý không phải đào tạo bằng cách cung cấp kiến thức triết học và thần học, mặc dù đó là khâu căn bản và trước hết, mà còn làm sao cho các ứng viên chức linh mục và quan trọng hơn, chính các linh mục có khả năng vận dụng các kiến thức ấy vào các mặt của đời sống (nhân bản, tâm linh và mục vụ), hay khả năng “làm” triết học và thần học (phân tích, mổ xẻ hay trình bày, giảng giải hoặc triển khai, áp dụng đều là những hình thức “làm” triết học và thần học).

Ở đây, tông huấn không diễn tả tương quan giữa triết học và thần học bằng công thức cũ “triết học là đày tớ của thần học” (‘philosophia theologiae ancilla’), đã có thời gian khiến người ta coi việc học tập triết học chỉ là sự chuẩn bị không hơn không kém cho việc học thần học, thậm chí khi cần, có thể bỏ qua hay rút ngắn tối đa, như chỉ học một số ngữ vựng hay khái niệm triết học mà sinh viên có thể gặp lại trong thần học. Nhưng học triết chính là tập nhìn ra và hướng đến những cách giải quyết tương quan giữa các vấn đề lớn của triết học với các mầu nhiệm cứu độ. Quan trọng hơn nữa, học triết còn là tập làm quen với việc đi tìm những sự thật phổ quát và bền vững, đồng thời tập làm quen đối thoại với những người không cùng đức tin hay không có niềm tin tôn giáo ngay chính trên thửa đất chung của nhân loại, tức là lý trí con người – một điều rất quan trọng trong thế giới đề cao chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa dửng dưng với tôn giáo và chủ nghĩa duy thế tục. Học triết còn là chứng tỏ các sự dấn thân tông đồ của người linh mục nói riêng hay của mọi kitô hữu nói chung không phải là những quyết định hoàn toàn do tình cảm cá nhân hay do bị “xách động” bởi một ý thức hệ nào đó, mà là kết quả của sự kết hợp giữa hy sinh tự nguyện của cá nhân và các sự thật khách quan.

Vì thế, thái độ căn bản, không chỉ riêng cho các người học triết mà cả cho bất cứ ai đang tìm hiểu thần học, không chỉ riêng cho những người làm triết học mà cho cả những ai đang làm thần học – kể cả theo nghĩa đơn giản nhất như để tìm cách giải thích hay trình bày đức tin –chính là yêu mến sự thật. Chính vì yêu mến sự thật – nhất là những sự thật có liên quan nhiều hơn đến sự cứu độ con người – mà các ứng viên chức linh mục và các linh mục chẳng những không bao giờ chấp nhận sự dối trá mà còn không bắt tay thỏa hiệp với một sự thật lưng chừng. Nhiều người cứ mượn cớ là có quá nhiều bận tâm mục vụ để không sẵn sàng dành thời giờ tìm hiểu kỹ giáo lý hay lời Chúa hoặc các vấn đề con người, hay mượn cớ là đối tượng phục vụ của mình là những giáo dân kém cỏi để cho phép mình hạ thấp các đòi hỏi của giáo lý, giản lược lời Chúa và tầm thường hóa các vấn đề của con người. Một cách sâu xa, mỗi lần làm thế là mỗi lần chúng ta thú nhận mình chưa thực sự yêu chân lý, quên rằng Đức Kitô là “sự thật, đường đi và sự sống” và vì thế, coi thường các sự thật liên quan đến Ngài cũng chính là coi thường Ngài. Thật ra, kinh nghiệm cho thấy càng nắm được cốt lõi của các sự thật đức tin, càng dễ trình bày và hướng dẫn người khác.

