Hồ sơ bệnh nhân Covid
TGPSG -- Hồ sơ bệnh nhân online tự chế, chắc chắn là khác hẳn với những hồ sơ bệnh án của các bác sĩ.
“Dã chiến thôi mà! Không cầu kỳ! Thế nhưng lại có vẻ rất sáng tạo, rất chuyên nghiệp!” Đó là những nhận định của riêng tôi về một kế hoạch mà nhóm C20 chúng tôi đã thực hiện khi tham gia công tác tình nguyện ở bệnh viện Dã chiến Quận 7, số 1. Kế hoạch mang tên “HỒ SƠ BỆNH NHÂN”.
Sáng kiến được đưa ra bàn thảo trong một cuộc họp giữa các anh chị em Tu sĩ trong nhóm, nhằm tìm ra một phương pháp nào đó thật sự hữu hiệu để có thể tiếp cận và chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Và sau một hồi trao đổi đầy hào hứng, chúng tôi đã quyết định với cái kế hoạch có vẻ độc lạ ấy.
Nếu như ở bệnh viện, mỗi bệnh nhân đều có một hồ sơ bệnh án được sao lưu lại, để các bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe và kê đơn, chữa bệnh cho họ, thì đối với anh chị em Tu sĩ chúng tôi, một loại hồ sơ như thế cũng thật sự rất cần thiết. Loại hồ sơ “phi giấy tờ” này được tiến hành theo 2 giai đoạn: giai đoạn “truyền khẩu” ngay tại bệnh viện, và giai đoạn “thành văn” được thực hiện cách bài bản khi về nhà.
Với kế hoạch đó, sau mỗi ca trực, chúng tôi cũng có màn giao ca như các bác sĩ vậy. Nghe thật là oách, đúng không nào? Nhóm trước có điều gì còn dang dở, chưa làm kịp được và cần phải thực hiện ngay, thì dặn dò lại với các anh chị em nhóm sau làm tiếp. Nhìn chung, giờ giao ca rất nhộn nhịp, vui lắm, và rộn rã tiếng cười; mà cũng có lúc trầm hẳn với những câu chuyện của người mới ra đi. Đặc biệt hơn cả là “hồ sơ bệnh nhân”, đã lưu lại những gì cần lưu ý kỹ cho tất cả mọi người trong nhóm biết để tiếp tục công việc của nhóm trước.
Với “hồ sơ bệnh nhân” online tự chế, chắc chắn là nó khác hẳn với những hồ sơ bệnh án của các bác sĩ. Chúng tôi gom góp tất cả những thông tin có thể thu thập được từ việc chúng tôi chăm sóc, trò chuyện với bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân được lưu thông tin vào một sheet riêng trên phần mềm trang tính online. hoàn cảnh gia đình có bao nhiêu người, công việc ra sao, có điều gì cần chia sẻ; bệnh nhân đang cần những vật dụng gì; tình hình sức khỏe thế nào… Và tất nhiên những thông tin đó hoàn toàn được bảo mật, không tiết lộ ra khỏi Nhóm C20 được. Thông thường thì trang hồ sơ của chúng tôi có khoảng trên dưới 30 sheets cho độ chừng 30 bệnh nhân, và chủ yếu là các bệnh nhân không có người thân chăm sóc.
Sau khi trực về, bỏ qua cái mệt mỏi của công việc, chúng tôi chia sẻ các thông tin cho nhau trong nhóm nhỏ của mình, rồi đại diện của nhóm nhỏ sẽ gom góp, đưa thông tin lên trang hồ sơ. Thông tin chỉ cần ghi ngắn gọn, không cần lời văn cầu kỳ trau chuốt, nhưng cần dễ hiểu, dễ nắm bắt là được. Nhớ là phải ghi chú ngày tháng và nhóm làm việc, để có gì cần truy xuất thông tin cụ thể sẽ dễ dàng hơn. Đôi khi, cũng vì sợ quên những gì mà mình đã thu thập được, nên có khi chúng tôi phải chịu khó thức đến khuya để cập nhật thông tin liền, chứ không dám để đến sáng mai. Tuy vất vả thêm một chút, nhưng chúng tôi lại cảm thấy rất hứng thú với công việc này, bởi nó thật sự hữu ích cho chúng tôi và cả cho bệnh nhân.
Chỉ đơn giản thôi: “Hôm nay chị C. cảm thấy khó thở, mệt hơn nhiều, và cần cho chị uống nước nhiều hơn. Trong phiên trực cần để ý mask oxy của chị hay bị rơi ra khi ngủ quên. Nhóm 1, ngày 20/9.”. “Cô T. phòng 3 đã được chuyển lên phòng 1, thở máy nặng, nên khi cho cô ăn, cần có 2 người giúp. Nhóm 3, ngày 1/10”. “Bà H. ở phòng Hội trường muốn được cắt tóc và gội đầu trước khi bác sĩ cho xuất viện. Nhóm 1, ngày 2/10”. “Chú M. có vẻ mệt vì đường lên. Không nên để chú ăn một lần nhiều cơm quá và cần hỗ trợ thêm cho chú ít sữa dành cho người tiểu đường. Chú muốn được có người nhà vào chăm, ai có khả năng thì xin hỏi bác sĩ giúp chú. Nhóm 2, ngày 5/10”. “Cô Y. hôm nay đã khỏe hơn nhiều, cô hay đói bụng, nên để ý cho cô ăn dặm thêm cháo và uống sữa nhiều lần hơn. Tuy nhiên, chỉ cho ăn từ từ, nếu không thì cô sẽ bị sặc và ho. Nhóm 3, ngày 10/10.” … Vâng, hồ sơ bệnh nhân của chúng tôi đa dạng và phong phú thông tin hữu ích vậy đó.
Nhờ những thông tin chia sẻ cho nhau trên bảng thông tin chung như thế, chúng tôi không cần phải hỏi đi hỏi lại một bệnh nhân nào đó về cùng một câu hỏi, và bệnh nhân cũng không phải mệt mỏi khi đưa ra một câu trả lời cho người này đến người khác, mà chẳng đi đến đâu. Và cũng nhờ đó, những niềm vui, nỗi buồn của từng bệnh nhân đều được chia sẻ một cách thật tự nhiên mà không bị “hớ”. Hoặc những nhu cầu tinh thần cũng như vật chất của bệnh nhân đều được đáp ứng tùy theo khả năng riêng của mỗi người trong nhóm.
Thế đó, chỉ một sáng kiến hồ sơ bệnh nhân đơn giản thôi, nhưng nó lại mang rất nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ giúp cho công việc chăm sóc, tiếp cận bệnh nhân của chúng tôi được trở nên dễ dàng, nhưng nó còn là một dấu chỉ thể hiện những gì chúng tôi đã và đang làm không chỉ đơn thuần là một công việc tình nguyện tay chân, mà xuất phát từ một tấm lòng yêu thương chân thật, luôn ưu tư, mong muốn tất cả những gì tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Hơn nữa, hồ sơ bệnh nhân này còn là một trong những dấu chỉ cho thấy sự nối kết vô cùng bền chặt của mỗi thành viên trong nhóm C20 chúng tôi, và có lẽ cũng là điểm nổi bật mà chưa nhóm nào có.
Thánh Augustinô nói: “Cứ yêu đi, rồi sẽ làm được tất cả.” Vâng, tình yêu luôn có sáng kiến và tình yêu làm được tất cả. Tôi yêu C20, và tôi yêu cái “Hồ sơ bệnh nhân” làm sao!
Nt AMDG, Hội Dòng MTG Huế (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly