Lần đầu nuôi con nằm viện

Lần đầu nuôi con nằm viện

Lần đầu nuôi con nằm viện

TGPSG -- Thằng bé tự tay mở cái nắp trên dụng cụ truyền dịch, gần khu vực đốc kim, làm máu chảy tung tóe khiến tôi phát hoảng kêu y tá ầm ĩ, quên để ý những người bệnh xung quanh...

Những ngày qua, cậu con trai 22 tháng tuổi của vợ chồng tôi ho, nôn ói và tiêu chảy rất nhiều khiến vợ chồng tôi lo lắng phải đưa con đi bệnh viện kiểm tra. Những ngày này, cậu bé chẳng ăn được gì ngoài việc uống sữa. Vì con mập to hơn các bé cùng tháng tuổi nên hầu như bác sĩ nào cũng cảnh báo với vợ chồng tôi về tình trạng “béo phì” của bé. Sau khi làm xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ yêu cầu chúng tôi cho con nhập viện để kiểm tra theo dõi với lý do “rối loạn tiêu hóa”. Lúc đó gần 3g chiều.

Do bệnh viện chỉ cho phép một thân nhân được ở lại lo cho bé nên tôi bế con đi theo cô y tá vào trong khu nội trú để làm hồ sơ nhập viện. Thằng bé quấy khóc cứ vòi bế hoài nên một tay bế con, tay còn lại thì xách chiếc giỏ nhỏ chứa vài bộ đồ, vài cái tã giấy, sữa và nước uống của con. Tôi loay hoay với việc khám, xét nghiệm cho con, chạy tới lui làm giấy tờ, cộng với việc bế con và xách đồ nên mau đuối sức. Chiều hôm đó, hai ba con đều thấm mệt.

Phòng con nằm có 8-9 giường kê sát nhau. Lần đầu tiên vào không gian chật hẹp, nhiều người nên thằng bé cứ ôm chặt lấy tôi, không chịu buông. Tôi đặt balô xuống đất, cho con uống một chút nước rồi một tay bế con, một tay dọn dẹp lại chiếc giường. Xong đâu đấy, ba con tôi lại ngược ra lại cổng khu nội trú để lấy thêm đồ, nơi mẹ và vợ tôi đang đợi ở đấy. Lúc này tôi mới để ý, đoạn đường từ khu nội trú ra tới cổng tầm 500-600m, cũng khá vất vả khi vướng bận con nhỏ và đồ đạc. Tại khu vực cổng, để con chơi với bà và mẹ, tôi chạy đi mua thêm vài thứ cần thiết, như: tã giấy, sữa, bình đựng nước sôi… để sử dụng trong lúc chăm con nằm viện.

Ngày đầu tiên, tôi dành phần lo cho con trong khu nội trú. Lúc đầu thằng bé khá hoảng sợ khi vào trong phòng bệnh. Phải vất vã lắm thì cậu ta mới “hợp tác” một chút, chịu uống sữa, chơi đồ chơi nhưng vẫn khó chịu, cáu bẳn và cứ vòi bế.

Buổi tối hôm đó, dỗ con nằm trên giường bệnh, tôi ngồi trên ghế quạt cho con ngủ vì chỗ nằm xa quạt máy nên khá nóng. Đến khuya, tôi lấy balô đặt cuối giường để ngồi tựa lưng cho đỡ mệt. Một chân gác lên chiếc ghế nhựa sát giường, chân con lại duỗi theo thành giường để chắn cho con khỏi rơi xuống, tôi ngồi nghỉ ngơi như vậy chứ tài nào ngủ được vì cứ mỗi khi con cựa quậy là tôi phải quạt liên hồi.

Suốt đêm đầu tiên con đi tiêu chảy đến 12 lần và vẫn tiếp tục ho ói như lúc sáng. Tôi thay tã cho con liên tục và thay cả ra giường vì có vài lần con làm tràn ra cả giường.

