Kinh nghiệm thiêng liêng
KINH NGHIỆM THIÊNG LIÊNG
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (24.01.2024) – Ngoài lý thuyết hoặc thực hành, kinh nghiệm đóng một vài trò quan trọng trong bất cứ lĩnh vực nào. Đời sống thiêng liêng cũng thế. Khi càng để ý thực tập hoặc theo đuổi kinh nghiệm thiêng liêng, người ta càng dễ nhận ra ý Chúa và dễ dàng chiến thắng những cơn cám dỗ. Chính Đức Giêsu, trong thân phận con người, Ngài cũng lớn lên trong đời sống thể lý và thiêng liêng (x. Dt 5,8). Hằng ngày, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha. Càng quan sát và lắng nghe, Đức Giêsu càng biết rao truyền chân lý của Chúa Cha. Hoặc nói đúng hơn, Đức Giêsu có rất nhiều kinh nghiệm thiêng liêng. Điều này được thánh sử Luca đúc kết trong một câu: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”[1] (Lc 2,52).
1. Khôn ngoan trong đời sống thiêng liêng
Kinh nghiệm là “những kiến thức và kỹ năng mà bạn đạt được thông qua làm việc gì đó trong một khoảng thời gian, một quá trình đạt được kinh nghiệm này” (Oxfordlearnersdictionaries). Hoặc định nghĩa theo thần học gia người Đức Karl Rahner: “Kinh nghiệm là một dạng kiến thức nảy sinh từ sự tiếp nhận trực tiếp ấn tượng về một thực tế (bên trong hoặc bên ngoài)” (Rahner & Vorgrimler 1965:162). Đôi khi người ta cũng hiểu kinh nghiệm thiêng liêng (spiritual) này như là một Linh đạo. Lý do là từ “Linh đạo” trong tiếng Anh (spirituality) có nguồn gốc Latin Spiritualitas, và giống như các từ cùng gốc với nó là Spiritus và Spiritualis. Từ này bắt nguồn từ gốc tiếng Hy Lạp pneuma và pneumatikos. Về sau, Giáo hội dùng thuật ngữ này (nhất là thánh Phaolô) để mô tả những gì liên quan đến Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn: “Linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa, qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần” (Từ Điển Công Giáo).
Theo vài cách hiểu trên, chúng ta thấy Đức Giêsu đã rất giàu kinh nghiệm trong khi cố gắng tìm kiếm và làm theo thánh ý Chúa Cha. Danh từ “khôn ngoan - σοφία” mà thánh Luca dùng trên đây rất khác so với lối hiểu tục hóa ngày nay. Ngài không khôn ngoan theo kiểu thế gian, nhưng thông thái trong lãnh vực thiêng liêng. “σοφία - Wisdom” không chỉ trưởng thành về mặt trí tuệ, là khả năng suy ngẫm và hành động hiệu quả bằng cách sử dụng kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, nhưng còn là thấu hiểu lẽ sống và nhìn đời một cách sâu sắc. Nói cách khác, ơn khôn ngoan Chúa Giêsu đạt được là sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sau này, Giáo hội hiểu là: “Ơn giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1835).
Nếu đặt từ ngữ khôn ngoan trong ngữ cảnh Thánh Kinh, chúng ta thấy Đức Giêsu thực sự đạt đến chiều cao sâu của đời sống thiêng liêng. Ngài có dồi dào kinh nghiệm thiêng liêng. Thực vậy, từ khôn ngoan (חכם) được nhắc đến 222 lần trong Kinh thánh Cựu Ước. Nó được coi là một trong những đức tính cao nhất của dân Israel. Nó cũng đồng nghĩa với lòng tốt (חסד) và công lý (צדק). Theo nghĩa này, chúng ta hiểu tại sao vua Salomon trước khi lên làm vua, ông đã xin với Đức Chúa cho ông sự khôn ngoan. “Vậy xin Ngài ban cho con được khôn ngoan và hiểu biết để con lãnh đạo dân này” (2 Sb 1,10). Khi xin điều này đồng nghĩa với việc ông xin cho mình có kinh nghiệm thiêng liêng để lãnh đạo dân. Và ông đã thành công trong phần lớn thời gian vương triều của mình.
Thiên Chúa của chúng ta thì khôn ngoan. “Nơi Đức Khôn Ngoan, có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành, bất khuất, từ bi và nhân ái, cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh, làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều, thấu suốt mọi tâm can, kể cả tâm can của những người trong sạch, thông minh, tinh tế nhất” (Kn 7,22-23). Điều này được thánh Augustino (354-430) cảm nhận như sau: “Chính Thiên Chúa là sự khôn ngoan cao cả nhất; phụng thờ Thiên Chúa là sự khôn ngoan của con người.” (On the Trinity, Book XIV, 1, 1). Đây là khôn ngoan trong đời sống thiêng liêng
2. Khôn ngoan cũng cần được trải nghiệm
Trong đời sống thiêng liêng, rất nhiều lần chúng ta ở giữa tranh sáng và tranh tối. Bóng tối và ánh sáng đôi khi khó phân biệt. Thậm chí chúng ta biết ánh sáng, nhưng không muốn theo. “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Ở đây, tôi xin chia sẻ với quý độc giả ba chiến thuật thiêng liêng để chiến thắng kẻ thù. Kinh nghiệm này được thánh I-nhã, Đấng Sáng Lập Dòng Tên, ghi lại trong sách Linh thao:
a. Chiến lược chống đối
Kẻ dám chiến đấu mới mong phần chiến thắng. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Thánh I-nhã viết: “Kẻ thù xử sự như đàn bà, vì khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh. Quả vậy, đặc tính của đàn bà khi gây gỗ với người đàn ông, là mất can đảm và chạy trốn khi người đàn ông thẳng tay chống trả. Trái lại, nếu người đàn ông bắt đầu chạy trốn và mất can đảm, thì cơn giận, sự trả thù và sự hung dữ của người đàn bà thật không sao lường được” (Linh thao, số 325). Dĩ nhiên, thánh I-nhã chỉ mượn hình ảnh đời thường này để mô tả đời sống thiêng liêng. Khi ta chống trả lời những cơn cám dỗ chính là lúc ta có cơ hội chiến thắng. Đôi khi thất bại, nhưng có nhiều lúc thành công. Nếu để ý, chúng ta sẽ biết được chiến thuật của kẻ thù. Đây là được gọi là kinh nghiệm thiêng liêng (spiritual experiences).
