Khám phá niềm vui trong đau khổ
TGPSG / CE -- Hãy tưởng tượng đau khổ, không phải là một phiền não để trốn tránh, mà là một trải nghiệm để đón nhận một cách vui vẻ, thậm chí là mong ước. Nó đi ngược lại mọi bản năng của con người. Tuy nhiên, đó là thái độ của các tông đồ.
Thánh Giacôbê khuyến khích các tín hữu coi thử thách là “niềm vui thuần khiết”.
Thánh Phêrô kêu gọi một cộng đồng Kitô hữu đang bị bách hại hãy vui mừng vì họ có thể “tham gia vào những đau khổ của Đức Kitô.”
Với một nhóm khác, Thánh Phaolô biểu lộ ước muốn của mình là biết “thông phần những đau khổ của Đức Kitô, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.”
Suốt một đời là Kitô hữu, niềm vui thông phần vào sự đau khổ - đối với tôi - thật là chuyện xa lạ, giống như sự ‘vướng víu lượng tử’ vậy (ngay cả với tư cách là một nhà vật lý đã viết về những điều như vậy) cho đến ngày tôi nhận được một tin không vui.
**
Đó là năm 2001. Mười ngày trong bệnh viện và một loạt các tiến trình xét nghiệm khiến tôi yếu nhược và kiệt sức. Mỗi động tác nhỏ của tôi đều đòi tôi phải lấy hết sức lực mới làm được. Chỉ cần giữ cho mắt mình mở ra thôi cũng đã khiến tôi hết sức cực nhọc.
Ráng sức chăm chú nhìn bác sĩ đang bước vào phòng, tôi thấy các thân nhân bạn bè chung quanh mờ mịt như Biển Đỏ khi bác sĩ tiến đến bên giường tôi.
Bác sĩ ngồi vào chiếc ghế gần chân giường, trên tay có tập ghi chú. Trán ông bỗng nhăn lại, trái ngược với nụ cười của ông đang cố nở ra. Sau những khoảnh khắc nhìn chằm chằm vào khoảng không gian mơ hồ nào đó trên sàn nhà, ông dừng lại báo tin:
"Ông Nicoll, tối nay chúng tôi vừa nhận được kết quả sinh thiết, cho biết ông đã bị ung thư biểu mô.”
Tất cả những lời của bác sĩ sau đó chỉ còn là các vết cắn của âm thanh, nào là “chất lượng cuộc sống”, “số lượng cuộc sống”, rồi “thử nghiệm lâm sàng”, v.v... Trong tình trạng mờ mịt của tôi lúc ấy, tất cả mọi sự dường như không có thực: bác sĩ, đám đông, chẩn đoán, thậm chí cả chính bản thân tôi. Tôi cảm thấy như mình đang nằm mơ.
Tôi tát má mình vài cái để biết chắc rằng mình vẫn còn đang thức!
Sự hoài nghi đã chuyển thành hoảng hốt khi những câu hỏi thay nhau hiện ra trong đầu: "Chuyện gì đang xảy ra vậy? Không phải vậy đâu! Tại sao lại là tôi? Tại sao lại xảy ra lúc này? Tại sao?..."
Ngay lập tức, một giọng nói khuấy động ý thức của tôi. Giọng nói không thành tiếng, nhưng không thể phủ nhận, đang thì thầm bên tai tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh."
Đó là câu trả lời mà Thánh Phaolô nhận được sau khi cầu xin Chúa loại bỏ "cái gai" mà chắc chắn là không bao giờ bỏ được. Đúng hơn, thánh nhân đã nghe Chúa phán với mình: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối."
Nhớ lại câu trả lời của Phaolô, “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi,” tôi đã nhận ra một sự thật sâu sắc: Biểu hiện lớn nhất của tình Chúa yêu thương không phải là loại bỏ những cái “gai” của chúng ta, nhưng trong việc giúp ta có thể chịu đựng chúng với sự bình an giữa những xáo trộn, giúp ta hy vọng khi đối mặt với sự không chắc chắn và giúp ta vui khi trái tim chúng ta đang tan nát; tất cả nằm trong sức mạnh của sự sống bất tử.