Đến 3g sáng, con lên cơn sốt 39 độ, tôi vội bế con sang phòng trực để bác sĩ kiểm tra và cho uống thuốc hạ sốt. Con khóc cả đêm, làm phiền các bé nằm cùng phòng rất nhiều, tôi ái ngại lắm nhưng cũng đành chịu vậy vì con trẻ bệnh chắc mọi người sẽ cảm thông.

Thế là đã bước sang ngày thứ hai. Con quấy khóc từ 5g sáng, tôi phải vừa bế con, vừa vệ sinh cá nhân cho bản thân, rồi lau rửa cho con. Sau đó, hai ba con cùng nhau ra căn-tin mua nước sôi pha sữa cho con, tôi tranh thủ ổ bánh mì và ly café để thêm sức lực. Dự định sau khi bác sĩ thăm khám xong thì vợ vào thay cho tôi. Thế nhưng, do tình trạng của con vẫn tiêu chảy nhiều, uống sữa vào là ói nên bác sĩ chỉ định đưa vào phòng cấp cứu truyền dịch. Tôi liền nhắn cho vợ cứ ở ngoài cổng bệnh viện chờ tin.

Lúc truyền dịch cho con, y tá phải lấy ven 3 lần cả tay và chân thì mới có thể cố định kim tiêm. Nhìn con khóc ngất người, tôi xót vô cùng và đau đớn cùng con. Đã vậy, thằng bé còn tự tay mở cái nắp trên dụng cụ truyền dịch, gần khu vực đốc kim, làm máu chảy tung tóe khiến tôi phát hoảng kêu y tá ầm ĩ, quên để ý những người bệnh xung quanh.


Trong phòng cấp cứu, một giường bệnh những hai, ba bé nằm chung. Vì tình cảnh của con nên chúng tôi phải chuyển vào nơi này. Vừa bế con vừa dọn từng túi đồ từ phòng thường sang phòng cấp cứu, đồ đạc thì nhiều, con thì nặng ký, tình yêu thương con trong tôi vẫn lớn lao nhưng từ thời điểm này tôi nhận thấy bản thân nóng tính và cọc cằn hơn.

Quả thật, đây là lần đầu tiên tôi phải đương đầu với rất nhiều áp lực cùng một lúc như vậy. Thằng bé hoảng sợ khi truyền dịch, không chịu nằm, dỗ dành đủ kiểu cũng không ăn thua. Cô y tá hối thúc phải dọn dẹp hết đồ bên phòng cũ để cho người khác nằm. Pha sữa cho con bú bình thì các cô y tá rày la vì bú bình gây ợ hơi, không tốt cho việc tiêu hóa của con. Bác sĩ bảo con tôi giờ bú vào là ói nên đừng chiều con, quan trọng nhất là dỗ con sao cho con nằm yên chịu truyền dịch… Tôi mất bình tĩnh vì không biết phải làm sao cho đúng, cho vừa lòng mọi người và nhất là phải làm sao cho con ngoan hơn.


 

Tôi đút cho con từng muỗng sữa, cố gắng nói chuyện nhẹ nhàng và hát khe khẽ để con bình tĩnh lại. Cứ thế, thằng bé dần hiểu chuyện và hợp tác hơn. Nó nằm yên, ít động đậy và tay duỗi thẳng ra để truyền dịch. Có khi, cậu chịu nằm một mình để tôi dọn dẹp, vệ sinh đồ dùng và đi mua thêm nước sôi, tã và sữa.

Một mình chăm con nằm viện vất vả, khó khăn là thế mà ngay lúc cần chiếc điện thoại liên lạc với bên ngoài thì nó lại bị hư màn hình, không thể biết ai gọi hay nhắn gì. Tôi bèn mượn điện thoại của một người chăm bệnh chung phòng để gọi báo tình hình cho vợ.

