Gx. Chánh Tòa: Nhớ về một người Cha

Gx. Chánh Tòa: Nhớ về một người Cha

WGPSG -- Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức cố Tổng Giám mục Giáo phận TPHCM đã diễn ra rất nhiều hoạt động sôi nổi:

- Thực hiện cuốn sách về Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình

- Ban Đối thoại Liên tôn thăm Thánh Thất Cao Đài với ý nghĩa tưởng nhớ Đức cố TGM, người khởi xướng phong trào Đối thoại Liên tôn

- Tọa đàm tại CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình với chủ đề “Chân dung vị Mục tử”

- Lễ kỷ niệm “Nhớ về một người Cha” tại Trung tâm Mục vụ TGP. TPHCM

Hòa vào các hoạt động đó, Thánh lễ long trọng đã diễn ra vào lúc 5 giờ chiều tại Nhà thờ Đức Bà.

Chiều nay thứ Tư 01/09/2010, Vương cung Thánh đường được trang hoàng đẹp đẽ với rất nhiều hoa. Bàn thờ có bức ảnh Đức cố Tổng Giám mục được đặt trang trọng nơi cung thánh với thảm hoa cúc vàng.

Đông đảo thành phần dân Chúa gồm các tu sĩ nam nữ và cộng đoàn giáo dân trong Thành phố đã nô nức đến tham dự Thánh lễ.

Đúng 5 giờ, đoàn đồng tế gồm cha Phêrô Đỗ Duy Khánh, cha Phêrô Kiều Công Tùng, cha Bảo Tịnh Vương Đình Bích, cha Gioan Baotixita Phương Đình Toại, cha Giuse Vương Sĩ Tuấn và hai cha trẻ là cha Tú và cha Phát, tiến ra thắp nhang trước di ảnh của Đức cố TGM để bắt đầu Thánh lễ.

Trong lời đầu lễ, cha chủ tế Giuse Vương Sĩ Tuấn đã kêu gọi cộng đoàn tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã yêu thương và đã gieo hạt giống Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam, tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận TPHCM có một vị lãnh đạo tài ba.

Trong bài giảng lễ, cha chủ tế kể cho cộng đoàn nghe về cuộc Hội Thảo buổi sáng tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận TPHCM, nhân đó ngài nói về Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 mà Đức cố Tổng Giám mục là người có công chính trong việc soạn thảo. Lá Thư Chung 1980 có những đặc điểm:

- Đây là lá thư đầu tiên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi cho Cộng đoàn Dân Chúa kể từ khi thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam 1960.

- Đây cũng là lần đầu tiên các Giám mục thuộc 24 Giáo phận của Giáo hội Việt Nam gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề chung trong Giáo hội, làm sao để nối kết Giáo hội với xã hội.

- Đây cũng là lần đầu tiên thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hiệp nhất giữa 24 Giáo phận.

Các Giám mục khởi đi từ một suy tư của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ lục đó là mầu nhiệm Giáo hội. Giáo hội là một mầu nhiệm khởi đi từ sáng kiến ngàn đời trong chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài, dân Thiên Chúa, dân mới của Thiên Chúa có Đức Giêsu Kitô hiện diện. Sứ mạng của Giáo hội là tiếp tục sống ơn gọi của Đức Kitô, tham dự, đón nhận và được mời gọi giới thiệu, chuyển giao ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với muôn dân.

Một điều quan trọng nữa là Giáo hội phải nhìn lại chính mình trong một hoàn cảnh, một thời điểm cụ thể để đối chiếu với ý hướng và dự định của Đức Giêsu Kitô với dân của Thiên Chúa. Phải làm sao để có sự nối kết giữa Giáo hội và xã hội. Từ đó, các Giám mục suy nghĩ và định hướng mục vụ cho Giáo hội tại Việt Nam là ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC.

Thư Mục vụ diễn tả “Đồng hành với Dân tộc” nghĩa là chia sẻ sinh mệnh cộng đồng với dân tộc Việt Nam, bởi vì quê hương này là nơi Thiên Chúa đã gọi ta làm con, đất nước này là nơi ta được sống ơn gọi làm Con Chúa (không phải ở nơi khác cũng không phải ở trên trời). Dân tộc này là nơi Thiên Chúa sai ta đến với tư cách là một công dân và là một thành viên của Giáo hội. Chính những suy tư Thần học đó chỉ hướng và dẫn dắt chúng ta đồng hành với dân tộc.

Cũng từ lá Thư Chung đó, yêu tổ quốc, yêu đồng bào không chỉ là một tình cảm tự nhiên của con người mà còn là một bổn phận của Kitô hữu.

Nhân nói về đường hướng mục vụ, cha chủ tế cũng kể về kỷ niệm của cha với Đức cố TGM: Những chủng sinh khóa 1 của cha có may mắn được Đức cố TGM chiều thứ 5 hằng tuần đến chia sẻ, hướng dẫn mục vụ. Một trong những suy tư được đức cố TGM chia sẻ lấy từ Ga 21: Chúa Giêsu khi trao ban sứ mạng cho Thánh Phêrô không hỏi Phêrô có bao nhiêu bằng cấp, tài năng thế nào mà hỏi tới ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Và liền sau đó là ba lần trao ban sứ mạng. Sau khi trao ban sứ mạng Đức Giêsu nói về con đường tương lai của người được trao ban sứ mạng là phải chấp nhận những đau khổ, khó khăn mà cộng đoàn có thể gây ra cho mình. Điều quan trọng nhất là làm sao có sự gắn kết cá nhân mỗi người với Đức Giêsu, gắn bó trong lòng mến. Chính sự gắn bó đó mới định hướng cho công việc mục vụ mà các thầy sau này được sai đến trong những môi trường khác nhau: Đường hướng mục vụ gắn bó với Chúa Giêsu.

Kết thúc bài giảng, cha chủ tế kết luận: Ký ức vẫn còn hiện diện: hơn 30 vạn người trong và ngoài Giáo hội đã tham gia lễ an táng Đức cố TGM vào ngày 05/07/1995. Điều đó nói lên rằng Đức cố TGM Phaolô là một vị mục tử nhân lành sống theo mẫu gương Chúa Giêsu, khi mời gọi mọi người gắn bó, yêu mến Thiên Chúa thì chính Đức Tổng cũng sống tâm tình đó. Đó là đời sống của một con người, một vị lãnh đạo có tầm cỡ để mọi người chiêm ngưỡng, trân trọng và quý mến. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là: “Hãy đi loan báo Tin Mừng”. Loan báo Tin Mừng bình an cho những người ở trong và bình an cho những người ở xa. Con đường mục vụ đó không phải là đối kháng, đối nghịch, căng thẳng, khép lại nhưng là mở ra, cộng tác, đối thoại và hiệp thông. Con đường đó như Đức Hồng Y mong muốn nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức cố TGM Phaolô là chúng ta, mỗi người trong bổn phận của mình đóng góp xây dựng cho ngôi nhà chung của Giáo phận.

Thánh lễ được tiếp tục trong tâm tình sốt sắng và trang nghiêm của toàn thể cộng đoàn.

Sau khi nhận phép lành cuối lễ, tất cả tu sĩ, giáo dân trong nhà thờ đã lên dâng hương trước di ảnh của Đức cố Tổng trong tiếng hát bài “Kinh Hòa Bình” êm dịu, sâu lắng của ca đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm thuộc nhà thờ Chính Tòa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top