Đức Lêô XIV và những Dấu chỉ ân sủng
TGPSG/CatholicExchange -- Vào ngày 8-5-2025, Đức Lêô XIV đã được bầu chọn làm giáo hoàng. Đó là một cuộc bầu cử mang tính lịch sử, dường như cả thế giới đều cảm thấy có sự liên kết và lý do để hòa chung niềm hân hoan.
Một cách thật kỳ diệu như Hội Thánh của chúng ta thường thể hiện, giữa nỗi buồn sâu sắc vì sự qua đời của Đức Giáo hoàng Phanxicô yêu dấu, các cơ chế hiện hành đã lập tức được kích hoạt và chuẩn bị cho chúng ta bước vào tiến trình chuyển giao quyền bính qua thời gian novemdiales (9 ngày cầu nguyện), interregnum (thời kỳ trống tòa) và mật nghị hồng y, dẫn đến khởi đầu triều đại giáo hoàng thứ 267.
Đã có nước mắt và lời cầu nguyện, nỗi buồn và ký ức, lo lắng và sợ hãi, hy vọng và những viễn tượng. Con thuyền lớn là Hội Thánh vẫn tiếp tục lướt đi qua tất cả, đưa chúng ta đến khoảnh khắc có vị thuyền trưởng mới - nguyên là Đức Hồng y Robert Francis Prevost. Có người cho rằng những đợt sóng thay đổi là đầy hiểm nguy và đáng sợ. Người khác lại hứng khởi tự hỏi Thánh Thần đang thực hiện điều gì. Đám đông tràn ngập quảng trường vào thứ Năm đầu tháng Năm tuyệt đẹp ấy dường như phần lớn thuộc về nhóm sau. Dù là người Công giáo sốt sắng hay không, họ cũng không thể không bị cuốn theo dòng cảm xúc và niềm vui phục sinh của món quà Phục Sinh từ Thiên Chúa: một Đức Thánh Cha mới.
Khi ấy, chúng ta đã không biết ống khói sẽ nhả khói đen bao nhiêu lần trước khi chuyển sang trắng, nhưng bằng cách này hay cách khác, ai nấy đều dõi theo khi có thể - mắt dán vào màn hình, hoặc với những người thật sự may mắn, thì canh thức trong vòng tay rộng mở của Quảng trường Thánh Phêrô. Với tiếng reo vui, những giọt lệ mừng, hay sự xác tín bình an, chúng ta đã đón nhận làn khói trắng ấy và bước vào lời cầu nguyện đầy hân hoan - vừa tạ ơn, vừa khẩn nguyện - một cách trang nghiêm hơn. Suy nghĩ về trọng trách đè nặng trên vai một con người, chúng ta đã tha thiết cầu nguyện. Và rồi, chỉ hơn một giờ sau đó, chúng ta tận tai nghe thấy lời công bố: “Habemus Papam!” - “Chúng ta đã có Giáo hoàng!” Tin mừng lớn lao này, dù đã được dự đoán qua làn khói và hồi chuông, vẫn bùng cháy trong tâm hồn ta một lần nữa.
Tin tức được loan báo: vị Tân Giáo hoàng của chúng ta là một tu sĩ dòng Thánh Augustinô, 69 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Chicago, được đào luyện trong lòng Hội Thánh, và được tôi luyện qua sứ vụ mục vụ tại Peru - một người con đích thực của Giáo hội Hoàn vũ. Cuối cùng, niềm vui vỡ òa khi ngài chọn một tông hiệu quen thuộc, vang vọng suốt nhiều thế kỷ và mang ý nghĩa đặc biệt trong thời đại hôm nay: Lêô XIV. Vị tân giáo hoàng ấy đã chào thế giới với xúc động dâng trào nơi đôi mắt, nhưng lại bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Ân sủng của thiên chức đã ngự xuống trên ngài; giờ đây, ngài thực sự là Đức Giáo hoàng Lêô của chúng ta.
Những hiệu quả thiêng liêng [của việc lần hạt Mân Côi] đã được một tu sĩ dòng Đa Minh thế kỷ XV liệt kê một cách đặc biệt. Theo truyền thống, chân phước Alanus de Rupe đã nhận được 15 lời hứa từ chính Đức Trinh Nữ Maria qua một cuộc mặc khải riêng, dành cho những ai sốt sắng đọc kinh Mân Côi... “Những ai trung tín phụng sự Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi sẽ lãnh nhận những Dấu chỉ ân sủng.”