Khi suy nghĩ của tôi dừng lại ở đó, một làn sóng an bình lướt vào tâm hồn đang lo lắng của tôi.
**
Trong những tuần và những tháng sau đó, gia đình tôi và tôi đã nhận được nhiều ơn phước nhờ những tác vụ ân sủng do nhiều người thực hiện hằng ngày. Những lời cầu nguyện, sự hy sinh và tình yêu thương của gia đình, bạn bè và vô số những người xa lạ đã giúp chúng tôi ngày càng cảm nhận được sự hiện diện và hoạt động của Chúa. Ngay cả những người bạn không tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện cũng được thúc đẩy một cách kỳ lạ để thay mặt chúng tôi mà cầu nguyện (một số người cầu nguyện mỗi ngày 3 lần!), sau đó họ thành lập một nhóm cầu nguyện, rồi chứng kiến hết phép màu này đến phép lạ khác.
Mỗi lần gánh nặng dường như không thể chịu đựng được, thì nó lại được Người nâng lên - “Người hằng ngày gánh lấy gánh nặng của chúng tôi”. Nhưng chỉ cho đến khi tôi bắt gặp một đoạn trong cuốn “Con đường thập giá của mọi người” của Clarence Enzler, bối cảnh tông đồ của đau khổ mới sống động trong tôi:
Khi Ta vác thập giá của Ta,
Ta đã cùng con vác thập giá của con.
Và dù Ta chỉ vác một mảnh thập giá của con,
Thì đáp lại, ngoại trừ mảnh thập giá ấy
Con đã vác tất cả thập giá của Ta.
Những lời nói đó đã thấm vào trí tưởng tượng của tôi cho đến một buổi tối, nằm dài trên giường sau một ngày đặc biệt khó khăn, tôi đã vượt qua - không phải do sự mệt mỏi vì hóa trị hay do đau đớn vì khối u, mà bởi một làn sóng hân hoan bất ngờ. Tôi đã gọi Joanne đến.
Cô ấy đã đến nằm bên cạnh tôi. Cảm thấy tôi đang phấn khích, cô ấy dựa vào tôi.
“Ồ, không, anh không sao,” tôi nói, giọng vỡ ra, “Anh không thể tin rằng mình cảm thấy may mắn đến thế nào.”
Ngay cả trong bóng tối, tôi vẫn có thể nói đó không phải là điều cô ấy chờ đợi. Tôi tiếp tục nói rằng bây giờ tôi phải làm thế nào để có thể đồng cảm với Người, Đấng đã đồng cảm với chúng tôi và với những người khác mà, cho đến nay, tôi vẫn khó mà liên hệ được với họ.
"Tôi chỉ cảm thấy không xứng đáng với một đặc ân như vậy."
Cô ấy nghiêng người nhiều hơn, và chúng tôi ôm nhau khi cả hai cố gắng giải tỏa nỗi niềm qua nước mắt.
**
Cho đến lúc đó, tôi vẫn chưa biết điều gì tạo nên chiều dọc và chiều ngang của “sự thông phần đau khổ” được thánh Phaolô nói đến. Tuy nhiên, đó chính xác là điều mà Chúa Giêsu ám chỉ khi Ngài nói với các môn đồ rằng, dưới bóng thập giá, họ sẽ nhận ra, “Thầy ở trong Cha, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.”
Trong mối quan hệ thông công mang tính chất thập giá đó, chúng ta cùng với Chúa vác gánh nặng của nhau khi chúng ta mang vinh quang của Thiên Chúa đến trong mọi chiều hướng nỗ lực của con người, cho đến khi Ý Chúa được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.
Tôi sẽ có một tương lai nằm trong dự án đó không? Tôi không biết. Điều đó tùy thuộc vào Người, và sẽ tốt đẹp.
Nhiều tháng sau, để chữa bệnh nan y của tôi, hàng chục đợt hóa trị, vô số lời cầu nguyện, và một cuộc phẫu thuật kéo dài 8 tiếng đồng hồ, diễn ra cách khó hiểu. Vào một dịp sau khi tuyên bố tôi đã thuyên giảm, vị bác sĩ ung thư của tôi đã gọi tôi là Ladarô (người đã được Chúa Giêsu cứu sống) khi giới thiệu tôi với một đồng nghiệp của ông.
