Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 25 Thường niên năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 25 Thường niên năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 25 Thường niên năm B

(Mc 9,30-37)

Lời Chúa:

30Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." 32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

33Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" 34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người". 36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:  37"Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy".

Học hỏi:

1.  Đọc ba đoạn sau đây: Mc 8,31-38; 9,30-50; 10,32-45. Hãy cho biết ba đoạn này có gì giống nhau về hình thức (cấu trúc hay dàn bài).

2.  Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu ba lần loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh cho ai ? Vì sao Ngài loan báo cho họ như vậy?

3.  Ai là người đã “nộp” Đức Giêsu? Đọc Mc 9,31; 14,18; 15,1; 15,15; Cv 2,23; Rm 8,32.

4.  Tại sao các môn đệ không hiểu lời loan báo trên của Đức Giêsu? Đọc Mc 4,13; 7,18; 8,18.21.

5.  Khi các môn đệ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm, Đức Giêsu đã làm gì để dạy các

    ông? Đối với văn hoá của người Do-thái thời Đức Giêsu, các em nhỏ tượng trưng cho điều gì?

6.  Đọc Mc 9,36-37. Đức Giêsu đã đón tiếp một em nhỏ như thế nào?

7.  Đọc Mc 9,35. Đức Giêsu mời các môn đệ phục vụ “mọi người”, nhưng cụ thể là ai?   

8.  Đọc chậm Mc 9,33-37. Bạn học được gì về khoa sư phạm của Thầy Giêsu trong đoạn văn này?

CÂU HỎI SUY NIỆM:

   Tại sao ở đời người ta thích làm người lớn nhất, người đứng đầu, người lãnh đạo? Theo ý bạn, giá trị đích thật của một người nằm ở chỗ nào?

