Giáo xứ Tân Trang: Tĩnh tâm Mùa Vọng

Giáo xứ Tân Trang: Tĩnh tâm Mùa Vọng

Giáo xứ Tân Trang: Tĩnh tâm Mùa Vọng

TGPSG -- “Xin Thánh Gioan Thánh giá cho chúng ta được lòng yêu mến Thánh giá, biết sửa đổi, dọn đường tâm hồn cho ngay thẳng để đón Chúa đến.”

Đó là lời mời gọi của Linh mục Gioan Baotixita (GB) Lê Quốc Kiệt trong buổi khai giảng hai ngày tĩnh tâm tại nhà thờ Tân Trang vào lúc 18g thứ Năm và thứ Sáu ngày 14 và 15/12/2023.

Buổi tĩnh tâm thứ nhất

Khởi đầu buổi tĩnh tâm thứ nhất, cha GB giúp cộng đoàn hiểu về hai chữ tĩnh tâm:

“Tĩnh tâm là để lòng tĩnh lặng mà lắng nghe Lời Chúa, để lời Chúa đi vào lòng và trí của chúng ta. Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, là mùa xuân của Năm Phụng vụ; được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một (từ Chúa nhật thứ I Mùa Vọng đến ngày 16/12) nói về ngày Chúa quang lâm – tận thế. Giai đoạn hai (từ 17/12 đến 24/12) bắt đầu nói về Thánh Giuse, Mẹ Maria, chuẩn bị ngày Chúa giáng sinh.”

Cha GB đã giúp cộng đoàn ôn lại Năm Phụng vụ của Giáo hội.  Năm Phụng vụ là chu kỳ cử hành các thánh lễ từ mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giê-su cho đến mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giê-su. Có năm mùa: Vọng, Giáng sinh, Thường niên 1, Chay, Phục sinh và Thường niên 2. Mỗi mùa, linh mục dâng lễ mặc màu áo khác nhau:

“Chúng ta đang ở năm B. (Cách tính năm 2024=2+0+2+4=8:3= 2 dư 2, dư 1 là năm A, chia hết là năm C) Mùa Vọng hướng chúng ta đón chờ Chúa đến. Chúa đã đến rồi. Nhưng Chúa sẽ lại đến với riêng từng người trong ngày chết, hay ngày tận cùng của nhân loại. Vì thế chúng ta phải tỉnh thức, dọn con đường tâm hồn cho Đức Chúa. Hãy làm như thánh Gioan Baotixita kêu gọi sám hối, san bằng núi đồi: kiêu ngạo, cái tôi ích kỷ! Hãy lấp đầy những thung lũng: yếu đuối, tội lỗi, xóa bỏ hận thù ngăn cách con tim. Để sám hối, chúng ta phải làm ba điểu này: 1- Xét mình, khiêm nhường nhận ra mình là người có tội. 2- Thấy sai phải ăn năn dốc lòng chừa thật. 3- Chạy đến với Chúa để được chữa lành qua Bí tích Hòa giải. Luôn tin và phó thác vào lòng thương xót của Chúa.”

Cha GB cũng đưa ra một số ví dụ thực tế, đổ vỡ gia đình xảy ra trong xã hội ngày nay. Do con người ta thường hay đổ lỗi cho nhau, không thể hạ mình nói lời xin lỗi nhau:

“Là người Kitô giáo cần phải sống gương mẫu đạo đức, thánh thiện. Tin vào Chúa và sống Lời Chúa day. Xin Chúa ban cho chúng ta lòng sám hội tận căn. Chúa đã tha thứ cho ta thì ta cũng cần phải biết cầu nguyện, xin ơn Chúa giúp để có thể tha thứ cho nhau.”

