Gx. Bình An Thượng tĩnh tâm: Hành trình trở về

Gx. Bình An Thượng tĩnh tâm: Hành trình trở về

Tĩnh tâm là gì? Theo tôi hiểu “tĩnh tâm” là thời gian mọi người Kitô hữu ngồi lại với nhau để lắng nghe, chia sẻ về một chủ đề nào đó để chuẩn bị tâm hồn đón mừng một thánh lễ quan trọng hoặc để tâm hồn mình lắng đọng, hòa hợp với Chúa Giêsu nhiều hơn.

Trong tâm tình chuẩn bị tâm hồn đón mừng Đại lễ Phục sinh sắp tới, Giáo xứ Bình Anh Thượng của tôi có tổ chức ba ngày tĩnh tâm cho người lớn và ba ngày tĩnh tâm cho thiếu nhi. Và tôi đã may mắn tham dự được một buổi tĩnh tâm cuối cùng dành cho người lớn vào ngày 24/03/2010. Chủ trì buổi tĩnh tâm này là Cha Phaolô Nguyễn Phong Phú đến từ Đại chủng viện Thánh Giuse.

Sau khi đọc bài Phúc âm, Cha Phaolô đã chia sẻ với mọi người về chủ đề “Trở về với chính mình”. Vậy thế nào là “Trở về với chính mình?”. Trong cuộc sống, không ai là không muốn “khẳng định chính mình”. Chẳng hạn như trước mặt bạn gái của mình, người bạn trai há chẳng muốn khẳng định mình rất lịch lãm, rất tài giỏi đó sao? Hay như một cầu thủ bóng đá, anh ta há chẳng muốn khẳng định khả năng điều khiển trái banh một cách điêu luyện của mình trước mặt khán giả sao? Cũng như tất cả chúng ta, há chẳng luôn muốn khẳng định bản thân mình trước mặt người thân, bạn bè, mọi người đó sao? Ai cũng muốn khẳng định mình, và bản thân việc khẳng định mình là tốt, mọi người tự tin vào mình là tốt, và đó sẽ là động lực tốt trong khi chúng ta thực hiện việc gì đó. Tuy nhiên, “khẳng định chính mình” phải đi đôi với trách nhiệm, sự yêu thương của mình đối với gia đình và xã hội.

Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cuộc sống có rất nhiều sự thay đổi, tốt có, xấu có. Đặc biệt có ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn trẻ. Ngày nay đâu còn mấy bạn chơi các trò chơi dân gian như đá cầu, nhảy dây…vào những lúc rảnh rỗi. Thay vào đó, sau giờ học về nhà là các bạn chỉ ngồi với cái máy vi tính để chat, lướt web, nhà nào biết nhà đó, nhiều khi ở gần nhà nhau mà còn chẳng biết mặt nhau hay nói chuyện với nhau câu nào. Hoặc người ta tận dụng chiếc điện thoại để nhắn tin, gọi điện chúc Tết nhau, thay vì đến nhà gặp mặt hỏi thăm nhau để biết xem người bạn, người thân của mình hiện giờ có khỏe không, trông già hơn hay đẹp hơn? Chính vì cuộc sống quá hiện đại mà người ta không còn quan tâm đến nhau nhiều nữa, quan tâm thực sự chứ không phải một cách phiến diện. Có thể chúng ta muốn khẳng định mình rất sành điệu, cái gì hiện đại là mình biết hết, nhưng quên đi mối quan hệ giữa người và người, sự quan tâm, yêu thương đến nhau.

Và Cha Phaolô đã kế câu chuyện về một cậu bé: “Đã sắp tới ngày sinh nhật của cậu bé, bố em dẫn em đi mua một bộ quần áo thật đẹp, và đó là quà sinh nhật mà người bố tặng cho em. Tuy nhiên, do đã không còn size quần thích hợp với em, nên bố em đành phải mua size quần lớn hơn và chiếc quần hơi dài so với em. Nhân viên bán hàng đã dặn em là về nhà nhớ nhờ mẹ (đừng nhờ bố) lên gấu quần cho, như vậy chiếc quần sẽ vừa vặn với em hơn. Buổi trưa hôm đó, trong bữa cơm gia đình, em rất vui và mọi người đều thấy niềm vui ấy trên gương mặt của em nhưng không hiểu tại sao em lại vui như vậy? Chỉ duy nhất người bố biết lý do tại sao. Chiều đến, em nhớ đến chiếc quần cần phải lên gấu vì ngày mai là sinh nhật em rồi, em sẽ mặc bộ quần áo mới đó. Em cầm chiếc quần lên phòng của bà nội và nhờ bà lên gấu quần giúp, bà lấy thước đo chiều dài người em rồi đo chiều dài chiếc quần cho phù hợp, lấy phấn vẽ làm dấu, bà chuẩn bị cắt và may lại thì bà chợt nhớ ra một chuyện, bà nói với em rằng: “Cháu ơi, bà xin lỗi nhé, tới giờ bà phải đi nhà thờ để cất kinh rồi, chắc cháu đem quần lên nhờ mẹ giúp nhé”. Thế là cậu bé cầm chiếc quần lên nhờ mẹ giúp, mẹ em cũng làm những động tác giống như bà nội, nhưng người mẹ nhìn lên đồng hồ thì nhớ ra rằng mình phải đi nấu cơm tối vì người bố sắp về làm rồi. Cũng hơi thất vọng, nhưng cậu bé lại tiếp tục cầm chiếc quần lên nhờ chị hai giúp. Người chị cũng làm tương tự như bà nội và mẹ, nhưng tiếc thay, chưa lên được gấu quần thì người chị lại phải đi học rồi. Thế là cậu bé vô cùng thất vọng, em đem chiếc quần về phòng và treo lên móc. Trong bữa cơm tối, khuôn mặt em trông thật buồn, người bố không hiều lý do tại sao, nhưng bà nội, mẹ và chị hai thì hiều tại sao em buồn? Để sửa lỗi và tạo cho cậu bé sự bất ngờ, khi cậu bé không có trong phòng, bà nội đã vào phòng và lên gấu quần cho cậu, nhưng còn bất ngờ hơn nữa khi người mẹ cũng vào phòng và tiếp tục lên gấu quần cho cậu, và người chị cũng làm như thế. Vậy là chiếc quần của cậu bé được lên gấu quần đến ba lần, thật là không thể nào diễn tả được!”. Câu chuyện ở đây muốn nói lên một điều là đôi khi chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân, không quan tâm đến những người xung quanh, ngay cả những người thân thiết trong gia đình. Và khi làm điều gì cho ai đó thì cũng phải nghĩ đến người đó, xem người ta có thích và muốn không? Giống như trong câu chuyện trên, bà nội, người mẹ và người chị đều muốn tạo niềm vui bất ngờ cho cậu bé, nhưng niềm vui đã trở thành nỗi buồn vì chiếc quần bây giờ đã không còn thích hợp với cậu bé nữa, họ đã không nói cho cậu bé biết ý định của họ mà tự làm theo suy nghĩ của bản thân.

Kết thúc buổi tĩnh tâm, Cha Phaolô đã gợi nhớ lại hai chủ đề của hai ngày trước, đó là “Trở về với Thiên Chúa” và “Trở về với gia đình”. Kết hợp với chủ đề hôm nay là “Trở về với chính mình”, Cha muốn nhắn nhủ với mỗi người chúng ta rằng: Trong tâm tình của mùa chay, mùa sám hối ăn năn, trở về với Chúa để Chúa hoán cải, tha thứ tội lỗi lầm cho chúng ta để chúng ta ngày càng tốt hơn, giống Chúa nhiều hơn; trở về với gia đình để chúng ta trở thành một người cha, người mẹ, người con tốt hơn, biết tha thứ những sai phạm của nhau, như thế gia đình sẽ đầm ấm hạnh phúc hơn; trở về với chính mình để khẳng định mình trong sự quan tâm, yêu thương mọi người xung quanh để trở thành một con người mới tốt đẹp hơn, để mọi người trong chúng ta có thể sống hạnh phúc và bình an trong Chúa, để tâm hồn chúng ta được thanh thản, vui tươi đón mừng Đại lễ Chúa Phục sinh.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top