Đức Lêô XIV và Di sản của Đức Lêô XIII: Một cái tên mang theo một tầm nhìn

Đức Lêô XIV và Di sản của Đức Lêô XIII: Một cái tên mang theo một tầm nhìn

Đức Lêô XIV và Di sản của Đức Lêô XIII: Một cái tên mang theo một tầm nhìn

TGPSG/CatholicExchange --- Một lựa chọn mang tính biểu tượng

Khi vị tân giáo hoàng bước ra từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô và chọn tước hiệu Lêô XIV, đó không chỉ là một sự tôn kính mang tính truyền thống. Đó là một lựa chọn có chủ đích, nối dài dòng chảy của mười ba vị giáo hoàng trước từng mang tên Leo, khởi đầu với Thánh Lêô Cả - vị Giáo phụ thế kỷ V được ghi nhớ bởi sự kiên định bảo vệ chính thống giáo và dấn thân trong bối cảnh đầy biến động của Đế quốc Rôma đang suy tàn.

Tuy nhiên, tông hiệu "Lêô" trong thời đại hôm nay có lẽ gợi nhớ rõ rệt nhất đến Đức Giáo hoàng Lêô XIII - vị giáo hoàng cuối thế kỷ XIX, người được mệnh danh là “Giáo hoàng của chuỗi Mân Côi,” một triết gia, nhà cải cách xã hội và tác giả kiệt xuất. Việc chọn lại tước hiệu này không nhằm gợi mở một bản sao của quá khứ, nhưng là dấu hiệu cho thấy một sự tiếp nối về mặt linh đạo, trí tuệ và mục vụ.

Đức Lêô XIII: Vị giáo hoàng viết nên kỷ nguyên bằng văn kiện

Triều đại của Đức Lêô XIII (1878-1903) để lại một di sản đồ sộ về tư tưởng với 88 thông điệp, đề cập đến đủ mọi khía cạnh: từ quyền lực chính trị, chủ nghĩa xã hội, chế độ nô lệ cho đến triết học, lòng đạo đức và phẩm giá Kitô giáo. Nổi bật nhất là thông điệp Rerum Novarum (1891) - nền tảng của học thuyết xã hội Công giáo hiện đại, đề cập đến quyền lợi người lao động và trách nhiệm của giới chủ.

Ngay từ đầu triều đại, ngài đã phát đi thông điệp Aeterni Patris (1879), kêu gọi phục hưng triết học của Thánh Tôma Aquinô như là xương sống cho đời sống trí thức của Giáo hội. Qua đó, ngài khơi mào một làn sóng phục hưng triết học kinh viện nhằm đối thoại cách sâu sắc với chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa hoài nghi khoa học và thuyết tương đối đạo đức đang lan rộng.

Giáo hội, xã hội và nhà nước: Quan điểm rõ ràng giữa cơn biến động

Thế kỷ XIX là thời kỳ dậy sóng chính trị và ý thức hệ. Đức Lêô XIII không né tránh mà can đảm dấn thân. Trong văn kiện Immortale Dei (1885), ngài nêu bật rằng: quyền bính dân sự chỉ chính đáng khi bắt nguồn từ luật Thiên Chúa. Với văn kiện Libertas (1888), ngài phê bình quan niệm tự do tách rời chân lý, khẳng định rằng tự do thực sự là tự do được định hướng bởi chân lý và đức hạnh.

Ngài thẳng thắn đối đầu với chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa xã hội qua các thông điệp như Quod Apostolici Muneris (1878) và Graves de Communi Re (1901), đồng thời đề cao mô hình "dân chủ Kitô giáo" như một tầm nhìn đạo đức về xã hội, dựa trên tinh thần hiệp hành và bổ trợ.

Tiếng nói mạnh mẽ chống lại chế độ nô lệ

Trong các thông điệp như In Plurimis (1888) và Catholicae Ecclesiae (1890), Đức Lêô XIII công khai lên án chế độ nô lệ, nhấn mạnh phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Những văn kiện này được gửi đến các giám mục ở Brazil và châu Phi - nơi khi ấy vẫn đang vật lộn với tàn dư của buôn bán nô lệ - và kêu gọi nỗ lực truyền giáo nhằm bảo vệ công lý và tự do.

“Giáo hoàng của chuỗi Mân Côi”

Hiếm có giáo hoàng nào dành trọn tâm huyết như Đức Lêô XIII trong việc đề cao Kinh Mân Côi. Bắt đầu từ Supremi Apostolatus Officio (1883), ngài ban hành 11 thông điệp về chuỗi Mân Côi - thường vào tháng 9 hoặc 10 mỗi năm - như Octobri Mense (1891), Magnae Dei Matris (1892), Adiutricem (1895)...

Đức Lêô XIII không xem chuỗi Mân Côi chỉ là hình thức đạo đức cá nhân, mà là khí cụ thiêng liêng chống lại chủ nghĩa duy vật và chia rẽ, đồng thời là phương tiện canh tân đời sống Kitô hữu qua chiêm niệm và sự khiêm nhu. Điều này có lẽ mang ý nghĩa đặc biệt với Đức Leo XIV - vị tân giáo hoàng đến từ Hoa Kỳ, nơi đức tin thường được nuôi dưỡng trong gia đình, giáo xứ và đời sống đạo đức bình dân hơn là chính sách quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu đầu tiên, Đức Lêô XIV đã nhắc đến Đức Mẹ Pompeii - được mừng kính đúng vào ngày ngài nhậm chức - và mời gọi cộng đoàn cùng đọc một Kinh Kính Mừng.

Hướng đến sự hiệp nhất Đông - Tây

Trước cả Công đồng Vatican II, Đức Lêô XIII đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy đối thoại đại kết, đặc biệt với các Giáo hội Đông phương. Trong Orientalium Dignitas (1894), ngài khẳng định phẩm giá và quyền giữ gìn phụng vụ đặc thù của các nghi lễ Đông phương. Văn kiện Praeclara Gratulationis Publicae (1894) là một lời kêu gọi rộng mở cho sự hiệp nhất Kitô giáo, xuất phát từ chân lý và bác ái.

Các thông điệp như Paterna Caritas (1888) gửi đến Anh giáo, hay Satis Cognitum (1896) về sự hiệp nhất của Giáo hội, đều cho thấy một vị giáo hoàng vừa cương quyết thần học vừa tế nhị mục vụ. Tư tưởng về sự hiệp nhất được Đức Lêô XIII trình bày gần như mang tính tiên tri, được Công đồng Vatican II và Đức Gioan Phaolô II sau này tiếp nối rõ nét.

Niềm tin và lý trí, Thánh Kinh và khoa học: Một sự hòa giải can đảm

Đức Lêô XIII không phải là người chống lại thế giới hiện đại. Trái lại, ngài là chiếc cầu nối. Trong văn kiện Providentissimus Deus (1893), ngài khuyến khích việc nghiên cứu Thánh Kinh theo phương pháp học thuật nghiêm túc nhưng vẫn bảo vệ chân lý thần linh của Kinh Thánh. Văn kiện Divinum Illud Munus (1897) là một suy tư sâu sắc về Chúa Thánh Thần, với trọng tâm là sự thánh thiện cá nhân và canh tân đời sống Giáo hội từ bên trong.

Gần cuối đời, Đức Lêô XIII ban hành văn kiện Mirae Caritatis (1902) về Bí tích Thánh Thể, khẳng định rằng trung tâm đời sống Kitô giáo không nằm ở triết học hay chính trị, mà là nơi hiện diện sống động của Đức Kitô - trong Bí tích tình yêu.

Một cái tên gợi mở một định hướng mục vụ

Việc Đức Giáo hoàng Lêô XIV chọn tước hiệu “Lêô” không thể hiểu đơn giản là sự tái lập triều đại trước. Thế giới năm 2025 không còn là thế giới của những năm 1900. Nhưng việc chọn một cái tên luôn mang ý nghĩa. Và trong trường hợp này, đó là gợi nhắc đến một di sản hội tụ giữa trí tuệ thần học, đối thoại xã hội, đời sống đạo đức và lòng sùng kính Đức Mẹ.

Đức Lêô XIII là hình mẫu của một vị giáo hoàng có thể vừa là học giả, vừa là mục tử; vừa là nhà cải cách, lại vừa là người trung thành với truyền thống. Di sản ấy có thể là bản lược đồ hoặc ít nhất là nguồn cảm hứng cho Đức LêôLêô XIV - một vị giáo hoàng đang bước vào thế giới toàn cầu với nhiều phức tạp và thách đố.

Nhìn về quá khứ để định hình tương lai

Trong những thời điểm đầy bất ổn, Giáo hội thường quay về với cội nguồn - không phải để trốn tránh thực tại, mà để tái khám phá sứ mạng đích thực. Những bản văn của Đức Lêô XIII minh chứng một Giáo hội không sợ nói với thế giới bằng sự sâu sắc, chính xác và can đảm. Một đức tin ôm trọn cả điều huyền nhiệm lẫn lý trí.

Với tông hiệu Lêô, Đức Giáo hoàng Lêô XIV có thể đang mời gọi chúng ta nhớ đến một vị tiền nhiệm đã từng tin rằng: Giáo hội cần suy tư thấu đáo, cầu nguyện không ngừng, giảng dạy rõ ràng và yêu thương hết lòng. Không phải là một kế hoạch cứng nhắc, mà là một chân dung mục tử - có lẽ cũng là chân dung mà Lêô XIV đang hướng đến.

Tác giả: Shaun McAfee

Viên Dung (TGPSG) biên dịch từ CatholicExchange

Top