Món quà này từ Mẹ Maria Diễm Phúc là điều tôi thường xuyên cảm nhận được hoa trái qua nhiều năm kể từ khi bắt đầu lần hạt Mân Côi. Những điều sau đây là những gì tôi tin cách đạo đức là một cơn mưa các Dấu chỉ ân sủng mà Đức Mẹ đã thương ban cho chúng ta – những người con yêu dấu của Mẹ – để giúp chúng ta vui mừng và đầy tín thác hướng về công trình mà Chúa Thánh Thần đang thực hiện trong cuộc bầu chọn Đức Giáo hoàng Lêô XIV:
1. Chân phước Marie Catherine Thánh Augustinô, một nữ tu dòng Thánh Augustinô người Canada, có lễ kính vào ngày 8-5, chính ngày Đức Tân Giáo hoàng, cũng là một tu sĩ dòng Augustinô người Bắc Mỹ, được tuyển chọn.
2. Ngày 8-5 cũng là lễ kính Đức Mẹ Pompeii (như được Đức Lêô nhắc đến trong bài huấn từ đầu tiên ngỏ với Giáo hội từ ban công đền thờ). Lòng sùng kính Đức Mẹ Pompeii được Chân phước Bartôlô Longô - người sắp được tuyên thánh - cổ võ sau khi ngài được thị kiến một cách lạ lùng, trong đó ngài được truyền dạy hãy lan truyền lòng sùng kính kinh Mân Côi.
3. Ngày 8-5 cũng là ngày lễ nguyên thủy kính Đức Mẹ Ban Ơn (Our Lady of Grace) trong dòng Augustinô. Lòng tôn kính Đức Mẹ dưới tước hiệu này đã có từ thời khởi nguyên của dòng và được đưa vào trong kinh nguyện hằng ngày của họ.
4. Ngày 8-5 cũng là lễ kính biến cố tổng lãnh thiên thần Micae hiện ra tại Monte Gargano, Ý, với thánh Lorenzo. Đức Giáo hoàng Lêô XIII - vị giáo hoàng tiền nhiệm có cùng tông hiệu với Đức Thánh Cha hiện nay - đã soạn lời nguyện kính thánh Micae vào năm 1884 sau một thị kiến về Hội Thánh đang trong một trận chiến thiêng liêng khốc liệt.
5. Vào ngày diễn ra thánh lễ an táng Đức Giáo hoàng Phanxicô, 26-4, Giáo hội tôn kính Đức Mẹ dưới tước hiệu “Mẹ Hằng Ban Lời Khuyên” (Our Mother of Good Counsel). Từ thế kỷ XIII, các tu sĩ dòng Augustinô đã là những người gìn giữ thánh ảnh linh thiêng và phép lạ này. Hai ngày sau khi được bầu chọn, Đức Lêô đã viếng thăm đền thánh Đức Mẹ Hằng Ban Lời Khuyên tại Genazzano, Ý, và nói: “Tôi rất mong được đến đây trong những ngày đầu tiên của sứ vụ mới mà Giáo hội đã trao phó cho tôi.” Ngài cũng khích lệ chúng ta rằng: “Như người Mẹ không bao giờ bỏ rơi con cái mình, anh chị em cũng hãy trung tín với Mẹ.”
6. Chúa Nhật liền sau ngày bầu chọn là Chúa Nhật IV Phục Sinh, tức “Chúa Nhật Mục Tử Nhân Lành.” Theo truyền thống, chúng ta cầu nguyện cho các vị mục tử cũng như cho ơn thiên triệu. Nhưng chúng ta cũng được mời gọi nhớ đến và biết ơn hồng ân lớn lao là các mục tử của Hội Thánh – trong đó có cả vị Tân Giáo hoàng của chúng ta.
7. Vào ngày 8-5-1945, Đức quốc xã đầu hàng, đánh dấu Ngày Chiến thắng tại Châu Âu (VE Day). Những lời đầu tiên Đức Lêô ngỏ với chúng ta là: “Bình an ở cùng tất cả anh chị em.” Những bài huấn từ và giảng lễ sau đó của ngài cho thấy rõ rằng khẩu hiệu “đừng bao giờ còn chiến tranh nữa” sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong sứ vụ giáo hoàng của ngài.
8. Ý chỉ cầu nguyện của Đức Giáo hoàng trong tháng 5 năm 2025 - được soạn vào cuối năm 2024 dưới triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô - là: “Xin cho mọi người tìm được sự viên mãn qua công việc, cho các gia đình được nâng đỡ trong phẩm giá, và cho xã hội được nhân bản hóa.” Việc Đức Lêô chọn tông hiệu này đưa thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) của Đức Lêô XIII trở lại tâm điểm. Thông điệp này được viết nhằm giúp Giáo hội và thế giới hiểu rõ về “quyền và bổn phận của tư bản và lao động.” Trong một thời đại đầy biến động về lĩnh vực này, do ảnh hưởng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, việc suy tư sâu sắc về lao động con người và tư bản chưa bao giờ lại cần thiết và mang tính tiền định đến như vậy.
9. Thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng được cử hành vào ngày 18-5 - cũng là ngày sinh của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đức Lêô đã chính thức chọn mang theo gậy mục tử mà vị tiền nhiệm thánh thiện này từng sử dụng.
“Chắc chắn còn nhiều Dấu chỉ ân sủng khác mà tôi chưa được biết đến."
Có một Dấu chỉ ân sủng phổ quát hơn nữa khi Đức Giáo hoàng Lêô được nhiều cộng đoàn khác nhau xem như một phần của mình, như người Mỹ, người Peru, các nhà giáo luật, tu sĩ dòng Augustinô, các nhà truyền giáo, cựu sinh viên Đại học Villanova, các nhà toán học, và cả người hâm mộ đội bóng White Sox! Dòng dõi của Đức Giáo hoàng có nguồn gốc từ Creole New Orleans, Haiti, và châu Phi. Tầm quan trọng của chủng tộc, chế độ nô lệ và di cư đã thấm nhuần sâu sắc trong chính ADN của Đức Giáo hoàng. Đức Giáo hoàng đầu tiên đến từ Hoa Kỳ này thể hiện một tính phổ quát đích thực. Ân sủng này giúp tất cả chúng ta cảm nhận sự hòa nhập trong vận hành mới của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội và thế giới, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của công cuộc mà Chúa Thánh Thần đang thực hiện trong thời điểm hiện nay.
Khi chúng ta bị cám dỗ nhìn Đức Thánh Cha qua lăng kính “chính trị,” khi chúng ta thấy mình bất đồng với ngài về điều gì đó, hay khi nghĩ rằng ngài “nên” tập trung vào những vấn đề khác, hãy nhớ lại cơn mưa Dấu chỉ ân sủng này và tin tưởng rằng Thiên Chúa biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta hơn chính chúng ta. Hãy tin rằng Chúa Quan Phòng đã ban cho chúng ta đúng vị mục tử mà Hội Thánh và thế giới cần đến ngay lúc này trong dòng lịch sử. Hãy yêu mến ngài và cầu nguyện cho ngài. Hãy cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi, đến gần Mẹ Maria, để khẩn cầu hồng ân cho sứ vụ nặng nề khôn tả mà Đức Lêô đã chấp nhận, và cho Hội Thánh thân yêu của chúng ta.
Lạy Mẹ Maria Diễm Phúc, con cảm tạ Mẹ vì đã tuôn đổ trên Hội Thánh, và cách riêng trên Đức Giáo hoàng Lêô, những nụ hôn từ trời - tức là những Dấu chỉ ân sủng - để khích lệ chúng con trong thời điểm chuyển mình này. Chúng con tin rằng Chúa Thánh Thần, Đấng đã kết hợp với Mẹ trong công trình cứu độ, Chúa Thánh Thần, đang thực hiện công trình cứu độ qua dòng ân sủng vẫn đang tuôn chảy trong Hội Thánh. Xin Mẹ giúp chúng con tiếp tục cầu nguyện, tin tưởng và yêu mến, để theo bước Chúa Giêsu bằng cách lần chuỗi Mân Côi cho Hội Thánh và cho Đức Giáo hoàng Lêô XIV. Chúng con yêu Mẹ, lạy Mẹ Diễm Phúc! Xin cầu cho chúng con!
Tác giả: Suellen Brewster
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ CatholicExchange
bài liên quan mới nhất

- Sức mạnh của sự dịu dàng
-
Cuộc Hành Hương Thánh Thể Quốc Gia Khởi Động Cùng Ngày Đức Giáo Hoàng Leo XIV Nhậm Chức -
Con người được dựng nên để sống trong Thiên Đàng -
Thiên Chúa lắng nghe: Hành trình qua những trang nhật ký thiêng liêng -
Người sống thọ nhất thế giới qua đời, để lại di sản đức tin -
Vẻ đẹp đặc biệt khi được bầu làm Giáo hoàng trong tháng Năm -
Đức Lêô XIV và Di sản của Đức Lêô XIII: Một cái tên mang theo một tầm nhìn -
Đức Thánh Cha Lêô XIV viếng mộ Đức cố Giáo hoàng Phanxicô -
Ảnh chính thức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV -
Biểu tượng trên huy hiệu hồng y của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Ý nghĩa chữ “PP” sau chữ ký của Đức Giáo hoàng -
Ảnh chính thức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa -
Chọn ngôn sứ Giêrêmia đồng hành với bạn trong mùa Chay