b. Chia sẻ để cùng nhau chiến thắng
Kinh nghiệm có thể học được từ người khác. Linh đạo Kitô giáo đã để lại biết bao kinh nghiệm quý giá để giúp chúng ta chiến đấu trong đời sống thiêng liêng. Một chiến thuật khác mà chúng ta dễ chịu thua trước kẻ thù, đó là chúng ta bị kẻ si tình dụ dỗ. Trong trường hợp này, thánh I-nhã khuyên chúng ta hãy nói cho người khác biết. Thật vậy, “khi kẻ thù của bản tính loài người đưa những sự xảo trá và xúi giục của nó vào linh hồn ngay lành, thì mong muốn những điều đó được tiếp nhận và giữ kín. Nhưng khi linh hồn tỏ ra với cha giải tội tốt hay một người đạo đức nào khác am tường những dối trá và sự hiểm độc của nó, thì nó rất bất mãn, vì nó kết luận rằng không thể đạt tới điều xấu xa mà nó đã bắt đầu, vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui.” (Linh thao, số 326).
Kinh nghiệm trên có thể áp dụng trong nhiều trường hợp, nếu chúng ta muốn thắng kẻ thù. Tuy vậy, ma quỷ khôn hơn chúng ta nhiều[2]. Thua chiến thuật này, chúng bày ra chiến lược khác.
c. Để ý đến yếu điểm của mình
Lời đề nghị trên khiến chúng ta mệt mỏi. Tiếc rằng ai cũng có điểm yếu và thậm chí rất yếu trong cuộc chiến thiêng liêng. Do đó ma quỷ rất hay sử dụng chiêu thức sau đây để đánh bại chúng ta:
“Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn. Ví như một vị chỉ huy cầm đầu đội quân, sau khi đặt doanh trại và xem xét lực lượng hoặc cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta.” (Linh thao, số 327).
Ba chiến thuật của kẻ thù trên đây hẳn là bạn và tôi ít nhiều đều trải qua (có kinh nghiệm). Linh đạo Kitô giáo đã gọi tên từng kinh nghiệm thiêng liêng này. Biết là một chuyện, nhưng tập và chiến đấu là chuyện khác. Ngày nay kinh nghiệm thiêng liêng ấy dường như đang bị lãng quên. Nhất là với nhiều người trẻ, trước thời đại tục hóa, thử hỏi mấy người muốn chiến đấu thiêng liêng? Nếu đọc được những dòng này, hẳn là bạn cũng muốn tập chiến đấu thiêng liêng. Xin chúc mừng! Đừng quên kinh nghiệm chiến đấu thiêng liêng càng mài dũa, bạn càng dễ dàng chiến thắng cơn cám dỗ. Chính lúc chiến đấu cũng là lúc chúng ta làm theo thánh ý Chúa. “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (x. Lc 13,22-30). Chúng ta chiến đấu với sự trợ giúp của Thiên Chúa, với kinh nghiệm khôn ngoan của Giáo hội!
3. Kinh nghiệm thiêng liêng giúp chúng ta lớn lên
Giáo hội này nay vẫn đang mời gọi chúng ta phân định, trải nghiệm thiêng liêng với Thiên Chúa. Phân định thiêng liêng là gì, nếu không phải là: “Việc phán đoán dựa trên đức khôn ngoan và sự hướng dẫn của Thần Khí để nhận ra ý Chúa và làm theo sự thúc đẩy của Ngài”[3]. Tôi tin rằng kinh nghiệm thiêng liêng có thể diễn ra trong chính đời sống của mỗi người. Dĩ nhiên, không phải ai cũng nhận được kinh nghiệm thiêng liêng trực tiếp mạnh mẽ như trường hợp thánh Phaolô trên đường Đa-mát (Cv chương 9). Tuy nhiên, trải nghiệm tâm linh này cũng có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Càng để ý, càng tập, mỗi tín hữu càng có thể sống lớn mạnh trong ân sủng và sự thánh thiện của Thiên Chúa[4].
Sau cùng, mỗi người sẽ có kinh nghiệm thiêng liêng khác nhau, có khi là hoàn toàn khác. Linh đạo Kitô giáo cho chúng ta chuẩn mực để đánh giá kinh nghiệm thiêng liêng của mình: tiếp xúc và gặp gỡ Thiên Chúa đang sống động trong Kinh Thánh. Thiên Chúa trong Kinh Thánh chỉ có một. Nếu chúng ta trải nghiệm thiêng liêng cùng với Thiên Chúa, nghĩa là kinh nghiệm của chúng ta giống nhau. Điều này rất cần trong tiến trình hiệp hành tham gia mà chúng ta đang theo đuổi.
bài liên quan mới nhất
- Hành hương thời Cựu ước - Phần 1: Tiếng gọi lên đường
-
Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn -
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19