“Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến ngôi nhà Chúa ngự”
TGPSG -- Vào ngày 13-05-2025 vừa qua, nhà thờ Hòa Hưng mừng kỷ niệm 33 năm cung hiến. Hôm ấy, trong các thánh lễ, Linh mục (Lm) chánh xứ Gioan Baotixita Vũ Mạnh Hùng đều nói những lời tri ân các vị chủ chăn đã coi sóc giáo xứ qua các thời kỳ, các tu sĩ, các ân nhân. Thế nhưng, ngài còn nhấn mạnh thêm: “Chúng ta không thể quên được những người làm việc âm thầm, hy sinh vất vả, để cho ngôi thánh đường được sạch, đẹp, những người gìn giữ trông coi nhà thờ”. Trong những con người âm thầm ngày đêm lo gìn giữ ngôi nhà thờ bằng vật chất. Xin kể câu chuyện cuộc đời anh Giuse Nguyễn Tiến Thơm, hiện nay anh là “bảo vệ” nhà thờ Hòa Hưng. Anh đã tâm sự về niềm vui được ở trong nhà Chúa.
-
Không phải là “siêu anh hùng” nhưng là một con người siêng năng làm việc
Nói về anh Thơm, trước tiên xin được mượn từ của một em sinh viên lưu xá Hòa Hưng phát biểu trong Thánh lễ tri ân các linh mục, nữ tu, các phụ huynh và tất cả mọi người: “Chú Thơm là một “siêu anh hùng” của chúng con, bất cứ việc gì cần cũng có chú trợ giúp ra tay. Chú Thơm luôn tận tình mở cửa, canh cửa cho chúng con.”
Khi hỏi một bạn sinh viên lưu xá: “Tại sao em gọi chú Thơm là một “siêu anh hùng?” Bạn ấy chia sẻ: “Vì chúng con mùa hè hay về quê thăm gia đình, khi lên lại Sài Gòn về lưu xá, có khi vào đêm khuya, lúc 1g-2g gọi chú Thơm, chú sẵn sàng mở cổng ngay mà không phàn nàn gì. Ai cũng hiểu, một bạn nữ đêm hôm khuya khoắt như thế mà đứng ngoài đường thì thật nguy hiểm”
“Siêu anh hùng” là thế. Anh Thơm chỉ làm việc bổn phận một cách nhiệt tình chu đáo. Ngoài trách nhiệm ngày đêm trông coi nhà thờ, các ông trong Hội Đồng giáo xứ, các sơ, các đoàn thể nhờ việc gì anh đều lăn xả làm ngay, anh không để mình có giây phút nào rảnh rỗi, không chỉ dừng lại ở việc mở cửa, đóng cửa, canh gác nhà thờ.
Giáo xứ Hòa Hưng có lưu xá cho các bạn nữ sinh viên ở do các nữ tu Dòng Đức Bà Phù Hộ điều hành. Cho nên việc ra vào, đi lại của các em cũng có nhiều giờ giấc, giờ đi học của mỗi em khác nhau, nhưng với anh Thơm, ngày cũng như đêm mở cổng không nề hà, không bao giở tỏ ra mệt mỏi than vãn với ai.
Nói theo Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được những điều tuyệt vời. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao.”
Hơn nữa, Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu còn nhắc chúng ta: “Làm mọi việc nhỏ như; nhặt một cọng rác, quét sân, giặt giũ quần áo với một tình yêu lớn”. Chị Thánh Têrêsa không phải là người khỏe mạnh nên mọi việc làm của chị xem ra rất nhẹ nhàng. Chị Thánh qua đời ở tuổi trẻ, mới có 24 tuổi. Khi qua đời, người ta còn không biết viết tiểu sử của chị như thế nào, cuộc đời chẳng có gì nổi trội để viết. Thế nhưng Thánh nữ Têrêsa sau này lại là một vị thánh lớn trong Giáo Hội, có một nền linh đạo nên thánh rất độc đáo, nên thánh bằng con đường thơ bé thiêng liêng.
