Học hỏi Phúc âm: Mùng Hai Tết - Kính Nhớ Tổ Tiên

Học hỏi Phúc âm: Mùng Hai Tết - Kính Nhớ Tổ Tiên

Học hỏi Phúc âm: Mùng Hai Tết - Kính Nhớ Tổ Tiên

Mt 15,1-6

  1. Trong bài Tin Mừng này, phái đoàn nào đến gặp Đức Giêsu ? Họ từ đâu đến và gặp Ngài ở đâu ? Tại sao họ đến gặp Ngài ? Đọc Mt 14,13-14.21.
  2. Trong Tin Mừng Mát thêu, các kinh sư và những người Pharisêu có phải là những người có cảm tình với Đức Giêsu không ? Đọc Mt 9,3.11.14.34; 12,2.10.14.24.38.
  3. “Truyền thống của tiền nhân” ở Mt 15,2 nghĩa là gì ?
  4. Trong Mười Điều răn, điều răn “Thờ cha kính mẹ” hay “thảo kính cha mẹ” nghĩa là gì ? Thảo kính cha mẹ đem lại điều gì cho con cái ? Đọc Xuất hành 20,12; Đệ nhị luật 5,16.
  5. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Điều này có trong Cựu Ước không ? Đọc Xuất hành 21,17; Lêvi 20,9; Đệ nhị luật 21,18-21; Châm ngôn 20,20.
  6. Câu Mt 15,5-6a thật sự nghĩa là gì ?
  7. Tìm trong bài Tin Mừng này hai câu tố cáo có nội dung giống nhau của Đức Giêsu đối với các người Pharisêu và kinh sư ? Đọc Mt 15,3.6. Ngài tố cáo họ về thái độ nào ? Trước đó họ đã tố cáo Ngài về chuyện gì ?
  8. Theo bạn, tôn kính cha mẹ có phải là điều răn quan trọng nhất không ? Bạn hiểu thế nào về Mt 4,18.22; 10,37. Trong truyền thống dân tộc, tương quan thảo hiếu đối với cha mẹ thường được đặt dưới những tương quan nào ?

 

Thảo kính cha mẹ không chỉ là vâng phục mà còn là kính trọng, yêu mến, được thể hiện qua việc thăm hỏi khi mạnh khỏe, chăm sóc khi đau yếu, nuôi dưỡng khi già nua.

Điều làm chúng ta bất ngờ đó là hình phạt nặng nề dành cho những ai không thảo kính cha mẹ, nghĩa là không giữ điều răn Chúa. Đứa con ngỗ nghịch bị cha mẹ bắt, đem ra cửa thành cho các kỳ mục xử. “Mọi người trong thành sẽ ném đá cho nó chết.” (Đệ nhị luật 21,19-21). Tội nguyền rủa, chế giễu cha mẹ bị coi là tội nặng, phải bị xử tử (Xuất hành 21,17; Lêvi 20,9; x. Châm ngôn 20,20; 30,17). Qua câu Mt 15,5-6a Đức Giêsu tố giác một truyền thống xấu của tiền nhân mà các người Pharisêu và kinh sư thích dựa vào. Đó là nếu người con thực sự đã dâng cho Chúa, hay mới chỉ có ý dâng, những gì lẽ ra mình phải dành để phụng dưỡng cha mẹ, thì người con ấy được miễn khỏi phải phụng dưỡng cha mẹ nữa. Vì những gì người ấy đã bỏ (hay định bỏ) vào thùng tiền ở Đền thờ, trở thành “lễ phẩm dâng cho Chúa” (dôron, korban) rồi. Cha mẹ không còn quyền được hưởng những của cải ấy nữa. Đối với Đức Giêsu, đây là một truyền thống sai lạc do con người tạo ra, vì đã dám gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa là thảo kính cha mẹ (xem thêm Mc 7,9-13). Hai lời tố cáo có nội dung giống nhau của Đức Giêsu nằm ở Mt 15,3.6. Ngài tố cáo họ đã đặt những truyền thống truyền khẩu của họ lên trên điều răn rõ ràng của Thiên Chúa được viết trong Sách Thánh. Trước đó họ đã tố cáo các môn đệ Đức Giêsu vi phạm truyền thống này khi không rửa tay trước khi ăn (Mt 15,2). Điều răn thảo kính cha mẹ là quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất. Dù cha mẹ ông bà là những bậc đáng kính, nhưng họ cũng chỉ là những thụ tạo, ở dưới Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa đòi hỏi rõ ràng, thì phải đặt những đòi hỏi đó lên trên điều răn này. Các môn đệ đã bỏ gia đình để theo Đức Giêsu (Mt 4,18.22). Ngài đòi họ đặt Ngài lên trên cha mẹ hay con cái (Mt 10,37). Trong truyền thống dân tộc, đạo hiếu cũng phải đặt ở dưới việc trung với vua. Có một trật tự phải theo: vua, rồi đến thầy, rồi đến cha (quân, sư, phụ). Ngoài ra còn có một trật tự khác nữa, đó là Thượng Phụ (Thiên Chúa), Trung Phụ (Vua) và Hạ Phụ (cha).

CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì về lòng hiếu thảo của Đức Giêsu với cha mẹ ? Khi Cậu Giêsu ở lại Đền thờ mà không báo cho cha mẹ (Luca 2,41-51); khi Ngài lên đường đi làm sứ mạng Chúa Cha sai và để mẹ Maria ở lại nhà; hay khi Ngài trao người môn đệ Ngài yêu cho Đức Mẹ trước khi lìa đời (Ga 19,25-27).

PHẦN TRẢ LỜI

Trong bài Tin Mừng này, dường như có cả một phái đoàn gồm những người Pharisêu và các kinh sư từ Giêrusalem đến vùng Galilê là nơi Đức Giêsu đang thi hành sứ vụ. Họ từ xa đến hẳn phải có mục đích. Trước đây ta đã từng thấy một phái đoàn tương tự từ Giêrusalem đến để điều tra ông Gioan Tẩy giả (Ga 1,19.22). Còn phái đoàn trong bài Tin Mừng này có thể được giới lãnh đạo Do-thái giáo gửi đến để điều tra hoạt động của Đức Giêsu, vì thấy Ngài khá thành công ở vùng Galilê, nhất là sau phép lạ bánh hóa nhiều (Mt 14,13-14.21). Đặc biệt trong chương 9 và 12 của Tin Mừng Mátthêu, chúng ta thấy các kinh sư và những người Pharisêu thường có ác cảm và chống đối Đức Giêsu. Họ tố cáo Ngài về chuyện phạm thượng khi tha tội (Mt 9,3), ăn với người thu thuế (Mt 9,11), các môn đệ không ăn chay (Mt 9,14), các môn đệ bứt lúa trong ngày sa-bát (Mt 12,2), chính Đức Giêsu chữa bệnh ngày sa-bát (Mt 12,10). Họ thách thức Ngài làm phép lạ (Mt 12,38). Họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ thông đồng với quỷ vương (Mt 9,34; 12,24) và họ đã âm mưu giết Ngài (Mt 12,14). Các môn đệ bị tố cáo vi phạm “truyền thống của tiền nhân” khi không rửa tay trước khi dùng bữa (Mt 15,2). Truyền thống của tiền nhân ở đây để chỉ tập hợp những luật truyền khẩu được cho là do Môse nói ra, và lưu truyền từ đời nọ sang đời kia. Chúng có thể được thêm thắt nên dần dần chúng càng lúc càng nhiều lên. Những luật truyền khẩu này nhằm giải thích hay bổ sung cho Luật đã được viết trong Cựu Ước, nên chúng rất nghiêm ngặt, chi li và khó giữ. Thánh Phaolô từng hãnh diện vì đã giữ kỹ “truyền thống của cha ông” (Gl 1,14). Thí dụ Cựu Ước không đòi phải rửa tay trước khi dùng bữa, nhưng “truyền thống của tiền nhân” lại đòi. Cựu Ước không cấm bứt bông lúa để ăn trong ngày sabát, nhưng “truyền thống của tiền nhân” lại cấm. Thảo kính cha mẹ là một trong mười điều răn mà ông Môsê đã nhận từ trên núi Xinai. Đây không phải là một điều cấm làm như những giới răn khác, nhưng là điều Thiên Chúa truyền phải làm như một bổn phận. Sách Xuất hành không nói lý do tại sao phải thảo kính cha mẹ, chỉ nói kết quả của việc thảo kính này, đó là “được sống lâu trên đất Thiên Chúa sẽ ban” (Xh 20,12). Sách Đệ nhị luật còn thêm “để được sống lâu và để được hạnh phúc “trên đất Chúa ban (5,16). Thảo kính cha mẹ cụ thể là vâng lời cha mẹ. Sách Đệ nhị luật 21,18-20 nói đến “đứa con ngỗ nghịch và bất trị, không nghe lời cha mẹ sửa dạy”, “cứ rượu chè phóng đãng.”

Top