Hành trình của “Siêu Nhân”
WGPSG -- Một tuần lễ ròng rã gió bụi dặm đường theo chân nữ tu Elisabeth Marie Tuyết Minh - người phụ trách Ban Hỗ trợ Người Khuyết tật Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn - đến thăm các gia đình có con em bị bại não nằm rải rác ở nhiều giáo hạt, đã khiến cho chúng tôi, những người đang dấn thân trên hành trình ơn gọi linh mục giáo phận thực sự xúc động và dấy lên trong tâm khảm nhiều xúc cảm khó phai.
Trong đó, có lẽ ấn tượng nhất là tên gọi “Hội Siêu Nhân” mà nữ tu Elisabeth Marie phụ trách, và các cô chú cộng tác viên Caritas dùng để gọi các bé bại não. Thoạt nghe thì thấy hơi “ngược đời”, nhưng ngồi ngẫm lại thì thấy ý nghĩa thâm thúy vô cùng. Bởi lẽ chỉ với hai chữ “Siêu Nhân” được gọi một cách “bất bình thường” như thế, chúng tôi đã cảm nghiệm rõ nét, thế nào là niềm vui của người gặp gỡ, đã mục kích và ngỡ ngàng niềm hạnh phúc của kẻ đi tìm và xác tín sâu xa, đâu là tặng phẩm đích thực của Lòng Thương Xót Thần Linh.
“Siêu Nhân” - niềm vui của người gặp gỡ
Một điểm chung dễ nhận thấy trong suốt hành trình đến gặp gỡ và thăm hỏi các gia đình có trẻ bại não chính là niềm vui. Không phải niềm vui hời hợt chóng qua, nhưng là niềm vui thực sự đầy ứ trong cõi lòng, đến mức trào tuôn ra từng lời nói, ánh mắt và cử chỉ. Niềm vui của kẻ bệnh nhờ được thăm hỏi, tặng quà. Niềm vui của thân nhân bởi được khích lệ, đồng cảm. Và đâu đó còn là niềm vui của người đến thăm bệnh vì được chia sẻ, trao ban. Quả vậy, nếu không có niềm vui thì làm sao các trẻ bại não lại có thể “reo hò” (do bị bại não nên đa phần các em không nói năng như người bình thường được mà chỉ có thể “ú ớ” vài tiếng, thậm chí nhiều em còn bị câm điếc hoàn toàn!), nét mặt hân hoan mừng rỡ khi có người đến thăm như vậy?
Một tuần lễ được “mắt thấy, tai nghe, tay đụng chạm” với những hoàn cảnh éo le này, đủ để chúng tôi nhận ra rằng những niềm vui đẹp đẽ ấy sao mà đơn sơ đến lạ! Quả vậy, vì hệ thần kinh và vận động bị tổn thương nghiêm trọng, nên các em đâu thể suy nghĩ hay hành xử như người khỏe mạnh được. Thành thử niềm vui của các em đơn giản chỉ là mỗi ngày được thấy người thân ở bên cạnh chăm sóc mình mà thôi. Nhưng niềm vui ấy cũng thật mong manh biết dường nào, đến nỗi chỉ cần một cơn động kinh hay một trận sốt nhẹ cũng đủ để bao nhiêu lo lắng phiền não, chán nản, thất vọng ập tới bao phủ cả nhà. Thế mới thấy khâm phục những thiện nguyện viên đang dấn thân làm công tác bác ái này, và càng bội phục hơn nữa sự hi sinh thầm lặng nhưng vô cùng cao cả của các bậc phụ huynh đang tần tảo chăm sóc con em mình.
Sự kính phục càng tăng lên khi chúng tôi được biết trong lúc đây đó vẫn có những người cha, người mẹ cảm thấy thất vọng khi biết con mình mắc chứng bệnh tai ác bẩm sinh, thậm chí coi con mình như một gánh nặng xui xẻo và sẵn sàng chối bỏ rồi dứt áo ra đi; thì vẫn còn đó những người cha, người mẹ chấp nhận yêu thương vô điều kiện, để rồi làm đủ mọi cách bằng tất cả sức lực và khả năng, để giành giật và gìn giữ quyền được sống và được làm người cho đứa con mình đã đứt ruột hạ sinh.
Nhìn những khóe mắt ngân ngấn lệ mừng, lệ tủi của phụ huynh các em và những khuôn mặt len lén thương yêu của những người làm công tác bác ái này, chúng tôi như được “thẩm thấu” niềm vui đích thực ấy vào tâm hồn mình, mà nói theo Đức Thánh Cha Phanxicô thì như thể niềm vui của Tin Mừng ấy đã đổ đầy trái tim và cuộc sống của chúng tôi cũng như của tất cả những ai đi tìm và gặp gỡ Chúa Giêsu nơi những kẻ bé mọn, đau khổ và bất hạnh nhất (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, số 1).
“Siêu Nhân” - hạnh phúc của kẻ đi tìm
Rong ruổi nắng mưa trên chiếc xe gắn máy cà tàng tìm đến tận nhà của các em bại não, khi miệt mài khắp vùng Hóc Môn, Gò Vấp, lúc lặn lội đến tận Thủ Đức, Bình Dương, chúng tôi mới cảm nhận được từng câu, từng chữ trong bài hát “Yêu Thương Cho Người” của linh mục nhạc sĩ Duy Thiên:
“Con muốn đi tìm Ngài trong cuộc sống
Lối Ngài xưa con chưa tới một lần
Biết về đâu cho con gặp được Ngài?
…Ngài ở đâu cho con đi tìm Ngài
Ngài ở đâu cho con đi gặp Ngài…”
Thực vậy, có vất vả đường xa mới hiểu đâu là hạnh phúc của kẻ đi tìm. Có gặp gỡ tiếp xúc với những hoàn cảnh bất hạnh mới biết đâu là ý nghĩa đích thực của huyền nhiệm con người và cuộc sống. Những chuyến thăm viếng của chúng tôi hôm nay là thành quả của biết bao tháng ngày vất vả tìm hiểu, liên lạc đến từng hang cùng ngõ hẻm của những “kẻ đi tìm” trong dự án hỗ trợ khuyết tật, hầu phát hiện và nối kết những mảnh đời hắt hiu ấy với những tấm lòng vàng cũng như các chương trình bác ái xã hội như: hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, tổ chức các lễ hội, liên hoan, các chuyến đi dã ngoại, thủy liệu pháp v.v… Hạnh phúc của những kẻ đi tìm ấy có lẽ chỉ cần đặt nền trên câu chuyện về ngày phán xét trong Tin Mừng, với câu nói của Vị Vua Thẩm Phán Chí Công là đã đủ động lực và cảm hứng để “lăn xả” một cách vô vị lợi vào các hoạt động bác ái rồi: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
“Siêu Nhân” - tặng phẩm của Lòng Xót Thương
Càng đi nhiều, biết nhiều và tiếp xúc nhiều với các trẻ bại não, dù là thăm viếng tại gia hay giúp các em tập vật lý trị liệu phối hợp âm ngữ trị liệu tại cơ sở của Ban Caritas, chúng tôi mới nhận ra rằng các em quả thực là những “siêu nhân chính hiệu”! Bởi lẽ mỗi thành viên của “Hội Siêu Nhân” này tuy chẳng hề gánh vác trọng trách giải cứu vũ trụ, lại càng không mang tham vọng cải tạo thế giới như các bộ phim siêu anh hùng ngày nay thường diễn tả, nhưng mỗi bước đi các em có được sau bao năm tập luyện, mỗi lời nói các em thốt ra sau bao ngày rèn giũa, đều chứa đựng cả đại dương yêu thương và hi vọng của tình người, để rồi với bước nhảy “vượt lên chính mình” này, các “Siêu Nhân” của chúng ta sẽ được sống và phát triển cùng với tất cả sự quan tâm, tôn trọng và đón nhận của xã hội. Theo nghĩa này, các em quả là những Siêu Nhân chân chính đã giải cứu chúng tôi khỏi thói ích kỷ, tự kiêu, thái độ sống dửng dưng và hời hợt trước nhu cầu của tha nhân. Như thế, các em quả thực là những tặng phẩm vô giá mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta nhờ Lòng Thương Xót vô bờ bến của Người, để mỗi chúng ta cũng được trao cho cơ hội biểu lộ lòng thương xót dành cho những người chung quanh, bởi lẽ không ai được phép độc quyền trong công tác bác ái tông đồ, và cũng chẳng có ai đơn độc trong việc thực thi lòng thương xót cho người thân cận của mình!
