Lễ Đức Mẹ Mân Côi và trận hải chiến Lépante
TGPSG / Aleteia -- Khi thành Rôma cùng với toàn thể châu Âu kitô giáo bị người Ốttôman đe dọa xâm chiếm vào năm 1571, thủ đô công giáo toàn cầu lúc ấy chỉ còn một vũ khí duy nhất: tràng hạt Mân Côi. Lépante sẽ là trận chiến thắng ngoạn mục nhất vượt trên mọi kỳ vọng.
Từ hơn 5 thế kỷ nay, Giáo hội long trọng mững lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7-10. Nhưng bạn có biết rằng ngày lễ này, một trong những lễ kính Đức Mẹ quan trọng nhất, đã được Đức Giáo hoàng Piô V lập ra để cảm tạ vì một chiến thắng bất ngờ của Kitô hữu chống lại cuộc xâm lăng của người Thổ?
"Điều gì các con xin bằng tràng hạt Mân Côi, các con sẽ nhận được."
Đây là một trong 15 lời hứa mà Đức Mẹ đã nói với thánh Đa Minh khi bày tỏ cho Thánh nhân việc lần hạt với 15 mầu nhiệm hân hoan (Vui), đau đớn (Thương) và vinh quang (Mừng) để suy gẫm những giai đoạn đánh dấu cuộc đời Mẹ và Con của Mẹ.
Nếu lần hạt cho đúng thì thời gian đọc kinh này sẽ khá dài, từ một đến một giờ rưỡi, điều này cho thấy phải có cố gắng thật sự và thật lòng mong muốn tôn kính Đức Mẹ. Làm điều đó mỗi ngày không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi phải hy sinh thời gian, thú vui, thú chơi, giải trí... Chính vì vậy, Thiên Chúa sẽ tỏ ra hào phóng đối với những ai sùng kính lần hạt Mân Côi. Việc lần hạt đã nằm trong chương trình cầu nguyện và đền tội mà Đức Mẹ không ngớt khuyên răn loài người thực hiện mỗi lần Mẹ hiện ra trong nhiều thế kỷ nay.
Những ơn riêng nhận được từ việc lần hạt Mân Côi thì nhiều vô số kể; nhưng cũng đã từng xảy ra khá thường xuyên trong lịch sử, khi kinh Mân Côi được cả một quốc gia, một cộng đồng kitô hữu cùng đọc lúc gặp tình thế nguy cấp, thì tình thế vô vọng ấy lại sẽ được đảo ngược cách bất ngờ như một phép lạ vượt trên mọi kỳ vọng của con người.
Hội Thánh cũng đã luôn tôn vinh những chiến thắng - về quân sự hay chính trị của người công giáo - đạt được nhờ dùng đến thứ vũ khí hữu hiệu nhất từng được trao vào tay chúng ta: kinh Mân Côi. Chiến thắng bất khả thi ở Lépante là một ví dụ nổi tiếng nhất.
Cuộc bao vây của người Ốttôman
Kể từ tháng 5-1453, sau khi chiếm được Constantinople, đồng thời kiểm soát eo biển Bosphorus, người Ốttôman đã làm chủ toàn vùng phía Đông Địa Trung Hải. Một thế kỷ sau, cho rằng chiếm đóng như vậy vẫn chưa đủ, họ còn mơ ước chinh phục luôn toàn bộ lưu vực Địa Trung hải và biển Adriatique, để cuối cùng là một chiến thắng toàn diện và chung cuộc trên Tây Âu kitô giáo mà họ sẽ buộc cải sang đạo Hồi.
Vua Thổ Nhĩ Kỳ đã nghĩ đến hình ảnh lá cờ màu xanh của Nhà Đại Tiên Tri tung bay trên thành Rôma và ngay sau đó là trên toàn thể những thành phố kitô giáo. Ước mơ này, ông ta chắc mẩm sẽ thực hiện được và lại càng dễ dàng hơn khi những lãnh chúa Kitô giáo, Công giáo, Chính thống giáo, và bắt đầu có cả Tin lành cho thấy không thể đồng thuận và đoàn kết được với nhau, ngay cả khi đối diện với một mối nguy chung rất rõ ràng mỗi ngày một tăng.
Đã nhiều lần, trước cả khi đế chế Byzantin sụp đổ, rồi đến "ly giáo của người Hy Lạp", tông tòa Roma đã lên tiếng kêu gọi cuộc thập tự chinh mới; và kể cả nữ thánh Jeanne d'Arc cũng đã kêu gọi như thế vào thời của bà. Nhưng đều vô hiệu. Người Pháp, người Anh, người Tây Ban Nha, người Đức và những người khác, các lãnh chúa, các hoàng đế, các ông vua đã được rửa tội – tất cả đều quan tâm đến chuyện khác hơn là làm hòa với nhau hầu chống lại mối đe dọa từ người Thổ. Ai cũng đề phòng người láng giềng, hơn là đề phòng vua Thổ lúc đó hãy còn xa vời, và cứ làm theo ý mình, nghĩa là trang bị chống lại những mưu thâm mà các lãnh chúa kitô giáo dành cho nhau không chút xấu hổ. Trong cuộc chiến với vua Charles Quint, để bảo toàn nước Pháp, bị vây quanh bởi lãnh thổ nhà Habsbourg, vua Pháp François I đã không ngần ngại ký hiệp ước liên minh với người Thổ, trước sự kinh hãi của tông tòa Rôma; sự lựa chọn này có thể được biện minh về mặt chính trị và chiến lược, nhưng khó chấp nhận được về mặt đạo đức...
