Đức Thánh Cha hướng dẫn cách bước ra khỏi cuộc khủng hoảng

Đức Thánh Cha hướng dẫn cách bước ra khỏi cuộc khủng hoảng

Cha Lombardi nhận xét về thông điệp "Caritas in Veritate"

TP. VATICAN ngày 12-07-2009 (Zenit.org). Theo một phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican, trong tông huấn "Caritas in Veritate", ĐTC Bênêđictô XVI đã chỉ cách bước ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong bài xã luận ở cuối chương trình truyền hình hàng tuần “Octave Dies” (Ngày Chúa nhật) của đài Vatican, Cha dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, đã tóm tắt sự đóng góp của ĐTC Bênêđictô XVI qua Thông điệp thứ ba của ngài bằng 3 từ: “phát triển, cho đi, và hy vọng.”

Theo linh mục dòng Tên này, bản văn của ĐTC, gửi đến tất cả những người có thiện chí, nhằm nỗ lực “tái khám phá lòng can đảm để lập kế họach cho tương lai nhân lọai, không phải bằng ảo vọng của những hệ tư tưởng rách nát, mà bằng việc tự do tổng hợp một cách năng động và phong phú mọi yếu tố, thu thập được nhờ những trải nghiệm tích cực cũng như tiêu cực của các dân tộc, (thu thập được) nhờ việc chiêm nghiệm các nguyên tắc đa dạng, hay nhờ sự lao động của lý trí.”

Cha nói thêm, “Tất cả sẽ viển vông vô ích nếu không có hơi thở của cuộc sống do cảm hứng từ niềm tin mang lại.”

Cha Lombardi nhắc đến một đọan ở số 34 như tâm điểm của văn bản: “Bác ái trong Sự thật giúp cho con người có những trải nghiệm tuyệt vời về sự ban tặng. Hành động cho đi (cho không, biếu không) vẫn có đấy trong cuộc sống chúng ta dưới nhiều hình thức, nhưng chúng ta lại thường không nhận ra, do (ảnh hưởng của) chủ nghĩa tiêu thụ thuần tuý và cái nhìn thực dụng về cuộc sống. Con người được sinh ra để trao tặng, điều này diễn tả và thể hiện chiều kích siêu việt của con người.”

Theo phát ngôn viên của Vatican, “tính hợp lý của sự ban tặng và hành động cho đi là chìa khóa dẫn tới “tình huynh đệ”, từ đó ĐTC nhìn thấy sự hé mở của những giải pháp đích thực cho những vấn đề bi thảm trong gia đình nhân lọai vào thời điểm toàn cầu hóa này.”

Trong những thách đố này, Cha Lombardi đặc biệt chỉ ra “sự tồn tại dai dẳng của bất công và đói nghèo, sự suy thoái về mặt tâm linh và văn hoá làm tổn hại đến phẩm giá của từng con người, chính là nạn nhân của tính năng động kinh tế; tính năng động kinh tế này thực ra chỉ là sự thực dụng, hoặc não trạng tin tưởng mù quáng vào sức mạnh vô biên của khoa học kỹ thuật.”

Cha kết luận: “Cuộc khủng hỏang mà chúng ta và cả thế giới đang phải đương đầu, trong đó người nghèo phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, phải là dịp để chúng ta nhìn sâu hơn xem chúng ta là ai và chúng ta phải là gì: thưa, chúng ta chính là những người anh em được mời gọi yêu thương và cho đi; Và chúng ta phải đi đâu: thưa, chúng ta phải bước ra khỏi nhãn quan tin vào vật chất cách mù quáng và khép kín.”

“Nếu chúng ta không làm được điều đó, thì việc toàn cầu hóa sẽ không còn là cơ hội cho cuộc sống, mà sẽ trở thành một tình trạng hỗn loạn suy thoái của một thời kỳ nô lệ mỗi ngày một bi thảm hơn.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top