   Nếu người đứng đầu phải phục vụ mọi người, thì bạn có thích làm người đứng đầu không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Cả ba đoạn văn này đều có hình thức (cấu trúc hay dàn bài) như nhau: A. Đức Giêsu tiên báo 3 lần cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài (8,31-32a; 9,30-32; 10,32-34). Các lời tiên báo càng lúc càng rõ hơn. B. Thái độ của các môn đệ sau những lời tiên báo (8,32b-33; 9,33-37; 10,35-41). Họ thường tỏ ra không hiểu, không đón nhận hay không muốn đi vào con đường hẹp mà Thầy sắp đi. C. Lời giáo huấn của Đức Giêsu là lời mời các môn đệ đi vào con đường Thầy đi (8,34-38; 9,38-50; 10,42-45).
  2. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu ba lần loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh cho các môn đệ (8,27.31; 9,31; 10,32). Các môn đệ ở đây là Nhóm Mười Hai (9,35; 10,32.41). Ngài loan báo cho họ để chuẩn bị họ đón nhận những biến cố kinh hoàng sắp xảy đến cho Thầy mình.
  3. Có nhiều người “nộp” Đức Giêsu. Người đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến là Giuđa Ít-ca-ri-ốt (Mc 3,19; 14,10.18.21.42). Anh là một người trong Nhóm Mười Hai. Kế đến là các nhà lãnh đạo Do-thái giáo. Họ đã nộp Đức Giêsu cho quan Philatô, vì họ muốn nhờ tay Philatô mà đóng đinh Đức Giêsu (Mc 15,1.10). Cuối cùng là Philatô, kẻ đã nộp Ngài cho quân lính đóng đinh (Mc 15,15). Tuy nhiên, vì việc trao nộp này nằm trong kế hoạch cứu độ từ trước của Thiên Chúa (Cv 2,23), nên thánh Phaolô dám nói rằng Thiên Chúa đã trao nộp chính Con của mình vì chúng ta (Rm 8,32).
  4. Các môn đệ không hiểu lời loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy Giêsu (Mc 9, 32). Họ không hiểu vì họ có một hình ảnh khác về Đấng Kitô/Mêsia. Đối với họ, Đấng Kitô/Mêsia phải là Đấng mạnh mẽ oai hùng, có khả năng giải phóng dân tộc Ítraen, chứ không phải là Đấng chịu thất bại, chịu đau khổ và chịu chết. Họ cũng không hiểu được chuyện Thầy báo sẽ sống lại sau ba ngày, vì đối với Do-thái giáo, người ta chỉ sống lại vào ngày tận thế. Trong Tin Mừng Mác-cô, các môn đệ vẫn thường không hiểu lời Thầy dạy (Mc 4,13; 7,18; 8,18.21).
  5. Trên đường đi, các môn đệ tranh cãi xem ai là người lớn nhất. Khi về nhà, Đức Giêsu đã giảng dạy về sự phục vụ khiêm hạ. Ngài còn dùng một em nhỏ để minh họa cho bài học của Ngài. Trong văn hóa thời Đức Giêsu, một em nhỏ không tượng trưng cho sự ngây thơ, trong sáng, nhưng tượng trưng cho sự lệ thuộc: em không có chỗ đứng trong xã hội, không thể tự sống một mình, và phải tùy thuộc vào người lớn về mọi phương diện.
  6. Đức Giêsu đã đem một em nhỏ, đặt em vào giữa các môn đệ, và ôm em ấy trong cánh tay (Mc 9,36). Cử chỉ này cho thấy Ngài quý em, dù trong văn hóa Do-thái thời đó, trẻ em không được người ta coi trọng. Hơn nữa, Đức Giêsu còn tuyên bố em có giá trị cao quý, vì đón tiếp bất cứ em nhỏ nào như em này, nhân danh Thầy, là đón tiếp chính Đức Giêsu. Mà đón tiếp Đức Giêsu là đón tiếp chính Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài (Mc 9,37). Như thế cũng có thể nói, không đón tiếp một em nhỏ là không đón tiếp Đức Giêsu và Chúa Cha. Một em nhỏ bị coi thường trong xã hội lúc bấy giờ, lại được Đức Giêsu coi như hình ảnh cụ thể của Thiên Chúa đang cần sự đón tiếp. Đức Giêsu không chỉ ở nơi người đói khát, trần trụi, yếu đau (Mt 25) mà còn ở nơi một em nhỏ yếu đuối, không được quý trọng, không có vị thế trong xã hội.
  7. Khi các môn đệ tranh nhau làm người đứng đầu, Đức Giêsu mời gọi họ làm người đứng cuối mọi người, và làm người phục vụ mọi người (Mc 9,35). Mọi người ở đây chẳng trừ ai, nhưng đặc biệt là những người yếu thế, như phụ nữ, trẻ em, người nhập cư, bệnh nhân, người nghèo, người bị đẩy ra ngoài lề xã hội…Trong cộng đoàn luôn có những người bị bỏ rơi vì yếu kém mặt này mặt khác. Đức Giêsu đòi các môn đệ quan tâm đến những người không được ai quan tâm.
  8. Sau khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai, trên đường về Caphácnaum, các môn đệ đã cãi nhau xem ai là người lớn nhất (Mc 9,34). Điều này cho thấy tim họ không đập cùng một nhịp với Thầy của mình trong những ngày cuối đời. Họ vẫn sống trong mộng tưởng về chức quyền và chỗ đứng trong nhóm. Dù biết họ cãi nhau, nhưng Đức Giêsu đã không mắng họ ngoài đường. Chỉ khi về đến nhà, Ngài mới tế nhị giả vờ hỏi xem họ bàn chuyện gì trên đường đi. Dù sao Đức Giêsu đã không ép các ông phải trả lời câu hỏi này, Ngài chấp nhận họ làm thinh (Mc 9,33-34). Sau đó Ngài mới ngồi xuống, gọi họ lại và dạy các ông một bài học rất sống động. Qua những phản ứng trên, ta thấy Đức Giêsu là một nhà sư phạm khôn ngoan, tự chủ, biết cách truyền đạt sống động một bài học.

Top