Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Phục sinh

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Phục sinh

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Phục sinh

Ga 20,19-31
Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ

Lời Chúa:

19Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!" 20Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người nói với các ông:

"Chúc anh em được bình an!
như Chúa Cha đã sai Thầy,
thì Thầy cũng sai anh em".

22i xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:
"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

23Anh em tha tội cho ai,
thì người ấy được tha;
anh em cầm giữ ai,
thì người ấy bị cầm giữ".

24Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. 25các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nêu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin". 26Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an" 27Rồi Người bảo Tôma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". 28Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" 29Ðức Giêsu bảo:

"Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.
Phúc thay những người không thấy mà tin!"

30Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Học hỏi:

1. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ khi nào?

2. Đức Giêsu có báo trước việc mình sẽ đến với các môn đệ không? Đọc Ga 14, 18.28.

3. Tại sao Chúa Giêsu phục sinh lại cho các ông xem hai bàn tay và cạnh sườn (x. 19, 34)?

4. Đọc Ga 20, 18-29. Ai là những người đã được thấy Chúa?

5. Tại sao Chúa Giêsu phục sinh sai các môn đệ lên đường ? Đọc Mác-cô 16, 15.20; Mát-thêu 28, 19-20; Luca 24, 47-48; Gioan 20, 21. Hai câu Ga 20, 21 và Ga 17, 18 có gì đặc biệt?

6. Đức Giêsu phục sinh thổi hơi vào các ông (Ga 20, 22), cử chỉ đó cho thấy điều gì? Tại sao Đấng phục sinh trao ban Thánh Thần cho các môn đệ? Đọc Ga 14, 26; 15, 26; 20, 21.23.

7. Bạn nghĩ gì về thái độ của Đức Giêsu đối với ông Tôma được diễn tả trong Ga 20, 26-27?

8. Đọc Ga 20, 28. Lời tuyên xưng đức tin trên đây của Tôma có gì đặc biệt? Đọc Ga 1, 1.

9. Gioan 20, 29 là mối phúc dành cho ai?

 

GỢI Ý SUY NIỆM: Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20, 25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không? Khi gặp một Tôma như thế, bạn muốn bắt chước Đức Giêsu ở điểm nào trong cách đối xử với người ấy?

 

