Hành trình đời tôi

Hành trình đời tôi

Hành trình đời tôi

TGPSG -- Trong một đời người, tuổi đẹp nhất chính là tuổi trẻ. Ở cái tuổi đang hừng hừng sức sống và trước mặt cả một vùng trời tươi sáng, biết bao con đường đang mở ra, nhìn đâu cũng toàn những viễn cảnh tươi đẹp. Những phong ba bão táp dường như chẳng có gì đáng sợ cả. Sức ta có, ý chí ta mạnh, ta chỉ biết con đường thẳng mà phóng tới, chẳng hề nghĩ ngợi hay đắn đo. Con đường vinh hoa, con đường thăng tiến như hiển hiện trước mắt, chỉ cần một bước nữa là tới thôi.

Thế nhưng, tôi bỗng dưng lại chọn cho mình một hướng rẽ. Gạt đi những lời mời gọi hướng đến sự cao sang, tôi lại đặt bàn chân lên “một đoạn đường chẳng mấy ai đi”, một con đường gai góc, và không mấy suông sẽ như tôi nghĩ. Đặc biệt là khi bước chân vào một hội dòng ở Việt Nam, tôi ở lại đó 8 năm.

Tám năm không phải là quá dài, cũng chẳng phải là quá ngắn, nhưng đó là một quãng đời thanh xuân của tôi. Thế nhưng vì lỗi phạm không đáng có của tôi, sau 8 năm, tôi đã rời khỏi nhà dòng đó.

Tôi đã khóc rất nhiều, cảm giác không còn niềm tin về đời tu, cảm giác mất phương hướng, sụp đổ. Tôi đã tâm sự với em trai của tôi. Nó là người tôi nói chuyện nhiều nhất trong nhà.

Sau khi bình tâm lại, tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời của mình và lúc đó chỉ có Chúa mới cứu được tôi, bởi sau lần bị đuổi khỏi nhà dòng, tôi đã trở nên nhút nhát và chùn bước khi tiếp tục con đường này. Tôi cầu nguyện với Ngài, xin chỉ cho tôi một hướng đi mới.

Nhưng không phải cứ cầu nguyện là Chúa nhậm lời. Còn phải có cả đức tin và sự kiên trì. Tôi không biết lúc đó, tôi lấy đâu ra sức mạnh và bằng một thế lựcc, động lực nào đã giúp tôi kiên trì đến vậy. Chính là cầu nguyện với Chúa chỉ để xin dấu chỉ. Cầu nguyện liên lỉ và phải mất gần một năm để tôi nhận ra: dường như có một phép lạ gì đó giúp tôi lấy lại niềm tin yêu, lạc quan hơn. Tôi nhận ra Đức Chúa không bỏ mặc tôi, đặc biệt khi tôi tham dự thánh lễ.

Trong Tin Mừng có câu đã thức tỉnh và đánh động tôi "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa"(Mt 9, 37- 38). Một lần nữa Chúa kêu gọi tôi, cho tôi cơ hội để tiếp tục dấn thân và phục vụ. Và tôi bắt đầu một hành trình mới, và hành trình mới này tôi phải quý trọng và cẩn thận.

Nhưng có đôi khi tôi tự hỏi bản thân: liệu mình có được mời gọi thật không, hay chỉ là do mình ảo tưởng? Tôi tin vào tiếng gọi, nhưng cũng có lúc tôi không khỏi lo sợ và dẫn đến nghi ngờ. Tôi nhận ra rằng, tôi đến với Chúa với một con người không trọn vẹn, một con người đầy loang lổ, đầy vết nhơ, đầy thiếu sót.

Bên cạnh đó, tôi càng cảm thấy xấu hổ khi nghĩ đến chuyện mình được hiến thánh, cảm thấy bất xứng khi có ai đó nói rằng tôi là người của Chúa, cảm thấy ngại ngùng khi bản thân mình còn chưa vẹn toàn, nghĩ gì đến chuyện cứu giúp người ta.

Sau bao nhiêu năm miệt mài theo Chúa, tôi vẫn còn thấy mình xa Chúa lắm. Con đường thập giá tôi vẫn còn chưa ôm trọn vào người, bài học phục vụ tôi vẫn còn chưa đặt để vào con tim. Có đôi khi, tôi còn mượn danh tu sĩ để tô vẽ cho bản thân những ánh hào quang giả tạo.

Tuy nhiên, Thánh Phaolô đã nhắc nhở tôi một điều: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 10). Chúa luôn ở ngay bên, sẵn sàng đỡ nâng mỗi khi tôi yếu đuối và những cám dỗ bủa vây tôi. Hồng ân và tình yêu của Chúa giúp tôi nhận ra: càng đi tu, tôi càng nghiệm thấy Chúa yêu thương tôi vô điều kiện. Ngài luôn đón nhận tôi, bất chấp những giới hạn và yếu đuối của tôi.

Bạn bè tôi không hiểu tại sao tôi huỷ hoại tuổi trẻ chỉ vì một lý tưởng mơ hồ nào đó. Còn tôi, tôi cho rằng đặt đời mình vào tay Chúa thì tuổi trẻ của tôi mới sinh hoa kết quả dồi dào. Chắc chắn là phải có những hy sinh, nhưng cảm nghiệm được một tình yêu lạ lùng từ Chúa giúp tôi thấy được nơi thập giá cuộc đời những cánh hoa tươi đẹp.

Đi tu, trước hết chỉ là “đến và ở lại” với Ngài, rồi sau đó mới là thoả sức tung cánh muôn phương. Tôi không đi tu để trốn tránh cuộc đời vô thường, không tìm một chốn thanh tịnh nào đó để xa lánh thế gian. Tôi lên núi gặp Chúa chính là để xuống núi với tha nhân. Tôi tách mình ra khỏi thế giới là để có thể dấn thân vào nó nhiều hơn, sâu hơn. Tôi đi tu là để hoà mình vào một tình yêu siêu nhiên và nhờ đó làm phong phú cho đời sống của mình.

Đường còn xa, lối đi còn muôn nẻo. Hành trình đời tu vốn dĩ không bao giờ có sự chắc chắn và mãi mãi không có điểm dừng. Chẳng ai biết được tôi có trọn tình vẹn nghĩa với Chúa ở tận cuối con đường. Chẳng ai biết được tôi có thể giữ lòng thanh thoát trước những quyến rũ của thế gian chỉ để say tình Chúa. Chẳng ai biết được… Nhưng tôi chỉ xin cho mình biết luôn tín thác như Abraham – cất bước ra đi mà chẳng biết đi đâu, một sự sẵn sàng như Mẹ Maria – chỉ cần Chúa muốn là xin vâng mau mắn.

Đi tu, không chỉ là sửa mình, tu chỉnh mình, nhưng hơn hết, đó là một sự hiến dâng, một lời đáp cho tiếng gọi trong u tối, để luôn bình tâm và sống trọn con đường dâng hiến.

Maria Nguyễn Ni Na (TGPSG)

Top