Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng Năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng Năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng Năm A

Mt 1,18-24

1. Thánh Mát-thêu viết cuốn Phúc âm để giúp người Do-thái tin Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a (= Đấng Ki-tô). Vào thời Đức Giêsu, dân Do-thái coi Đấng Mê-si-a là Đấng nào? Có bao nhiêu từ Kitô trong chương 1 của Phúc âm Mát-thêu?

2. Đọc Mt 1,18. Đức Maria “đã thành hôn”, dịch như thế có chính xác không? Bạn biết gì về tục cưới hỏi của người Do-thái thời Đức Giêsu?

3. Đức Maria có thai do Thánh Thần (c. 18). Câu này cho ta thấy Thánh Thần là ai và thai nhi là ai?

4. Đọc Mt 1,19. Khi biết tin Maria có thai, Giuse đã phản ứng như thế nào? Bạn nghĩ gì về quyết định của Giuse? Bạn thấy Giuse có là người công chính không?

5. Trong chương 1 và 2 của Phúc âm Mát-thêu, thiên sứ của ĐỨC CHÚA báo mộng cho Giuse mấy lần? Đọc thêm Mt 2,12; 27,19. Bạn có thích Thiên Chúa nói ‎thánh ý của Ngài qua giấc mộng không?

6. Đọc Mt 1,20-21. Thiên sứ mời gọi Giuse làm những việc gì? Những việc đó có quan trọng không? Đọc Mt 1,24-25. Giuse có nói tiếng Xin vâng đối với thiên sứ không?

7. Dựa vào Mt 1,20-23 hãy cho biết Đức Giêsu là ai? Đức Giêsu có phải là Đấng Mê-si-a giống như dân Do-thái thường mong đợi không?

8. Đọc Mt 1,22-23. Đây là lời của ngôn sứ Isaia. Ông đã viết vào khoảng thời gian nào? Thánh sử Mát-thêu thấy lời tiên tri của ngôn sứ Isaia ứng nghiệm với Đức Giêsu ở những điểm nào?

GỢI Ý SUY NIỆM: Đời sống hôn nhân giữa Đức Maria và thánh Giuse gặp những khó khăn ngay từ đầu. Tại sao có những khó khăn đó? Gương của thánh Giuse có giúp bạn vượt qua những khó khăn thách đố của đời sống hôn nhân không?

PHẦN TRẢ LỜI

Trong tiếng Do-thái, Mêsia có nghĩa là người được Thiên Chúa xức dầu. Người được xức dầu là người được Thiên Chúa chọn để thi hành một sứ mạng nào đó. Các vua thường được xức dầu.

Vào thời Đức Giêsu, dân Do-thái đang sống dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma, nên nói chung, họ mong chờ Thiên Chúa gửi đến cho họ Đấng Mêsia, cũng gọi là Đấng Kitô (theo tiếng Hy-lạp), hay Đấng Thiên Sai. Khi Đấng Mêsia đến như một vi vua, ngài sẽ đem lại độc lập tự do cho đất nước, và thịnh vượng cho quê hương. Trong chương 1 của Phúc Âm theo thánh Mát-thêu, từ Kitô, nghĩa là Mêsia, được nhắc đến nhiều lần trong các câu 1, 16, 17, và 18.

Mát-thêu 1,18 được dịch như sau: “Maria, mẹ của Người, đã thành hôn với ông Giuse” (xem thêm Lc 1,27; 2,5). Thật ra nên dịch như sau: “Maria đã được đính hôn với ông Giuse” (mnêsteutheísês). Đối với tập tục Do-thái, sau khi đính hôn thì đã được coi là vợ chồng (bởi đó Maria đã được gọi là vợ ở Mt 1,20.24). Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt quan trọng giữa đính hôn và thành hôn. Đó là hai giai đoạn hoàn toàn khác nhau. Trong thời gian đính hôn, hai người chưa về ở chung nhà, nên chưa có quan hệ vợ chồng. Đó cũng là tình trạng của Giuse khi thiên sứ đến báo mộng cho ông. Giuse bối rối khi thấy hôn thê của mình có thai, dù hai người chưa chung sống với nhau. Chỉ sau này, khi tin lời thiên sứ nói, Giuse mới “đón vợ về nhà” (Mt 1,24). Đó mới là lúc thành hôn thực sự.

