Hai đóa Hồng Nhung

Hai đóa Hồng Nhung

Hai đóa Hồng Nhung

TGPSG -- Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất đô thị phồn hoa, một thời được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Vì vậy, nên tôi cũng có một chút giống tính cách và nét đặc trưng của người Sài Gòn, cũng ồn ào, náo nhiệt, cũng hào sảng, cười nói rổn rảng, bộc trực và dễ gần. 

Như bao đứa trẻ vị thành niên khác, học hết cấp III trung học phổ thông trường Lê Quý Đôn - Quận 3 tôi cũng lo ôn thi đại học, mơ mộng thi vào Trường Y Dược và thế rồi… kết quả không như mong đợi: tôi thi rớt!

Bạn bè cùng lớp chúng nó trố mắt ngạc nhiên và xem đi xem lại dùm tôi bảng điểm, sợ bị nhầm lẫn gì không, vì đối với chúng nó, một đứa học lực khá, lại trong đội tuyển chuyên của trường được cử đi thi học sinh giỏi như thế, sao lại rớt được? Con bé lớp trưởng phách lối ngày nào, giờ cầm tờ giấy báo kết quả mà mặt buồn rười rượi, không dám ngẩng mặt nhìn ai, cứ đạp xe lòng vòng trên đường Võ Văn Tần, Lê Qúy Đôn, rồi quẹo ra Nguyễn Thị Minh Khai đạp quanh trường học, đầu óc cứ mông lung, lạc lối đi về…

Bốn “cái đuôi” học nhóm với tôi từ thời học cấp II thì hai thằng đều đậu trường Y, một thằng đậu trường Hàng Hải, và đứa còn lại thì học hẳn trường Đại học An Ninh rất oách! Đám con gái bạn thân của tôi có 3 đứa, bạn bè đặt cho cái biệt danh “tứ cô nương” chúng nó cũng may mắn thiệt, học tàng tàng thôi, vậy mà một đứa xuất ngoại, một đứa thì học trường Cán bộ chính trị, một đứa đậu trường Kiến trúc. Tôi thơ thẩn trước tượng đài Đức Mẹ ở nhà thờ Đức Bà ngẫm nghĩ thêm một lúc rồi tự an ủi mình, ‘thôi thì học tài thi phận mà!’

Về nhà, tôi quyết tâm học ôn, sang năm thi lại. Nhưng lần này nhỏ bạn đậu trường Kiến trúc, nhà nó nằm trên đường Pasteur, ngay cạnh trường, mở quán nhậu bán hột vịt lộn rất đông khách. Gia đình nó di cư vào Nam năm 1975, bố mẹ đều là cán bộ. Nó bảo tôi giọng chắc nịch, thêm cái vẻ mặt già đời hiểu chuyện, “Mày thi trường y dược không đậu đâu, thi vô trường kiến trúc học với tao đi! Tao chả thích đi học, chỉ muốn bán hột vịt lộn kiếm nhiều tiền hơn, không ham học mê vẽ như mày, mà ông già tao la tao quá, tao phải học cho có thôi! Có gì mày còn chỉ bài cho tao như hồi học phổ thông, chứ tao biết gì mà học.” Thế là năm sau tôi thi và đậu vào trường kiến trúc.

Ngày khai giảng năm học mới sắp đến, tôi háo hức vui mừng hớn hở bao nhiêu thì mẹ tôi càng tỏ vẻ thờ ơ bấy nhiêu! Mẹ tôi bảo, con gái học chi cho lắm! Lo lấy chồng là vừa. Kệ, tôi bỏ ngoài tai lời mẹ, cứ lo chuẩn bị mọi thứ cho ngày tựu trường.

Rồi thì biến cố xảy ra với gia đình tôi….ba tôi ngã bệnh nặng, phải nhập viện trong tình trạng nguy cấp! Những ngày trong bệnh viện Sài Gòn. Mẹ tôi kêu tôi đến và bảo: “Ba con đang bệnh nặng chưa biết sống chết thế nào, nhà thì cũng không còn tiền, thôi bỏ ý định đi học đi con. Lo đi kiếm một cái nghề mà sống!” Cái cảm giác hụt hẫng của tôi lúc đó, thực sự tôi không bao giờ quên!

Và tôi lại chạy ra đài Đức Mẹ - nhà thờ Đức Bà khóc như mưa… than thân trách phận với Mẹ một hồi rồi cũng tới lúc phải về nhà. Trên đường, đi ngang qua Bưu điện Thành Phố, tôi thấy rất đông người đang đứng xếp hàng nộp đơn xin việc. Và ý nghĩ xin đi làm lóe lên trong tôi, tôi cũng lật đật vội vàng điền đơn nộp, chờ tới lượt gọi tên. Tôi còn nhớ phải thi tuyển qua ba vòng: vòng 1 ngoại hình, vòng 2 giọng nói, vòng 3 trình độ ngoại ngữ. Mỗi ứng viên đọc một đoạn bài viết trên tờ báo nước ngoài, cần phát âm chuẩn, rõ ràng trước mặt Ban Giám khảo.