Một điều cũng cần lưu ý là sự thật đầy đủ mà chúng ta tìm kiếm không bao giờ dừng lại với trí khôn con người và thế giới con người, mà phải nhờ đến đức tin và đi vào thế giới của Thiên Chúa nữa : phải tìm xem Thiên Chúa qua mặc khải đã nhìn nhận vấn đề ấy thế nào nữa vì Ngài là Đấng tạo dựng ra tất cả và là nghĩa lý cuối cùng của mọi sự. Thế nên, học triết chưa đủ ; nó còn đòi chúng ta đi xa hơn bằng cách tìm hiểu thần học. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng thần học là thế giới của mầu nhiệm và từ đó, tự cho phép mình dừng lại với những tìm hiểu tối thiểu của lý trí và khoán phần còn lại cho mầu nhiệm và đức tin. Không, cả trong thần học hay cả trong việc tìm hiểu các mầu nhiệm của Chúa, chúng ta vẫn tiếp tục thái độ căn bản là yêu mến sự thật, nhưng bây giờ là yêu mến sự thật được nhìn một cách đầy đủ nhất với cái nhìn của Thiên Chúa, được lĩnh hội vừa bằng lý trí vừa bằng đức tin.

Khi tìm cách canh tân phụng vụ, nhất là phụng vụ thánh lễ, các nhà phụng vụ nhấn mạnh phải đặt phụng vụ trong tương quan với đời sống người kitô hữu hôm nay để phụng vụ có thể ảnh hưởng tới đời sống thực tế của họ vừa đón nhận những yêu cầu chính đáng của đời sống ấy. Thánh lễ có thể đem lại nhiều ảnh hưởng tốt cho đời sống con người như giúp con người ý thức trật tự và sống đúng trật tự trong đời sống cụ thể (trong thánh lễ, mỗi người đều có vai trò của mình tùy theo tư cách của mình là linh mục chủ tế hay là giáo dân tham dự phụng vụ theo những vai trò khác nhau) hay giúp con người biết định mệnh cuối cùng của mình và của thụ tạo vật chất (trong thánh lễ người ta biết được định mệnh cuối cùng của lương thực là không chỉ nuôi sống con người mà trở thành phương tiện cho người kết hợp với thân mình Chúa Kitô)… Nhưng thánh lễ cũng phải đón nhận những bận tâm vừa quan trọng vừa chính đáng của con người hôm nay để thích nghi như con người hôm nay khó chấp nhận sự huyền bí hay ma thuật (đừng đổ lỗi cho những gì khó hiểu là mầu nhiệm để bắt buộc tin mà không tìm cách soi sáng thêm chút nào nhờ ánh sáng của lý trí) để xem lại việc sử dụng các vật dụng, cử điệu, lời nói, hành động… trong thánh lễ, nhất là khi giảng giải lời Chúa, linh mục nên bớt “giáo điều” nặng tính áp đặt hay dùng quá nhiều ngôn ngữ khoa trương của loại hình tuyên truyền. Tất cả những yêu cầu này khó lòng đạt được, khi linh mục không có đủ sự hiểu biết thần học và triết học cần thiết.