Buổi tĩnh tâm thứ hai

Trong buổi tĩnh tâm thứ hai cha GB nhấn mạnh đến tỉnh thức và cầu nguyện luôn:

“Nhìn lên các bàn thờ ta thấy có bốn cây nến nằm trong vòng tròn màu xanh” - Cha GB giải thích - “Vòng tròn tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Bốn cây nến tượng trưng cho bốn tuần. Tuần một, gọi là nến Tiên tri vì các bài đọc cho sự hy vọng Đấng Mêsia đến cứu dân. Tuần hai, gọi là nến tin yêu, hay gọi Belem vì là hành trình Thánh Giuse và Đức Maria đi Belem sinh Chúa Giê-su. Tuần ba, nến màu hồng gọi là nến niềm vui hay Mục đồng vì Chúa đến với những người nghèo. Tuần bốn, gọi là nến bình an hay Thiên Thần, đem tin bình an. Như vậy tóm ý nghĩa trên là: Thiên Chúa vĩnh cửu đem niềm tin yêu cho con cái loài người. Vậy muốn nhận ra thì ta phải tỉnh thức.

Tỉnh thức với chính mình trong lời nói, việc làm. Anh hem hãy tự hỏi: Tôi là ai? Tôi đã chu toàn bổn phận của người làm cha, làm chồng, làm vợ, làm mẹ, làm con, … của mình chưa? Tôi đã làm gương trong đời sống đức tin mỗi ngày của mình chưa? Chúng ta sống như thế nào để mọi người nhìn thấy Chúa nơi chúng ta qua lối nghĩ, lời nói, việc làm cụ thể và sống động. Hãy luôn tỉnh thức với những lời khen ngợi, ca tụng, tôn vinh. Những lời góp ý thật lòng thường khiến chúng ta khó nghe, không chấp nhận.

Để tỉnh thức chúng ta phải cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Nhưng không phải áp đặt Chúa. Không đòi hỏi Chúa phải làm theo ý mình. Ta hỏi: Chúa ở đâu khi chiến tranh, tai ương, đau khổ, bệnh tật đang xảy ra?  Chúa đang trên thánh giá vì tội lỗi chúng ta phạm. Trong đau khổ hãy nhìn lên thánh giá mà cầu nguyện: Chúa từng bị sỉ nhục, bị vu khống, bị hiểu lầm, xin cho con đồng hành với Chúa. Chúa rất thương con người, nhất là những người nghèo khổ. Chỉ có con người là sát hại, làm khổ lẫn nhau.

Cái tôi trong con người mỗi chúng ta quá lớn nên không tỉnh thức được. Muốn phân định được đúng sai, ta phải cầu nguyện. Thinh lặng để nghe tiếng Chúa thì thầm trong ta. Trong thinh lặng, không lên án, không khiển trách mà tỉnh táo tìm ý Chúa trong mọi biến cố. Đón nhận mọi khó khăn thử thách trong cầu nguyện là cộng tác với Thiên Chúa. Tự hỏi: Chúa muốn con làm gì cho Chúa?

Chúng ta xét mình mỗi ngày trong tư tưởng, lời nói, việc làm để kịp tránh né, sửa sai và tiếp tục phát huy những việc làm tốt. Cố gắng trong Mùa Vọng này chúng ta dọn con đường tâm hồn cho chúa đến, không chỉ cho Chúa mà cho cả anh chị của mình nữa. “Đừng ép Chúa làm theo những điều chúng ta thích. Nhưng chúng ta hãy cố gắng làm theo những điều mà Chúa thích”. Như thế tâm hồn chúng ta sẽ trở nên hang đá đẹp, ấm áp cho Chúa ngự.”

Kết thúc tĩnh tâm

Sau Thánh lễ của ngày tĩnh tâm thứ hai, một vị đại diện cộng đoàn giáo xứ có đôi lời tri ân tới cha xứ Inhaxiô và cha Gioan Baotixita giảng tĩnh tâm.

Hai ngày tĩnh tâm tại giáo xứ Tân Trang đã kết thúc lúc 19g thứ Sáu 15/12/2023. Mọi người ra về trong niềm hy vọng. Được biết thứ Năm ngày 21/12/2023, lúc 18g30 sẽ có Bí tích Hòa Giải tại nhà thờ giáo xứ Tân Trang.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top