Vượt qua hơn trăm ứng viên, và qua nhiều vòng loại, nhóm được chọn (8 người, trong đó may mắn có tôi) đã được xướng tên, thông báo kết quả được trúng tuyển. Công việc đầu đời của tôi là nhân viên tổng đài 108, giải đáp mọi thắc mắc của người lớn, trả lời các cuộc điện thoại gọi đến và đặc biệt có thêm chuyên mục tư vấn và kể chuyện cho bé.

Cũng không có gì đáng nói nếu tôi không nhận cuộc gọi nhầm số của anh ta. Không biết duyên số thế nào hắn mê giọng nói của cô tổng đài viên tên Minh Hà, và tìm mọi cách để được gặp mặt sau cuộc gọi nhầm đó. Cũng vì mê các món ăn vặt bán trước cổng bưu điện mà mấy đứa bạn đồng nghiệp của tôi bị hắn mua chuộc, nên đã cung cấp đầy đủ thông tin chỗ ở, giờ giấc, ca làm việc của tôi cho hắn. Hắn qua nhà, xin ba mẹ được cưới tôi làm vợ, bất chấp thái độ không ưa của tôi, với một lý do đơn giản, tôi không muốn lấy người ngoại đạo. Chủ nhật nào tôi đi lễ cũng cầu nguyện Chúa, xin cho con quen và lấy người có đạo. Và…với tài thuyết phục của hắn, ba mẹ tôi cũng xiêu lòng, muốn tôi lấy hắn làm chồng. Tôi cũng chỉ biết gật đầu chấp nhận với 2 điều kiện đưa ra: một là tất cả các con của tôi sau này phải được cho rửa tội theo đạo, đi lễ, học giáo lý, không được cấm cản. Hai là, tôi vẫn được tiếp tục việc học.

Hai đứa con trai kháu khỉnh của tôi lần lượt chào đời…

Vào cuối những năm thập niên 1990-2000, thời kỳ kinh tế mở cửa và phát triển mạnh. Hắn ta, cha của hai con trai tôi, bị lôi cuốn theo ma lực của đồng tiền, chức vụ, danh vọng… đã ngả theo hướng khác, không ở cùng tôi và 2 đứa con thơ nữa. Tôi bắt đầu bươn chải một mình nuôi con từ đó…

Tôi vẫn chaỵ ra đứng dưới tượng đài Đức Mẹ! Nhưng lần này đôi mắt tôi ráo hoảnh, nước mắt của tôi không biết chúng trốn ở đâu mất tăm, tôi tìm mãi không ra… Nhìn lên ánh mắt hiền hòa của Mẹ, tôi như được ủi an, khích lệ, động viên… Tôi lần chuỗi Mân Côi, cầu khẩn cùng Mẹ, xin Mẹ thương, cứu giúp, chỉ bảo cho tôi một hướng đi…

Và rồi tôi đã nhận ra: Sau bao biến cố thăng trầm của cuộc đời, nhất là sau đại dịch Covid 19, với mảnh bằng Thạc sĩ MBA, bằng Dược sĩ và nhiều Chứng chỉ khác trong tay, tôi nhận thức được rằng, học vị, bằng cấp chả là gì trước mặt Thiên Chúa! Nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, nên tôi mới có kiến thức như ngày hôm nay. Người muốn tôi sử dụng kiến thức của đời này, để muôn đời ca tụng tôn vinh Chúa, noi gương Chúa mà sống sao cho trọn Đạo làm người.

Tôi quyết định dọn về nhà ở với bố mẹ tôi để tiện chăm sóc khi ông bà tuổi ngày càng cao. Đó chính là hai đóa hồng nhung đem lại cho tôi nguồn sống và hạnh phúc.

  

Từ đó, việc chăm sóc ba mẹ già, nuôi dạy con cái nên người, tham gia các công tác bác ái xã hội, trao cho cộng đồng tình yêu thương được lan tỏa qua ánh mắt và nụ cười thân thiện, là phương châm sống mà tôi cần phải trau dồi mỗi ngày. Thiết nghĩ, đó cũng là một hành động tích cực loan báo tin mừng, để được nhận ơn cứu độ.

Con xin tạ ơn Chúa! vì tất cả đều là Hồng Ân Chúa đã thương ban!

Bài Têrêsa Minh Hà (TGPSG)

Top