Gợi ý cử hành Lời Chúa của Chúa Nhật II mùa Chay năm B

Gợi ý cử hành Lời Chúa của Chúa Nhật II mùa Chay năm B

 

 

Chúa Nhật II Mùa Chay - năm B
(St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34 ; Mc 9,2-10)

 

Chủ đề:

Biến đổi như Đức Kitô

“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7)

I. CÁC BÀI ĐỌC:

Các bài đọc ngày hôm nay chuẩn bị trước cho chúng ta về mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu qua hai thời điểm quan trọng: hiến tế và phục sinh. Chính qua mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta được biến đổi để trở thành con người mới trong Đức Giêsu.

Bài đọc thứ nhất nói về sự kiện Thiên Chúa thử thách Abraham. Thiên Chúa ra lệnh cho Abraham hiến tế Isaac. Hiện tượng hiến tế con cái xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh (2 V 3,26-27; Lv 18,21; 2 V 16,3; 21,6; 23,10). Phải chăng Thiên Chúa cần đến của lễ hiến tế này và cổ võ việc cha mẹ sát tế con? Không phải thế, nhưng qua mệnh lệnh này, Thiên Chúa muốn thử thách lòng trung thành của Abraham. Abraham đã đáp lại lời yêu cầu của Thiên Chúa cách quảng đại: ông hiến dâng cho Thiên Chúa đứa con duy nhất và yêu thương của ông, đứa con mà ông mong đợi và cầu xin Thiên Chúa ban. Nhờ sự trung thành, tin tưởng và vâng phục, Abraham đã nhận được sự chúc lành và lời hứa của Thiên Chúa: “Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22,17).

Trong bài đọc hai, trích thư gởi tín hữu Roma, thánh Phaolô nói tới việc Thiên Chúa đã trao nộp chính Con Một của Ngài vì chúng ta. Hiến tế của Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta biết lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Chính hiến tế của Đức Giêsu đã biến đổi con người chúng ta, những con người phải chết vì tội lỗi, nhưng lại được sống nhờ tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng sự chết bằng chính lễ tế tình yêu dành cho nhân loại.

Tin Mừng Marcô nói về biến cố “biến hình” của Đức Giêsu. Đây là sự kiện tiên báo về cuộc Phục Sinh của Ngài; cũng chính là cùng đích của niềm hi vọng và niềm tin Kitô giáo. Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết bằng một hiến tế yêu thương trên thập giá. Biến cố biến hình soi sáng cho các môn đệ và chúng ta hiểu sâu xa hơn về ý nghĩa đời sống Kitô hữu, cũng như của những đau khổ và thử thách trong đời. Mầu nhiệm hiến tế và Phục sinh là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Đức Giêsu đã phải trải qua những ngày đau khổ trong cuộc thương khó để rồi bước vào sự chiến thắng khải hoàn là sự Phục sinh vinh hiển.

II. GỢI Ý SUY NIỆM:

1. Cuộc “biến hình” của Đức Giêsu chiếu rọi một luồng sáng mới, giúp người công giáo hiểu được ý nghĩa Mùa Chay. Mùa Chay là hành trình biến đổi bản thân để được nên giống Chúa hơn: biến đổi tầm nhìn, biến đổi tâm hồn, biến đổi cách sống theo gương Đức Giêsu “Anh em hãy mang trong anh em những tâm tư của Đức Kitô Giêsu” (Phil 2,5). Những việc đạo đức được khuyến khích trong Mùa Chay cũng nhằm giúp chúng ta thực hiện hành trình biến đổi đó: ăn chay để giảm bớt tính xác thịt và sự ích kỷ, cầu nguyện để chiêm ngắm và noi theo cách sống của Chúa, làm việc bác ái để tập sống tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

2. Đức Giêsu “biến hình” để nâng đỡ đức tin của các môn đệ, nhờ đó khi Người bước vào cuộc khổ nạn, các môn đệ không bị chao đảo và vấp ngã. Ba môn đệ có mặt trong cuộc biến hình của Chúa cũng là ba môn đệ sẽ chứng kiến cơn hấp hối của Chúa trong vườn Cây Dầu. Dù được nâng đỡ như thế, các ông vẫn vấp ngã: người thì chối thầy, người thì bỏ trốn, chỉ có Gioan có mặt dưới chân thập giá. Chúng ta cũng thế, dù được Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác, chúng ta vẫn vấp ngã khi bị cám dỗ, vẫn yếu lòng tin khi bị thử thách. Ý thức này giúp chúng ta khiêm tốn hơn và cậy trông vào Chúa nhiều hơn, chứ không chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình.

3. “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Trong cuộc biến hình của Đức Giêsu, các môn đệ nghe được lời nhắn nhủ của Chúa Cha. Đây cũng là lời nhắn nhủ mỗi người tín hữu, cách riêng trong Mùa Chay. Chỉ có Lời của Đức Giêsu mới là Lời chân lý, Lời chỉ dẫn nẻo đường dẫn đến sự sống trọn vẹn và phong phú. Vì thế, phải chuyên chăm lắng nghe, học hỏi, suy niệm Lời Chúa. Đây là cách thế tốt nhất để được chia sẻ cuộc biến hình với Chúa trong mầu nhiệm phục sinh.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, chúng ta được biến đổi trở nên con người mới xứng đáng với vinh quang Nước Trời. Chúng ta cùng cảm tạ tình thương cứu độ của Thiên Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:

1. Đức Giêsu đã tỏ vinh quang cho các Tông Đồ đang khi Người cầu nguyện. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Giáo Hội, luôn phản ánh khuôn mặt đích thực của Đức Kitô cho con người thời đại hôm nay, qua đời sống gương mẫu thánh thiện.

2. “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới khi thi hành trách nhiệm, luôn biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm và sự thật, nhằm đem lại hoà bình và công lý cho mọi người.

3. Đức Giêsu đã trải qua đau khổ để bước vào vinh quang. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang phải gánh chịu đau khổ về thể xác hay tinh thần, biết nhìn lên thập giá để kết hiệp với Chúa và can đảm biến những đau khổ ấy thành niềm vui cứu độ.

4. Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa sẽ “ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết nỗ lực biến đổi để mỗi ngày nên giống Chúa Giêsu hơn, hầu xứng đáng được chia sẻ vinh quang với Người.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, Cha đã tỏ cho chúng con thấy quyền năng và tình thương của Cha qua Đức Giêsu Kitô. Xin cho chúng con luôn trung thành bước theo Người, thực thi lời Người truyền dạy, để ngày sau cùng được dự phần vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top