Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 11 Thường niên năm B
Mc 4,26-34
Lời Chúa:
26 Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu: Trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa".
30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng".
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Học hỏi:
- Tin Mừng Mác-cô chương 4 có mấy dụ ngôn? Các dụ ngôn này có gì giống nhau? Bài Tin Mừng hôm nay gồm mấy dụ ngôn? Có dụ ngôn nào đặc sắc của riêng Mác-cô không?
- Đọc Mc 4, 26.30. Đức Giêsu dùng những dụ ngôn để nói về điều gì?
- Đọc Mc 4, 27-28. Hạt giống lớn lên thành cây trĩu hạt là do ai? Con người có đóng góp gì không?
- Đọc Mc 4, 28. Cho biết ba giai đoạn tăng trưởng của hạt giống.
- Đọc Mc 4, 29. “Mùa gặt” tượng trưng cho điều gì? Đọc Khải huyền 14, 14-20.
- Đọc Mc 4, 31-32. Qua dụ ngôn hạt cải, bạn thấy Nước Trời có nét đặc biệt nào?
- Đọc Mc 4, 33-34. Theo bạn, khi Đức Giêsu dùng những dụ ngôn mà nói về Nước Trời, thì điều đó dễ hiểu hay khó hiểu đối với người nghe? Có ai nghe mà không hiểu không? Đọc Mc 4, 11-12. Các môn đệ có cần được giải thích thêm không? Đọc Mc 4, 10.33.
- Đâu là nét lạc quan của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay?
GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì khi đọc hai dụ ngôn về Nước Trời trong bài Tin Mừng này? Bạn có thấy Nước Thiên Chúa đang âm thầm lớn lên trong thế giới hôm nay không? Bạn có thấy bàn tay Chúa đang hoạt động trong những biến cố của thế giới không?
PHẦN TRẢ LỜI
- Chương 4 của Tin Mừng Mác-cô có ba dụ ngôn: dụ ngôn người gieo giống (4, 3-9), dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (4, 26-29), và dụ ngôn hạt cải (4, 30-32). Cả ba dụ ngôn này đều nói đến “hạt giống” được gieo vãi xuống đất (Mc 4, 3.26.31). Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn: dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên” là dụ ngôn đặc sắc chỉ có trong Tin Mừng Mác-cô, còn dụ ngôn “hạt cải” thì có trong Tin Mừng Mát-thêu (13, 31-32) và Luca (13, 18-19).
- Đức Giêsu dùng dụ ngôn với những hình ảnh về hạt giống để nói về Nước Thiên Chúa (Mc 4, 26.30). Nước Thiên Chúa là một thực tại khó hình dung, nên Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt giống được gieo xuống đất rồi lớn lên, để nói về sự phát triển kỳ diệu của Nước Thiên Chúa.
- Mác-cô 4, 27-28 nhấn mạnh đến việc hạt giống lớn lên thành cây lúa trĩu hạt mà không do sự can thiệp của con người. Người gieo hạt chỉ làm việc gieo hạt vào lúc đầu, và khi đến mùa gặt thì đem liềm ra gặt. Có vẻ ở giai đoạn giữa, người đó chẳng can thiệp gì. Hạt giống vẫn cứ nảy mầm và mọc lên, dù người gieo ngủ hay thức, đêm hay ngày. Nó lớn lên theo cách thức mà người đó không sao hiểu được (Mt 4, 27). Như thế hạt giống tăng trưởng không do nỗ lực của con người cho bằng là do hoạt động của Thiên Chúa trong tâm hồn người ta. Thiên Chúa cho đất có khả năng tự nó (automátê) làm cho hạt giống thành cây lúa trĩu hạt, nghĩa là không cần đến nỗ lực của con người (Mt 14, 28).
- Mác-cô 4, 28 cho thấy ba giai đoạn tăng trưởng của hạt giống khi mọc lên thành cây. Trước hết, từ hạt lúa, cây lúa bắt đầu mọc lên và lá lúa (khorton) xuất hiện. Kế đến, cây lúa trổ đòng đòng, bắt đầu có bông lúa (stakhun). Cuối cùng, bông lúa trở thành hạt lúa đầy đặn (plêrê siton). Nước Thiên Chúa cũng từ từ lớn lên qua nhiều giai đoạn trong dòng lịch sử.