Quả thật, đường tu đức cũng như hoạt động mục vụ của các linh mục không thể tiến hành ngày càng gần với yêu cầu của tông huấn, nếu các linh mục không có sự đầu tư thích đáng vào đó, mà trước hết là đầu tư học hỏi và hiểu biết. Thánh Tôma Aquinô đã giải tỏa sự lo sợ của nhiều người cho rằng quan tâm học hành quá có thể dẫn người ta xa rời thực tế tu đức và mục vụ. Theo thánh nhân, đức tin Kitô Giáo chính là nguyên tắc hành động thường xuyên và căn bản (tiếng la-tinh gọi là ‘habitus’) của thần học. Nói rõ hơn, thần học bao giờ cũng phải khởi sự từ lòng tin của người làm thần học (đã tin rồi mới suy tư về đức tin) và kết thúc bằng việc tăng cường lòng tin của người ấy và những người khác (suy tư về đức tin để giúp mình thêm lòng tin). Nếu vậy, người làm thần học không phải chỉ là người suy tư và biên tập bằng trí khôn, trang giấy và cây viết, mà là người tìm cách gặp gỡ Đức Kitô trong Giáo Hội và gặp gỡ Ngài ngày càng sâu đậm hơn. Làm thần học là một cách để cho đích thân mình gặp gỡ Đức Kitô trong Giáo Hội. Nhờ suy tư về những gì Đức Kitô mặc khải và Giáo Hội truyền đạt, người tín hữu sẽ thêm gắn bó với Đức Kitô và Giáo Hội. Ngược lại, nhờ gắn bó với Đức Kitô và Giáo Hội, người tín hữu sẽ hiểu rõ hơn những gì Đức Kitô mặc khải và Giáo Hội lưu truyền. Như thế, học và làm thần học chẳng những không làm chúng ta xa cách Đức Kitô và Giáo Hội, mà còn thêm gắn bó với Đức Kitô và Giáo Hội. Thánh Bonaventura đã lưu ý : “Đừng để ai nghĩ rằng cứ đọc sách là đủ khi người ấy chưa có lòng mến hay cứ suy tư là đủ khi người ấy chưa biết thế nào là niềm vui thiêng liêng, hoặc cứ hoạt động là đủ khi người ấy chưa có lòng đạo, cứ hiểu biết là đủ khi người ấy chưa có đức bác ái, cứ lĩnh hội là đủ khi người ấy chưa biết khiêm tốn, cứ học hành là đủ khi người ấy chưa được ban ân sủng Chúa, cứ biết mình là đủ khi người ấy chưa có sự khôn ngoan do Chúa phú ban” (trích lại trong PDV số 53).

Muốn đạt được hiệu quả vừa nói trong khi học và làm thần học, các ứng viên chức linh mục và các linh mục cần học và làm thế nào cho những hiểu biết thần học của mình có sự hoàn bị và thống nhất, không bỏ một chân lý nào nhưng cũng không ôm đồm tất cả một cách thiếu trật tự. Hiện nay, người ta có thể xây dựng những hiểu biết thần học của mình theo một trong hai hướng:

Hướng thứ nhất là bắt đầu từ việc nghiên cứu Thánh Kinh, tìm hiểu các giáo phụ đã tiếp nhận Thánh Kinh thế nào, Giáo Hội đã vận dụng vào phụng vụ ra sao, đã triển khai thế nào qua dòng lịch sử Giáo Hội và qua việc giảng dạy của Huấn Quyền;

Hướng thứ hai là bắt đầu từ việc con người được mời gọi tin theo đức tin Kitô Giáo, sống đức tin ấy và truyền đạt đức tin ấy cho người khác thế nào bằng cách nghiên cứu thần học tín lý (tin), rồi thần học luân lý (sống), thần học tu đức (sống), giáo luật (tổ chức sống) và thần học mục vụ (truyền đạt).

Ngoài ra, còn cần phải lưu ý mấy vấn đề sau trong lúc học và làm thần học như : được phép tranh luận thần học về các tuyên bố của Huấn Quyền tới mức nào, làm sao dung hòa nhu cầu nâng cao trình độ thần học tại chủng viện hay học viện với nhu cầu mục vụ địa phương, phải thực hiện việc phúc âm hóa các nền văn hóa và đưa thông điệp đức tin hội nhập các nền văn hóa thế nào… Các vấn đề này được giải quyết phần nào trong Chương Trình Đào Tạo Căn Bản tại các cơ sở đào tạo linh mục (‘Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis’) do Ủy Ban đặc trách linh mục và chủng sinh của HĐGM mỗi nước soạn thảo và thông qua, dựa theo Ratio chung do Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đề xuất, đồng thời cũng đã được Thánh Bộ chấp thuận cho áp dụng (cf. PDV số 55 và 56).

3) Hiệp thông với Giáo Hội bằng cách nào?

