Hướng về Quê Trời

Hướng về Quê Trời

Con người được định nghĩa như: “Đầu đội trời, chân đạp đất”. Qua cái nhìn này, chúng ta hiện hữu trên trần gian như gạch nối giữa đất với trời. Trong con người, vừa có trời, vừa có đất. Cũng trong con người, vừa có phần “con”, tức là bản năng tự nhiên, và có phần “người”, tức là phần linh thiêng siêu thoát. Thân phận con người vừa được nắn từ bùn đất, vừa là linh hồn bất tử. Từ khi lọt lòng mẹ, cất ba tiếng khóc chào đời, con người khởi đầu một hành trình dương thế. Trong hành trình này, có sự hòa quyện giữa đất với trời, tức là giữa thanh tao và ti tiện, giữa quảng đại và ích kỷ, giữa bóng tối và ánh sáng. Hành trình cuộc đời cũng là hành trình thanh luyện bản thân, để rồi, đạt tới trưởng thành, làm cho phần “con” trong ta nhỏ dần, để nhường chỗ cho phần “người” lớn lên. Dưới nhãn quan Kitô giáo, hành trình cuộc đời là hành trình hướng về Quê Trời.

Khi nói về việc Chúa sáng tạo con người, Kinh Thánh Cựu ước kể chính lời của Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Dưới ánh sáng của Mạc Khải, vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, nên tự bản tính là tốt lành, cũng như người Á đông chúng ta vẫn nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tuy vậy, con người có tự do để chọn lựa làm điều tốt hay điều xấu, và họ phải lãnh trách nhiệm về hành động của mình. Lịch sử nhân loại đan xen giữa bóng tối và ánh sáng. Lịch sử cá nhân đời người cũng vậy. Đó là quá trình chiến đấu cam go để làm cho hình ảnh của Thiên Chúa mỗi ngày một tỏ rạng, qua đời sống tốt lành nhân đức cụ thể.

Hành trình cuộc đời cũng là hành trình đi từ đất lên trời. Đây không phải là một lý luận nhằm ru ngủ con người, để giới thiệu một tương lai xa vời, ở trên tít tầng cao xanh. Thực ra, Thiên Đàng đã khởi đầu dưới thế. Nước Trời đã khai mở nơi trần gian. Đó chính là nội dung giáo huấn của Chúa Giêsu. Như thế, tuy đang sống ở trần gian, với bao ưu phiền lo lắng, chúng ta có thể tiếp cận cõi trời. Nói cách khác, chúng ta đang hướng về quê trời. Nói đến “quê” là nói đến nơi mang đầy kỷ niệm, là nơi trái tim chúng ta luôn hướng về. Vì công việc và kế sinh nhai, có những người bất đắc dĩ phải rời quê hương xứ sở của mình để đi định cư xa quê, nhưng tấm lòng của họ luôn hướng về cội nguồn của mình. Thánh Phaolô khẳng định với chúng ta: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Người tín hữu coi Nước Trời là quê hương đích thực của mình, vì thế hình ảnh Nước Trời luôn đem lại cho họ niềm hy vọng, giữa cuộc đời còn nhiều thử thách gian nan.

Qua mầu nhiệm Nhập thể, Chúa Giêsu chính là chiếc cầu nối giữa đất với trời. Người vừa là Thiên Chúa tối cao chí thánh, vừa là Con Người sống kiếp trần gian. Người vừa thể hiện uy quyền của một Thiên Chúa (giảng dạy và làm phép lạ), vừa diễn tả những yếu tố của một con người đích thật (mệt mỏi, giận dữ). Trong Hội đường của người Do Thái, ma quỷ đã phải công khai tuyên nhận thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu. Trên chiếc cầu nối mang tên Giêsu, trời và đất gặp nhau, Thiên Chúa đến để ở với con người. Hố sâu cách biệt do tội Nguyên tổ đã được san bằng. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Qua những lời tuyên bố này, Chúa Giêsu đã chứng minh vai trò trung gian của Người. Sau này, tác giả thư Do Thái tiếp tục khẳng định và diễn giải nội dung này (x. Dt 9,15). Ngày hôm nay, Đức Kitô vẫn tiếp tục vai trò trung gian ấy, Người hằng chuyển cầu, ban Chúa Thánh Thần cho các tín hữu và luôn nâng đỡ Giáo Hội.

Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã được cất lên trời, trước sự kinh ngạc của các tông đồ. Có đám mây quyện lấy Người và từ đó các ông không còn nhìn thấy Người nữa (x. Cv 1,1-11). Cách diễn tả này muốn chứng minh tính chất thần thiêng của Đức Giêsu. Mây bao phủ cho thấy Người là Đấng thuộc “cõi trên” như các vị thần linh. Êlia và Môisen, sau cuộc đàm đạo với Chúa Giêsu, cũng được mây bao phủ và cuốn đi (x. Lc 9,28-36). Qua sự kiện Đức Giêsu về trời, người Kitô hữu nhận ra tương lai của mình, tức là phần thưởng cho những ai trung tín với Chúa. Bởi lẽ, Chúa Giêsu đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta, để rồi Người ở đâu, thì chúng ta cũng sẽ được ở đó với Người, để cùng với Người chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Cha (x. Ga 17,24-26). Lời cầu nguyện của Giáo Hội trong ngày lễ Chúa Giêsu lên trời (Lễ Thăng Thiên) đã diễn tả điều đó: “Là thủ lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Lời nguyện nhập lễ).

Mặc dù đang bước đi trong hành trình dương thế, người Kitô hữu được mời gọi “sống lại” với Đức Kitô. Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại, dường như quên hết quãng đời dương thế của Đức Giêsu mà chỉ chú tâm vào Chúa Giêsu phục sinh. Đối với ông, sự kiện phục sinh là cốt lõi của đức tin Kitô giáo. Đức Giêsu đã sống lại, cuộc đời của người Kitô hữu cũng phải sang trang, để mặc lấy Đức Kitô. Khi đoạn tuyệt với quá khứ còn nhiều tăm tối và khiếm khuyết, người tin Chúa được phục sinh với Người. Như Đức Kitô đã sống lại và từ nay Người không còn chết nữa, người tín hữu hướng thẳng về phía trước mà tiến bước, trong niềm xác tín vào vị Chúa của mình, là Đấng đã chiến thắng tử thần. Thánh Phaolô khẳng định: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). “Hướng về thượng giới”, đây chính là ơn gọi của người Kitô hữu. Đây cũng chính là ý nghĩa của cuộc đời. Là thân phận “đầu đội trời, chân đạp đất”, việc hướng về thượng giới sẽ giúp chúng ta vững vàng trước những thử thách cam go, và sống thanh tao thánh thiện trước những lôi kéo cám dỗ của cuộc đời. Vị Tông đồ dân ngoại còn chi tiết hơn khi viết: “Anh em hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Cl 3,8-10). Đó là những phác họa rất cụ thể về một con người mới, là con người luôn hướng về Quê Trời.

Hướng về Quê Trời không làm chúng ta sao lãng bổn phận trần thế, vì hạnh phúc vĩnh cửu chúng ta đạt được trong tương lai, chính là nhờ những điều tốt lành chúng ta đang thực hiện hôm nay. Hơn thế nữa, những cố gắng xây dựng một xã hội công bằng nhân ái, chính là cộng tác để “Nước Cha trị đến” nơi trần gian.

“Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn” (Danh ngôn Nam Phi). Đức Giêsu là Mặt Trời công chính. Người chiếu rọi ánh sáng siêu nhiên để sưởi ấm cõi lòng và hướng dẫn chúng ta trong hành trình thiêng liêng. Hướng về Người, bóng tối sẽ bị xua tan, tội lỗi sẽ bị diệt trừ và tâm hồn chúng ta sẽ an vui.

Hải Phòng - Lễ Thăng Thiên 2018

Top