Tự tử và Niềm tin trong thời đại dịch
TGPSG -- Vì thất vọng, đã có nhiều người tự kết liễu đời mình trong thời kỳ dịch bệnh Covid này. Vì thế, Tổng giám đốc WHO cho rằng, thế giới cần quan tâm hơn tới các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử sau nhiều tháng sống chung với đại dịch.
TỰ TỬ TRONG THỜI ĐẠI DỊCH
Báo điện tử VTV ghi nhận: vào ngày 17-6-2021, Tổ chức Y tế Thế giới công bố báo cáo cho thấy, cứ 100 ca tử vong toàn cầu thì có 1 ca là do tự tử, đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 làm gia tăng các yếu tố tác động dẫn tới hành vi tự tử
WHO đã công bố một loạt hướng dẫn dưới tên gọi "LIVE LIFE" nhằm tăng cường các biện pháp giúp ngăn ngừa tự tử. WHO còn nhấn mạnh vai trò của truyền thông, kêu gọi tránh đưa tin quá chi tiết về những vụ việc này, đặc biệt là những vụ liên quan người nổi tiếng, có thể tác động tới hành vi của người hâm mộ.
TỰ TỬ TRƯỚC THỜI ĐẠI DỊCH
Trước thời đại dịch, hằng năm, trên thế giới có trên 800.000 người chết vì tự tử, và con số toan tự tử còn cao hơn thế. Đây là thống kê của Unicef [1] năm 2017 trong bản báo cáo mang tựa đề: “Bản chất vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam.” Unicef nhận định: Những vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội không chỉ là những nguyên nhân chính thúc đẩy ý định và hành vi tự tử, mà chúng đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội Việt Nam…
Về vấn đề này, trên báo điện tử Sputnik và Báo Pháp Luật vào ngày 7-4-2019, tác giả Diệu Hương đã đặt một câu hỏi đáng sợ, và đã diễn giải câu hỏi này bằng những số liệu cụ thể:
Từ lúc nào tự tử đã biến thành "trào lưu" ở Việt Nam?
Một cô gái trẻ đang đi dự đám cưới bạn nhưng trong lúc dự tiệc xảy ra mâu thuẫn, cãi vã với người yêu đã bỏ đám cưới giữa chừng rồi chạy ra hồ nhảy xuống tự tử.
Một thanh niên đang lưu thông bằng xe máy trên cầu bất ngờ dừng xe lại, cởi mũ bảo hiểm, lao nhanh qua lan can cầu rồi nhảy xuống sông tự tử. Điều tra sau này cho thấy, trước khi nhảy cầu, thanh niên này đã nhắn tin cho bố với nội dung: “Bố ơi, con đi chết đây!”.
Hiện tượng người trẻ tự tử đang diễn ra ngày càng nhiều ở Việt Nam, - báo Pháp Luật cho biết.
Những cái chết thực sự vô lý, lãng xẹt và thiếu trân quý cuộc sống của bản thân, thiếu suy nghĩ tới cảm xúc của những người thân ở lại. Ấy thế mà điều đó đang xảy ra ngày một nhiều ở Việt Nam.
1.001 lý do tìm đến cái chết
Năm 2018, truyền thông đã đưa ra một con số giật mình từ thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Đó là ở Việt Nam, số người chết do tự tử chiếm 33,7%, xếp thứ hai sau nguyên nhân gây chết người do tai nạn giao thông. Theo Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tự tử nhập viện để cấp cứu, điều trị.
Người tự tử chủ yếu đều là những người trẻ tuổi, một số ít ở trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt nữ giới nhiều hơn nam giới. Cũng theo bác sỹ Nguyên, mỗi năm, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trên dưới 300 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat, chủ yếu là ở nhóm người trẻ tuổi.
Tác giả Diệu Hương kể ngay một nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy nạn nhân tìm đến cái chết, đó là trầm cảm:
- Mỗi năm số người tự tử do trầm cảm từ 36.000 đến 40.000 người. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 350 triệu người (nhiều lứa tuổi) đang mắc bệnh trầm cảm.
- Ba nhóm người thường tự tử do trầm cảm là nhóm vị thành niên và thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (đặc biệt là sau khi sinh con) và người cao tuổi (trên 60 tuổi). Đa số đều có dấu hiệu căng thẳng, xung đột tâm lý, dẫn tới buồn chán, bỏ ăn, bỏ ngủ, dính tới nợ nần và có thể là cả người có tiền sử bệnh tâm thần.
Nhưng tự tử không chỉ là do trầm cảm. Tác giả Diệu Hương nói đến nhận định của chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy: Thông qua việc các em học sinh thường tìm đến cái chết sau khi gặp một khó khăn nhỏ, một thất vọng nhỏ trong cuộc sống (như áp lực về thành tích học tập mà cha mẹ đặt trên con cái, bị bắt nạt, bị chế diễu trong lớp học và trên mạng) cho thấy nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi thanh xuân nhất lại đang quá cô đơn trên hành trình trưởng thành của mình.
Trong phần kết luận, Diệu Hương nhận xét:
Có thể nói, sở dĩ ở Việt Nam tự tử đã trở thành “cách ứng xử thông thường” của nhiều người mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề sức khỏe tâm thần ít được quan tâm.
Trước nay vẫn có suy nghĩ sai lầm rằng chỉ có người bị tâm thần, thần kinh mới phải đi chữa. Quan niệm này hết sức sai lầm bởi cuộc sống hiện đại có rất nhiều áp lực dễ khiến con người ta rơi vào bế tắc, quẫn trí. Do đó, lời khuyên của các bác sĩ rằng, mỗi cá nhân đều cần có ý thức quan tâm đến việc điều trị tâm lý, cần phải kiểm tra, đánh giá sức khỏe tâm thần ngay khi cảm thấy gặp nhiều áp lực trong cuộc sống và thăm khám điều trị về thể chất khi cơ thể có dấu hiệu của bệnh tật.
QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHỎE TÂM THẦN
Người ta thường rất quan tâm đến sức khỏe thể lý, chỉ cần một chút đau nhức đâu đó trên thân xác là tìm cách chữa trị ngay. Có những người thường xuyên đo áp huyết và cân đo trọng lượng thể xác mỗi ngày, nhưng rất ít người đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe tâm thần của mình và không biết rằng sức khỏe thể xác luôn biến chuyển theo sức khỏe tâm thần: mọi niềm vui, mọi nỗi buồn đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh và nhịp đập của trái tim, để rồi ảnh hưởng rất cụ thể đến sức khỏe thể xác. Và còn nguy hiểm hơn thế nữa, theo như những nhận định trên đây thì những trào lưu tự tử đều phát xuất từ những yếu kém hoặc không quan tâm đến sức khỏe tâm thần.
CON LÀ CON YÊU DẤU CỦA TA
Như vậy, sức khỏe thể xác sẽ không thể dồi dào, và cuộc sống cũng sẽ bị đe dọa nếu tâm thần bạc nhược yếu đuối. Mà tâm thần của một người có lành mạnh hay không đều tùy thuộc vào cái nhìn của họ về cuộc đời và bản thân. Tâm thần không thể lành mạnh khi có cái nhìn bi quan và lệch lạc về bản thân và cuộc sống.
Có rất nhiều người mắc chứng bệnh bối rối, bị khủng hoảng tinh thần vì thường hay nghĩ đến hỏa ngục và tội lỗi, hoặc chán nản buông xuôi trong tội lỗi vì cảm thấy mình bất lực trước sức mạnh của nó. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô mới đặc biệt mời gọi con người ngày hôm nay hãy thường xuyên hướng về Lòng Thương Xót của Chúa: Tình thương của Chúa lớn hơn và mạnh hơn mọi thứ tội lỗi của con người, Ngài không hề mệt mỏi khi tha thứ cho con người vì mỗi người đều là và luôn là ‘Con rất yêu dấu của Ta’ (x. Lc 3, 22), cho dẫu họ có tội lỗi đến đâu đi nữa.