Đức Maria có thai do (ek) Thánh Thần (Mt 1,18). Đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không hiểu thấu. Đây là chuyện chưa từng xảy ra bao giờ, chuyện này Giuse cũng không hề biết. Maria mang thai không do Giuse, nhưng do quyền năng của Thánh Thần (“bởi phép Đức Chúa Thánh Thần” trong Kinh Tin Kính). Như thế việc thụ thai Đức Giêsu có sự can thiệp đặc biệt của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha muốn Con Một của mình làm người như chúng ta, nhưng cũng có điều khác chúng ta. Người Con này có nguồn gốc thần linh từ chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là Cha thật của Đức Giêsu, chứ không phải ông Giuse. Khi nhìn ngắm Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ, chúng ta thấy sự hiện diện của cả Ba Ngôi. Chúa Thánh Thần đóng vai trò quan trọng trong mầu nhiệm “Con Thiên Chúa làm người.” Con Thiên Chúa thành người được là nhờ quyền năng Thánh Thần (xem thêm Lc 1,35).

Khi nghe tin Maria mang thai, ông Giuse có thể có ba giải pháp: tố giác Maria cách công khai để Maria phải chịu một hình phạt nào đó, rồi ly dị Maria; cứ lấy Maria làm vợ dù biết thai nhi không phải là con mình; không tố giác công khai, nhưng kín đáo ly dị Maria. Ông Giuse đã chọn giải pháp cuối cùng. Ông không thể lấy làm vợ Maria, một người đang mang thai của ai đó mà ông không rõ, nhưng ông cũng không muốn làm hại danh tiếng của Maria, người mà ông vẫn yêu mến và tin tưởng. Chắc Giuse đã phải suy nghĩ rất lâu trước khi chọn giải pháp trung dung này. Giuse là người công chính trước mặt Chúa, vì ông đã có quyết định này, phù hợp với Luật Chúa.

Trong chương 1 và 2 của Phúc Âm Mát-thêu, thiên sứ báo mộng cho Giuse bốn lần (Mt 1,20; 2,13.19.22). Các nhà chiêm tinh và vợ của Philatô cũng được báo mộng (Mt 2,12; 27,19). Trong Cựu Ước, báo mộng được coi là một hình thức Thiên Chúa nói chuyện và dạy bảo con người. Trong thời Tân Ước, có vẻ hình thức này ít được nói đến. Thiên Chúa hôm nay nói với chúng ta qua lời của Chúa Giêsu trong Sách Thánh, qua Hội Thánh, qua các vị lãnh đạo, qua các biến cố… Đó là những hình thức chắc chắn hơn và khách quan hơn để Chúa nói với chúng ta.

Qua Mt 1,20-21, thiên sứ mời Giuse làm những việc sau: đón Maria về làm vợ, và đón nhận đứa con trong bụng Maria làm con của mình. Đây là hai việc hết sức cần thiết. Nếu Giuse từ chối, mọi sự sẽ đổ vỡ. Maria sẽ là mẹ đơn thân, bị chê cười; Giêsu sẽ không có chỗ dựa của một người cha trần thế. Giuse đón nhận thai nhi trong bụng Maria là con mình bằng cách đặt tên cho đứa bé là Giêsu. Đặt tên là quyền của người cha. Giuse đã nói tiếng Xin Vâng với thiên sứ, vì sau đó ông đã thực hiện hai điều thiên sứ truyền dạy (Mt 1,24-25).

Khi đọc Mt 1,20-23 ta thấy một số nét nơi khuôn mặt của Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Ngài có nguồn gốc từ Thiên Chúa, vì được thụ thai bởi Thánh Thần, chứ không bởi Giuse, một người thuộc dòng dõi vua Đa-vít (Mt 1,20). Đức Giêsu là Đấng đến để cứu Dân Israel, nhưng không phải là cứu họ khỏi nô lệ cho đế quốc Rô-ma, nhưng là “cứu dân khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21).

Đức Giêsu không phải chỉ là một Đấng Mêsia, là con của một đôi vợ chồng người Do-thái. Ngài cao trọng vượt quá ước mơ của mọi người Do-thái: Ngài là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện và cứu độ Dân Người, không phải chỉ là Dân Do-thái mà là đoàn Dân mới của Thiên Chúa từ khắp tứ phương thiên hạ (Mt 28,19-20).

Lời ngôn sứ Isaia (7,14) được viết từ 750 năm trước nay được ứng nghiệm một cách kỳ diệu. Thánh sử Mát-thêu khi đọc Isaia 7,14 theo bản dịch Bảy Mươi (LXX) đã vui sướng khi gặp câu: “một trinh nữ (parthenos) sẽ thụ thai…con trẻ là Emmanuel.” Đối với Mát-thêu, Đức Maria chính là trinh nữ đó, và Hài nhi Giêsu chính là Emmanuel.

Top