Có thể nói, anh Thơm không là “siêu anh hùng” theo kiểu can đảm, có một sức khỏe mạnh mẽ, thân hình vạm vỡ to lớn, nhưng là con người cẩn thận, chu đáo và nhờ đó anh được mọi người quý mến.
Thậm chí anh là người nhỏ bé, hơi thấp, mắt anh thời gian trước đã mổ nên chẳng tinh nhanh bằng ai. Anh có nụ cười móm mém, một cuộc sống thật an yên vì luôn hạnh phúc với công việc nhà thờ.
Được biết, giáo xứ Hòa Hưng có 2 người trông coi nhà thờ. Mỗi người trọn một ngày 24 tiếng, sáng 6giờ30 hằng ngày đổi ca cho người khác. Những ngày anh “xuống ca”, hay những ngày anh đang coi nhà thờ tôi thấy cũng như nhau, lúc nào cũng bận rộn, lúc thì tưới cây, thay nước hồ cá, chạy lên chạy xuống từ lầu 1 đến lầu 5 với nhiều việc lặt vặt, di chuyển các chậu cây cảnh, dọn dẹp cho các nữ tu cắm hoa, khiêng vác các đồ vật, coi xe cho bà con giáo dân đi dự lễ ngày thường, học giáo lý, các hội đoàn sinh hoạt, hội họp, tập hát, tập múa …
Ngoài những hội đoàn sinh hoạt, các giờ cử hành phụng vụ, nhà thờ còn có nước cho người dân xung quanh lấy về uống, sử dụng. Các bạn sinh viên bên lưu xá ra vào đi học liên tục.
Chỉ cần ngồi một buổi tối bên phòng bảo vệ với anh Thơm, tôi thấy nhà xứ được sử dụng hết “công suất” và dĩ nhiên là công việc của anh Thơm không hề rảnh rang chút nào.
Các buổi tối trong tuần hội Legio Mariae chia ra họp, hội có trên 10 nhóm họp. Kế đến các lớp giáo lý dự tòng hôn nhân học, các hội đoàn họp định kỳ tuần hàng tháng, hàng tuần, có cả các đoàn thể cấp hạt họp…
Buổi trưa anh cũng không được nghỉ. Một lần ghé thăm anh vào 1g30 trưa, tôi hỏi: “Anh không ngủ à, khóa cổng lại, nằm nghỉ tí cho khỏe anh Thơm. Tôi đi về đây.” Anh nói ngay: “Nghỉ được tí thôi em ơi, lát nữa 1giờ30 nhóm Lòng Chúa thương xót đọc kinh, 3giờ Huynh Đoàn Đa Minh đọc kinh, còn nhà chầu Thánh Thể trên lầu 1 các sơ lên đọc kinh suốt ngày”
Nhận xét về công việc anh Thơm đang làm, Lm chánh xứ bộc bạch: “Mới đầu khi các ông trùm đưa anh Thơm ra trông coi nhà thờ, tôi cũng e ngại. Tôi biết anh ta không phải là người khỏe, cũng không lanh lẹ. Sợ anh làm không được. Một anh coi trước đây nhanh nhẹn lắm, rất tinh nhanh. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy anh Thơm làm việc được. Có lẽ Chúa cho anh cơ hội gần gũi với Chúa trong ngôi nhà thờ, qua việc trông coi. Anh Thơm bản tính hiền lành nên mọi chuyện cũng tốt đẹp, không có chuyện gì mất mát xảy ra trong nhà thờ”.
Thật vậy, trong cuộc sống luôn có những điều bình dị, những gì từ trái tim sẽ đến với trái tim. Anh Thơm là trường hợp như thế. Do đời sống tốt lành mà anh Thơm được tất cả mọi người đều quý mến. Ai trong giáo xứ đi đâu xa về cũng có quà dành cho anh. Anh không làm những gì to lớn vĩ đại, nhưng chỉ làm những công việc bổn phận với sự hy sinh, không ngại khó, không sợ bị mọi người “sai bảo”, suốt cả ngày, ai cũng có thể nhờ được anh việc này việc kia.
- Cuộc đời vất vả, nhưng đã gặp Chúa và tìm thấy niềm vui ở trong nhà Chúa.
Có dịp ngồi tâm tình với anh. Một lần tôi hỏi: “Anh làm ở nhà thờ cảm thấy thế nào?” Anh trả lời: “Vui chứ, được mọi người quý mến, được mọi thứ, sao tôi buồn được. Tôi thích làm việc ở lại nhà thờ, dù tiền bạc không bao nhiêu.”
Câu chuyện cuộc đời anh là câu chuyện của một người làm việc, làm bất cứ công việc gì để sống qua ngày. Anh mới theo đạo Công Giáo những năm gần đây thôi. Tuy anh lớn lên ở trong giáo xứ Hòa Hưng mấy chục năm, đi lại thân quen con đường Tô Hiến Thành-quận 10, bạn bè, những người hàng xóm của anh cũng là người Công Giáo.
Đi ngược lại thời gian những ngày xa xưa ấy, anh sinh năm 1966 trong một gia đình có tất cả 7 anh chị em, anh là con thứ 5. Hiện nay các anh chị em cũng bán nhà đi chỗ khác, không còn nhà ở đây nữa, mỗi người một nơi. Ngày nào không làm ở nhà thờ anh về ở nhà một người chị. Anh cũng góp một chút tiền thuê nhà hàng tháng cho chị. Vì với bản tính siêng năng chịu khó làm việc từ nhỏ, ở đâu anh cũng sống được. Cha mẹ mất sớm, anh mồ côi cả cha và mẹ năm 12 tuổi, nên phải biết tự lo hết mọi trang trải cho cuộc sống. Mẹ anh mất năm ấy bà mới 49 tuổi.
Anh đã từng làm nghề phụ hồ, làm bún, đi theo các công trình, phụ các công việc như leo trèo, gắn cờ, quạt, đèn trang trí, kéo dây điện cho những sân khấu ca nhạc, tổ chức sự kiện, nói chung là ai thuê gì anh cũng làm…
Những tưởng cuộc sống anh cứ thanh bình và êm ả, tuy phải chịu nhiều vất vả lao đao. Nhưng Thiên Chúa có chương trình trên cuộc đời anh. Biến cố đã làm cho cuộc đời sang trang. Chúa gọi anh trở thành một người Kitô hữu từ biến cố ấy.
Vừa bước sang tuổi 50 vào năm 2016, mắt anh mờ dần, nhìn kém hơn, từ nhỏ anh đã cận thị nặng rồi, nay lại tệ hơn, bác sĩ chẩn đoán mắt anh bị đục thủy tinh thể. Thị giác kém đi hẳn, anh không thấy rõ, phải bỏ dở công việc hằng ngày để lo chữa trị. Một vấn đề lớn đặt ra: Tiền ở đâu ra để thuốc thang, khám bệnh, mổ xẻ? Đi làm ngày nào xào ngày ấy, với lại làm thuê làm mướn làm gì có dư dả để dành lo bệnh hoạn sau này.
Giữa lúc con người “bó tay” Chúa ra tay cứu anh. Đây là cơ hội giúp anh nhận ra có Đấng Siêu Việt đang hiện diện trong cuộc đời. Tình thương của Chúa thể hiện qua lòng tốt của con người. Anh được chữa trị mổ mắt là nhờ mọi người giúp đỡ, nhiều bạn bè, gia đình, nhất là những người bạn trong giáo xứ.
Sau biến cố đó, anh xin gia nhập đạo và được Rửa Tội vào năm 2020, anh tiếp tục đi làm. Thời điểm đại dịch Covid 19 xảy ra làm cho cuộc sống của nhiều người trong thành phố Sài Gòn khó khăn, anh Thơm và anh chị em của anh càng chật vật kiếm sống hơn, gia đình có người nhiễm bệnh, có người ra đi mãi mãi, nhà phải bán đi.
