ĐGH Gioan Phaolô II ‘được phép’ tha thiết sùng kính Đức Maria
TGPSG / Aleteia -- ĐGH người Ba Lan đã kể lại rằng: Đã có lúc ngài cảm thấy lo sợ vì mình quá yêu mến Đức Mẹ. Nhưng một vị thánh người Pháp đã giúp ngài nhận ra sự thật.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chưa bao giờ che giấu về ảnh hưởng của một vị thánh vĩ đại người Pháp trên lòng sùng kính Đức Mẹ cách mạnh liệt của mình.
Khi ĐGH Gioan Phaolô II còn là một công nhân trẻ làm việc tại xí nghiệp Solvay trong Thế chiến II, ngài đã khám phá ra vai trò của Đức Mẹ nhờ tác phẩm “Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria” của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort.
Karol Wojtyla đã lớn lên trong sự thân tình với Đức Maria ngay từ thời thơ ấu, nhưng khi vào chủng viện, ngài đã nghĩ: Tốt hơn hết là nên rời xa Đức Mẹ. Sau này, ngài thú nhận là mình đã từng lo sợ rằng lòng sùng kính Đức Mẹ sẽ khiến cho ngài không thờ phượng Thiên Chúa cho tương xứng.
Những hình ảnh bạn chưa từng thấy về Thánh Gioan Phaolô II trước đây
ĐGH Gioan Phaolô II đã viết trong thư gửi các tu sĩ ‘Gia đình Monfort’ vào năm 2004:
“Nhưng, nhờ Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort, tôi hiểu ra rằng lòng sùng kính đích thực đối với Mẹ Thiên Chúa luôn giúp hướng về Chúa Kitô (...). Tác phẩm ‘Lòng Sùng Kính Đích Thực’ đã đánh dấu một bước ngoặt trong đời tôi. Tôi nói là một ‘bước ngoặt’ cho dù đó là cả một hành trình dài nội tâm, trùng khớp với suốt thời gian âm thầm chuẩn bị làm linh mục của tôi. Tôi nhận ra (....) một điều gì đó rất cơ bản. Điều đã xảy ra là, lòng sùng kính trong thời thơ ấu và thậm chí là trong cả thời niên thiếu của tôi đối với Thánh Mẫu đã dẫn đến một thái độ mới, một lòng sùng kính xuất phát từ sâu thẳm đức tin của tôi, cũng như từ chính Tình yêu của Chúa Ba Ngôi và trong chân lý về Chúa Kitô.”
Khẩu hiệu “Totus Tuus” được khắc trên huy hiệu của ĐGH Gioan Phaolô II, được lấy cảm hứng trực tiếp từ giáo huấn của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort. Đây là những gì mà ĐGH Gioan Phaolô II đã xác nhận trong cùng một bức thư năm 2004:
“Hai từ này (Totus Tuus) thể hiện sự tận hiến cách trọn hảo cho Chúa Giêsu qua Đức Maria: ‘Tuus totus ego sum, and omnia mea tua sunt’, thánh Louis-Marie đã viết như thế."
và Đức Gioan Phaolô II đã phiên dịch lại là:
‘Tất cả bản thân con là của Chúa, và tất cả những gì con có cũng là của Chúa, Ôi Chúa Giêsu dấu yêu của con, nhờ Mẹ Maria, Người Mẹ rất thánh của Chúa.’ (Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, số 233). “Giáo huấn của thánh nhân đã ảnh hưởng sâu sắc đến lòng sùng kính Đức Mẹ và chính cuộc đời tôi.”
Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort là người sáng lập hai Dòng tu: Dòng Đức Maria - thường được biết đến với tên Dòng Các Cha Montfort, và Dòng Nữ Tử của Đức Khôn Ngoan - một dòng tu nữ mà ngài đã thành lập vào năm 1703 cùng với Chân phước Marie-Louise Trichet. Sống khổ hạnh, gần gũi người nghèo và là một nhà thuyết giảng vĩ đại, ngài đã rảo khắp miền Tây nước Pháp với niềm say mê tái phúc âm hóa các vùng nông thôn. Vì thế mà ĐGH Clêmentê XI đã phong cho ngài tước hiệu “Thừa sai Tông tòa”. Hoạt động tông đồ không mỏi mệt, sống khổ chế và túng thiếu cuối cùng đã khiến ngài kiệt sức. Và ngài đã qua đời ở tuổi 43.
“Đến với Đức Kitô qua Mẹ Maria”
Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã biểu tỏ lòng kính mến đối với thánh Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort bằng cách đến viếng thăm mộ của thánh nhân tại Saint Laurent thuộc vùng Sèvre, tỉnh Vendée vào năm 1996. Linh đạo của thánh Grignion de Montfort nhấn mạnh vai trò nổi bật của Đức Maria – Đấng đã hạ sinh Đức Kitô và sinh ra chúng ta trong Đức Kitô. Thánh Grignion de Montfort đã để lại nhiều tác phẩm thiêng liêng, như “Luận về Lòng thành thực sùng kính Đức Maria” và “Yêu mến sự Khôn Ngoan vĩnh hằng” có ảnh hưởng lớn trên nước Pháp thế kỷ 18.
Một số nhà sử học đã nói rằng, Thánh Grignion de Montfort là người đã tái “Kitô hóa” vùng Vendée và Brittany, góp phần to lớn vào việc chống lại cách mạng ‘tà giáo’ vào năm 1789. Kể từ đó, các bản văn của ngài đã được đón đọc thường xuyên trong bốn thế kỷ qua. Các tác phẩm được sưu tập của ngài có thể được đọc hay tải xuống ở định dạng điện tử miễn phí tại trang web “Montfort Missionaries”. Ngài đã được ĐGH Piô XII phong thánh vào năm 1947, và Giáo hội đã xem xét hồ sơ tuyên Tiến sĩ Hội Thánh cho ngài vào thập niên 1920. Đến nay, hồ sơ này vẫn đang trong tiến trình được xét duyệt.
Một trong những lời cầu nguyện phổ biến nhất cùng Đức Mẹ
Lời cầu nguyện nổi tiếng nhất của thánh Montfort - Kinh Tận Hiến Cho Đức Mẹ - là một trong những lời cầu nguyện cùng Đức Mẹ phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Đây là một đoạn trích trong lời kinh ấy:
Ôi Đức Maria, hôm nay, trước sự hiện diện của cả triều thần thánh trên trời, con xin chọn ngài là Mẹ và là Nữ Vương của con. Với tất cả sự tùng phục và yêu mến, con xin dâng lên và tận hiến cho Mẹ thân xác và linh hồn của con, mọi sự trong ngoài của con, thậm chí cả giá trị của các việc lành con làm, quá khứ, hiện tại và tương lai, để Mẹ toàn quyền định đoạt về con cùng với tất cả những gì thuộc về con, không trừ bất cứ sự gì, tùy theo ý thích tốt lành của Mẹ, để cho Chúa được hiển vinh trên hết mọi sự ở đời này và đời sau vô cùng…
bài liên quan mới nhất
- Nét đẹp của giờ kinh Mân côi
-
Bảy loài hoa trong Ca vãn cổ truyền dâng hoa Đức Bà -
Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 - Đón nhận tính dễ bị tổn thương -
Đức Mẹ Hồn xác lên Trời -
Đức Trinh Nữ Maria có giọng nói như thế nào ? -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 10 - Nhận biết những nhu cầu -
Cầu nguyện với Nữ Vương Hòa Bình tại Sài Gòn -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 09 - Được người cao niên chúc phúc -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 08 - Suy đi nghĩ lại trong lòng
bài liên quan đọc nhiều
- Mười cách để nhận biết Đức Maria là Mẹ của chúng ta
-
Đức Mẹ sông Mê-Kông: Hương thơm đồn xa -
Niềm Vui Cùng Mẹ Maria đón mừng Chúa Giáng Sinh -
Đức Mẹ hồn xác lên trời & Đức Mẹ ngủ -
Hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu -
“Hãy để Mẹ ngủ” là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích -
Ngày Đức Mẹ hiện ra ở Mỹ -
Mẹ Maria dạy ta cách cầu nguyện -
Tràng Chuỗi Mân Côi của Má -
Đọc kinh Mân Côi liên gia, nối kết tình nghĩa gia đình, bà con lối xóm