“Hãy đi và làm như vậy”

“Hãy đi và làm như vậy”

“Hãy đi và làm như vậy”

TGPSG--Hãy đi và hãy làm như vậy!”. Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu với mỗi người chúng ta qua dụ ngôn "Người Samari Nhân Hậu" (Lc 10,25-37).

Đáp lại lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse - Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn - ngày 22-7-2021, gần 200 linh mục, tu sĩ thiện nguyện từ nhiều Hội Dòng đã lên đường vào các bệnh viện dã chiến - nơi điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid - để chung tay góp sức với ngành Y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.

Các linh mục, tu sĩ đã can đảm ra đi, chèo ra chỗ nước sâu, đầy nguy hiểm với lòng nhiệt thành, với tình yêu thương nồng cháy của con tim dâng hiến mà không cần "vốn liếng" nào khác ngoài Chúa Quan Phòng. Các linh mục, tu sĩ cũng giống như các môn đệ trong dụ ngôn Chúa Hóa Bánh ra nhiều, sẵn sàng dâng cho Chúa cái ít ỏi của mình là 5 chiếc bánh và 2 con cá nhưng qua bàn tay Chúa, Chúa đã làm phép lạ nuôi hơn 5000 người ăn no nê (Mt 14,13-21). Ra đi với con tim chạnh lòng thương và đôi bàn tay rộng mở là tất cả những gì họ có. Họ biết trước sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn khi các bệnh viện dã chiến - nơi chỉ mới thiết lập trong thời gian ngắn, trang thiết bị y tế, dụng cụ làm việc rất thiếu thốn...Nơi đây, bữa cơm có khi được đem đến không đúng giờ và có khi cơm đã tới nhưng không thể nuốt nổi vì quá mệt, chỗ ngủ không được yên tĩnh, không nệm ấm chăn êm như khi ở Nhà Dòng… và trên hết họ biết rõ: nếu không may họ có thể nhiễm bệnh, thì không những không thể chăm sóc bệnh nhân mà còn phải nhờ đến người khác chăm sóc họ. Nhưng vượt qua tất cả những lo lắng sợ hãi đó, các linh mục, tu sĩ đã và vẫn tiếp tục lên đường. Nơi đây họ thấy, họ thấu cảm với sự vất vả kiệt lực của các bác sĩ và nhân viên y tế - những con người ngày đêm chiến đấu với tử thần để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Các linh mục, tu sĩ làm gì tại các Bệnh viện dã chiến?

Các linh mục, tu sĩ của chúng ta không hề ngại khó, ngại khổ đã dấn thân và làm theo sự phân chia của ban lãnh đạo tại các bệnh viện - nơi họ được gửi tới.

Trong đợt ra quân đầu tiên có gần 200 linh mục, tu sĩ lên đường: trong đó có 108 vị đến bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 - nơi có 1.000 giường điều trị Covid, nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng và phải thở máy nhiều nhất. Bệnh viện điều trị Covid này có 9 lầu, với 3 khoa ICU: ICU bệnh viện Chợ Rẫy, ICU bệnh viện 115 và ICU bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

Trong các bệnh viện, các Linh mục, Tu sĩ không có chuyên môn nên không thể trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, nhưng họ chính là những cánh tay nối dài để hỗ trợ các khâu hậu cần, vận chuyển đồ đạc, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, nhất là rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm, phụ thay tã, thay drap giường, lau chùi máy móc... Các Tu sĩ được phân chia giờ làm theo ca trực của nhân viên y tế. Công việc tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào vì tất cả đều phải mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang kỹ lưỡng trong suốt thời gian làm việc nên rất mệt, nóng và rất cực khổ.

Dưới đây là chia sẻ của Nữ tu Bác sĩ Hương Thảo - Tu sĩ Dòng Đa Minh Rosa - hiện đang phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 12, nơi mới được trưng dụng từ cụm chung cư R5, Bình Khánh, Quận 2 từ ngày 19/7/2021.

“Có lẽ ai cũng thắc mắc công việc của các tình nguyện viên là Tu sĩ trong các bệnh viện dã chiến là gì?”

Vâng, đó là tất cả các công việc: từ vận chuyển vật dụng y tế, vật dụng gia dụng, sửa chữa điện nước, chuẩn bị phòng bệnh cho vài ngàn bệnh nhân… đến việc hỗ trợ tâm lý cho các bệnh nhân stress, chuẩn bị hay nhập hồ sơ bệnh án, làm bệnh án cho bệnh nhân ở khoa lâm sàng, giúp đỡ các y-bác sĩ vận chuyển bệnh nhân ở khoa cấp cứu...

Nhiều người muốn lưu lại hình ảnh đẹp và trực tiếp nhưng những hình ảnh ấy chẳng thể ghi lại bởi vì mọi việc xung quanh luôn tấp nập và mọi thứ đều phải đảm bảo chế độ ít nguy cơ lây nhiễm nhất. Mỗi người một nhiệm vụ, mỗi người mỗi nơi, mỗi việc nên chẳng thể săn được ảnh đẹp để kể cho mọi người... Nhưng chắc chắn một điều là ở nơi này, chỗ nào cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc ít nhất là mức trung bình... và mọi thứ ở bệnh viện dã chiến số 12 chỉ mới bắt đầu…

Tuần sau, số bệnh nhân sẽ nhiều hơn, khoảng 5000 người… Lúc đó không biết với lực lượng y-bác sĩ quá mỏng (Khoa lâm sàng hiện tại chỉ có 7 bác sĩ chính, cộng thêm 1 bác sĩ tình nguyện là mình) thì chiến lâu dài thế nào được?...

Sau giờ làm việc, ăn uống hay tiếp xúc với nhau cũng cần giữ khoảng cách an toàn. Mọi người cẩn thận cho mình cũng là giữ gìn sức khoẻ và sự bình an cho gia đình, cộng đoàn và những người xung quanh.

Hơn nữa, ngoài việc điều trị bệnh, các y-bác sĩ còn phải kiêm luôn việc giúp các bệnh nhân sống lạc quan, ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, tập luyện sức khoẻ thể chất và tinh thần để cho bản thân bệnh nhân mau bình phục và về nhà với người thân, mà cũng là để Sài Gòn mau trở lại nhịp sống năng động vốn có, vì ai cũng "thương lắm Sài Gòn ơi!...”"

Cảm ơn các linh mục, tu sĩ đã hăng hái lên đường phục vụ nơi tiền tuyến. Các anh chị em hãy an tâm vì ở hậu phương, Đức Tổng Giám mục Giuse, các Linh mục, tu sĩ cùng toàn thể mọi người trong Hội Dòng, trong Giáo phận luôn ủng hộ và đồng hành cùng anh chị em bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh âm thầm và những đóng góp cách này hay cách khác để cùng chung tay chống dịch, góp phần đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người, cho Sài Gòn thân yêu.

Xin mọi người cùng tiếp tục cầu nguyện cho các tình nguyện viên để họ được bình an, mạnh khỏe và có thêm nghị lực phục vụ tới cùng.

Nt. Mary Thesere Mai Thương
Dòng Chúa Quan Phòng

Top