Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 14 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 14 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 14 Thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 10,1-12.17-20

1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. 10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. 12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó”.

17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. 18 Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. 19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.

Câu hỏi:

1. Đọc Lc 10, 1; 9, 1-6. Ngoài Tin Mừng Luca, có Tin Mừng nào nói đến việc Đức Giêsu sai 72 môn đệ không? Việc sai 72 môn đệ có ‎‎ý nghĩa gì đối với người giáo dân không? Đọc Dân số 11, 16-17.

2. Đọc Lc 10, 2. Đức Giêsu so sánh việc rao giảng Nước Thiên Chúa với việc gì? Còn ở Lc 5, 10-11, Đức Giêsu lại so sánh với hình ảnh gì?

3. Chúa (=chủ) của mùa gặt ở Lc 10, 2 là ai? Chúa của mùa gặt ở đây có khác với Chúa ở Lc 10, 1.17 không? Tại sao phải cầu xin Chúa sai thợ gặt đến? ‎

4. Thái độ của người môn đệ khi được tiếp đón vào nhà (Lc 10, 5-7) và vào thành (Lc 10, 8-12) có những điểm nào giống nhau? Cử chỉ phủi bụi chân lại mang ý nghĩa gì?

5. Đọc Lc 10, 17. Các môn đệ trừ được ma quỷ nhờ ai? Đọc Lc 9, 49; Cv 3, 6; 4, 10; 16, 18.

6. Đọc Lc 10, 18. Khi nào thì Xa-tan từ trời rơi (ngã) xuống? Khi nào Nước Thiên Chúa thắng được nước của Xa-tan? Đọc Lc 11, 18-20.

7. Cho biết ý nghĩa của các đoạn sau đây: Lc 10, 19; Mc 16, 18; Cv 28, 3-5.

9. "Tên được ghi trên trời" nghĩa là gì? Đọc Xh 32, 32-33; Đn 12, 1; Tv 69, 29; Kh 3, 5; Pl 4, 3. Đâu là niềm vui đích thực của người môn đệ?

GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Đọc Lc 10, 3-4. Theo bạn, người đi rao giảng Tin Mừng ngày nay đều cần đem theo điều gì? Đâu là thái độ cần có đối với một người đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Luca 9, 1-6 kể cho ta việc Thầy Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng và chữa bệnh cho dân chúng. Sau đó còn thuật chuyện các ông trở về gặp lại Thầy và kể cho Thầy nghe những trải nghiệm trong chuyến đi vừa qua (Lc 9, 10). Còn Lc 10, 1-20 lại thuật chuyện Chúa Giêsu sai bảy mươi (hay bảy mươi hai) môn đệ đi làm những việc giống như Nhóm Mười Hai. Sau đó họ cũng trở về, báo cho Chúa biết thành công của họ trong việc xua đuổi quỷ thần (Lc 10, 17-20). Chỉ Tin Mừng Luca mới kể chuyện về nhóm Bảy Mươi Hai được sai đến mọi nơi mà Chúa Giêsu sẽ đến, để chuẩn bị cho Chúa như ông Gioan Tẩy giả đã làm trước đây (Lc 3, 1-18). Trong Cựu Ước, ông Môsê chỉ định 70 kỳ mục làm phụ tá cho mình để lãnh đạo dân. Các ông này cũng được hưởng một phần Thần Khí của Môsê (Ds 11, 16-17). Sau đó, có 2 ông khác là En-đát và Mê-đát cũng nhận được Thần Khí (Ds 11, 26). Bởi đó có 70 hay 72 người phụ tá cho ông Môsê nhận được Thần Khí. Trong bài Tin Mừng này, nhóm 70 hay 72 môn đệ sẽ cùng làm việc với Nhóm Mười Hai cho sứ vụ ở Israel và cho “mọi dân tộc” (Lc 24, 47). Có tác giả cho rằng Nhóm 70 hay 72 là đại diện cho các giáo dân đang làm việc tông đồ trên toàn thế giới.
  2. Trước khi sai họ lên đường, Chúa Giêsu đã ban cho họ những lời huấn dụ (Lc 10, 2-12). Ngài ví Nhóm 72 với những người thợ gặt lúa. Họ được sai đi gặt ở cánh đồng lúa đã chín vàng (Lc 10, 2). Họ không phải làm ruộng cực khổ, họ chỉ đến để thu hoạch thôi (x. Ga 4, 35-38). Còn ở Lc 5, 1-11, trong bối cảnh ở hồ Galilê, Chúa Giêsu lại mời gọi các môn đệ đầu tiên làm những kẻ “đánh bắt con người” như đánh bắt cá. Làm ngư phủ hay làm thợ gặt, là những hình ảnh cho thấy công việc của các môn đệ khi được sai vào thế giới.
  3. Cách đây hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã phải than: “ thợ gặt lại ít”. Cánh đồng lúa sẽ bị hư hoại nếu không có đủ thợ đến gặt đúng lúc. Sau đó chính Chúa Giêsu (kurios) lại chỉ cách để có đủ thợ gặt: “Vậy hãy xin Chúa (kurios) của mùa gặt sai thợ ra gặt lúa.” Chúa của mùa gặt ở đây phải hiểu là Thiên Chúa Cha (x. Lc 10, 21.27); tuy trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu cũng được gọi là Chúa (Lc 10, 1.17), và Chúa Giêsu là Đấng đã sai các môn đệ đi (Lc 10, 1). Chúa Cha là Đấng sai thợ đi gặt trên những cánh đồng lúa chín. Để có thợ, cần phải xin Chúa Cha là Ông Chủ ruộng sai đi. Đây là một ơn ban của Ông Chủ, tự sức con người không làm được.
  4. Trong bài Tin mừng này, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ cung cách cư xử khi họ đến một nhà (Lc 10, 5-7) hay một thành (Lc 10, 8-12). Có một điểm giống nhau khi đến một nhà hay một thành. Đó là thái độ khiêm tốn đón nhận sự tiếp đón mà nhà đó hay thành đó dành cho mình, không đòi hỏi, không tìm kiếm nhà khác hay thành khác có tiện nghi vật chất hơn. Lc 10, 7: “Hãy ở lại nhà ấy, và ăn uống những gì người ta cho anh em…Đừng đi hết nhà nọ sang nhà kia.” Lc 10, 8: “Vào bất cứ thành nào mà người ta đón tiếp, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.” Một điểm khác giống nhau nữa, đó là thái độ tích cực trao ban. Vào nhà thì trước tiên là chúc bình an, không cần để ý xem nhà đó có ai xứng đáng với ơn bình an không (Lc 10, 6). Vào thành thì chữa lành những người đau yếu, và loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (Lc 10, 9). Ngay cả khi không được đón tiếp thì cũng không có phản ứng bạo động (Lc 10, 10-11). Cử chỉ phủi bụi chân là dấu hiệu cho thấy mình không muốn liên can gì nữa, ngay cả bụi chân cũng không giữ lại.
  5. Bảy mươi hai môn đệ trở về gặp Chúa, quá đỗi vui mừng vì họ làm được điều chưa từng thấy, đó là trừ quỷ. Các ông lần đầu tiên có kinh nghiệm về sức mạnh của Danh Chúa Giêsu. “Nhân danh Ngài, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10, 17). Tên của Đức Giêsu trừ được quỷ và chữa lành anh què (Lc 9, 49; x. Cv 3, 6.16; 4, 10; 16, 18).
  6. Khi các ông đang nói về trải nghiệm trừ quỷ của mình thì Đức Giêsu, như trong một thị kiến về tương lai, nhìn thấy sự sụp đổ của Xatan. Xatan từ trời ngã xuống như một tia chớp (Lc 10, 18). Nước của Xatan là có thật và mạnh (Lc 11, 18.21). Tuy cuộc chiến với Xatan còn kéo dài, và nước của Xatan chỉ sụp đổ hoàn toàn vào ngày tận thế, nhưng qua việc trừ quỷ, Đức Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20). Chiến thắng chung cục đã được bảo đảm bởi những gì Đức Giêsu và các môn đệ đã và đang làm trên thế giới (x. Ga 12, 31; 14, 30; 16, 11; Rm 16, 20).
  7. Khi sai các môn đệ lên đường, Chúa Giêsu biết họ sẽ gặp nhiều nguy hiểm, như chiên ở giữa sói, mà lại không có gì bảo đảm (Lc 10, 3-4). Nhưng Ngài đã trang bị cho họ uy quyền trên mọi thứ kẻ thù nên không gì làm hại họ. Điều đó được nói đến trong Lc 10, 19; Mc 16, 18 và Cv 28, 3-5.
  8. Niềm vui đích thực của người môn đệ không phải là trừ được quỷ, nhưng là thấy tên mình được ghi trên trời, nghĩa là được cứu độ (Lc 10, 20). Thánh Kinh có dùng hình ảnh về “cuốn sách sự sống”, trong đó ghi tên những người được cứu độ (Xh 32, 32-33; Đn 12, 1; Tv 69, 29; Kh 3, 5; Pl 4, 3).

 

Top