Tôi hát khe khẽ cho con nghe vài bài hát để nó dịu và ngủ ngon, tôi hát hết bài này đến bài kia, từ thể loại nhạc này đến thể loại nhạc nọ. Ở nhà, tôi hay ru con ngủ bằng cách này, hát miên man cho đến khi con chìm sâu vào giấc ngủ. Khi hát đến câu hát của bài thánh ca “Giữa những hỏa tai hay vui buồn thất vọng, con xin dành một cõi rất riêng tư, cho Giêsu Đấng Tình Yêu thấm màu”, tôi chợt nhớ ra mình đã quên điều gì đó. Đúng là tôi quên hẳn tôi là một người con của Chúa, tôi quên hẳn ra là Chúa Ba Ngôi đang hằng dõi theo tôi. Tôi âm thầm nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho ý Ngài được trọn vẹn. Xin cho con có thêm sức mạnh để đồng hành với con trai của con – người con bé bỏng mà Chúa đã ban tặng cho gia đình nhỏ của chúng con”.

Thằng bé lúc này đã thấm mệt nên thoáng chốc đã ngủ say. Lúc này, tôi mới dọn dẹp, sắp xếp lại mọi vật dụng và nạp lon Redbull để tỉnh táo hơn. Vợ tôi cũng đồng thời gửi thêm đồ dùng vào cho tôi và một cuốn sách về các loại xe cho thằng bé vì nó rất mê xe và cũng thích lật sách để xem hình ảnh nữa.

Thằng bé ngủ một giấc ngon lành gần hai giờ đồng hồ. Chai dung dịch đầu cũng đã truyền xong và đang truyền chai thứ hai. Thằng bé tỉnh dậy, bớt cáu bẳn hơn. Tôi đưa cuốn sách xe cho con xem và vui chơi cùng con, nó có vẻ hào hứng.

Đến tầm 2g trưa, vợ tôi vào chăm con. Tôi lang thang khu vực đường Ba Tháng Hai tìm mua một chiếc điện thoại cũ để tiện liên lạc.

Tại bệnh viện, sau khi hết chai dịch truyền thứ hai, thằng bé không chịu nằm yên nữa, cứ đòi mẹ bế. Vợ tôi phải dỗ dành mãi để cậu bé tự vui chơi, không đeo bám mẹ.

Đến chiều, vợ tôi bế con ra ngoài làm siêu âm. Lúc này, thằng bé lại tiêu chảy. Tôi đang đứng đợi ở khu vực cổng chờ khu nội trú, thấy vậy, vội lấy thẻ nuôi bệnh từ vợ để vào phòng lấy khăn và tã thay cho con. Ấy vậy mà bảo vệ lại yêu cầu tôi phải bế bé theo cùng. Đường vào phòng khá xa, thằng bé thì đang tiêu chảy vấy bẩn ra người, tôi cố gắng giải thích để họ hiểu và cảm thông nhưng không được nên tôi bực tức cự cãi với họ. Sau đó, tôi hậm hực đi mua tã và khăn lau cho con.

Tối hôm đó, bà nội dành phần lo cho cháu. Vợ tôi vì lo lắng nên ở lại bệnh viện, không chịu về nhà nghỉ ngơi.

Sáng ngày thứ ba, bác sĩ thăm khám cho biết bé cần nằm viện tiếp tục theo dõi. Tôi vào thay cho mẹ, thấy thằng nhóc tỉnh táo hơn, không còn ói và tiêu chảy nữa nhưng vẫn quấy khóc và khó chịu. Nó nhất định không chịu ở trong phòng, cứ đòi bế ra ngoài. Đã vậy, có một cô cũng chăm cháu nằm viện, luôn tỏ ra khó chịu khi con tôi khóc, cứ bảo bế bé ra ngoài cho cháu cô ngủ. Đêm trước đó, cô thức xem phim kiếm hiệp mở âm thanh rất lớn, mọi người xung quanh tuy khó chịu nhưng chẳng trách cứ gì cô cả; nay cô lại bực bội khó chịu với đứa trẻ đang bệnh. Tôi cảm thấy bực nhưng cố dằn lòng không nói ra. Tôi tự nhủ việc của mình bây giờ là chăm con có thật tốt, cố gắng bình tĩnh, không cau có để còn giữ năng lượng tích cực, hầu còn đồng hành với con.

