Gia đình hiệp hành thời giãn cách

Gia đình hiệp hành thời giãn cách

Gia đình hiệp hành thời giãn cách

TGPSG -- Nhớ về mùa giãn cách năm trước, tôi không thể ngờ được rằng gia đình mình như vậy cũng đã từng sống trong tâm tình ‘hiệp thông’ hay tinh thần ‘hiệp hành’ mà Giáo hội đang hướng đến.

Gia đình tôi có thói quen trò chuyện, ăn quà vặt cùng nhau trước giờ kinh tối. Cứ mỗi lần gọi nhau ra đọc kinh chung là bắt đầu một câu chuyện, một chủ đề bất kì nào đó, nhưng thường xuyên hơn cả là chơi đố vui, nối chữ đủ kiểu để ‘chọc tức’ và ‘hại não’ lẫn nhau.

Có hôm, con trai lớn đố cả nhà: “Toa thuốc của người mù có bốn viên thuốc, hai xanh và hai đỏ để chung với nhau. Mỗi lần chỉ được uống hai viên một xanh và một đỏ, nếu uống sai là chết vậy làm sao anh mù có thể uống chính xác?”. Ai cũng đoán chắc anh mù chỉ có đường chết thôi, thế mà anh vẫn sống đến nay.

Có hôm thì thách đố trong mười giây, ai tìm được tên mười con vật bắt đầu bằng chữ “N” nhanh nhất sẽ thắng. Rồi các con bắt đầu đếm: một, hai, ba …Ngan, Ngỗng, Nai…ờ…ờ… cho đến hết thời gian mà vẫn không ai có thể tóm đủ mười con.

Thực tế, việc đọc kinh chỉ mất mười lăm phút nhưng cũng lắm sự vui buồn. Có lúc thì vui chơi, trò chuyện kéo dài cả hàng giờ đồng hồ, thậm chí đến lúc kết thúc mà vẫn chưa giải quyết thoả đáng các vấn đề, nhất là các đề tài về cuộc sống có liên quan tới Kinh Thánh. Có lúc thì các con hậm hực: “Sao ngày nào mẹ cũng bắt đọc kinh vậy?” là xem như tối đó đọc kinh với tốc độ Chúa cũng không kịp đón nhận tâm tình.

Gia đình tôi có 5 thành viên, hai vợ chồng và ba người con. Vì giãn cách nên gia đình tôi mời mẹ chồng về ở chung nhà. Bà nội của các con tôi đã được 90 tuổi. Làn da của bà in đậm những vết chạm khắc của thời gian, nhưng ánh mắt vẫn đầy sự thông thái. Bà vốn khó ăn nên các cháu ‘dụ ngọt’ bà như dụ trẻ nít vậy. Mỗi bữa các cháu mời bà ra bàn ăn cơm chung, nhưng thực chất phải rủ rê, dụ dỗ mãi bà mới đồng ý. Do tuổi già nên ý niệm về thời gian trở nên khác thường, lúc đó bà thường bảo: “Vừa mới ăn xong mà lại ăn nữa rồi à?”

Vì trong thời gian giãn cách nên giờ cơm được tăng cường thêm giờ trò chuyện, chủ yếu để bà vui sống cùng gia đình và cũng để cân bằng thành viên hai đội. Bà nội với con trai và cháu nhỏ nhất chung đội, con dâu và hai cháu lớn một đội.

Bà tuy cao tuổi nhưng vẫn “lém lỉnh” lắm đấy. Tôi nhớ hôm chơi nối chữ, bắt đầu từ chữ “thành”. Các bên nối lần lượt: thành phố - phố nhỏ - nhỏ giọt - giọt nước - nước lợ - lợ...?... Cả hai đội đang lúng túng không biết nối chữ tiếp theo là gì thì bà cười to và phán “Lợ Lần”. Ôi các con cháu cười quá trời. Bà là người Bắc chính gốc nên đã biến “Nợ Nần” thành “Lợ Lần”. Vì sự “lém lỉnh” đó, bà đã cứu thua cho đội con trai mình và lại có cớ cho các cháu biết nguyên quán thực của bà, nơi bà đã được sinh ra.

Thời gian này, chúng tôi đã sống, chơi và cảm nhận cuộc sống nhiều hơn là làm việc so với thời gian trước giãn cách. Chúng tôi vui vẻ, thanh thản đón nhận những thực tế sắp đến.Vì là lễ online, mỗi ngày, chúng tôi bàn luận xem hôm nay cả nhà đi lễ ở đâu? Bà Rịa Vũng Tàu hay Thánh địa La Vang, hoặc tới Mỹ Tho… lễ từ Bắc vào Nam, lễ ở cả quê của bà.

Rồi mùa giãn cách cũng qua, bà đã được Chúa gọi về trước thềm năm mới. Khi đi, bà cũng kịp để lại cho gia đình tôi những dấu ấn cùng những thước phim kỉ niệm với nhiều cung bậc cảm xúc.

Giờ đây, chúng tôi lại sinh hoạt như xưa: ba mẹ đi làm, các con đi học và chỉ quy tụ cùng nhau vào bữa cơm và giờ kinh tối. Chúng tôi vẫn duy trì thói quen cũ, nói chuyện trước rồi đọc kinh. Trong khoảnh khắc này, bà vẫn đồng hành cùng chúng tôi và quan sát các con cháu từ trên cao!

Hằng ngày, mỗi khi ăn những món ngày xưa bà thích, các con vẫn nhắc lại cả một thế giới kí ức, gói trọn trong những tháng giãn cách: món này bà thích nè mẹ; hoặc lâu lâu xài luôn ngôn ngữ của bà. Một cách nào đó, bà vẫn hiện diện bên cạnh chúng tôi, đồng hành trong cả giờ cơm và giờ kinh gia đình.

Cũng nhân trong dịp này, tôi chợt nhận ra rằng, gia đình tôi cũng như bao gia đình Công giáo khác đang lắng nghe nhau, tham gia cùng nhau, thực hiện sứ vụ cùng nhau để yêu thương và đồng hành tiến vào con đường Hiệp Hành cùng Giáo Hội, như lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. Thông điệp Hiệp Hành mà ngay buổi ban đầu tôi nghe xa lạ, quá cao vời và đã được tôi rào khung giới hạn trong mối quan hệ của giáo xứ, bổn phận của các hội đoàn… nhưng nhờ những tháng bị dịch bệnh thống trị và sống trọn vẹn cùng gia đình, tôi nhận ra Hiệp Hành cùng các thành viên trong gia đình là điều tốt nhất để đi đến một Giáo Hội Hiệp Hành.

Thời gian trôi đi qua mau, nhưng Gia Đình Hiệp Hành luôn tồn tại và vươn tới một Giáo Hội Hiệp Hành vĩnh cửu…

                                                                        Maria Quỳnh Linh (TGPSG)
MVTT Hạt Thủ Đức

Top