Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B

Lc 24,35-48

Lời Chúa:

Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Ðức Giêsu hiện ra với các Tông Ðồ

36Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" 37Các ông kính hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38Nhưng Người nói: "Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? 39Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ  rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" 40Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" 42Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

Những lời chỉ bảo sau hết cho các Tông Ðồ

44Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". 45Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46và bảo: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, 47và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

Học hỏi:

1. Đọc Luca 24, 13-35. Hãy cho biết nhờ đâu mà hai môn đệ về Emmau nhận ra Thầy Giêsu đã được phục sinh.

2. Đọc Lc 24, 36. Hãy cho biết hai đại từ "các ông" ở câu trên có đồng nghĩa với nhau không ? Đọc thêm Lc 24, 33-34.

3. Đọc Lc 24, 39-43. Chúa Giêsu phục sinh có thân xác không? Thân xác này có phải là một với thân xác đã bị đóng đinh không?

4. Thân xác của Chúa phục sinh có hoàn toàn giống như trước không? Cho những thí dụ về sự biến đổi của thân xác ấy. Đọc Lc 24, 15, 31.36; Ga 20, 14.19.26; 21, 4.

5. Đọc Lc 24, 44-46. Ngoài việc cho xem tay chân và ăn trước mặt các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh còn làm điều gì khác để giúp họ tin vào cái chết và sự phục sinh của Ngài? Hai đoạn văn Lc 24, 25-27 và Lc 24, 44-46 có gì giống nhau?

6. Đọc Lc 24, 47. Hãy cho biết những việc Đức Giêsu phục sinh muốn các môn đệ làm.

7.”Chính anh em là chứng nhân” (Lc 24, 48). Chứng nhân là người thế nào? Làm chứng về “những điều này” là những điều nào? Đọc Cv 1, 21-22; 2, 32; 3, 15; 5, 30-32; 10, 42.

 

Câu gợi ý suy niệm: "Chính anh em là chứng nhân." Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc phục vụ gì hay qua lối sống nào? Đối với bạn, hiện nay lối sống nào của người Công giáo bị coi là phản chứng?

 

 