Từ khi trở thành một người Công Giáo, anh cảm thấy những khó khăn thiếu thốn tuy vẫn còn đó nhưng anh biết mình không đi một mình, cuộc đời vui hơn, không một minh đối diện với thử thách, nhưng luôn có những người trong đạo ở bên cạnh chia sẻ. Tuy anh là người độc thân, không có vợ con, sống với anh chị em chung một căn nhà, nhưng không cô đơn lẻ loi.
Tham gia hầu hết các đoàn thể như: Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, hội Legio Mariae, Huynh Đoàn Giáo dân Đaminh, ca đoàn, tất cả những anh chị em hội viên như đang ôm ấp vỗ về cuộc đời anh, họ như là những người bạn thân của anh.
Thế là thời gian trôi đi thật nhanh! Từ những ngày đầu lạ lẫm với thánh lễ và nhà thờ. Những năm trước chưa theo đạo, anh đã đi lễ chung với mọi người, và sau khi là con cái Chúa, anh lại càng gắn bó với nhà thờ. Và trong những năm qua anh nhận nhiệm vụ trông coi nhà thờ, lòng anh như được toại nguyện thỏa thích. Có những buổi sáng không phải ca làm của mình, anh cũng thức dậy sớm đi lễ 5g. Bình thường, nếu không phải coi nhà thờ, ngày nghỉ, người ta sẽ không lên nhà thờ nữa, tranh thủ ở nhà ngủ nghỉ cho đã, mai làm cả ngày rồi, song với anh Thơm: “Không được, tôi quen rồi, phải dậy sớm đi lễ, người thấy khỏe re à, có sao đâu.”
Hơn nữa, ngoài những ngày có nhiệm vụ trông coi nhà thờ, chúng ta còn thấy anh xách cặp đi họp hội đoàn, vào chỗ ca đoàn Phạt tạ Thánh Tâm hát lễ, rước kiệu Đức Mẹ đầu tháng lại thấy anh trong vai trò người đánh trống khởi kiệu, cằm cờ hội đoàn đi rước… nói chung là ở đâu, việc gì cũng đều có mặt anh Thơm.
Khi nhìn về cuộc đời anh không phải để ca ngợi, biểu dương, nhưng là một câu chuyện bình dị về một người tha thiết với nhà Chúa và tìm kiếm niềm vui trong phục vụ, làm việc vì lòng mến Chúa. Đời anh Thơm nhiều cực khổ, nhưng không bao giờ kêu ca than vãn, anh trở nên bạn của mọi người và qua đó anh cũng là chứng nhân của Tin Mừng Phục sinh hôm nay.
- Kết bài:
Những tâm tình của Linh mục GB Vũ Mạnh Hùng- chánh xứ Hòa Hưng giúp chúng ta cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, đây là ngôi nhà Chúa ngự, nhà nguyện cầu. Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp. Xin cho chúng con biết yêu mến ngôi nhà của Chúa. Và xin cho chúng con biết gìn giữ làm cho ngôi nhà Chúa đẹp hơn, nhưng còn biết làm cho ngôi nhà tâm hồn chúng con xứng đáng là Đền thờ của Chúa. Amen”
Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
bài liên quan mới nhất

- Ngăn ngừa kiệt sức nhờ một tập quán Công giáo cổ xưa
-
Yêu như Chúa yêu - Dù ai đó chưa hoàn hảo -
Bà cố âm thầm phục vụ -
Có Chúa Trong Đời: Hồng ân tình yêu -
Ba điều khiến người Công giáo đã yêu mến Đức Lêô XIV -
"Ngài đã có một tỷ số tuyệt vời" tại Mật nghị -
"Giám mục là một mục tử gần gũi với dân chúng, không phải là người quản lý" -
Chờ đợi khói Mật nghị bay lên trên bầu trời Rôma -
Món quà tặng Mẹ -
8 cử chỉ khổ hạnh và yêu thương người nghèo của Đức Giáo hoàng Phanxicô
bài liên quan đọc nhiều

- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
"Ngài đã có một tỷ số tuyệt vời" tại Mật nghị -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái