Làm sao để biết mình đang kinh nghiệm về Thiên Chúa?

Làm sao để biết mình đang kinh nghiệm về Thiên Chúa?

Làm sao để biết mình đang kinh nghiệm về Thiên Chúa?

May mắn thay, để phân định điều gì đến từ Thiên Chúa, chúng ta không cần phải xác định tất cả các nhân tố ảnh hưởng, ví dụ như điều gì làm nên bữa tối của chúng ta hoặc cha mẹ đã nuôi dạy chúng ta như thế nào. Sự phân định thiêng liêng không yêu cầu phải khai quật tất cả các tầng kinh nghiệm. Chúng ta chỉ cần chú ý đến những gì mình trải qua và sau đó áp dụng một vài quy tắc đơn giản.

Chiều hướng cuộc sống của bạn

Trong những quy tắc phân định thiêng liêng của thánh I-Nhã, lời khuyên đầu tiên của ngài là xác định chiều hướng cuộc sống của bạn: Liệu tôi có đang đi lạc khỏi con đường đúng đắn, hay tôi đang cố gắng sống đời Kitô hữu đàng hoàng?

Nếu bạn đọc cuốn sách này[1], bạn sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi này! Bạn sẽ không đọc nó nếu bạn đang đi lạc lối — nghĩa là, nếu bạn chống lại Chúa và đường lối của Ngài. Những người hay hoài nghi thái quá có thể nói rằng, họ sợ mình đang trên đường xuống địa ngục, nhưng việc họ đang cố gắng hết sức để đảm bảo mình không phạm tội, cho thấy sự sai lầm trong cách đánh giá của họ.

Để đầy đủ hơn, tôi xin giải thích cách thánh I-Nhã nói về sự khác biệt trong cách hoạt động của thần lành và thần dữ đối với những người đã cố tình quay lưng lại với Chúa. Thần dữ cố gắng khiến những người như vậy hợp lý hóa hành vi và thái độ của họ: “Tôi không phải là kẻ xấu. Tôi có thể lấy trộm tiền, nhưng đó chỉ là những gì tôi xứng đáng nhận được cho tất cả những gì tôi đã cống hiến cho công ty này.” “So với Helen, tôi là một vị thánh.” “Tôi chăm sóc vợ con; chuyện tình cảm của tôi với Jane không làm tổn thương họ vì họ không biết.” Nói cách khác, thần dữ cố gắng dập tắt tiếng nói lương tâm của bất kỳ ai đang hành động trái với lẽ phải.

Ngược lại, tiếng nói lương tâm đến từ thần lành. Nó không tấn công chúng ta, mà thay vào đó đặt ra những câu hỏi về hành vi của chúng ta: “Bạn có thực sự hạnh phúc khi hành động theo cách này không?” “Chẳng lẽ bạn không cảm thấy một chút hối hận khi trở về nhà với vợ và gia đình sau một buổi tối với nhân tình sao?”

Một ví dụ: Rượu

Một ví dụ thực tế có thể hữu ích. Tôi không nghĩ mình đã cố tình từ bỏ Chúa, thế nhưng việc tôi uống rượu đã gây rắc rối cho người khác và cho bản thân tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn không muốn đối mặt với vấn đề này. Tôi nhớ mình đã từng tự nhủ những điều như “Cần uống rượu để thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi”, “Bạn không bao giờ mất việc vì uống rượu”, và “Sức khỏe của bạn vẫn tốt. Rượu không ảnh hưởng đến bạn quá nhiều.”

Những lý do này chỉ là do thần dữ xúi giục và bản thân tôi không muốn nhìn nhận một cách trung thực về việc uống rượu của mình. Mặt khác, tôi luôn có cảm giác rằng có gì đó không ổn. Đôi khi tôi tự hỏi rượu đang ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mình. Tôi đỏ mặt xấu hổ khi nhớ lại mình đã trở nên gay gắt với ai đó sau khi uống vài ly hoặc khi một người bạn tỏ ra lo lắng về việc uống rượu của tôi. Tôi tin rằng thần lành đang cố gắng khiến tôi nhìn nhận nghiêm túc về thói quen uống rượu của mình và làm gì đó để thay đổi, còn thần dữ thì lại thích mọi thứ cứ y nguyên như vậy.

Cuối cùng, nhờ ơn Chúa, tôi đã nghiêng về phía thần lành. Tôi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân này để cho thấy rằng sự phân định thiêng liêng không phải là điều gì đó khó hiểu. Nó chỉ đơn giản là chú tâm vào kinh nghiệm của chúng ta để sống phù hợp hơn với đường lối của Chúa.

Bây giờ, hãy cùng xem xét chiều hướng của hầu hết chúng ta, những người đang cố gắng sống trung thực và ngay thẳng hết sức mình. Trong trường hợp này, I- Nhã nói rằng, thần lành và thần dữ hành động theo cách ngược lại với cách chúng đối xử với những người quay lưng lại với đường lối Chúa. Thần dữ nhen nhóm những nghi ngờ và câu hỏi gây ra sự bất an trong nội tâm cũng như sự tự mãn, trong khi thần lành cố gắng khuyến khích chúng ta và gia tăng sự bình an, niềm vui, đức tin, hy vọng và tình yêu của chúng ta.

Nếu bạn đang cố gắng sống như một Kitô hữu tốt lành, bạn có thể có những suy nghĩ như thế này: “Bạn tự cho mình là ai – một vị thánh sao?” “Trong văn phòng này, mọi người đều gian lận. Có vấn đề gì với bạn vậy? Bạn có thánh thiện hơn người khác không?” “Chúa không có thời gian cho những người như bạn.” “Hầu hết mọi người, ngay cả khi họ tin vào Chúa, cũng không cố gắng sống theo cách của bạn.” Những câu hỏi và suy nghĩ như vậy chỉ có một mục đích, đó là quấy rầy tinh thần bạn và khiến bạn luôn bối rối và nghi ngờ. Hơn nữa, bạn sẽ nhận thấy rằng, tất cả các câu hỏi và nghi ngờ đều tập trung vào bạn, chứ không phải vào Chúa hoặc dân Chúa.

Mặt khác, thần lành có thể gợi lên những suy nghĩ như thế này: “Tôi thực sự hạnh phúc với quyết định hàn gắn mối quan hệ với người em gái đã lâu không gặp.” “Ước gì tôi cai rượu từ lâu rồi. Bây giờ tôi hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và dễ sống chung hơn.” “Dường như Chúa gần gũi với tôi hơn kể từ khi tôi bắt đầu dành thời gian cầu nguyện mỗi ngày, và tôi cảm thấy ít lo lắng và bất an hơn.” Hy vọng rằng qua những kinh nghiệm của chính mình, bạn có thể nhận thấy hai loại “thần” này đã dẫn dắt bạn như thế nào.

Thần lành và thần dữ hoạt động theo những cách trái ngược nhau. Ảnh: Canva

Một ví dụ: Buổi tĩnh tâm bị gián đoạn

Cách đây vài năm, một phụ nữ đã có ba ngày cầu nguyện đầy an ủi trong kỳ tĩnh tâm hàng năm của mình. Cô ấy cảm thấy gần gũi với Chúa, hạnh phúc, và tràn đầy sức sống và đức tin. Sau đó, vào ngày thứ tư, cô ấy nói với tôi, “Điều này quá cao siêu đối với tôi. Thay vì cầu nguyện, tôi cần dành thời gian để chuẩn bị cho các lớp học của mình.”

Ngày hôm sau, cô ấy không thể cầu nguyện và cảm thấy rất khổ sở. Khi chúng tôi xem xét những gì đã xảy ra, hóa ra sự gần gũi với Chúa đã khiến cô ấy sợ hãi. Thay vì nói với Chúa rằng cô ấy đang sợ hãi, điều này sẽ làm cho cuộc trò chuyện tiếp tục, cô ấy đã để cho cảm giác không xứng đáng cản trở trải nghiệm của mình. 

Thần dữ đã lợi dụng nỗi sợ hãi gần gũi với Chúa của cô ấy để khiến cô ấy tập trung vào các lớp học thay vì cầu nguyện vui vẻ. Sự gián đoạn việc cầu nguyện không giúp cô ấy chuẩn bị cho các lớp học tốt hơn, mà chỉ khiến cô ấy có một ngày tồi tệ trong kỳ tĩnh tâm. Đây là cách mà thần dữ tác động lên những người đang cố gắng sống một cuộc sống phù hợp với tình bạn của Chúa.

Nói tóm lại, nếu cuộc sống của bạn không hòa hợp với Chúa, Ngài sẽ cố gắng tác động để bạn thay đổi, và bạn sẽ nghe được những tiếng nói của lương tâm. Tuy nhiên, những tiếng nói này sẽ không dẫn đến việc bạn lo lắng tự xét đoán bản thân mình quá nhiều, mà sẽ nhẹ nhàng chỉ ra nơi bạn đã sai. Thần dữ, hoặc ước muốn không thay đổi cuộc sống của chính bạn, sẽ thì thầm những lý do hợp lý, cố gắng thuyết phục bạn rằng không có gì sai trái. Mặt khác, nếu bạn đang cố gắng sống hòa hợp với Chúa, thần lành sẽ an ủi và khích lệ bạn, nhưng thần dữ hoặc nỗi sợ hãi đến gần Chúa sẽ khiến bạn nghi ngờ về trải nghiệm của mình. Một dấu hiệu của thần dữ này là bạn trở nên ích kỷ, thay vì tập trung vào Chúa và tha nhân. 