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu sống lại hiện ra hai lần. Lần đầu vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, tức là chiều Chúa nhật phục sinh (Ga 20, 19). Lần thứ hai xảy ra vào tám ngày sau (Ga 20, 26), tức là một tuần sau, cũng vào ngày Chúa nhật, tuy không rõ sáng hay chiều.
  2. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu coi cuộc Khổ nạn sắp đến của mình là cuộc trở về với Chúa Cha (Ga 13, 1.3).”Thầy phát xuất từ Chúa Cha, và Thầy đã đến trong thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đi đến cùng Chúa Cha” (Ga 16, 28). Tuy nhiên, Ngài cũng nhiều lần nói đến việc mình sẽ đến với các môn đệ.”Thầy ra đi và Thầy đến với anh em” (x. Ga 14, 18.28).”Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng” (Ga 16, 22). Khi hiện ra với các ông, Chúa đến và gặp lại các ông như Ngài đã hứa.
  3. Chúa Giêsu chủ động cho các môn đệ xem hai bàn tay và cạnh sườn của mình để họ thấy những vết thương gây ra do bị đóng đinh và bị đâm. Từ đó Ngài muốn cho các môn đệ biết rằng Đấng đang sống và đứng giữa họ cũng chính là Đấng đã chịu đóng đinh và chết trước đây mấy ngày. Ngài cho họ xem cạnh sườn vì trong Tin Mừng Gioan có kể chuyện Ngài bị đâm vào cạnh sườn (x. Ga 19, 34). Như thế Đấng phục sinh vẫn mang trên thân xác phục sinh của mình những dấu tích của cuộc Khổ nạn, dù những vết thương ấy đã lành.
  4. Trong Ga 20, 18-29, động từ thấy (horaô) được dùng nhiều lần. Những người đã được thấy Chúa phục sinh trong đoạn văn trên đây là chị Maria Mác-đa-la (Ga 20, 18), mười môn đệ trong Nhóm Mười Hai (Ga 20, 20.25), rồi đến ông Tôma (Ga 20, 29). Thấy Chúa phục sinh hiện ra là một kinh nghiệm quan trọng. Từ kinh nghiệm gặp gỡ có tính cá vị này mà các môn đệ có thể làm chứng về sự phục sinh của Thầy Giêsu, và dám chết để loan báo sự phục sinh ấy cho mọi người. Ông Tôma đòi thấy các dấu đinh như một điều kiện để ông tin (Ga 20, 25). Nhưng Chúa Giêsu khẳng định rằng người không thấy cũng có thể tin, và đó là một mối phúc (Ga 20, 29).
  5. Chúa phục sinh hiện ra để nâng đỡ đức tin các môn đệ sau những yếu đuối và vấp ngã. Hơn nữa, Ngài hiện ra để mặc khải trọn vẹn cho các môn đệ biết Ngài là ai: Ngài là người được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để đem Tin Mừng; Ngài đã chịu khổ nạn và chịu chết để cứu nhân loại, nhưng Ngài đã được Cha phục sinh và sẽ được về với Cha. Ngài đã hoàn tất sứ mạng cứu độ Cha giao cho mình, nhưng Ngài cần các môn đệ đem ơn cứu độ đó đến cho dân Ítraen và cho mọi dân tộc trên mặt đất. Chính vì thế cả bốn sách Tin Mừng đều kể chuyện Chúa Giêsu phục sinh sai các môn đệ lên đường (Mc 16, 15.20; Mt 28, 19-20; Lc 24, 47-48; Ga 20, 21). Chúa Giêsu ý thức Chúa Cha là Đấng đã sai mình vào thế gian, nên trước khi về với Chúa Cha, Ngài cũng sai các môn đệ vào thế gian để tiếp tục sứ vụ (Ga 17, 18; 20, 21). Như thế chỉ có một sứ vụ đến từ Cha, được Cha trao cho Đức Giêsu, và Ngài trao lại cho các môn đệ, rồi các ông cứ tiếp tục trao đi mãi cho đến tận thế.
  6. Trong Cựu Ước, sau khi nặn ra con người từ bùn đất, Thiên Chúa đã thổi hơi vào mũi con người, để nó trở thành một sinh vật có sự sống (St 2, 7). Khi hiện ra với các môn đệ, sau khi sai phái họ đi, Chúa Giêsu phục sinh cũng thổi hơi trên họ, để ban cho họ sức sống mới là Thánh Thần của Ngài (Ga 20, 22). Thánh Thần rất cần cho những người được Ngài sai đi (Ga 20, 21), vì Thánh Thần sẽ trở nên vị Thầy dạy cho họ mọi điều, giúp họ nhớ lại lời Đức Giêsu đã dạy (Ga 14, 26) và giúp họ làm chứng cho Đức Giêsu (Ga 15, 26). Ngoài ra, Thánh Thần còn cho họ có khả năng tha tội, khả năng quan trọng để đem lại sự sống thiêng liêng cho các tín hữu (Ga 20, 23).
  7. Một tuần sau, Chúa Giêsu phục sinh trở lại như thể để gặp riêng ông Tôma. Ngài không hỏi ông tại sao đã không có mặt với anh em vào Chúa nhật tuần trước (Ga 20, 24). Ngài cũng không trách ông vì đã đòi hỏi quá đáng và không tin vào anh em (Ga 20, 25). Ngược lại, Ngài muốn đáp ứng mọi yêu cầu cụ thể của ông (Ga 20, 27). Rõ ràng Ngài không muốn mất ông, như đã mất Giuđa (Ga 17, 12). Ngài muốn ông đi cùng một nhịp với các ông khác, và có cùng một đức tin như họ. Ở đây chúng ta có thể thấy sự khiêm nhượng của Đấng phục sinh.
  8. Có thể coi lời tuyên xưng đức tin của Tôma ở Ga 20, 28 là đỉnh cao trong Tin Mừng Gioan. Ông tuyên xưng Thầy Giêsu phục sinh là “Thiên Chúa của con”. Điều này gợi cho ta nhớ đến câu đầu tiên của Tin Mừng Gioan, trong đó Ngôi Lời đã được gọi là Thiên Chúa (Ga 1, 1). Ngôi Lời ấy đã thành người nơi Đức Giêsu Kitô (Ga 1, 17). Ngài là Thiên Chúa Con Một (Ga 1, 18). Như vậy ở đầu và ở cuối Tin Mừng Gioan, ta thấy tác giả khẳng định thiên tính của Chúa Giêsu Kitô.
  9. Mối phúc ở Ga 20, 29 dành cho chúng ta, những người đã tin, tuy không được thấy tận mắt, chạm tận tay vào Đấng Phục sinh như các môn đệ xưa. Tôma chỉ tin sau khi được Đấng phục sinh hiện ra và mời ông kiểm chứng. Chúng ta tin dù không được Chúa hiện ra, nhưng nhờ lời chứng của các môn đệ, nhất là lời chứng của một người cứng lòng tin như Tôma. Chính sự cứng lòng của Tôma lại là một bảo đảm cho niềm tin của chúng ta.

Top