Hòa giải và hy vọng
Nôn nao với bầu khí rộn ràng bước vào Năm Thánh của Giáo Hội quê hương trong những ngày này, nhưng ở xa, tôi chỉ có thể nghe nhìn mọi sự qua màn hình máy tính. Mà sao, bỗng thấy thật gần...
Tôi thấy thật gần tâm tình của Đức Hồng Y Etchégaray, đến từ Vatican, khi ngài vừa vung mạnh tay vừa nhấn giọng - ở cuối Thánh Lễ Chúa Kitô Vua tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội - để xác nhận rằng “Chúng tôi ban phép lành này là cầu chúc phúc lành của Thiên Chúa không chỉ cho chúng ta ở đây, mà cho tất cả, tất cả mọi người Việt Nam, không trừ ai.” Cha Etcharren, Bề Trên Cả Hội Thừa Sai Paris, đã dịch ra tiếng Việt tại chỗ là “... không trừ ai hết!” Ôi, mấy tiếng “không trừ ai hết” này mới dễ thương làm sao! (Đẳng cấp tiếng Việt của Cha Bề Trên Cả quả là ‘danh bất hư truyền’ khi ngay sau đó, Đức Hồng Y chỉ nói “Tôi trả cây gậy này lại cho Đức Tổng,” thì ngài cao hứng chế tác là “Tôi không muốn làm như kẻ cướp trên thánh giá!”) Trả gậy xong, Đức Hồng Y còn nằn nì nói thêm cho thật rõ: “Việc ban phép lành này là cầu chúc phúc lành của Chúa cho hết mọi người, để ai cũng có được niềm hy vọng, cách riêng những người đau khổ nhất, những người cần niềm hy vọng nhất...” Rồi, một cách quyết đoán, Đức Hồng Y đề nghị nên ban phép lành bằng tiếng Việt, thay vì bằng tiếng La Tinh như đã lập trình trước. Hẳn là vì ngài tha thiết muốn “mọi người Việt Nam không trừ ai hết” có thể nhận hiểu thiện chí của ngài.
Tôi càng thấy thật gần tâm tình của vị đại diện đến từ Tòa Thánh, khi ngài được mời phát biểu trước Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh được cử hành cách long trọng tại Sở Kiện. Ở đó, vị hồng y ngoại quốc này đã hô to “Dân tộc Việt Nam muôn năm” (không hiểu sao người thông ngôn lại thấy cần phải bổ sung thêm “Giáo Hội Việt Nam muôn năm” nữa!) Rồi ngài đi thẳng, một cách gọn và rõ, vào điều ngài muốn nói: chỉ gói trong hai từ thôi, đó là Hòa Giải (réconciliation) và Hy Vọng (espérance)! Vị Hồng Y không hề ứng khẩu ở đây, vì chính ngài cho biết rằng ngài đã đọc đi đọc lại tại Rôma các văn bản về đề cương Năm Thánh của các giám mục Việt Nam. Hòa Giải và Hy Vọng là tất cả những gì ngài muốn đúc kết.
Tôi chợt nhận ra, đây không còn là tâm tình riêng của một con người, dù người ấy có là vị hồng y danh tiếng Roger Etchégaray, mà đây là sứ điệp, là tiếng nói của Mẹ Giáo Hội. Suốt thời gian qua, trải bao sự kiện và biến cố tại Giáo Hội Việt Nam, không phải biết bao người vẫn mong ngóng nghe được tiếng nói từ Tòa Thánh đó sao? Và tôi tin rằng tiếng nói ấy đã được nói lên, từ môi miệng của vị đại diện đến từ Tòa Thánh. Nhiều người có lý do để chú ý đến câu nói ‘trả gậy’ kia, và có lý do để vui mừng trước hành động ‘trả gậy’ đầy tính biểu tượng ấy. Nhưng tôi tin rằng Đức Hồng Y thậm chí muốn có được nhiều sự chú ý hơn thế đối với sứ điệp Hòa Giải và Hy Vọng của ngài trong chuyến đi Việt Nam này. Hòa Giải và Hy Vọng - ngài nói - đều cần sự can đảm, trong một đất nước vốn đầy những thử thách và khó khăn...