Chiều hôm đó, vợ tôi vào chăm con, thằng bé lại giẫy nãy không chịu vào phòng mà bắt mẹ bế đi ra ngoài. Vợ tôi nhỏ con ốm người, bế thằng bé nặng ký nên mau đuối sức. Mỗi khi thấy bé liu thiu ngủ trên vai, mẹ quay hướng về phòng là bé lại giẫy nảy, khóc la om sòm. Vợ tôi rã rời vì ôm con suốt 3-4 giờ đồng hồ.

Tối hôm đó, bà lại vào thay phiên chăm cháu, vợ tôi tiếp tục ngủ lại bệnh viện, không về nhà.

Qua ngày thứ tư, mẹ tôi báo tin là bác sĩ cho ra viện. Thằng bé lúc này đã tỉnh táo hẳn, hết tiêu chảy và hết ói. Vào chăm con, tôi mua thêm đồ chơi để con bớt quấy. Tôi tự nhủ sẽ tự xoay sở được mọi việc, để cho mẹ và vợ ở nhà nghỉ ngơi, nên khi nhận thông tin làm giấy tờ ra viện, tôi bế con chạy lăng xăng ký giấy tờ, đóng viện phí, lấy thuốc men, rồi pha cho con bình sữa, dọn dẹp, thu xếp hành lý, dọn giường bệnh cho con, rồi sau đó một tay bế con, một tay xách lỉnh kỉnh các balô đồ đạc ra cổng bệnh viện bắt taxi về.

Vừa ra khỏi công bệnh viện, thằng bé bỗng vui tươi tỉnh táo hẳn. Nó huyên thuyên hát nói đủ trò, tay trỏ đếm từng chiếc xe chạy ngoài đường phố.

Giờ đây, hồi tưởng lại các việc đã qua, tôi nhận thấy đây là một trải nghiệm đáng nhớ, đáng ghi khắc trong lòng. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình gánh vác trách nhiệm của một người phụ huynh thật sự. Lần đâu tiên tôi đuối rã rời nhưng không cho phép mình ngã quỵ, vì tôi biết mình phải có trách nhiệm đồng hành cùng con và gia đình.

Tôi nhìn thấy hình ảnh của tôi mấy mươi năm về trước nơi thằng bé và hình ảnh mẹ tôi lúc đó nơi tôi. Dường như quãng đời tôi sinh ra và lớn lên trải qua không ít đau bệnh, không ít chông gai mà dường như ít người nếm trải; quãng đời mà khi kể lại tôi luôn tự hào là tôi có người mẹ, người bà tuyệt vời.

Hơn nữa, tôi xác tín rằng Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành cùng với tôi, che chở tôi qua mỗi biến cố, từ khi sinh ra cho tới tân bây giờ. Giờ đây, tôi cảm nhận được rằng Chúa và Mẹ Maria vẫn đồng hành cùng cha con tôi, cùng gia đình tôi, thế nhưng tôi lại hay quên phải cầu nguyện và trông cậy nơi các Ngài.

Qua việc này, tôi tin rằng bản thân mình đã trưởng thành hơn, biết kiểm soát cảm xúc và xử lý tình huống tốt hơn. Và hơn hết, những lúc này đây, tôi mới thêm thấu hiểu câu nói của các bậc tiền nhân: “Nuôi con mới biết sự tình / Thầm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa”.

Thật vậy, “có con rồi mới thấu hiểu tấm lòng mẹ cha”…

Paul Hữu Nghĩa (TGPSG)

Top