Sau mỗi buổi thăm viếng, chúng tôi vẫn phải thừa nhận rằng chính mình mới là kẻ đón nhận nhiều hơn so với những gì mình cho đi, để lòng khấp khởi hi vọng rằng nhờ tình yêu Đức Kitô không ngừng thôi thúc, mỗi người chúng ta sẽ góp phần làm cho cuộc đời này ngập tràn lòng thương xót và niềm vui Phúc Âm, như lời ca “Hành Khúc Caritas” đã diễn tả:
“Vì tình Ngài luôn luôn thúc bách
Nhờ tình Ngài hi sinh dấn thân.
Caritas yêu mến đón nhận
Caritas yêu mến trao ban
Mở ra cho đời mùa xuân chứa chan.”
Để kết
Tuần lễ đồng hành với Ban Hỗ trợ khuyết tật cuối cùng cũng khép lại với biết bao ấn tượng và kỷ niệm khó phai, nhưng lại mở ra một chân trời vui mừng và hi vọng cho chúng tôi trên bước đường sứ vụ sau này. Có lẽ khuôn mặt trong trắng và dễ thương như thiên thần của những bé Thiên Ân, Thanh Ngọc, Quang Thạc, Thúy Hòa…; nụ cười hạnh phúc của những bà mẹ đơn thân khi thấy con mình biết đi đứng nói năng; ánh mắt trìu mến của những ông bà chăm sóc cháu, vòng tay bình yên của chị bế em v.v… sẽ mãi ghi dấu trong lòng chúng tôi một cách hồn nhiên và sâu sắc nhất. Ước mong sao những công tác bác ái này sẽ mãi được tiến triển thuận lợi và nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía, để một ngày nào đó sẽ không còn phải tiếc nuối cám cảnh nhiều em bé phải tàn phế và sống thực vật suốt đời chỉ vì bố mẹ thiếu hiểu biết hoặc không đủ điều kiện chữa trị. Và cũng để một ngày nào đó, mỗi chúng ta sẽ trở nên những “Siêu Nhân” theo nghĩa tuyệt vời nhất khi biết mang đến cho nhau niềm vui của gặp gỡ trao ban, hầu cảm nhận được hạnh phúc của dấn thân phục vụ và nhất là trở nên tặng phẩm của Lòng Thương Xót cho người đời và đời người.
Sài Gòn, trung tuần tháng Bảy năm 2018
(Chủng sinh khóa 17 ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn)
bài liên quan mới nhất
- Chủng sinh bước vào Mùa Vọng
-
Chủng sinh luyện tập để có một tâm hồn truyền giáo -
Chủng sinh theo Chúa đến với người nghèo nhân Ngày Thế giới Người Nghèo -
Thông báo tuyển sinh lớp tìm hiểu Ơn Thiên Triệu niên khóa 2024-2025 -
Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Thánh lễ bế giảng năm đào tạo 2023 – 2024 -
ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn: Bổn mạng lớp Tu đức và Tân linh mục khóa 18, Giáo phận Phú Cường và Phan Thiết dâng lễ tạ ơn -
Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Ngày hành hương toàn trường -
ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn: Cử hành Tam Nhật Vượt Qua - 2024 -
ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn: Mùa Chay với Niềm Vui Caritas -
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn: Mừng Lễ Thánh Giuse - Bổn Mạng Đại Chủng Viện
bài liên quan đọc nhiều
- Thông báo tuyển sinh lớp tìm hiểu Ơn Thiên Triệu niên khóa 2024-2025
-
Các tân linh mục giáo phận Phú Cường dâng lễ tạ ơn tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn -
Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn huấn đức -
Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: tuyển sinh lớp tìm hiểu ơn gọi NK 2020-2021 -
ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn: Mừng lễ Thánh Giuse bổn mạng -
Thánh lễ Truyền chức Phó tế 29.05.2019 -
Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: đón tiếp tân chủng sinh khóa 24 -
ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn: Đức TGM Giuse huấn đức các Chủng Sinh -
Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Mừng lễ Thánh Giuse - Quan thầy chủng viện -
ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn: Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi và viếng ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc