Huấn luyện Mục vụ Caritas - Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn - khóa 22

Huấn luyện Mục vụ Caritas - Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn - khóa 22

Huấn luyện Mục vụ Caritas - Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn - khóa 22

TGPSG -- Vào lúc 7h30 ngày 03/07/2023 tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn đã diễn ra khoá huấn luyện về linh đạo và mục vụ Caritas cho 33 thầy khoá 22 thuộc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Cùng hiện diện trong buổi huấn luyện này có sự đồng hành của:

  1. Cha Giuse Phạm Thanh Bình - Giám đốc Caritas TGP. Sài Gòn.
  2. Cha Giuse Trần Hoàng Quân - Đặc trách ban Mục Vụ của ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.
  3. Soeur Elizabeth Phan Thị Thu Thảo - Phó giám đốc Caritas TGP. Sài Gòn.

Và quý cô chú, anh chị em trong ban Caritas TGP. Sài Gòn.

Khoá huấn luyện kéo dài trong ba ngày từ ngày 03 đến ngày 07/07/2023, với các chủ đề:

  • Tổng Quan về Caritas.
  • Xây dựng mối quan hệ giao tiếp trong tình bác ái.
  • Tiếp cận nhóm người dễ bị tổn thương.
  • Công tác xã hội với cá nhân.

Bắt đầu với chủ đề “Tổng Quan Về Caritas”, quý thầy được cha giám đốc Giuse Phạm Thanh Bình chia sẻ về linh đạo Caritas qua thông điệp Deus Caritas Est của Đức cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Việc chia sẻ này giúp quý thầy có một cái nhìn về mục tiêu, sứ mạng hoạt động bác ái của Giáo Hội Hoàn Vũ nói chung, cách riêng là của ban Caritas thuộc TGP Sài Gòn. Tiếp đó, cha Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín, OP đã giúp quý thầy hiểu hơn về thế nào là “Đức Ái Kitô giáo - khóe nhìn dưới lăng kính môi trường”.

Kết thúc chủ đề thứ nhất, quý thầy hiểu rõ về linh đạo Caritas chính là tình yêu. Cụ thể như khi hiểu: Caritas không chỉ là bố thí nhưng còn là phát triển con người toàn diện, phát huy tình bác ái, liên đới giữa những con người trong xã hội, đồng thời đây cũng là hoạt động giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh. Song song đó khi bàn về Đức Ái Kitô giáo - khóe nhìn dưới lăng kính môi trường, quý thầy hiểu rằng: Đức Ái không chỉ là mối dây liên đới giữa người với người nhưng còn đặt trong sự tương tác với môi sinh là nơi mà hoạt động liên đới của con người diễn ra và con người có nhiệm vụ chung tay bảo vệ nó. Nơi mà Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho họ nhiều tài nguyên và cơ sở để sinh sống và tương tác.

Buổi chiều ngày 03/07/2023, với sự hướng dẫn tận tình của cô Têrêsa Trần Diễm Châu và thầy trợ giảng Phaolô Tuấn, buổi học được diễn ra một cách sôi động với chủ đề: “Xây Dựng Mối Quan Hệ Giao Tiếp Trong Tình Bác Ái”. Với chủ đề này, quý thầy nhận thấy mối quan hệ chất lượng không chỉ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố về văn hóa, tính cách, định kiến…mà nó còn phụ thuộc vào 3 yếu tố khác như: Có sự quan tâm (yêu thương), tôn trọng ranh giới cá nhân và mang lại sự phát triển cho người bên cạnh. Thông qua bài học này, quý thầy biết cách xây dựng mối quan hệ chất lượng với người anh em trong tình bác ái bằng phương pháp giao tiếp kiên định – trắc ẩn.

Bước sang ngày thứ hai, quý thầy được Soeur Anna Nguyễn Thụy Diễm Hương hướng dẫn “phương pháp để tiếp cận nhóm người dễ bị tổn thương”. Phương pháp này mang đến cho quý thầy có được những kinh nghiệm rất thực tế về các vấn đề xung quanh những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Khởi đi từ những hình ảnh trong Kinh Thánh, soeur đã chia sẻ những ví dụ rất thực tế trong đời sống ngày nay, khi nối kết với những mảnh đời dễ bị tổn thương. Với những góc nhìn tâm linh, tâm lý, cảm xúc, ước muốn, điểm mạnh, điểm yếu của họ và qua đó, soeur cũng cung cấp những thông tin cần thiết để quý thầy có thể dễ tiếp cận với họ hơn. Vào buổi chiều, soeur tiếp tục trình bày một số kỹ năng sử dụng trong tham vấn cần thiết để quý thầy có thêm hành trang cho việc mục vụ Caritas sắp tới.

Ngày thứ ba, quý thầy được cô Anna Nguyễn Kim Thanh, giảng viên ngành Công Tác Xã Hội (CTXH) của Đại Học Mở TP. HCM chia sẻ với chủ đề cuối cùng: “Công Tác Xã Hội với cá nhân”. Trải qua buổi học hỏi, giảng viên đã trình bày cho quý thầy cách nhận thức và hiểu rõ hơn về phương pháp tiếp cận, xưng hô và ứng xử với những con người có những hoàn cảnh khó khăn về tinh thần và vật chất dưới lăng kính của ngành CTXH. Ngoài ra, quý thầy cũng nắm bắt được một số khái niệm thuộc về ngành này chẳng hạn như thân chủ là ai, nhân viên CTXH đảm nhận vai trò gì khi giải quyết các vấn đề xã hội của thân chủ, hay những nguyên tắc căn bản mà người làm CTXH cần thiết phải lưu ý và ghi nhớ. Không những thế, quý thầy còn được giảng viên chia sẻ thêm những kỹ năng như vấn đàm, vẽ sơ đồ sinh thái, sơ đồ thế hệ gia đình… để có cái nhìn tổng quan cách khoa học trong việc giúp đỡ những con người đau khổ đối diện với những vấn đề nan giải của chính họ. Bên cạnh đó, điều làm đánh động quý thầy nhất có lẽ là: giảng viên đã chia sẻ những kinh nghiệm giữ bí mật cho thân chủ, cách đối diện và giải quyết vấn nạn phá thai trong tư cách vừa là người tín hữu Công Giáo vừa là chuyên viên CTXH. Qua đây, quý thầy cảm thấy việc sống đức tin trước những vấn nạn của xã hội quả là một thách đố cam go đối với người Kitô hữu khi họ tham gia vào các CTXH.

Trải qua ba ngày huấn luyện với các chủ đề nêu trên, quý thầy thu nhận nhiều hành trang cho bản thân để giao tiếp và tiếp cận với những người có hoàn cảnh đặc biệt. Mặt khác, quý thầy có thể biết được bản thân mình sẽ giúp đỡ như thế nào để góp phần cho người anh chị em có cơ hội được đón nhận sự giúp đỡ tốt nhất có thể để cuộc sống được tốt hơn.

Kết thúc khoá huấn luyện vào ngày 06/07/2023 với nghi thức sai đi, quý thầy bắt đầu bước vào hành trình trải nghiệm thực tế để “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15) khi có một tháng đến “cùng chung sống” ở các cơ sở, giáo xứ và cộng đồng từ Gia Lai, Dalat, Bảo Lộc, Bến Sắn, Cần Giờ và các vùng ngoại biên của Sài Gòn.

Bài & Ảnh: ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top