Cụm từ mà thánh Inhã rất thích dùng khi nhắc tới quan hệ của người kitô hữu với Giáo Hội là đồng cảm với Giáo Hội (‘sentire cum Ecclesia’). Ngày ấy cũng như hôm nay, khi nói tới sự đồng cảm với Giáo Hội, người ta nghĩ ngay tới sự kiện có chung thao thức và tâm tình với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu. Vui niềm vui của Giáo Hội, buồn nỗi buồn của Giáo Hội, bận tâm và thao thức cùng với Giáo Hội. Linh mục là người của Giáo Hội từ đầu đến chân, từ khi được Giáo Hội nhận vào làm phần tử Giáo Hội qua bí tích thánh tẩy, được Giáo Hội nuôi dưỡng và trợ giúp qua các bí tích và giáo lý, nhất là được Giáo Hội kêu gọi, đào tạo, tuyển chọn và cắt đặt cách riêng như người của Giáo Hội, thậm chí nuôi dưỡng bằng những trợ cấp đặc biệt và nếu cần, bào chữa và bồi thường thay cho, như trong trường hợp các linh mục bị truy tố về tội lạm dụng tình dục trẻ em chẳng hạn. Chính vì thế, linh mục không thể không liên kết với Giáo Hội.

Nhưng có một mặt trận Giáo Hội muốn linh mục quan tâm đặc biệt khi liên kết với Giáo Hội, đó là hiểu biết để thi hành đúng những giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến đức tin và đời sống của Giáo Hội. Có thể có rất ít linh mục cắt đứt liên hệ với Giáo Hội khi tự ý hồi tục hay thực hiện những hành vi sai trái làm nhơ danh Giáo Hội. Nhưng có thể có khá nhiều linh mục đã cản trở sức sống và sự phát triển Giáo Hội, khi chẳng những không thi hành và thi hành sai mà tệ hơn, không hiểu và không biết cả những quan điểm của Giáo Hội trước các vấn đề lớn chẳng hạn. Ở đây, chúng ta thấy rõ học hiểu để nắm bắt quan điểm trước khi trình bày sự việc hay giải quyết sự việc cho đúng ý Giáo Hội quan trọng không kém việc mở mang nước Chúa, xây dựng giáo điểm, kiến thiết giáo đường, gầy dựng các phong trào, tổ chức các đoàn thể… Nói thế cũng là nhắc tới bổn phận cập nhật hóa hiểu biết các giáo huấn của Giáo Hội qua các khóa thường huấn linh mục và qua bổn phận tự đào tạo chính mình của các linh mục. Các nhà thông tin và thuyết minh về các sự kiện và các văn kiện Giáo Hội cần trung thực và cần mẫn nắm bắt sự thật để truyền đạt lại cho người khác. Nói tới đây, chúng ta không thể không hối tiếc rằng có nhiều văn kiện Tòa Thánh chưa được lĩnh hội và phiên dịch thấu đáo, ngăn cản nhiều linh mục và nhiều kitô hữu khám phá được những tinh hoa trong giáo huấn Giáo Hội, không những làm mất đi sự hứng thú học hỏi các văn kiện mà còn nuôi thành kiến về sự khô khan, trừu tượng, thậm chí vô bổ của chúng. Chẳng hạn các văn kiện giáo hoàng liên quan đến các vấn đề xã hội có thể đóng góp rất nhiều cho các linh mục biết chắc quan điểm chính thức của Giáo Hội Công Giáo về các vấn đề ấy và định hướng các hành động của mình và con chiên, đồng thời giúp phê phán các quan điểm khác đang hiện hành tại địa phương mình… Có lẽ chúng ta cũng nên đọc lời nhắn nhủ của thánh Phêrô sau đây theo chiều hướng này : “Đức Ki tô là Đấng Thánh làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn anh em về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1P 3,15). Đó chính là một sự giải thích đúng đắn chỉ thị của Đức Giêsu với các môn đệ ngày xưa : “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì : thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (nhưng là nói qua hiểu biết đã được dạy dỗ, học tập và soi sáng bởi đức tin) (Mt 10,19-20), nhất là nếu liên hệ với chính những bài giáo lý và biện hộ của chính Đức Giêsu về giáo lý của mình.

Lm. Đặng Xuân Thành.

Giám học Đại Chủng Viện

Thánh Giuse Hà Nội

Top