Cảm nhận nơi tuyến đầu chống dịch Covid

Cảm nhận nơi tuyến đầu chống dịch Covid

Cảm nhận nơi tuyến đầu chống dịch Covid

TGPSG -- Hành trình thiện nguyện dù đã khép lại, nhưng lại mở ra nơi tâm hồn mỗi người một tình yêu cuộc sống…

Cùng ở nơi tuyến đầu chống dịch Covid - nơi những “thiên thần áo trắng” vẫn âm thầm nỗ lực từng phút, từng giờ, từng ngày để cứu lấy từng hơi thở người bệnh. Chúng tôi đã thấy mình thật may mắn trong khoảng một tháng thiện nguyện tại Khoa Nhiệt Đới - Bệnh viện Chợ Rẫy. (7-12-2021 đến 10/1/2022)

Chúng tôi - nhóm Tu sĩ Thiện nguyện đầu tiên đến đây hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, đã được bệnh viện và khoa tiếp đón, chăm lo chu đáo trong từng bữa ăn, nơi ở và ân cần hướng dẫn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng tôi được hoàn thành công việc của mình. Và cũng bằng niềm tin, sự liên đới với nhau trong Đức Kitô, chúng tôi thấy mình như được tiếp thêm động lực, được đón nhận vô vàn lời cầu nguyện từ khắp nơi đang hướng về mình.

Hành trình thiện nguyện dù đã khép lại, nhưng lại mở ra nơi tâm hồn mỗi người một tình yêu cuộc sống, với giá trị từ việc cho đi là vĩnh cửu, dù là trong những việc làm nhỏ như giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân, lau mình, thay tã hay chỉ là những lời hỏi thăm, động viên và an ủi.

Mới ngày đầu đặt chân đến, tôi còn bỡ ngỡ, thật lòng vẫn sợ, vẫn ngại phải đụng chạm đến những việc như vậy. Nhưng giữa tình yêu thương vì họ không có người thân bên cạnh với việc “sợ dơ”, thì cuối cùng, tình yêu thương đã đánh bật đi những nỗi sợ ấy. Cảm giác cô đơn nơi chốn đông người sẽ khiến cho xung quanh chỉ toàn là máy móc, là những tiếng kêu tít tít vô tri, lạnh lẽo theo dõi từng nhịp thở… Mọi thứ dồn ta vào sự cô đơn, hơn cả vậy, sự sống vốn dĩ diễn ra thường ngày của con người mà nay lại mong manh, leo lét.

“Nẻo đường quanh co hãy uốn cho ngay, thung lũng sâu hãy lắp cho đầy”. Nẻo đường phải đi, thung lũng cần phải lấp chính là khoảng cách giữa người với người cần làm cho trọn vẹn.

Lần đầu tiên, năm nay, chúng tôi cảm nhận được một mùa Giáng sinh đặc biệt đến vậy. Nơi các giường bệnh, hình ảnh Thiên Chúa đời thường không còn xa, mà hiện diện nơi chính con người trước mặt tôi. Người mà mình đang chăm sóc, là vị khách lạ mà tôi tận tay cho ăn, tận tay cho mặc, tận tay chăm sóc. “Ta là khách lạ mà các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25, 35), chính vị khách lạ này đã khơi mở lên trong lòng tôi tình yêu của niềm vui đời dâng hiến, là được cho đi, phục vụ bằng tất cả những gì mình có thể làm cho họ.

Tình yêu là sáng tạo không ngừng, là bước đi trong sự dấn thân để mang đến cho người mình yêu thương được những điều tốt nhất, có thể đơn giản chỉ là giúp họ có cơ thể được trở nên sạch sẽ hơn, đôi khi là được nhìn thấy nụ cười tươi, tinh thần lạc quan giữa bộn bề, là từng phút từng giờ dần vượt qua và chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình khi phải đối mặt với những chộn rộn, xoay vần đời sống, lớn lao hơn là đối diện với cái chết. Sợ chứng kiến sự ra đi của người thương yêu, nỗi sợ ấy đôi khi là lý do tận cùng để ta yêu ai đó bằng những điều nhỏ nhất.

Tâm hồn trưởng thành và lớn lên nhanh nhất, là khi tâm hồn bước ra từ những mảng sáng tối, từ những dọc ngang khổ đau, từ khốc liệt sống chết. Có lẽ, trải nghiệm một tháng ngắn ngủi ở nơi nào đó nhiều nỗi sợ hãi, nhiều nổi bất an so với ngày thường êm ả, lại tính bằng trải nghiệm của cả năm, cả tháng, cả thời gian dài thường nhật.

Ánh sáng sao sẽ lấp lánh nhất trong đêm tối, cũng như tâm hồn sẽ hé sáng, giữa những mù mịt, những mảng tối của cuộc đời, như khổ đau, hay bệnh tật, hay cái chết. Chứng kiến khổ đau để dũng cảm yêu thương hơn, nhưng trước nhất là, bạn có dám dũng cảm bước vào nơi chứa những nỗi đau, nỗi sợ ấy không. Nơi đây chính là nơi chứa nỗi đau ấy, những nổi đau cần người xoa dịu. Tôi cũng xin mượn một câu nói của người con Nữ Tử Bác Ái đã trở nên động lực để tôi cố gắng trong hành trình phục vụ của mình: “Nếu như bạn không là mặt trời, không là mặt trăng thì bạn hãy là một ngôi sao nhỏ chiếu sáng nơi một góc trời” (Nữ tu Béatrice - Marie Elizabeth Nguyễn Thị Mỹ).

Antôn Trương Quang Khải (TGPSG)

Top