- “Mùa gặt” là một lối nói ẩn dụ thường dùng để chỉ cuộc phán xét của Thiên Chúa vào ngày tận thế. Như vậy, sau khi Nước Trời tăng trưởng và lớn lên như cây lúa trĩu hạt thì cuộc phán xét sẽ xảy đến. Dân Chúa sẽ được cứu độ, còn kẻ thù của Chúa sẽ bị xét xử. Đọc Khải huyền 14, 14-16 ta thấy hình ảnh của Đấng ngự trên mây, tay vung liềm để gặt những kẻ được chọn. Còn ở Khải huyền 14, 17-20, Đấng này vung liềm để tiêu diệt những kẻ thù nghịch của Thiên Chúa.
- Qua dụ ngôn Mc 4, 31-32, Đức Giêsu ví Nước Trời như chuyện một hạt cải. Hạt này được giới thiệu như là hạt nhỏ nhất trong các loại hạt giống trên mặt đất. Hạt cải nhỏ xíu được gieo xuống đất, nào ngờ nó lại lớn lên và trở thành một cây lớn hơn mọi thứ cỏ cây khác trong vườn. Cây này trổ sinh cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ dưới bóng của nó. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa có một khởi đầu khá nhỏ bé, khiêm tốn, tưởng như sẽ chẳng gây được ảnh hưởng nào trên trần gian. Tuy nhiên, Nước này lại lớn mạnh một cách bất ngờ, và cuối cùng trở nên chỗ dựa cho các dân tộc trên mặt đất nhờ sức sống mãnh liệt của mình.
- Dựa trên Mc 4, 33, ta thấy Đức Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói lời Thiên Chúa. Nói về Nước Thiên Chúa là nói về một thực tại phức tạp: vừa có tính trần thế, vừa siêu việt, vừa đã bắt đầu ở trần gian này rồi, vừa chỉ kết thúc trọn vẹn vào ngày quang lâm. Bởi đó Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn với những hình ảnh cụ thể để diễn tả Nước Thiên Chúa, nhằm làm cho người nghe hiểu được “tùy theo mức họ có thể nghe” (Mc 4, 33), nghĩa là tùy theo khả năng của họ. Người nghe ở đây phải hiểu là những người khiêm tốn mở lòng để đón nhận mầu nhiệm được ban. Còn đối với những ai cứng cỏi và khép kín, “những kẻ ở ngoài” (Mc 4, 11), thì họ vẫn “không thấy, không hiểu” được dụ ngôn của Đức Giêsu (Mc 4, 12).
Tuy nhiên, mỗi dụ ngôn cũng chỉ nói lên một nét nào đó của Nước Thiên Chúa, và để hiểu hết ý nghĩa sâu xa của một dụ ngôn thì cũng không dễ. Vì thế khi thầy trò ở với nhau, Đức Giêsu vẫn thường giải thích thêm cho các môn đệ về ý nghĩa các dụ ngôn (Mc 4, 10.33).
- Bài Tin Mừng đem lại cho ta niềm lạc quan, bất chấp những dấu hiệu cho thấy Nước Thiên Chúa mờ nhạt, thất bại hay biến mất trong thế giới ta đang sống. Dụ ngôn đầu cho thấy Nước Thiên Chúa không nằm trong tay con người. Trước tiên, Đức Giêsu là người gieo hạt giống trên đất. Trong thời của Hội Thánh, Nước ấy vẫn phát triển và sinh hoa trái, có vẻ như âm thầm, không hoành tráng, và nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Nhưng cuối cùng vào thời Quang lâm, mùa gặt đến như quà tặng của Thiên Chúa, với muôn bông lúa trĩu hạt. Trong dụ ngôn sau, Nước Thiên Chúa cũng lớn lên từ một khởi đầu khiêm tốn, nhỏ bé, đó là sứ vụ hoạt động của Đức Giêsu. Trải qua bao gian truân thử thách, Nước ấy đã trở nên một Nước lớn, và là chỗ dựa cho mọi dân tộc.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A