Hành trang con mang theo

Hành trang con mang theo

WGPSG -- Ông Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt, đã chia sẻ như sau:

"Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.

Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.

Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Điều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.

Như lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: "Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".

Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bảng chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".

Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: "Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp".

Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Đức Kitô đã sống lại".

Hành trang lên đường làm chứng cho Thiên Chúa hằng sống của vị phó tế vĩnh viễn là đôi mắt hỏng và đôi tay bị mất, tuy không giống như các môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng cũng đưa đến cùng đích là Nước Trời.

Anh em hãy ra đi… đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép (Lc 10,3-4)

Thánh Phanxicô Assisi Giáo Hội kính nhớ hôm nay là một gương mẫu của việc ra đi loan báo Tin Mừng diễn tả trong Phúc Âm thánh Luca. Ngài lên đường không hành trang, chỉ có sức sống của tuổi 26. Dù sống trước chúng ta hơn bảy thế kỷ, thánh nhân vẫn được nhiều tín hữu nhắc nhớ với lòng yêu mến. Ngài đã khơi gợi lên nhiều cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật và đã được các nhà chính trị, các nhà cách mạng ca tụng. Sứ điệp khó nghèo của thánh nhân luôn vượt thời gian và không gian. Ngài là người đã biết cộng tác với Chúa Thánh Thần một cách hoàn hảo.

Xin thánh Phanxicô chuyển cầu cùng Chúa cho các tín hữu biết noi gương ngài, luôn cậy dựa vào Chúa Thánh Linh, và ra đi loan báo Tin Mừng trong niềm hân hoan theo ý tưởng của lời Kinh Hòa Bình bất hủ.

Top