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Hai môn đệ không nhận ra Thầy Giêsu phục sinh khi Thầy đến với họ, đồng hành với họ, lúc họ bỏ cuộc và trên đường về lại Emmau. Trong suốt câu chuyện trên đường dài, họ vẫn không nhận ra là Thầy đang chủ động đến với mình. Họ cứ tưởng Thầy là một ông khách hành hương lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua (Lc 24, 18). Nghe ông này giải thích Sách Thánh ứng nghiệm vào cuộc đời Thầy Giêsu, họ hiểu ra nhiều điều và thấy trái tim ấm lại (Lc 24, 32), nhưng họ vẫn không nhận ra ông là Thầy Giêsu. Dù sao họ đã muốn mời ông ghé nhà họ, mục đích hẳn là để kéo dài câu chuyện thú vị dọc đường, còn dang dở. Thầy Giêsu đã nhận lời mời, cùng ngồi ăn với họ. Ngài làm bốn cử chỉ quen thuộc trước khi ăn: cầm lấy ổ bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ổ bánh ra và trao cho họ (Lc 24, 30). Những cử chỉ trên đây của ông khách lạ đã khiến họ nhận ra đây chính là Thầy mình. Lúc đầu mắt của họ bị ngăn cản nên không nhận ra, bây giờ mắt họ được mở nên nhận ra Thầy (Lc 24, 16.31). Như thế họ đã nhận ra Thầy sau một tiến trình dài ở “dọc đường”, và cao điểm là việc “bẻ bánh” ở trong nhà (Lc 24, 35).
  2. Trong Lc 24, 36, có hai đại từ “các ông”. Từ đầu tiên để chỉ hai môn đệ Emmau, từ thứ hai để chỉ Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp ở Giêrusalem (Lc 24, 33-34). Hai môn đệ Emmau, sau khi nhận ra Thầy Giêsu phục sinh hiện ra với mình, thì quay trở lại Giêrusalem ngay lúc chiều tối để gặp các tông đồ và các bạn khác. Họ vừa nghe chuyện Chúa hiện ra cho Simon, vừa kể lại chuyện của mình (Lc 24, 35).
  3. Chúa Giêsu phục sinh có một thân xác, đó chính là thân xác đã chịu đóng đinh và đã chết trước đó mấy ngày. Để làm cho các môn đệ tin rằng chính thân xác Ngài đã sống lại, thì khi hiện ra Ngài đã cho các môn đệ nhìn và rờ vào tay chân Ngài để thấy thân xác ấy có xương thịt (Lc 24, 39-40), có những dấu đinh ở tay và dấu đâm ở cạnh sườn (Ga 20, 27). Vì các ông vẫn chưa tin, Ngài còn ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông (Lc 24, 41-43).
  4. Tuy nhiên, thân xác được phục sinh và tôn vinh của Chúa Giêsu lại không hoàn toàn giống như thân xác trước đây, vì thân xác ấy đã được biến đổi tận căn, không cần ăn mới sống được, và không thể bị chết lần nữa như Ladarô. Thánh Phaolô gọi thân xác này là “thân thể có thần khí” (1 Cr 15, 44). Ta có thể thấy một số dấu hiệu của sự biến đổi nơi thân xác Chúa phục sinh như: Ngài vào nhà khi cửa còn đóng kín (Ga 20, 19.26), Ngài chợt hiện ra rồi lại chợt biến đi (Lc 24, 31), Ngài luôn đến với các môn đệ một cách hết sức bất ngờ (Lc 24, 15.36; Ga 20, 14; 21, 4). Sau phục sinh, Chúa Giêsu có thể xuất hiện theo cách Ngài muốn và vào lúc Ngài muốn (GLHTCG 645).
  5. Để các môn đệ đón nhận mầu nhiệm về cái chết và sự phục sinh của mình, ngoài việc cho xem tay chân và ăn trước mặt các môn đệ, Chúa Giêsu còn giúp họ hiểu Kinh Thánh (Lc 24, 44-46). Đây là một công việc quan trọng. Ngài muốn giải thích và chứng minh cho họ thấy rằng chuyện Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi được phục sinh thì đã được báo trước trong Kinh Thánh, và nay đã được ứng nghiệm nơi chính con người Ngài. Kinh Thánh ở đây là Cựu Ước gồm Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và Thánh vịnh. Như thế chuyện Đức Kitô phải chịu đau khổ và chết, để rồi được phục sinh, là điều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 46; 18, 31-33). Đó không phải là một thất bại ê chề hay một rủi ro đáng tiếc. Lời giải thích của Đức Giêsu giúp các môn đệ hiểu rằng cuộc Khổ Nạn của Thầy Giêsu là con đường dẫn đến phục sinh vinh quang. Ở đây ta lại thấy Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để mở trí giúp các môn đệ hiểu như Ngài đã từng làm cho hai môn đệ trên đường về Emmau (Lc 24, 25-27). Một khi hiểu ra ý nghĩa của những biến cố kinh hoàng, các môn đệ lấy lại được sự bình an như lời chúc của Chúa (Lc 24, 36).
  6. Sau khi giúp các môn đệ tin và hiểu về mầu nhiệm Khổ Nạn-Phục Sinh (Lc 24, 36-46), Chúa Giêsu phục sinh muốn trao cho họ một sứ mạng lớn. Đó là rao giảng, nhân danh Ngài, không phải chỉ cho người Do-thái, mà là cho mọi dân tộc (x. Mt 28, 19). Chủ đề của lời rao giảng là hối cải để được tha tội. Hối cải (metanoia) được Tin Mừng Luca nhấn mạnh (Lc 3, 3; 13, 1-5; 15, 7.10). Khi rao giảng tại Nadarét, Đức Giêsu cũng cho thấy tha (aphesis) là một việc trong sứ mạng của Ngài: công bố tha cho những kẻ bị giam cầm, và tha cho những người bị áp bức (Lc 4, 18). Được tha tội là một hồng ân, do cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu đem lại cho nhân loại.
  7. Chứng nhân là người làm chứng. Các tông đồ và môn đệ phải là chứng nhân cho Đức Giêsu. Họ là người đã có kinh nghiệm về Ngài trong những năm Ngài rao giảng (Cv 1, 21). Hơn nữa, họ phải là người có kinh nghiệm về việc Chúa đã sống lại và hiện ra (Cv 1, 22). Trong sách Công vụ Tông đồ, “làm chứng nhân cho những điều này” là làm chứng về việc Đức Giêsu bị giết chết nhưng đã được Thiên Chúa làm cho sống lại (Cv 2, 32; 3, 15; 5, 30-32), cũng như làm chứng về việc Ngài được đặt làm thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết (Cv 10, 42).

Top