Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B
(Ga 18,33b-37)
Lời Chúa:
"Ông có phải là vua dân Do-thái không?" 34Đức Giêsu đáp: "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?" 35Ông Philatô trả lời: "Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?" 36Đức Giêsu trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này". 37Ông Philatô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Đức Giêsu đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi".
Học hỏi:
1. Đọc Ga 18,28 - 19,16. Ta thấy Philatô thường hay từ trong dinh của mình đi ra gặp dân chúng, rồi lại đi vào trong dinh. Bạn thấy Philatô đi ra, đi vào mấy lần? Điều đó nói lên tâm trạng nào của ông?
2. Trong cả bốn sách Phúc âm, khi Philatô gặp mặt Đức Giêsu, câu hỏi đầu tiên của ông là gì? Đọc Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,3; Ga 18,33.
3. Trước câu hỏi đó, Đức Giêsu đã trả lời ra sao ? Đọc Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,3; Ga 18,34.37. Nói chung, Đức Giêsu có rõ ràng nhận mình là vua không?
4. Trong Tin Mừng Gioan, ai là người tuyên xưng Đức Giêsu là “Vua của Ítraen”? Đọc Ga 1,49; 12,13. Philatô hay lính Rôma có gọi Đức Giêsu là “vua của Ítraen” không? Đọc Ga 18,33.39; 19,3.19.21-22
5. Sau phép lạ bánh hóa nhiều, dân muốn tôn Ngài làm vua. Đức Giêsu có muốn làm vua không? Đọc Ga 6,15. Tại sao Ngài không muốn?
6. Trong câu Ga 18,36, Đức Giêsu có kín đáo nhận mình là vua không? Dựa vào đâu ta biết được điều đó? Như thế Ga 18,36 có mâu thuẫn với Ga 6,15 không?
7. Đọc Ga 18,37. Sứ mạng của Vua Giêsu là gì? Sự thật mà Người làm chứng là gì? Đọc Ga 17,3.
8. Ai là người thuộc về Nước của Vua Giêsu? Đọc Ga 18,37; 10,26-27.
GỢI Ý SUY NIỆM : Kinh Tiền Tụng của Lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.
Bạn thích nét nào hơn cả? Bạn muốn làm điều gì cụ thể để xây dựng Nước ấy ngay từ trần gian này?
PHẦN TRẢ LỜI
- Quan tổng trấn Philatô là dân ngoại, nên chính ông và dinh của ông bị coi là ô uế. Các nhà lãnh đạo Do-thái nộp Đức Giêsu cho Philatô, nhưng họ không dám vào trong dinh của ông vì sợ bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Bởi thế Philatô phải ra ngoài dinh để gặp họ, sau đó ông lại đi vào để gặp Đức Giêsu. Ông đi ra, đi vào cả thảy 7 lần: Ga 18,29 (đi ra); 18,33 (đi vào); 18,38b (lại đi ra); 19,1 (hiểu ngầm ông đã vào lại dinh); 19,4 (đi ra, dẫn Đức Giêsu theo); 19,9 (lại đi vào); 19,13 (đi ra, dẫn Đức Giêsu theo). Hành động ra vào nhiều lần của Philatô có thể phản ánh sự giằng co nơi lòng ông. Ba lần ông tuyên bố Đức Giêsu vô tội (Ga 18,38; 19,4.6), và nhiều lần tìm cách tha Đức Giêsu (Ga 18,31.39; 19,6.12.15), nhưng trước áp lực của giới lãnh đạo Do-thái giáo, ông không đủ can đảm để làm. Hơn nữa, ông sợ mất lòng tin của Xêda (Ga 19,12).
- Trong bốn sách Tin Mừng, câu hỏi đầu tiên của Philatô khi gặp Đức Giêsu là: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” (Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,3; Ga 18,33). Đây là một câu hỏi có màu sắc chính trị. Philatô chỉ quan tâm đến chuyện Đức Giêsu có nhận mình là vua, tức là người muốn kích động dân Do-thái đứng lên lật đổ đế quốc Rôma không.
- Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,3), ta thấy Đức Giêsu có câu trả lời giống nhau: “Chính ngài nói đó.” Còn trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu lại đặt một câu hỏi khác: “Tự ngài nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” (Ga 18,34). Khi Philatô hỏi Đức Giêsu: “Vậy ông là vua sao?” (Ga 18,37), Ngài trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua.” Nhìn chung các câu trả lời của Đức Giêsu, ta thấy Ngài chẳng bao giờ minh nhiên nhận mình là vua, nhưng Ngài cũng không từ chối rõ ràng danh hiệu này.
- Nathanaen là người tuyên xưng Đức Giêsu là Vua của Ítraen (Ga 1,49). Khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối, đông đảo dân chúng cũng tung hô Ngài: “Chúc tụng vua của Ítraen!” (Ga 12,13). Tuy nhiên, những người dân ngoại như Philatô hay lính Rôma, lại thường gọi Ngài là “vua của người Do-thái” (Ga 18,33.39; 19,3.19.21-22).
- Sau phép lạ bánh hóa nhiều, “Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình để tôn làm vua, nên Người lại lánh đi, lên núi một mình” (Ga 6,15). Đức Giêsu không muốn làm vua về mặt chính trị, để cứu dân của Ngài khỏi ách đô hộ của người Rôma, vì Ngài biết đó không phải là ý muốn của Chúa Cha. Chúa Cha sai Ngài đến trần gian để Ngài cứu độ cả nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.
- Gioan 18,36 cho thấy Đức Giêsu nói đến “Nước tôi” ba lần, qua đó Ngài kín đáo nhận mình là Vua của một Nước. Nước ấy có thật và có tầm ảnh hưởng trên thế gian, nhưng Nước của Ngài có những nét khác thường. Trước hết Nước ấy ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian này (Ngài nhắc tới 2 lần), không nằm trên bản đồ thế giới. Nước ấy cũng không có binh lính chiến đấu để bảo vệ vua khi vua bị lâm nguy (x. Ga 18,10-11). Nước của Đức Giêsu không giống như các nước khác trên thế giới, nên Đức Giêsu làm Vua cũng hoàn toàn khác với những vị vua trần gian. Vậy Ga 18,36 không mâu thuẫn với Ga 6,15, vì Đức Giêsu thật là Vua, nhưng không làm vua theo kiểu dân chúng nghĩ.
- Sứ mạng của Vua Giêsu là làm chứng cho sự thật. Ngài đã long trọng tuyên bố về mục đích của đời mình: “Tôi đã được sinh ra vì điều này, Tôi đã đến trong thế gian vì điều này, đó là để Tôi làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là Thiên Chúa Con Một đến trong thế gian. Sự thật mà Đức Giêsu muốn làm chứng trong suốt cuộc đời mình, đó là sự thật về Thiên Chúa là Cha của Ngài, và về chính bản thân Ngài là Người Con được Cha sai đến, để đem lại sự sống đời đời cho những người tin, qua việc Ngài được nâng lên trên thập giá.
- “Phàm ai phát xuất từ sự thật thì lắng nghe tiếng Tôi.” Đức Giêsu đã từng nhận mình là sự thật (Ga 14,6). Ai thuộc về sự thật thì hẳn sẽ lắng nghe tiếng của Ngài. Còn ai không đứng về phía sự thật thì không lắng nghe tiếng của Ngài. Lắng nghe tiếng của Mục tử Giêsu là một trong những dấu hiệu cho thấy ai đó thuộc về đoàn chiên của Ngài: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10,27). Như thế Nước của Đức Giêsu có thần dân. Thần dân là những ai lắng nghe tiếng của Ngài, tiếng của sự thật, tiếng của Đấng làm chứng cho sự thật.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A