Vài năm sau đó, một người bạn được cùng một bác sĩ điều trị đã hỏi, "Bác sĩ có nghĩ rằng bác sĩ sẽ có thể chữa lành cho tôi như đã chữa cho Regis không?"
Bác sĩ trả lời "Không phải tôi đã chữa lành cho Regis đâu!"
Hôm nay tôi coi “cái gai” đó là một trong những phước lành lớn nhất của tôi. Vì qua đó, tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa với sự thân mật chưa từng có. Và tôi đã học được một bài học quan trọng: mọi con đường dẫn đến sự biến đổi đều đi qua cái chết - vâng, cái chết.
Chúa Giêsu khuyên chúng ta từ bỏ mình mà vác thập giá của mình; và nói rằng, nếu muốn cứu mạng sống mình, thì phải mất nó. Trong dụ ngôn về “hạt lúa mì”, Chúa dạy rằng nếu chúng ta không “chết đi” thì chúng ta sẽ chết. Thấm nhuần bài học đó, thánh Phaolô tuyên bố sẽ “chết hằng ngày”.
“Chết hằng ngày” là trải qua những “cái chết nhỏ” xảy ra hằng ngày, như:
- Xin lỗi, cầu xin sự tha thứ, thừa nhận mình đã sai, thay vì cố gắng biện minh cho bản thân và duy trì phẩm giá của mình.
- Hãy đáp lại bằng lòng tốt khi bị đối xử không tử tế, thay vì cố chấp cho hành vi phạm lỗi của chúng ta.
- Cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương chúng ta, thay vì tìm cách đáp trả.
- Đặt các nhu cầu, mong muốn và khao khát của chúng ta sang một bên để đáp ứng nhu cầu của người khác.
- Làm chứng và thể hiện đức tin trong nghề nghiệp của mình.
- Chống lại sự giả dối bằng sự thật và ân sủng.
- Dành thời gian mỗi ngày để ở với Chúa trong lời nói và lời cầu nguyện.
- Chia sẻ cách cởi mở, trung thực và minh bạch với những người đáng tin cậy về những thất bại, sợ hãi và vất vả của mình.
Đó là một bài học khó - một bài học mà tôi gặp khó khăn khi thực hành, đặc biệt là khi tôi quên rằng trong sự yếu đuối của mình, tôi sẽ không thể làm được, nhưng trong quyền năng của Ngài, tôi có thể!
Regis Nicoll (Catholic Exchange)
Vi Hữu (TGPSG) chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Suy tư về thân phận con người qua đại dịch Covid-19
-
Đêm Sài Thành -
Mưa rơi trên vùng đất hạn -
Nhớ về “ngôi nhà thân thương” -
Tự tử và Niềm tin trong thời đại dịch -
Cảm nhận nơi tuyến đầu chống dịch Covid -
Tâm tình Giáng Sinh gửi các tình nguyện viên thân thương -
"Dành bao nhiêu yêu thương để cho đi" -
Hãy tạ ơn Chúa với Thánh Vịnh này khi bạn được khỏi bệnh -
Đại dịch Covid-19 dạy cho chúng ta điều gì?
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh
-
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Lời cầu nguyện khi có thành viên trong gia đình bị bệnh -
Suy tư về thân phận con người qua đại dịch Covid-19 -
Dịch virus Covid-19 có phải là dấu chỉ của thời đại? -
5 câu Kinh thánh mang lại niềm hy vọng -
Bệnh nhân covid-19 trăn trối với cô y tá: "Tôi sẽ phù hộ cho cô vì những gì cô đã làm” -
Người Công giáo nên làm gì trước dịch bệnh Covid-19 -
Lời cầu nguyện cho Việt Nam trong lần dịch Covid-19 trở lại -
Các ôn dịch nơi Ai Cập cổ đại phơi bày sự thật về các vị thần giả