I-Nhã đưa ra một ví dụ điển hình về cách thần dữ tác động lên một người đang đi trên con đường đúng đắn. Có lúc ngài tự hỏi: “Làm sao bạn có thể chịu đựng được cuộc sống này (cầu nguyện và đền tội) trong suốt bảy mươi năm mà bạn định sống?” I-Nhã đã trả lời một cách chính đáng: “Liệu mày có thể đảm bảo cho tao sống thêm một giờ đồng hồ không?” Những người nghiện rượu rất quen thuộc với cám dỗ này, do đó, tổ chức Alcoholics Anonymous* khuyên họ hãy giải quyết vấn đề từng ngày một.[2]

I-Nhã tin rằng Chúa muốn chúng ta hạnh phúc và tròn đầy, và cách để đạt được hạnh phúc và tròn đầy là hòa hợp với ước mơ của Chúa dành cho thế giới và cho chúng ta. Cách thức để hạnh phúc và được thỏa mãn là chấp nhận lời đề nghị kết bạn của Chúa và sống phù hợp với tình bạn đó. Theo I-Nhã, nếu chúng ta cố gắng làm điều này, thì “an ủi” chính là trật tự của ngày sống. Điều này không có nghĩa là cuộc sống sẽ không có đau khổ; nó có nghĩa là Chúa muốn trở thành sự hiện diện an ủi cho chúng ta ngay cả trong những đau khổ và bất hạnh không thể tránh khỏi của cuộc sống. Do đó, những cực hình của những người bối rối không thể đến từ Chúa, vì họ đang cố gắng sống một cuộc sống tốt đẹp.

Sau nhiệt huyết hoán cải ban đầu, bản thân I-Nhã đã trải qua một cơn khủng hoảng khủng khiếp về việc xưng thú những tội lỗi trong quá khứ. Mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức ngài toan tự vẫn. Cuối cùng, ngài đi đến kết luận rằng những tư tưởng bối rối này không thể đến từ Chúa, và quyết định không bao giờ thú tội những tội lỗi trong quá khứ nữa.

Vậy, an ủi thiêng liêng nghĩa là gì?

An ủi nói đến bất kỳ kinh nghiệm nào về sự khao khát hướng đến Thiên Chúa, sự phật ý về những tội lỗi quá khứ của bản thân, hoặc lòng thương cảm dành cho Chúa Giêsu hay bất kỳ người nào đang chịu khổ. Nói cách khác, an ủi đề cập đến “mọi sự gia tăng trong hy vọng, đức tin và lòng bác ái, và mọi niềm vui nội tâm thôi thúc và hấp dẫn người ta hướng đến những điều trên trời và sự cứu rỗi của linh hồn, mang lại sự tĩnh lặng và bình an trong Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa của mình” (Linh Thao, số 316).

Thư của Phaolô gửi cho các tín hữu ở Galát liệt kê chín hoa trái của Chúa Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (5: 22-23). Khi bạn kinh nghiệm nhóm chuyển động này trong con người mình, bạn có thể tương đối chắc chắn rằng thần lành đang tác động đến bạn.

Sầu khổ là điều ngược lại với an ủi. Thánh I-Nhã đưa ra những ví dụ sau:

Tâm hồn trở nên tối tăm, rối bời nội tâm, một sự thôi thúc hướng đến những điều tầm thường và trần tục, hoặc bất an từ những xáo trộn và cám dỗ khác nhau. Những điều này khiến người ta thiếu niềm tin, không còn hy vọng và không còn tình yêu. Người ta hoàn toàn thờ ơ, lãnh đạm, bất hạnh và cảm thấy xa cách Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa của chúng ta. (Linh Thao, số 317)

Sầu khổ thiêng liêng khiến ta cảm thấy xa rời Chúa. Ảnh: Canva

Giả sử chúng ta đang cố gắng sống như những người bạn của Chúa, thì những kinh nghiệm cảm thấy bất ổn, bồn chồn, lo lắng, không vui, lờ đờ, vân vân… là những kinh nghiệm sầu khổ thiêng liêng. Chúng không đến từ Chúa.

Nếu chúng ta đang cố gắng sống như những người bạn của Chúa, thì có thể tin rằng những trải nghiệm khiến ta cảm thấy sống động hơn, an lạc hơn, tràn đầy năng lượng hơn, và quan tâm đến người khác nhiều hơn bản thân mình là do tác động của thần lành.

Những quy tắc đơn giản này không hoàn toàn đảm bảo rằng chúng ta đúng hoặc cách hành động của chúng ta sẽ thành công, nhưng chúng mang lại cho chúng ta một số sự đảm bảo rằng chúng ta đang đi đúng hướng. Nếu noi theo những thôi thúc từ những trải nghiệm đó, chúng ta có thể tiến bước với sự tự tin, tin rằng Chúa sẽ tiếp tục chỉ đường cho chúng ta.

Tác giả: William A. Barry, SJ
Chuyển ngữ: Mai Ni
Chuyển ngữ từ: ignatianspirituality.com
Nguồn: dongten.net

[1] A friendship like no other: Experiencing God’s amazing embrace, William A. Barry, SJ, 2008

[2] Alcoholics Anonymous (AA) là một tổ chức quốc tế hỗ trợ lẫn nhau được Bill Wilson và Tiến sĩ Bob Smith thành lập năm 1935 ở Akron, Ohio. AA nói “mục đích chính” của tổ chức là để giúp đỡ người nghiện rượu “luôn tỉnh táo, và giúp đỡ những người nghiện rượu đạt được sự tỉnh táo.”

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top