Cha Henri Nouwen - một ‘nhà linh đạo’ nổi tiếng - nhấn mạnh: “Con là Con yêu dấu của Cha”, đây chính là trải nghiệm cốt yếu của Chúa Giêsu tại bờ sông Giođan. Và chúng ta cũng cần có trải nghiệm này cách sâu sắc. Cầu nguyện là lắng nghe lời nói ấy - lời của một Đấng luôn gọi mỗi người là ‘con yêu dấu’ của Ngài. Hãy luôn ghi nhớ căn tính quan trọng này của mình. Cuộc sống của chúng ta bám rễ sâu trong căn tính thiêng liêng ấy. Bất cứ khi làm điều gì chúng ta cũng cần phải thường xuyên quay về với căn tính cốt yếu này của chúng ta.[2]
“Con là Con yêu dấu của Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” (Lc 3, 22). Hôm nay - là trong từng giây phút - Chúa Giêsu luôn ở trong Chúa Cha và luôn được Chúa Cha sinh ra, như mặt trời luôn sinh ra ánh sáng và sức nóng.
“Con là Con yêu dấu của Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” - Chúa cũng phán như thế với từng người trong chúng con. Trước khi cha mẹ cưu mang con, từ đời đời - cũng như mãi mãi về sau - Cha luôn nghĩ đến con và cưu mang con trong tình yêu của Cha. Cha dựng nên con để con luôn được ở với Cha, ở trong Cha, và được chia sẻ mọi sự với Cha.
Cha đã ban cho mẹ của con một tình mẫu tử tuyệt vời, và với tình mẫu tử ấy, mẹ đã sinh ra con một lần duy nhất. Nhưng trong Giêsu và với ân sủng của Thánh Thần, Cha toàn năng hằng ban ánh sáng và sức sống mới để từng giây phút, Cha hằng sinh ra con trong đời sống mới, cho hồn con luôn đẹp hơn, luôn mới hơn: “Con là Con yêu dấu của Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”.
Cho dẫu cuộc đời này có như thế nào đi nữa thì con vẫn luôn mãi là báu vật vô giá nằm tại trung tâm của tình yêu Cha, được Cha hằng nâng niu và bảo vệ đến cùng vì “Con là Con rất yêu dấu của Cha”.
Sống trong sự thật này, người trẻ mới vững vàng trong cuộc sống, không thất vọng buông xuôi truớc mọi thử thách, không rơi vào những tư tưởng bi quan đến mức độ muốn quyên sinh tự tử, để rồi mới có thể phát triển và trưởng thành hơn luôn mãi trong chân lý và tình yêu của Chúa.
Mạnh Tú (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Suy tư về thân phận con người qua đại dịch Covid-19
-
Đêm Sài Thành -
Mưa rơi trên vùng đất hạn -
Nhớ về “ngôi nhà thân thương” -
Cảm nhận nơi tuyến đầu chống dịch Covid -
Tâm tình Giáng Sinh gửi các tình nguyện viên thân thương -
"Dành bao nhiêu yêu thương để cho đi" -
Hãy tạ ơn Chúa với Thánh Vịnh này khi bạn được khỏi bệnh -
Đại dịch Covid-19 dạy cho chúng ta điều gì? -
Ca tụng Chúa bằng trót cả tâm hồn
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh
-
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Lời cầu nguyện khi có thành viên trong gia đình bị bệnh -
Suy tư về thân phận con người qua đại dịch Covid-19 -
5 câu Kinh thánh mang lại niềm hy vọng -
Dịch virus Covid-19 có phải là dấu chỉ của thời đại? -
Bệnh nhân covid-19 trăn trối với cô y tá: "Tôi sẽ phù hộ cho cô vì những gì cô đã làm” -
Người Công giáo nên làm gì trước dịch bệnh Covid-19 -
Lời cầu nguyện cho Việt Nam trong lần dịch Covid-19 trở lại -
Các ôn dịch nơi Ai Cập cổ đại phơi bày sự thật về các vị thần giả