Chỉ có một mình Đức Giáo hoàng ý thức được hiểm họa, nên cũng chỉ có mình ngài tìm cách ngăn ngừa nó.
Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi quân Ốttôman thắng hết trận này đến trận khác vì trước mặt họ không hề có một mặt trận chung và một ý chí thống nhất nào. Vì người Ốttôman đã làm chủ Bắc Phi, nên tàu chiến Thổ và tàu chiến Ả rập ngày càng tiến sát bờ biển châu Âu, đánh chiếm những tàu buôn lẻ loi, biến thủy thủ đoàn thành nô lệ; rồi ngày càng lộng hành, họ bắt đầu cướp phá duyên hải Ý, đảo Sardaigne, đảo Corse, duyên hải Tây Ban Nha, duyên hải Provence của Pháp, bắt cóc phụ nữ trẻ em đem bán ở các chợ nô lệ và buộc cải sang đạo Hồi. Chiếm đóng Rôma đã được xem là mục tiêu khả thi.
Chỉ có một mình Đức Giáo hoàng Piô V...
Nhưng tính toán như thế là đã quên mất Đức Giáo hoàng Piô V, kế vị Thánh Phêrô vào năm 1566, cũng là vị tu sĩ Đa Minh Michele Ghislieri rất sùng kính Đức Mẹ.
Từ khi được bầu chọn, Đức Thánh Cha phải đối mặt với những công trình khổng lồ dang dở mà lại không có nhiều bạn ở giáo triều La Mã; ngài khiến người ta lo ngại vì những ý tưởng canh tân, chống lại nạn mại thánh, gia đình trị và những thói hư tật xấu của giới tu sĩ; ngài càng ngày càng lo lắng trước bước tiến của Hồi giáo hướng về châu Âu. Năm 1570, người Thổ chiếm được đảo Síp và việc mất hòn đảo này - một cứ điểm chiến lược của kitô giáo trong vùng - kéo theo việc mất luôn Candie, Zante, Céphalonie, mở toang cánh cửa cho người Hồi tiến vào biển Adriatique và vùng Ban-căng; kiểm soát được vùng này sẽ cho phép người Thổ chiếm lại đất kitô giáo đồng thời đe dọa Budapest và Vienne.
Xem ra không có ai có khả năng ngăn bước chân họ, vì thiếu phương tiện một phần nhưng chủ yếu là vì thiếu ý chí. Các lãnh chúa kitô giáo chỉ quan tâm đến những điều khác. Hốt hoảng trước sự mù quáng như vậy, Đức Giáo hoàng đã phải rụng rời trước điều hiển nhiên ấy. Chỉ còn một mình Đức Giáo hoàng ý thức được hiểm họa, nên cũng chỉ có một mình ngài tìm cách ngăn ngừa nó.
Đức Piô V phát động một chiến dịch ngoại giao rộng lớn, viết thư cho các lãnh chúa xứ Venise và xứ Gênoa - hai thế lực hàng hải đối nghịch không thể hòa giải, gửi thư cho người Florence, cho vua Tây ban nha Philippe II, cho vua Pháp Charles IX, cho sa hoàng Nga Ivan IV, cho vua Ba Lan Sigismond II, van nài họ liên minh chống lại kẻ thù chung và tái khởi động cuộc thập tự chinh mới. Suốt 3 thế kỷ cho đến lúc bấy giờ, mọi nỗ lực như thế của các vị tiền nhiệm của ngài đều đã thất bại...
Hạm đội công giáo xuất trận
Tuy nhiên, trái với mọi dự kiến (ngoại trừ nước Pháp, đang bị ràng buộc bởi hiệp ước với Ottoman, bởi cuộc nội chiến Tin Lành - Công giáo, và bởi sự nghi ngại có cơ sở đối với vua Philippe II), lần này rất đông lãnh chúa đã đáp lại lời kêu gọi và bắt đầu gởi quân đến.
Nòng cốt của lực lượng này có 36 ngàn quân và 230 chiến thuyền, gồm những người Ý (nhất là người Venise) và Tây Ban Nha.
Đức Piô V những tưởng đã trao quyền chỉ huy lực lượng này cho em trai của vua Charles IX là công tước xứ Anjou - vua Henri III tương lai, có những phẩm chất cầm quân và có đức tin công giáo vững chắc. Nhưng hoàng hậu Catherine de Medicis - người đang điều khiển cả vương quốc Pháp trong bóng tối của triều đại của vua Charles IX - đã không thể để cho hoàng tử con cưng của mình ra đi trong lúc nước Pháp đang chìm trong khó khăn.
Đức Piô V đành phải đặt vào vị trí này một người Tây Ban Nha, em ngoài giá thú của vua Philippe II, là Don Juan xứ Áo 24 tuổi, có sự can đảm như nhân vật Le Cid.
Hạm đội này khởi hành từ Italia đầu tháng 8 năm 1571, trong bầu không khí đặc biệt căng thẳng: người ta vừa hay tin cứ điểm kitô giáo cuối cùng trên đảo Síp là Famagouste - nơi đã kháng cự quân Thổ bao vây từ gần một năm nay - đã thất thủ và toàn bộ quân phòng thủ bị tàn sát. Thật là một điềm báo không hay...
Ý thức rằng cần phải có một đạo quân toàn các vị thánh để đối mặt với quân vô đạo, Đức Piô V có lẽ đã muốn áp dụng một kỷ luật gần như dòng tu trên hạm đội kitô giáo.
Các sĩ quan chỉ huy cho ngài thấy là không nên đòi hỏi quá nhiều ở những kẻ cứng cỏi và không bảo đảm về đạo đức. Do đó, vì không thể khiến quân võ biền thực hiện việc đạo đức, Đức Giáo hoàng – cũng là một tu sĩ Đa Minh tốt lành, tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của Đức Mẹ với thánh Đa Minh - bèn mời gọi toàn thể người Công giáo mỗi ngày lần hạt Mân Côi để cầu cho đội quân Kitô giáo chiến thắng, chấm dứt mối đe dọa của quân Hồi. Một làn sóng cầu nguyện mãnh liệt lan ra khắp châu Âu.
Chiến thắng toàn diện
Trong lúc đó, quân của hoàng đế Sélim II vẫn đang say men chiến thắng Famagouste và tận hưởng một kỳ nghỉ xứng đáng. Chẳng có ai để ý đến sự xuất hiện của một hạm đội liên minh công giáo, nhất là khi biết việc đồng thuận giữa các lãnh chúa kitô giáo là bất khả thi. Đến lúc đoàn tàu chiến của Don Juan xứ Áo với các thuyền chèo to lớn hiện ra ở eo biển Côrintô, phong tỏa mọi đường rút vào ngày 7-10-1571, quân địch đã bị bất ngờ và do quân số ít hơn nên không thể đối đầu được.
Đã bất lợi như thế, đoàn quân Ốttôman lại gặp phải một lúc gió lặng bất ngờ khiến đoàn tàu của họ không thể triển khai đội hình. Bị tan nát dưới những quả đạn nặng ký của pháo thần công trên các tàu chèo xứ Venise, tàu chiến của họ cháy ngùn ngụt và chìm lỉm trong vài phút.
Từ hầm tàu, các tay chèo tù khổ sai kitô hữu bứt bỏ xiềng xích, xuất hiện, la hét vui mừng và hợp lực với quân giải phóng họ, nhào vào quân Thổ; những quân lính Thổ nhảy xuống biển bơi vào bờ đều bị người Hy Lạp tàn sát. 30.000 quân Hồi bỏ mạng trong trận đánh. Chỉ có sự can thiệp nghiêm ngặt của các sĩ quan thuộc binh đội giáo hoàng mới ngăn được việc kết liễu lính địch bị thương và tù binh. Chiến thắng thật là oanh liệt.
Cùng lúc đó tại Rôma, Đức Piô V, đang chủ trì một cuộc họp, bỗng đứng bật dậy, tiến về phía cửa sổ, đứng trầm ngâm suy tưởng một lúc và quay lại hô lên lời tạ ơn, vì chiến thắng là toàn diện. Ngài vừa có thị kiến về sự phá hủy hạm đội địch trong từng chi tiết, mà những người giao liên đầu tiên sẽ xác nhận là đúng từng điểm một. Ngay vào năm sau đó, ngày 7 tháng 10 đã được ấn định là ngày lễ Nữ Vương Chiến Thắng, rồi sau đó trở thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.
bài liên quan mới nhất
- Nét đẹp của giờ kinh Mân côi
-
Bảy loài hoa trong Ca vãn cổ truyền dâng hoa Đức Bà -
Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 - Đón nhận tính dễ bị tổn thương -
Đức Mẹ Hồn xác lên Trời -
Đức Trinh Nữ Maria có giọng nói như thế nào ? -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 10 - Nhận biết những nhu cầu -
Cầu nguyện với Nữ Vương Hòa Bình tại Sài Gòn -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 09 - Được người cao niên chúc phúc -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 08 - Suy đi nghĩ lại trong lòng
bài liên quan đọc nhiều
- Mười cách để nhận biết Đức Maria là Mẹ của chúng ta
-
Đức Mẹ sông Mê-Kông: Hương thơm đồn xa -
Niềm Vui Cùng Mẹ Maria đón mừng Chúa Giáng Sinh -
Đức Mẹ hồn xác lên trời & Đức Mẹ ngủ -
Hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu -
“Hãy để Mẹ ngủ” là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích -
Ngày Đức Mẹ hiện ra ở Mỹ -
Mẹ Maria dạy ta cách cầu nguyện -
Tràng Chuỗi Mân Côi của Má -
Đọc kinh Mân Côi liên gia, nối kết tình nghĩa gia đình, bà con lối xóm