Hoạ sĩ Kim Long và cõi tâm linh

Hoạ sĩ Kim Long và cõi tâm linh

“Mỗi một con người, trong sâu thẳm, đều là một nhà thơ, một nghệ sĩ, bởi vì, như một bài thơ hay, một bức tranh đẹp, có tác dụng đưa con người tiến xa hơn, vượt lên trên cấp độ của một con vật, trong thẩm sâu mỗi con người đều có những thôi thúc vươn lên trên những lo toan hằng ngày về cơm ăn áo mặc. Thực vậy, “cái đẹp cứu rỗi nhân loại”, đưa con người vào nếp sống văn hóa, vượt thoát đời sống động vật để bay lên cõi bao la của Tâm và Linh”. Đấy là lời tâm sự của họa sĩ Kim Long.

Kim Long, tên thật là Nguyễn Quốc Hoàng, sinh năm 1946 tại Huế. Học Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Năm 1970 theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp. Niềm đam mê hội họa trong anh bị cuốn theo dòng đời và phận người, giống như “nước non nặng một lời thề, nước đi, đi mãi chẳng về cùng non.” Những lúc trôi dạt bồng bềnh đó đây, trong anh luôn có tiếng nói thầm kín của chính mình: trăn trở, mơ ước thoát ra khỏi cuộc sống đời thường nay còn mai mất, muốn được bày tỏ. Và có những khi bày tỏ được thì cũng chỉ là tiếng nói dở dang:
“Chữ rằng xuân bất tái lai
Hôm nay hoa nở, ngày mai hoa tàn
Mặc ai nay lụa, mai hàng
Xin anh đừng có phụ phàng vải thô.”

Nhưng cuộc đời luôn có những bí ẩn dở dang mà không dang dở: một tiếng nói âm thầm của tâm linh ngày đêm không ngơi thôi thúc anh cầm cọ. Lặng lẽ, âm thầm, sáng sáng, chiều chiều, anh sống với màu sắc và những hoài niệm tuổi thơ tràn ngập niềm vui, dưới bóng kinh thành Huế dậy tiếng ve ngân.

Năm 2008 tại Festival Huế, cùng với họa sĩ Nguyễn Thượng Hải, họa sĩ Dương Đình Hùng, anh trở về Huế mở cuộc triển lãm mang tên “ Về Lại” trong một phòng tranh nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn nội thành Huế, nơi được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc” của nhóm văn nghệ sĩ trước năm 1975. Thầm lặng, khiêm tốn, nhưng những bức tranh sơn dầu đen trắng anh ra mắt dạo ấy, đã gợi cho người xem một cảm giác ấm áp, sâu nặng tình quê. Tâm thức Huế trong mỗi bức tranh dường như có khả năng lay động kỳ lạ đối với người thưởng ngoạn.

Ngày 9/9/2009 tại Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo Việt Nam, số 6 Tôn Đức Thắng Q.1 Tp.HCM, anh cùng triển lãm chủ đề “Dấu ấn Đức Tin lần II”, chung với 61 họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng trong và ngoài nước, với các tác phẩm Cõi Thực, Phố Núi. Lần này tranh anh đã vượt qua giai đoạn tình quê, về lại con đường hồn nhiên, trong trẻo. Kim Long đã đem cả chất thơ, chất thiền đến với hội họa. Trong tranh “Cõi Thực” của anh, người xem nhìn không thấy cõi thực, mà lại là rất thực! Còn “Phố Núi” thì trầm mặc, cổ kính, dễ làm cho người xem nao lòng.

Ngày 21/12/2009 tại Trung Tâm Mục Vụ Đa Minh Ba Chuông, 190 Lê văn Sỹ Q.PN, TpHCM , anh cũng triển lãm tranh chủ đề “Đêm Đông Không Nhà” chung với 59 họa sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia, nhằm mục đích gây quỹ lì xì cho người lang thang không nhà vào đêm giao thừa Canh Dần. Lần này, với các tác phẩm có chung tên Nẻo Về 1 và 2, sơn dầu của anh được phối hợp với thủy mặc, làm cho người xem có cảm giác đi vào không gian tĩnh lặng đến lạ thường. Đối diện với tranh anh, người xem không có cảm xúc mạnh, nhưng tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát như vừa uống một chung rươu ngon vào đêm giao thừa vậy.

Nếu như nhạc sĩ Trịnh công Sơn có một bài hát nổi tiếng gợi lên sự Ra Đi “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, thì nơi họa sĩ Kim Long lại là Nẻo Về, bàng bạc đây đó xuyên suốt tất cả tác phẩm của anh. Những tác phẩm Nẻo Về hiện nay là kết quả của thời gian và trăn trở. Tâm linh trong tranh của Kim Long là tác động tích tụ của nhiều nghìn khoảnh khắc trăn trở như thế.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top