Sự can đảm cần phải có ấy đã được nhìn thấy ít nhất một phần nơi các giám mục Việt Nam – như Đức Hồng Y ghi nhận – qua việc chính các giám mục nêu rõ con đường hòa giải và hy vọng là lộ trình của Năm Thánh này. Một cách thời sự và thật cảm kích, sự can đảm ấy đã bộc lộ chiều tối hôm trước, trong nghi thức sám hối và hòa giải được thực hiện bởi Giáo Phận Thanh Hóa, thay mặt toàn thể Giáo Hội Việt Nam.
“Giáo Hội chúng con xin chân thành thú tội.
Giáo Hội chúng con xin cúi đầu tạ tội!”
Ai mà không nao lòng, không cảm động khi nghe lặp đi lặp lại những lời tạ tội này, nhất là khi chúng ta không chỉ tạ tội với Chúa hay với nhau, mà còn chân thành “cúi đầu tạ tội” với tất cả anh chị em đồng bào mình?:
“Thưa bà con anh em lương dân không cùng tôn giáo.
“Đức Giêsu Đấng sáng lập đạo Công Giáo đã dạy chúng tôi yêu thương mọi người, kể cả những người thù ghét mình. Lẽ ra chúng tôi phải thực hiện tinh thần đó mọi nơi mọi lúc và với mọi người. Nhưng chúng tôi nhận thấy do vô tình hay cố ý, chúng tôi đã làm cho quý vị phiền lòng, chúng tôi đã thiếu sót nhiều trong nghĩa vụ yêu thương.
“Chiều hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo muốn nói lời xin lỗi về tất cả những điều ấy, với tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh.
“Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo, vì chúng tôi đã chưa đủ hòa mình và đồng hành.
“Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật, đau khổ vì chúng tôi chưa đủ quan tâm.”
Tôi chợt mường tượng rằng thế nào báo chí trong nước cũng sẽ nhanh chóng đưa tin về sự kiện chưa từng có và đầy ý nghĩa này, biết đâu lại chẳng có những dòng tít lớn nơi các trang nhất, chẳng hạn: “GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM CÔNG KHAI XIN LỖI TOÀN THỂ XÃ HỘI, NHẤT LÀ XIN LỖI NGƯỜI NGHÈO.” Thế nhưng trong những ngày sau đó, rảo qua các trang báo mạng nổi tiếng nhất ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên vì không tìm thấy một bản tin nào như thế. Trang mạng của tỉnh Hà Nam có đưa lại bản tin từ Báo Nhân Dân Online về sự kiện Giáo Hội Công Giáo Việt Nam khai mạc Năm Thánh 2010 ở Sở Kiện. Nhưng nếu như đêm canh thức 23.11 có ba phần chính, thì bản tin nói trên chỉ đề cập đến hai phần là ‘nghi thức thắp lửa đức tin’ và ‘nghi thức kính nhớ tổ tiên’ – còn nghi thức ‘xin lỗi’ này, thật rất tiếc, đã bị bỏ sót!
Chợt nghĩ, âu cũng là một thách đố đối với chính thái độ hối lỗi của mình. Mình xin lỗi người, mà người không thấy lời xin lỗi ấy là ‘đáng kể’, thì hẳn là người còn ngờ vực sự chân thành của mình. Mình phải làm gì đây, nếu không phải là cố gắng chứng minh rằng mình thực sự chân thành trong lời xin lỗi ấy? Mà đàng nào cũng thế thôi, ngay cả trường hợp báo chí đồng loạt loan tin “GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM CÔNG KHAI XIN LỖI...,” thì mình vẫn phải tiếp tục chứng minh rằng mình đã xin lỗi một cách chân thành. Thế đấy, hòa giải và hy vọng – chứ nếu mình thất vọng thì làm sao hòa giải?
Trong niềm hy vọng ấy, tôi bỗng thấy tất cả thật gần, gần như một Mùa Vọng nữa đang về sát bên thềm.
28.11.2009
bài liên quan mới nhất
- “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng -
Nhịp bước với Mẹ Maria trong cuộc hành hương hy vọng -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu chịu phép rửa -
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa -
Lý do theo Kinh Thánh để chúng ta phải tránh nói hành nói xấu -
Mùa Giáng Sinh lần hạt Năm Sự Vui -
Ba bước chân hành hương thực hiện trong cuộc sống -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 01/2025: Cầu cho quyền được giáo dục
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19