Để sống hiệp hành 4: Đồng trách nhiệm

Để sống hiệp hành 4: Đồng trách nhiệm

Để sống hiệp hành 4: Đồng trách nhiệm

TGPSG -- Lời phi lộ của tác giả bài viết:

Đã có khá nhiều những văn kiện của Giáo hội - đặc biệt sau Công đồng Vaticanô II - nhắc đến sự năng động cần có của các Kitô hữu để phụng sự Chúa và phục vụ nhân thế trong định hướng chung của toàn thể Giáo hội là loan báo Tin Mừng, theo đó, “Hiệp hành là lối sống của Hội thánh” cũng mang nội dung giúp định hướng như thế.[1]

Sự “hiệp thông-tham gia-sứ vụ” chính là sự hợp tác của mọi thành phần dân Chúa vào “công việc vườn nho”. Tất cả phải được coi là thiết yếu. Tinh thần đồng trách nhiệm là hệ quả đương nhiên.

Vậy, khi trình bày nội dung theo công thức “Xem-Xét-Làm”, bài viết này muốn áp dụng riêng về một khả thể hiệp hành của giáo hội địa phương là giáo xứ (local church).[2]

Tinh thần “đồng trách nhiệm”

Trong ý thức về bí tích Thánh Tẩy đã được lãnh nhận, được trở thành Kitô hữu, được mời gọi nên chứng nhân cho Đức Kitô giữa cuộc đời, người Kitô hữu - ngay tại giáo xứ của mình - luôn có thể nhận ra một thực tế là có rất nhiều việc làm hoàn toàn khả thi và rất cụ thể để góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Đó chính là cầu nguyện cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội; là cổ võ ơn gọi dấn thân trong đời sống thánh hiến, xin Chúa gửi đến thật nhiều người trẻ để tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô; là hiệp thông và tham gia vào các sinh hoạt mục vụ, sống đạo… ngay tại nơi mình làm việc và sinh sống.

Như vậy, việc cộng tác mục vụ với các cha xứ, với quý chức xứ đạo trong các hoạt động tông đồ phải được coi là một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất của công cuộc loan báo Tin Mừng. Muốn vậy, các Kitô hữu cộng tác viên cần dấn thân học hỏi Lời Chúa, nêu gương sống đời cầu nguyện, thực thi công bằng, bác ái và can đảm gieo rắc hạt giống Tin Mừng “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”. Sự cộng tác như thế thường sẽ dẫn đến việc hình thành bầu khí hiệp thông “đồng trách nhiệm”.

Trong ý thức về tinh thần đồng trách nhiệm như thế, Kitô hữu sẽ cảm thấy vinh dự vì mình đang được tiếp tục sứ mạng của chính Chúa Kitô, thấy mình đồng trách nhiệm với cộng đồng dân Chúa để tiếp tục sứ mạng này trong khu xóm của mình. Lúc bấy giờ, người ta dễ dàng tha thứ cho nhau. Lúc bấy giờ, Kitô hữu góp phần tạo nên sự hiệp nhất và bình an. Lúc bấy giờ, cuộc sống là bài ca ngợi khen cảm tạ Chúa.

Chút suy tư về “đồng trách nhiệm”

Sống theo tinh thần “đồng trách nhiệm”, Kitô hữu giáo dân không phải chỉ là những người “giúp đỡ” các linh mục như những “cánh tay nối dài của hàng giáo sĩ”,[3] cũng không chỉ là những người cộng tác (collaborators) mà còn là những người đồng trách nhiệm trong sứ vụ chung của Giáo hội… nhận lãnh từ chính Đức Kitô.[4]

Thật vậy, mọi Kitô hữu đều là những người cùng làm việc chung (co-workers) trong vườn nho của Chúa. Hơn nữa, theo cung cách cùng nhau làm việc như thế, linh mục và những người “đồng trách nhiệm” khác không còn là “những thủ lãnh thống trị”, nhưng là “những người phục vụ”, một tác phong lãnh đạo… nhằm tạo khả năng, truyền cảm hứng, và trao quyền cho những “đồng sự vườn nho”.

Bởi lẽ, “Thủ lãnh các dân ngoại thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy uy mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em”.[5] Vả lại, “Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em với nhau”.[6]

Một số việc cụ thể về “đồng trách nhiệm”

Khi nỗ lực phục vụ để lôi cuốn, xây dựng cộng đoàn giáo xứ và làm lan tỏa tinh thần Tin Mừng, kế hoạch mục vụ trong một xứ đạo cần phải được định hướng bởi nguyên lý “Đức Kitô là trung tâm hoạt động của chúng ta”. Kitô hữu “đồng trách nhiệm” phải nhận thức bản thân mình là những người góp phần tạo khả năng và truyền cảm hứng Tin Mừng cho người khác, góp phần chia sẻ và đồng hành với tất cả những ai mình được dịp tiếp xúc và phải luôn cảm thấy cũng như biết cách ứng xử thích đáng với tư cách này… vì bản thân đang thực sự thực thi tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ vụ của mình tại giáo hội địa phương.

Theo đó, một số việc cụ thể thường thấy chính là: chăm sóc môi trường, dạy giáo lý và chuẩn bị cho trẻ em Rước lễ lần đầu; dạy giáo lý và chuẩn bị cho những trẻ lớn hơn được lãnh nhận bí tích Thêm Sức; dạy giáo lý, chia sẻ đức tin với những người dự tòngđóng vai trò bảo trợ cho những người này… cùng rất nhiều việc khác nữa.

Trong phạm vi bài viết “Để đồng trách nhiệm” này, một việc rất dễ làm mà hiệu quả hết sức thiết thực cần được đề cao… đó chính là sử dụng ưu thế của truyền thông vào đời sống đạo để loan báo Tin Mừng.

Thật vậy, bên cạnh vô vàn những mất mát, bất lợi, những đau khổ từ đại dịch Covid-19 gây ra, vốn là những khủng hoảng, thách đố tưởng không thể vượt qua, là những “mặt trái” to lớn cực kỳ, Covid-19 còn có một “mặt phải” là nghiễm nhiên làm thúc đẩy và phát triển nhanh hơn các hoạt động truyền thông. Trong số đó có những hoạt động rất hữu ích: không chỉ E-mail, Facebook, YouTube, Viber… mà ngay như mạng Zalo “công cộng” cũng đang tỏ ra rất hỗ trợ cho việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ và làm lan tỏa những giá trị của Tin Mừng (Lắng nghe Lời Chúa, Bao la lòng Chúa xót thương, Sinh hoạt Agape…).

Gợi ý thảo luận

  1. Theo bạn, phương tiện truyền thông đại chúng (mass media) có thực sự là phương tiện thông tin tuyên truyền cách rộng rãi không? Có thực sự hữu ích không?
  2. Nếu kế hoạch mục vụ trong một xứ đạo cần được định hướng bởi nguyên lý “Đức Kitô là trung tâm hoạt động của mọi Kitô hữu”, thì chúng ta có thể áp dụng nguyên lý đó vào việc sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng không? Như thế nào để “hiệp hành”?

Áp dụng cụ thể

  1. Trong tư cách là người Kitô hữu đồng trách nhiệm, bạn đã làm những gì để góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng? Từ khi nào? Có dự án gì mới không?
  2. Mạng truyền thông nào bạn đang sử dụng? Có làm gia tăng hoạt động “hiệp thông-tham gia-sứ vụ” nơi gia đình, liên gia, giáo họ, giáo xứ… của chính bạn không? Cụ thể ra sao?

Minh Triết CD (TGPSG)

 

[1] Nguyễn Năng, Hiệp hành… (06-01-2022); “Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh(https://www.youtube.com/ watch...) (10-01-2022).

[2] X. James A. Coriden, The Parish in Catholic Tradition: History, Theology and Canon Law (Giáo xứ theo truyền thống Công giáo: Lịch sử, Thần học và Giáo luật) (DC: Nxb. ‎ Paulist Press, 1996), ISBN-10: ‎0809136856, ISBN-13:‎ 978-0809136858.

[3] Như quan niệm thường thấy thời xưa, trước Công đồng Va-ti-ca-nô II.

[4] X. Gio-an Phao-lô II, Tông huấn “Người tín hữu giáo dân”, Chương II và III; LG, số 31.

[5] Mt 20,25-26.

[6] Mt 23,8.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top