Hướng tới việc xây dựng Cộng đoàn Giáo hội tại Giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông - tham gia - sứ vụ
TGPSG -- Kết quả của Thượng hội đồng Giám mục này phải được thấy trong việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ mang tính hiệp hành ngay ở đây và lúc này. Chỉ như thế, tiến trình hội họp tại Roma mới đạt được ý nghĩa đích thực...
DẪN NHẬP
Với sự thúc đẩy của Đức Phanxicô, ngày 17 tháng 10, 2021, cộng đoàn dân Chúa tại mỗi giáo phận bắt đầu cùng nhau cử hành Thượng Hội đồng Giám mục 2023 trên cấp độ giáo phận.[1] Dù một ai đó có thể nghĩ đây là một việc làm không thể chối được từ Vatican, hoặc chỉ như một gánh nặng, thì sự thật không phải như thế. Chúng ta cần nhìn vào việc này với ánh mắt đức tin. Chẳng lạ gì tài liệu Cẩm nang Thượng hội đồng Giám mục 2023 khởi sự với lời nguyện xin Thánh Thần trong bất kỳ cuộc họp nào cho biến cố này.[2] Thánh Thần đang muốn canh tân toàn Giáo hội, sau và thậm chí giữa, biết bao những nỗi u buồn, tội lỗi, xấu hổ hay nhục nhã. Thánh Thần cuốn toàn Giáo hội vào cuộc hoán cải như dân Israel ngày xưa quay về với Thiên Chúa.[3] Có lẽ chúng ta cần đặt mình như những “số sót” để qua đó ân sủng, lòng thương xót và niềm vui thần linh lại tràn ngập địa cầu.[4] Đức tin cần được làm mới lại, bằng cách gắn bó hơn nữa với ý định của TC được đọc ra dưới các biến chuyển nhân sinh dưới mọi khía cạnh, vì chỉ thánh ý Chúa mới là lương thực của GH, địa phương và phổ quát.
Nếu thế, chúng ta không được phép coi Thượng Hội đồng Giám mục chỉ dành cho những ai tham dự ở Roma hoặc những buổi hội họp tương tự. Toàn GH, bắt đầu từ những cộng đoàn giáo hội nhỏ như gia đình và giáo xứ, cùng nhau cử hành BIẾN CỐ THƯỢNG HỘI ĐỒNG NÀY. Kết quả của Thượng hội đồng Giám mục này phải được thấy trong việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ mang tính hiệp hành ngay ở đây và lúc này. Chỉ như thế, tiến trình hội họp tại Roma mới đạt được ý nghĩa đích thực. Bằng không, đó lại chỉ là “chất đống” thêm các văn kiện cho đầy các thư viện mà thôi.
Trong cơn lốc của Thần khí, Giáo hội cống hiến cho người tín hữu những hướng dẫn quan trọng và có giá trị. Và như thế tìm đọc và suy gẫm những chỉ dẫn đó phải là trọng trách cho các vị mục tử cách riêng; bằng không, chúng ta sẽ không thể dẫn dắt Dân Chúa. Những tài liệu đó là:
1. Tài liệu từ Ủy ban Thần học Quốc tế: TÍNH HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI (từ đây: Tính hiệp hành) Tài liệu được ban hành ngày 2 tháng Ba, 2018; Tài liệu có tính chất học thuật này cũng đề ra những hướng đi mục vụ hầu làm cho tính hiệp hành vốn đã từng nổi bật trong GH sơ khai, nhưng rồi bị lãng quên cách nào đó, phải được sống lại cách mới mẻ trong Giáo hội hậu Vatican II.
2. Tài liệu Huấn thị: Cộng đoàn giáo xứ hoán cải mục vụ để phục vụ sứ mệnh loan báo Tin mừng của GH (từ đây: Huấn thị) được ban hành ngày 29 tháng Sáu, 2020. Dù với tính cách tổ chức và canh tân cơ cấu của giáo xứ, tài liệu không quên cho thấy những suy tư thần học và kinh thánh làm nền tảng cho những biến đổi ấy. Như thế, ta hiểu ngay mục vụ không phải chỉ là những hoạt động hay việc làm. Nó là một điều đến từ một trái tim mới, đầy tràn tình yêu mục tử của người môn đệ Đức Kitô.
3. Trong tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục về GH hiệp hành, chúng ta thấy xuất hiện TÀI LIỆU CHUẨN BỊ (từ đây: Tài liệu chuẩn bị) với tựa đề của Thượng hội đồng Giám mục 2023: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ;
4. Và ý thức rõ tiến trình khá phức tạp và lâu dài để hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục được cử hành tại Roma xuyên qua cấp giáo phận, hội đồng Giám mục, các Giáo hội Vùng, Miền, Toà Thánh phát hành tài liệu Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành (từ đây: Cẩm nang)
Tuy nhiên, để lãnh hội những văn kiện đó một cách sâu xa và vững chắc, chúng ta cần ghi nhớ Giáo hội học của Vatican II về Dân Thiên Chúa trong ánh sáng hiện thực của GH như sự hiệp thông mà Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường 1985 về Vatican II đã minh xác cùng với vai trò quan trọng độc đáo của Giáo hội tại địa phương như sự hiện thực hoá Tin mừng tại địa phương, hay như sự nhập thể mầu nhiệm GH vào văn hoá, đời sống con người tại địa phương đó.[5] Đó là một lối nhìn về phẩm trật như tập đoàn tính,[6] vốn là đóng góp quan trọng của Vatican II cho Giáo hội học chân chính. Các Giám mục được tuyển chọn vào một đoàn (college) để phục vụ dân Chúa trong tư cách Đức Kitô, in persona Christi;[7] các ngài cũng theo Đức Kitô, sequela Christi như các tín hữu, song lại gánh thêm trọng trách của vị Tông đồ.
Bài khảo cứu này trình bày bốn phần. Trước tiên, chúng ta cùng khẳng định việc tái cấu trúc giáo xứ/hội đồng giáo xứ không phải là một việc làm. Nó bộc lộ một sự hoán cải mục vụ (cả trong cơ cấu nữa). Trong phần này tôi cũng dựa vào những kinh nghiệm của chính Giáo hội tại Việt Nam. Thứ đến chúng ta nhìn xem Đức Giêsu đã huấn luyện các tông đồ và qua đó huấn luyện chúng ta ngày nay ra sao. Từ đó, chúng ta tìm cách hiểu dạng thức tiến hành và sống của một Giáo hội hiệp hành. Cuối cùng chúng ta nói đến một cam kết để làm hiển hiện một Giáo hội hiệp hành ngay trong giáo xứ chúng ta. Bài viết này mang nhiều tính cách suy tư thần học hơn là thực tiễn, khi hiểu những thao thức mục vụ, truyền giáo của Đức Phanxicô.
- TÁI CẤU TRÚC GIÁO XỨ / HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ NHƯ MỘT DIỄN ĐẠT SỰ HOÁN CẢI MỤC VỤ
Trước kia, có những nhân vật nổi bật với một kiến thức bao quát mọi thứ. Thánh Toma Aquinô (1225– 1274) hay Duns Scotus (1265/66 –1308) là những người thuộc loại đó. Những Blaise Pascal (1623 – 1662), Réné Descartes (1596–1650) ... như thể là những thiên tài một mình làm mọi sự. Tuy nhiên, thời đại ấy xem ra đã hết rồi. Thế giới hiện tại đang tìm lại tính "tập thể" trong tất cả mọi lãnh vực, từ khoa học, vi tính, y khoa..., đến các bộ bách khoa triết thần, đến kế hoạch mục vụ của toàn Giáo hội. Những châm ngôn như "cùng chung tay xây dựng", “cùng chèo thuyền”, “chung lưng đấu cật”... biểu lộ định hướng và nét đẹp của tính xã hội mà trong đó con người đã được tạo dựng (x. St 1-2). Giáo hội đã nhận ra nét biến đổi này.[8] Và dấu chỉ đó thúc bách Vatican II rời bỏ chiếc áo hoàng vương để mặc lại chiếc áo NGƯỜI TÔI TỚ của mình. Là dân lữ hành, GH cùng chung tay thực thi sứ mệnh xây dựng Nước TC. Còn hơn thế nữa, GH thấy rõ mình còn phải đồng hành với thế giới nhân sinh trong tất cả tính phức tạp của nó, lẫn lộn tốt xấu, để chân nhận được thiện chí và vẻ đẹp nơi những anh chị em như thể không cùng đi với mình.[9] Được tinh thần đó khởi hứng, GH tại VN cũng muốn rũ bỏ chiếc áo độc thoại, tự vệ và pháo đài của mình.[10] GH tại VN cũng mong muốn trở thành một Giáo hội giữa lòng dân tộc, cùng đi với những người con dân VN, bất chấp họ ra sao, vì chính ở đây, TC đến gặp gỡ, kết hiệp và huấn luyện họ.[11] GH tại VN muốn xây dựng một GH cùng lên đường trong tình hiệp thông được tỏ lộ bằng sự tham gia, để chung tay xây dựng đền thờ Chúa Thánh Thần giữa những anh chị em chưa cùng đức tin.[12] Vì vậy, những tổ chức, hay cách hành động trước kia mà không tán trợ một sự cùng chung tay quả không còn thích đáng nữa.
Tài liệu về Giáo hội hiệp hành xác định rõ TC mong đợi GH của thiên niên kỷ thứ ba bước theo “con đường hiệp hành”.[13] Xác quyết này mang lấy tất cả sức mạnh và thách đố đầy đòi hỏi của nó. Nếu GH chỉ hiện hữu để thi hành ý TC, thì nay ý TC là đây: XÂY DỰNG MỘT GH HIỆP HÀNH. Không nỗ lực hiện thực điều này, GH có nguy cơ không lắng nghe ý Chúa, vốn là lương thực duy nhất của GH. Tại sao? Vì đây là chiều kích cốt yếu của Giáo hội: Giáo hội hiệp hành minh chứng “phẩm giá và sứ mệnh chung của tất cả những người được rửa tội trong việc thực thi những đặc sủng, ơn gọi và tác vụ khác nhau và phong phú một cách trật tự” là thật chứ không phải là từ hoa mỹ.[14] Thật vậy, GH hiệp thông – GH hiệp hành không phải là hạn từ đẹp đẽ xuông, nhưng là “modus vivendi et operandi”, dạng thức GH sống và hành động. Nói cách khác, GH được nhận biết bằng cách sống và làm việc trong sự hiệp hành. Không những thế, hiệp hành còn là dạng thức đào tạo (modus formandi) người môn đệ của Đức Kitô, người cùng đi với người khác. Đang khi đó Huấn thị về tổ chức giáo xứ nói rõ hướng đi biến giáo xứ thành cộng đoàn môn đệ truyền giáo “đương nhiên đưa tới việc phải cải tổ các cơ cấu, liên quan đến giáo xứ cách riêng”.[15] Lý do chính là xã hội và những biến động xã hội không còn như trước nữa. Xã hội đã biến đổi thật sâu kéo theo sự biến đổi thật sâu trong nghĩ suy[16] đến nỗi một giáo xứ chỉ theo tính đối địa mà thôi không còn phù hợp nữa, trước sứ mệnh loan báo Tin mừng ngày một thách đố hơn.[17] Một nguyên tắc thần học và thiêng liêng được Vatican II đưa ra và có thể tóm tắt trong điều này: “Xã hội biến đổi, thần học chuyển mình”, theo lối nói của Hans Joachim Hohn.[18] Nếu vậy, trình bày cho thế giới và mọi người một GH Dân TC-hiệp hành là chuyện CHÍNH CHÚA MUỐN, và không đảo ngược lại được nữa.
Rất có thể điều nói trên đưa đến một phản kháng nào đó tự bên trong, vì làm ta không yên. Không lạ gì, bởi lẽ mỗi hoán cải đều đi trước bởi một cuộc đấu tranh mạnh mẽ với cái tôi đã từng có, từng quen sống và hành động như thế. Tuy nhiên, nếu GH đúng là của mọi tín hữu được rửa tội trong Thánh Thần, nếu GH đúng là được diễn tả tột đỉnh trong Thánh Thể, nếu Phẩm trật GH phải mang tính tập đoàn (collegiality) trong ánh sáng của Dân TC, nếu cảm thức đức tin (sensus fidei) là thiết yếu, thì GH hiệp hành là một “điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho năng lực truyền giáo mới vốn liên quan đến toàn Dân TC”.[19] Tại sao ta phải nhấn mạnh điều này đến thế? Kinh nghiệm cho thấy: suy nghĩ ra sao sẽ làm như vậy; suy nghĩ đúng sẽ làm đúng, dẫu vẫn còn đó những sai trệch. Nhưng suy nghĩ sai thì không thể làm đúng được. Theo ngôn ngữ Kinh thánh, điều thiết yếu trước tiên chính là HOÁN CẢI, được hiểu là thay đổi/canh tân "não trạng, thái độ, thực hành và cơ cấu, để trung thành hơn mãi với ơn gọi của GH".[20] Mà tận căn của cuộc hoán cải do Đức Giêsu đem lại là như sau:
"Sự chuyển đổi do mầu nhiệm Vượt qua từ "cái Tôi" được hiểu theo cách tập trung vào bản thân sang "cái chúng tôi" nghĩa GH, ở đó, mọi "cái Tôi", được mặc trong Đức Kitô (x. Gl 3:27), sống và hành trình với anh chị em mình như một tác nhân có trách nhiệm và tích cực trước một sứ mệnh của Dân TC."[21]
Nói thế, không phải từ trước đến giờ chúng ta làm sai hết rồi. Không phải. Chúng ta đã thực hiện rất nhiều điều tốt, vì tận cơ bản, chúng ta đã trở lại, đã hoán cải, đã thuộc về Đức Giêsu rồi. Nếu không như thế đã chẳng có Giáo hội địa phương như hiện nay. Tuy nhiên, sự hoán cải mà TC đòi hỏi không phải là một lần là đủ. Chúa muốn một sự hoán liên tục, nghĩa là, liên lỷ "quay về với TC hằng sống."[22]
Trong ánh sáng đó, một thoáng vội nhìn lại lịch sử của GH tại Việt Nam có thể làm ta trân trọng hơn ân sủng với những hoa quả đầu mùa Chúa ban chúng ta để mời gọi ta tiến hơn nữa. Quả vậy, GH tại VN tới một mức nào đó nổi bật với sự hòa điệu và chung tay xây dựng giữa những vị chủ chăn và những con cái GH ở mọi cấp. Ai đã mang Chúa Giêsu cho những anh chị em xa xôi nhất, nếu không phải là những anh chị em tín hữu nhiệt tình chung tay với các nhà truyền giáo thuở ban đầu trên quê hương này? Ai đã từng liều mình bị chết để bảo vệ các vị truyền giáo và các linh mục trong những ngày khó khăn của cấm cách? Những kinh nghiệm nào đã đúc kết lên châm ngôn của thư chung 1980 "sống Phúc âm giữa lòng dân tộc", nếu không phải là kinh nghiệm của các tín hữu chan hòa với nhau, linh mục, giáo sĩ và giáo dân, cách riêng tại những vùng kinh tế mới hay trong trại học tập? Ngay trong giáo xứ hiện tại, những giáo lý viên nhiệt thành, các huynh trưởng sống động vẫn đang chung tay với các vị mục tử để xây dựng cộng đoàn. Nói tắt, những trang sử của muôn vàn chứng nhân xưa và nay (x. Hr 12-13; Kh 6:9-1), được viết bằng mồ hôi và cả máu nữa, đưa tới một kết luận rất thiết thực và hiện sinh cho Giáo hội tại VN chúng ta: Ở đâu các tín hữu cùng nhau tiến tới theo một mục đích chung là vinh quang TC và các linh hồn, thì GH được rực rỡ vinh quang TC. Đại hội Dân Chúa 2010 với chiều hướng của một sứ vụ toàn diện, duy nhất, hội nhập tình thương Đức Kitô vào trong văn hoá không phải là GH tại Việt Nam cùng nỗ lực tìm kiếm và tiến bước đó sao? Nếu đất nước VN chúng ta nổi tiếng với Hội nghị Diên Hồng, thì một cách nào đó, thì Đại hội Dân Chúa 2010 cũng tương tự như thế. Có khác là, đại hội Dân Chúa không phải do con người, song do chính TC quy tụ lại và dẫn tới hoàn thành, định hướng cho các tín hữu VN trong dòng xoáy xã hội, chính trị, giáo dục, văn hóa của VN thời hậu tân đại.[23] Trong đại hội ấy, chúng ta cùng mơ về một Giáo hội tham gia tại VN mà được chuyển dịch thành kế hoạch mục vụ ba năm sau đó. Những kinh nghiệm đức tin đó lại tầm thường sao? Không chút nào.
Như thế, ta thấy rõ không phải cùng nhau làm một vài việc hay hoạt động thì tức khắc biểu lộ một GH tham gia. Không. GH ấy chỉ xảy ra được khi toàn Giáo hội suy nghĩ về mầu nhiệm mà tất cả được kêu gọi tới, về sự hiệp thông mà toàn thể từ người rốt hết đến vị cao cả nhất thông chia một sự sống, về sứ vụ mà mọi phần tử Giáo hội đều nhận lãnh dù với những hình thức, phương cách khác nhau. Chỉ bằng cách hoàn toàn trung thành nắm giữ/chuyển giao kho tàng đức tin với một sự đồng cảm với Giáo hội, sentire cum Ecclesia, từ vị mục tử đến người tín hữu rốt hết, như cộng đoàn các môn đệ truyền giáo với sensus fidelium như bản năng đức tin thì sự hiệp thông, được biểu lộ qua sự hiệp hành như một dạng thức sống và tiến hành, mới thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.[24] Một Giáo hội tham gia chỉ lộ hiện sau một tiến trình hoán cải cả về tư duy lẫn cơ cấu mục vụ trong đó mọi người đều trở lại với Chúa.[25] Thật vậy, "cõi lòng và tâm trí không hoán cải cũng như không có một sự huấn luyện có kỷ luật để chào đón và lắng nghe lẫn nhau, thì những khí cụ hiệp thông bên ngoài chẳng có ích gì."[26]
Vậy, dù còn nhiều thiếu sót, GH tại VN đã cố gắng trình bày một GH hiệp thông tham gia, theo nghĩa là anh chị em giáo dân và mọi thành phần rất tích cực cộng tác với hàng giáo phẩm dưới diện "chỉ đâu đánh đó", dưới diện "người thợ" nhiều hơn là dưới diện người vai chính như Vatican II mong đợi. (xem Synodity, 72-73). Biến tất cả các tín hữu nên những vai chính trong sứ vụ mới là chính ý muốn của TC.
Tất cả những điều trên nơi GH tại VN cho thấy một nỗ lực để tiếp thu hướng chiều thần học, mục vụ và thiêng liêng của Vatican II. Chương II trong LG trở thành đá góc cho những biến chuyển lớn lao trong GH. Các nghị phụ cho thấy chính cảm thức Dân TC đã “hoán cải” các ngài rất nhiều, vì tìm gặp lại được chính điều TC muốn và hiện thực suốt dòng lịch sử cứu độ. Trong GH ấy, phẩm giá chung của mọi tín hữu đến trước và ở trên tất cả mọi sự phân biệt. “Với anh chị em tôi là Kitô hữu; cho anh chị em tôi là Giám mục. Kitô hữu là một tước hiệu vinh dự, là phẩm giá, là giám mục là trọng trách.” (Augustinô) Trong dân đó, mọi người đều cùng nhau tiến bước trong mọi văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, công bằng, thịnh vượng dân tộc, qua tất cả mọi người dân của mình, cả phẩm trật lẫn giáo dân.[27] Toàn Dân TC đón nhận cùng một sứ mệnh lưỡng diện: tuyên chiến với tội lỗi và để TC thánh thiện của Tin mừng được biết đến.[28] Một Kitô hữu chỉ lo phần rỗi của riêng mình giống như bức hý hoạ, bởi lẽ không thể có được. Được cứu rỗi có nghĩa là cùng được cứu rỗi. Không thể có một thứ cá nhân chủ nghĩa Kitô hữu.[29] Như thế Dân TC của Vatican II là một GH hiệp hành tự bản chất.[30] Tuy nhiên, sau đó, một số thần học gia nhấn mạnh đến mô hình mang dấu ấn như một nghị viện dân chủ với khái niệm Concilium, nên Giáo hội với Đức Gioan Phaolô II cũng như với Thượng hội đồng Giám mục ngoại thường 1985 đã nhấn mạnh đến GH-hiệp thông, Koinonia, đến “linh đạo hiệp thông” hơn là đến Dân TC.[31] Hơn nữa, thời gian qua mau. Thế hệ của các nghị phụ thời Vatican II không còn mấy; Vatican II xem ra hết sốt dẻo và khái niệm Dân TC như thể đã chìm vào hậu cảnh, nếu không muốn nói là bị lãng quên.[32] May thay, ngày nay trực giác giáo hội học ấy lại được Đức Phanxicô đưa ra ánh sáng với những sắc thái mới, hầu đáp ứng những thao thức cũng như những thách đố của những người hậu tân đại.
Những kinh nghiệm quý báu trên không cho phép chúng ta quên đi những thách đố rất lớn GH phải đối diện cách này cách khác, lâu mau tuỳ vào từng nơi chốn.
a. Giáo hội như siêu thị. Số tín hữu tại VN đang gia tăng trước một cám dỗ mà tôi gọi là cám dỗ về một "GH siêu thị". Đã có những tín hữu đi tới các thánh đường (church) mà chẳng cam kết vào một cộng đoàn, giáo hội (church) nào hết. Họ thấy cần phải tự chọn: đi nhà thờ nào cũng được, miễn sao chu toàn luật lễ buộc, hoặc dự một thánh lễ nhanh gọn, hay nghe một bài giảng của vị mình thích. Không ghi danh vào cộng đoàn nào, họ đến bất kỳ giáo xứ nào theo sở thích. Hệt như trong siêu thị, họ chọn hàng tùy thích. Cùng lắm, nếu có ghi danh, chính là để cho những công việc sau này: rửa tội con cái, hôn phối, chôn táng. Qua đó, ý nghĩa của gia nhập Giáo hội như một chi thể có trách vụ riêng trong một thân mình duy nhất bắt đầu tan loãng dần. Cảm thức về một GH cam kết nhạt nhoà dần.
b. Chủ nghĩa Giáo hội trần tục (laicism). Tiếp đến trào lưu giáo dân trị, một thứ dân chủ sai lạc, cũng như thể đang lớn dần lên. Đang dần nổi lên một chủ nghĩa “dân chủ” giáo hội học, trong đó như thể tiếng của đa số là tiếng của TC. Vẫn còn đó sự ồn ào của khuynh hướng hay phong trào “nhân dân”, như thể những gì của Đức Giêsu chỉ là bởi vì thời đại đó mà thôi. “Nếu ngài đã ở đây hôm nay, chắc sẽ không có luật này, luật nọ trong GH”.... Song song với điều đó, chúng ta vẫn thấy còn đó "khuynh hướng giáo sĩ hóa giáo dân và giáo dân hóa hàng giáo sĩ."[33] Đúng là một sự cào bằng để “đổi ngôi” trong GH, và điều đó chẳng còn gì là một thân mình Đức Kitô trong đó mỗi chi thể một chức phận, không thay thế được, song lại hoàn toàn bổ trợ cho nhau: không thể có cái này mà không có cái kia.
c. Chủ nghĩa giáo sĩ. Nhưng cám dỗ thịnh hành vẫn là giáo sĩ trị. Trong ánh sáng của Vatican II và được nhận diện do Đức Phanxicô, nó còn hơn một cám dỗ; nó là một căn bệnh mà ở nơi đó sự lạm dụng quyền lực, lương tâm, tiền bạc và cả tình dục nữa, đang làm rữa nát Giáo hội. "Hệ tư duy/não trạng giáo sĩ” có nguy cơ đặt các tín hữu ở bên lề giáo hội."[34] Nó che đậy một lòng yêu mến Giáo hội giả hiệu.
Đó chính là sự tìm kiếm cá nhân, muốn chiếm cứ, tập trung và đặt định các khoảng không gian bằng việc giảm thiểu và hủy bỏ dầu xức của Dân Thiên Chúa. Thói giáo sĩ trị, khi sống tiếng gọi theo một kiểu cách quí phái, lẫn lộn việc được chọn với đặc quyền, sự phục vụ với chủ trương phục dịch, hiệp nhất với đồng bộ, sự khác biệt với sự chống đối, sự đào luyện với nhồi sọ. Thói giáo sĩ trị là một sự lệch lạc khiến phát triển những ràng buộc theo chức năng, cha chú, chiếm hữu và ngay cả thao túng những ơn gọi khác còn lại trong Giáo Hội.[35]
Giáo sĩ trị "ngăn cản người giáo dân ra khỏi tiến trình lấy quyết định" (104) khi xây dựng Dân TC như môn đệ truyền giáo.
d. Giáo hội không có khả năng đi ra. Đức Phanxicô cho thấy GH xa cách với con người sẽ vướng mắc trong những chuyện tỏn mọn của riêng mình, chẳng còn ích gì cả. Chính vì thế,
Đây là điều không những là một phần nội tại của hành động mục vụ mà còn là tiêu chuẩn đánh giá tính xác thực của Hội Thánh Chúa Kitô. Thời nay đặc biệt, có khi có nhiều người bị loại ra bên lề xã hội và cô đơn, cộng đoàn giáo xứ được mời gọi trở nên dấu chỉ sống động của sự gần gũi của Chúa Kitô qua các mối dây liên kết huynh đệ, hằng quan tâm đến những hình thức nghèo khổ mới.[36]
Chiều theo những thách đố này sẽ làm cùn đi khả năng đào tạo liên tục bằng cách lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi giữa tiếng kêu khóc của những người quanh ta. Nó biểu lộ một GH không còn khả năng khóc nữa. Thật thê thảm: một Giáo hội không có khả năng của một người mẹ, một người mẹ biết khóc. Bởi lẽ, GH tự coi mình có mọi câu trả lời cho mọi vấn đề nhân loại, chẳng cần phải mảy may tìm kiếm cùng với những người khác.[37]
Thật ra, giáo xứ theo địa dư vẫn luôn trân trọng cao; nó dễ dàng tổ chức sinh hoạt đoàn thể, giáo lý. Tôi nói đến tổ chức sinh hoạt, chứ không phải là mục vụ. Không bỏ qua. Thế nhưng, những bùng vỡ của công nghệ thông tin đã mang đến một thay đổi giáo xứ: giáo xứ địa dư trở thành "lỗi thời" rồi. Nay giáo xứ ngày càng phải mang tính chất "địa dư hiện sinh". "Ở đó những thách đố GH đang đối diện giữa cộng đoàn được diễn ra. Vậy, bất kỳ hành động mục vụ nào bị giới hạn vào lãnh địa giáo xứ thì lỗi thời,[38] dù những quy định của Giáo luật vẫn có giá trị. Điều này thấy rõ lắm nơi giới trẻ: họ có sân chơi riêng mà rất nhiều người chúng ta không vào chơi được, vì chúng không chấp nhận chúng ta và chúng ta không làm cho mình được chúng tiếp nhận. Số giới trẻ ở xa chúng ta thì mênh mông hơn con số người trẻ vây quanh chúng ta. Đức Phanxicô và cùng với ngài, GH tại VN chúng ta muốn xây dựng một giáo hội của người trẻ; nếu thế, ta không thể không thấy rằng giới trẻ hiện nay lại không ràng buộc mấy với địa dư. Chúng ta hãy can đảm (parrheia) nhìn vào hiện trạng với một con mắt được đổi mới: Người trẻ chiếm rất ít chỗ cũng như tiếng nói trong mục vụ giáo xứ chúng ta. Đừng quá sợ hãi rằng họ ít kinh nghiệm, họ có nhiều sai sót. Đúng. Nhưng có một điều giới trẻ hoàn toàn hơn chúng ta: họ biết cách làm thế nào để đến gần, làm bạn, và đồng hành với những người cùng trang lứa. Chính vì vậy, thật cần biết bao để bớt nghĩ suy và nhìn thực tại từ trên cao, nhưng nhiều hơn từ phía ngoại biên.[39] Cần biết bao những ưu tư, đau khổ, tiếng khóc của dân chúng chạm đến những mục tử như người cha người mẹ thiêng liêng. Rosmini nhận xét thật đúng: "Chỉ những người vĩ đại/thánh nhân mới có thể tạo nên những người lớn lao/thánh nhân." Đó không phải là điều Vatican II và huấn quyền hậu Vatican II muốn làm nơi chúng ta, các mục tử hôm nay, sao? Chúng ta đã để cho những lời sau vang dội thật sự trong phong cách sống Giáo hội của chúng ta không:
Nếu một điều gì đó phải làm chúng ta xáo trộn và làm lương tâm chúng ta băn khoăn, thì chính là sự kiện có quá nhiều anh chị em chúng ta sống không sức mạnh, ánh sáng và an ủi được sinh ra từ tình bạn với Đức Giêu, không có một công đoàn đức tin nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời sống. Tôi hy vọng rằng chúng ta, hơn là sợ đi lạc, sẽ được chuyển động bởi nỗi sợ là vẫn đóng kín mình trong những cấu trúc vốn mang lại cho ta một cảm thức an toàn giả tạo, trong những luật lệ khiến chúng ta phán xét cay nghiệt, trong những thói quen làm ta cả thấy an toàn, đang khi ngay cửa nhà chúng ta dân chúng đang chết đói và Đức Giêsu không mệt nói cho ta rằng: "Anh em hãy cho họ ăn đi." (Mc 6:37).[40]
Chúng ta cần trở lại tư cách/thái độ của một người mẹ biết khóc hơn là của một công chức, công nhân viên làm việc hết giờ hành chánh. Đó mới chính là ý nghĩa và lẽ sống của người linh mục chúng ta. Những gì Đức Phanxicô nói có làm tôi rúng động thật sự hay ta chỉ thấy những lời đó thật hay nhưng xa lạ! Trái tim mục tử trả lời trong ta, và ta không thể nói dối nó.
- TRỞ VỀ NGUỒN: NHÌN XEM VÀ HỌC NƠI CHÚA GIÊSU
1. Để hiện thực một Giáo hội hiệp hành, toàn GH buộc phải về nguồn và nhìn vào cách Đức Giêsu hành động. Ngài luôn tạo ra “khung cảnh cộng đồng” trong loan báo Tin mừng.[41] Ngài không bao giờ loại trừ ai.[42] Thậm chí với những người bị ‘mọi người’ ruồng bỏ, coi khinh, Ngài vẫn có chỗ cho họ, dẫn họ vào vườn nho của ngài (x. số 18). Và những kẻ được Ngài chọn lựa thì rõ ràng “các tông đồ không phải là đặc ân phong ban một chức quyền với lãnh địa riêng có tính phân tán mà là ân sủng của một thừa tác vụ ban phúc lành và tình huynh đệ có tính quy tụ.” (số 19). Luôn có ba thành phần đi liền với nhau cách hỗ tương đến độ không thể chia tách mà không huỷ đi chính mình: “Chúa Giêsu, đám đông đủ mọi hạng người, các tông đồ” (số 20).
2. Khảo sát thêm nữa, ta thấy, bằng cả một tuyệt đỉnh văn chương, với lối văn miêu tả hơn là định nghĩa, sách Công vụ cho chúng ta bốn yếu tố then chốt quyện chặt vào nhau trong cộng đoàn tín hữu ban đầu: Hiệp thông - Phụng vụ - Làm chứng - Phục vụ.[43] Cộng đoàn đó chung tay với nhau để phụng sự TC hằng sống, để cứu giúp những kẻ đói nghèo, khi vâng phục TC trong lời giáo huấn Tông đồ, với sức mạnh của vị Chứng Nhân Trung thành trong quyền lực của Thần khí làm chứng. Chính điều này làm cho cộng đoàn môn đệ của ông Giêsu trở nên khác biệt với bất kỳ cộng đoàn Do thái giáo nào. Dẫu vẫn sử dụng mọi thứ cốt yếu trong Do thái giáo như Lời Chúa, hội đường, lễ Vượt qua, thì cộng đoàn Kitô hữu tỏ lộ sự khác biệt: do Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần Ngài, mọi người không kể những gì mình có làm của riêng, nhưng để chung mọi sự, và các tông đồ phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu. (x. Cv 2:42tt) Hoặc "cộng đoàn đồng tâm nhất trí..." (x. Cv 4:32). Chính đây là điểm son mà chẳng mấy chốc, họ được đặt tên là cộng đoàn Kitô hữu (x. Cv 11:26); rõ ràng, yếu tố cùng đi một Con Đường, "không còn Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, nhưng tất cả trong Chúa," trở thành nét riêng biệt. Cộng đoàn GH sơ khai đúng là cùng tiến bước. Không lạ gì mà công đồng Giêrusalem đầu tiên trồi hiện như một sự hiệp hành, một synodos: Thánh Thần và chúng tôi cùng quyết định. Đã quá rõ, tính hiệp hành, synodality, đã có mặt cách sống động trong cộng đoàn GH ngay từ ban đầu.
3. Điều cộng đoàn sơ khai bộc lộ không phải do sáng kiến của các tín hữu. Chính Đức Giêsu đã in điều này vào cộng đoàn môn đệ của ngài. Các Tin mừng đều làm chứng rằng Chúa Giêsu mất rất nhiều thời gian và kiên nhẫn để huấn luyện các môn đệ/tông đồ một lối hiện hữu/sinh hoạt/tiến hành khác dựa trên "gương duy nhất là chính ngài như người tôi tớ". Dẫu họ thất bại nhiều hơn là thành công, Đức Giêsu vẫn không bỏ cuộc. Điều ấy còn lộ rõ: Tin mừng Matthêu cho thấy rõ Đức Giêsu chẳng bao giờ chờ đợi các tông đồ phải hoàn hảo rồi mới sai đi rao giảng Tin mừng. Ngay lúc họ vẫn còn hồ nghi Đức Giêsu đã sống lại, Ngài vẫn sai họ đi rao giảng (x. Mt 28:16-20; Mc 16:9-20) vì sự sống đời đời là nhận biết Cha là TC hằng sống và chân thật, và Đức Giêsu, Đấng Ngài sai (x. Ga 17:3). Ngài đón nhận những quyết định của Giakêu chia sẻ những gì ông có hầu Nước Chúa ngự đến trong công bình và nhân ái. (x. Lc 19:1-10) Ngài không xem nhẹ nhưng hân hoan biết bao khi chị phụ nữ Samari tìm cách lôi kéo dân làng đến với ngài, và rồi âm thầm rút lui ra đằng sau để cho Đức Giêsu được lớn lên (x. Ga 4:39-42). Ngài trân trọng tuyệt vời đồng xu bé nhỏ của bà góa lại góp phần lớn lao xây dựng Nước TC, vì đã bỏ hết con người mình (x. Mc 12: 41-44; Lc 21:1-4). Các tông đồ dần dần hiểu rõ những bài học này nên mỗi người mỗi cách hiện thực con đường này. Các cộng sự viên của các ngài là một đội ngũ lớn lao được Đức Gioan Phaolô II khẳng định: những người lãnh nhận Tin mừng ngay lập tức trở thành người loan báo Tin mừng.
4. Đức Giêsu kiên nhẫn huấn luyện và làm cho các môn đệ thay đổi cái não trạng loại trừ, vốn là căn rễ của mọi kỳ thị. Khi thấy có những người "thành công" trong việc trừ quỷ, song lại không ở trong nhóm mình, các ngài đã phản kháng. Nhưng Đức Giêsu dạy rằng ai không chống họ là ủng hộ họ; không thể vừa làm phép lạ nhân danh ngài lại nói xấu ngài (x. Mc 9:38-40; Lc 9:49-50). Đức Giêsu làm cho các ông rộng mở: chính những người xem ra là "kình chống" lại đang "chung vai sát cánh" với họ xây dựng Nước TC, theo một cách thức không giống như các ngài. Thế thôi. Bài học này vẫn mãi chưa thuộc đối với những môn đệ của Chúa, kể cả ngày hôm nay, vì lẽ vẫn còn đó khuynh hướng giáo sĩ hay giáo dân. Ta quá quen với não trạng "hoặc... hoặc" hơn là "và... và". Cv 9:26-31 đã cho thấy những phản ứng của GH sơ khai với Phaolô. Và chỉ khi nhận ra được ơn lành Chúa ban cho Phaolô vì phần ích của toàn thể, GH mới có thể tăng trưởng phong phú (x. Cv 9: 1-19; 26). GH luôn học để trân trọng những đặc sủng Chúa ban cho từng chi thể cho phần ích của toàn thân mình (x. 1 Cr 13). Nếu cộng đoàn Kitô hữu sơ khai cứ tiếp tục tẩy chay Phaolô viện cớ ông đã từng bách hại các Kitô hữu thì liệu GH có thể như ngày hôm nay không. Hoa trái của một Giáo hội hiệp nhất từ sự hiệp nhất của Ba Ngôi chỉ có thể minh chứng bằng sự hiệp hành mà thôi. Không một thời nào mà GH lại không phải trở lại với Chúa dưới góc cạnh hiệp hành này.
5. Chính Phêrô và GH tại Giêrusalem cũng phải kinh qua một cuộc hoán cải trong biến cố Corneliô và những người trở lại để tỏ lộ một Giáo hội hiệp hành. Tài liệu chuẩn bị nói đến một sự hoán cải lưỡng diện.[44] Đấu tranh của Phêrô là đây: ông có thể “từ khước chính điều Chúa muốn vì điều đó phá bỏ những điều luật của Torah.”[45] Nhưng, từng bước ông ngộ ra rằng “không có người nào là bất xứng dưới mắt TC và sự khác biệt do dược tuyển chọn không hàm ý một sự ưu tiên mang tính loại trừ, nhưng là việc phục vụ và trở nên chứng tá ở tầm mức toàn thế giới”.[46] Và khi đó họ kéo theo cả một cộng đoàn hoán cải, nghĩa là, thật sự lắng nghe và vâng phục tác động của Thánh Thần.[47]
6. Đang khi đó, các cộng đoàn của Phaolô thiết lập cũng trải qua thách đố về một Giáo hội hiệp hành, song dưới khía cạnh khác. Khi các tín hữu Corintô tục hoá “bữa tiệc của Chúa”, tính hiệp hành trong GH ấy cũng bị đặt thành vấn đề: chia rẽ, bè phái, luân lý, tôn sùng những đặc sủng “lạ thường”... bởi lẽ synaxis, cộng đoàn, Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của mầu nhiệm và sứ mệnh GH”.[48] Tính đồng nghị của GH đặt nền trên “một đức tin, một phép rửa, một niềm hy vọng, một TC là Cha của mọi người và ở trong mọi người.” Sự thánh thiện của GH luôn mang tính công giáo, duy nhất, tông truyền.[49]
7. Trở về nguồn, Vatican II khẳng định không thể sai lầm: GH/cộng đoàn môn đệ Đức Kitô khai sinh từ sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần và cũng chính từ sự hiệp nhất đó, GH thi hành sứ vụ một cách can đảm và kiên trì.
- GH HIỆP HÀNH NGÀY NAY: MODUS VIVENDI VÀ MODUS OPERANDI
1. Duyệt lại lịch sử công đồng Vatican II, chúng ta không thể không thấy bàn tay Thánh Thần dẫn dắt. Thuở ban đầu, hạn từ Giáo hội (Ekklesia) và Synodos là đồng nghĩa. Cũng vậy, hạn từ Công đồng (Concilium) trong GH sơ khai cũng tương đồng với hạn từ Synodos/cùng một hành trình/cùng một ĐƯỜNG LÀ CHÍNH ĐỨC GIÊSU; tất cả đều muốn nhấn mạnh cho chúng ta sự bình đẳng và đồng trách nhiệm với những đặc tính cốt yếu của một tín hữu như Dân Thiên Chúa phải đi trước những khác biệt, những đa dạng vốn thuộc về phần cách thức thực thi chức năng nhiều hơn mà thôi.[50] Lãng quên góc cạnh này, GH sẽ bị trình bày như một thực tại cứng nhắc và đóng kín. Chỉ cần nhìn qua công thức đi đến quyết định của GH sơ khai: "Thánh Thần và chúng tôi quyết định (x. Cv 15:28) là đủ cho chúng ta thấy tính cách "hiệp nhất, một lòng một trí của GH sơ khai" (x. Cv 2:42tt; 4: 32tt). Nhưng rồi lúc nào đó, công thức đó đã biến mất trong lịch sử để thay vào những công thức mang nhiều tính chất độc quyền hơn, phản ánh một GH như thể chia tách giáo sĩ và giáo dân. Những yếu tố chung và quan trọng nhất giữa toàn thể môn đệ đã bị quên lãng. Vatican 2 đã làm sống lại điều này trong công thức phê chuẩn các văn kiện: "Từng điều và tất cả những điều được đặt ra trong Hiến chế tín lý này đã được các Nghị phụ Đáng kính phê chúng. Và Chúng tôi, với quyền năng tông truyền được ban cho chúng tôi bởi Đức Kitô, cùng với các Nghị Phu Đáng kính trong Thánh Thần, phê chuẩn, tuyên bố và thiết lập nó và truyền rằng điều đã được quyết định trong Công đồng phải được công bố vì vinh quang Thiên Chúa." Ban hành ở Roma tại Đền Thánh Phêrô ngày 21 tháng Mười Một năm 1964. Rất gần với công thức trong công vụ Tông đồ 15:28; Vatican II mời gọi dựng xây một Giáo hội "cùng nhau làm việc/sống/phụng thờ" TC, mặc dù từ ngữ hiệp hành chưa có lúc đó. Tuy nhiên, ta phải ghi nhớ thật kỹ rằng: Vatican II khởi sự bằng cuộc lắng nghe lưỡng diện: lắng nghe TC và lắng nghe con người. Mà đây chính là khởi điểm không thể thiếu được của một GH hiệp hành, như các văn kiện nền tảng cho thấy.
2. Vatican II canh tân lại nơi chúng ta một sự thật này: Đồng cảm với GH, sentire cum Ecclesia, khai sinh ra tính hiệp hành. Công đồng thúc đẩy từ vị mục tử đến các tín hữu rốt hết đều phải nhạy cảm trước gia sản đức tin, căn tính cao cả của mình. “Tin GH thánh thiện, công giáo, duy nhất và tông truyền thì không thể tách biệt với đức tin vào TC, Cha, Con và Thánh Thần.”[51] Từ ban đầu, Giáo hội là "cùng nhau bước đi" (synodos), là Dân lữ hành. Giáo hội chỉ làm chính mình khi trở lại với cội nguồn Qahal Giavê của mình ở núi Sinai, trở lại với mình tại phòng Tiệc Ly ngày lễ Ngũ Tuần. Nơi đó rõ ràng bộc lộ tính hiệp hành, trong mọi khía cạnh: phụng vụ, làm chứng, phục vụ và hiệp thông. Chính vì thế, sự tham gia của mọi phần tử trong Giáo hội là sự tham gia của từng chi thể vào trong sự thiện hảo của toàn thân mình; điều ấy bộc lộ sự đa dạng nhưng lại trong hiệp nhất, vốn là đích điểm và là lẽ sống của tính đa dạng.
3. Công thức “hiệp nhất trong đa dạng” đâu phải là một kiểu nói văn chương bay bướm. Nó gói trọn cả một hành trình hoán cải của các nghị phụ dưới nhãn quan Giáo hội học. Các ngài xác tín những gì cốt lõi của cộng đoàn môn đệ Đức Kitô. Các nghị phụ đều làm chứng về một cuộc thay đổi não trạng/hoán cải về Giáo hội. Chính lịch sử tạo thành tám chương của LG đã cho thấy Dân TC đóng vai trò như thế nào trong sự canh tân Giáo hội. Từ đó nhìn về phẩm trật dưới diện bí tích và tập thể (nhóm) hơn là quyền bính. Nhưng toàn GH lại đến với THẾ GIỚI, không phải như một ông hoàng của thời Đế chế Kitô giáo, cho bằng như một tôi tớ trong GS. Thật là cuộc chuyển mình vĩ đại: chuyển từ tính cách GH tự đủ/xã hội hoàn hảo sang tính cách GH phục vụ Vương Quốc gồm những con người nghèo khổ của Thiên Chúa.[52] Toàn GH muốn cởi bỏ chiếc áo hoàng vương mình đã mặc từ thời Constantin để mặc trở lại chiếc áo chân thật của mình[53]: người tôi tớ rửa chân cho mọi người.[54] Thật sự, Vatican II hiểu sâu xa về Đức Giêsu: “Đức Giêsu là đường từ TC đến con người và từ con người đến TC”.[55] “Con người là con đường mà GH phải đi để gặp Đức Giêsu”.[56] Chính vì thế, "những nỗi buồn, âu lo, xao xuyến của dân chúng" quyết định nghị sự làm việc của GH chứ không phải một nghị sự làm sẵn. Công đồng dám khiêm tốn nhận rằng không phải lúc nào cũng có những câu trả lời sẵn.[57] Thật vậy, “tính hiệp hành là hình thức lịch sử của GH đang hành trình trong hiệp thông hướng về chốn yên nghỉ chung cục.”[58] Hành trình tìm gặp GH hiệp hành dẫu còn xa, song đã được bắt đầu, đang bắt đầu chinh phục. GH ấy mới cho phép những chiều kích “ba ngôi, nhân học, Kitô học, thần khí học và Thánh Thể” được lộ rõ.[59]
4. GH học hậu công đồng đong đưa liên tục giữa một Giáo hội được nhấn mạnh đến tính chất bình đẳng theo nghĩa dân chủ sang một tính chất bình đẳng theo Ý Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI trong Deus Caritas Est đã khẳng định một Giáo hội không đi vào chính trị đảng phái, dù không thể đánh mất hay nhường quyền phụng sự những người nghèo khổ luôn dẫy tràn trong thế giới. Nhiều hạn từ như ‘Giáo hội hiệp thông’, ‘GH cộng đoàn của những cộng đoàn’, ‘sự hiệp thông của các cộng đoàn’, diễn đạt cùng một ý nghĩa: “cùng nắm tay nhau mà đi tới đích”. Nghĩa là, tâm điểm của GH là ở bên ngoài kia, như Đức Phanxicô quả quyết trong Evangelii Gaudium. Tâm điểm của Giáo hội ở bên ngoài, đó không phải là một lối nói văn vẻ vang to như tiếng thanh la não bạt. Diễn ngữ đó đi liền với một nỗ lực phân định trong hoán cải tiếng TC xuyên qua những biến động trong lịch sử, giữa những con người. Thế giới, hay nói đúng hơn, những nhu cầu của những dân chúng thiết thực trở thành LỜI của Thiên Chúa mà GH không thể thất bại để nhận ra khi được bổ sức bởi Lời và Mình Máu Đức Kitô. Quả là không dễ chút nào, khi mà TC không bao giờ hiện ra để chỉ cho biết đâu là đường phải đi, nhưng lại dẫn lối Giáo hội theo những dấu chỉ thời đại, vốn làm mồi cho muôn vàn lối phân định, giải thích. Từng bước Giáo hội tìm gặp lại được một Giáo hội của người nghèo, từ người nghèo, với người nghèo và cho người nghèo. Một cách nào đó, người nghèo và những thực tại của họ là thứ thông diễn học của GH; một cách nào đó, người nghèo cứu GH vậy.[60]
5. Vì từ đó, GH tìm gặp lại một lối đường truyền giáo mạnh mẽ không chỉ được hiểu theo nghĩa địa lý, nhưng cả theo nghĩa văn hóa, tôn giáo và thiêng liêng. Chắc chắn sứ mệnh Ad Gentes vẫn còn đầy đủ tính chất hiện thực, song phải được bổ sung bởi sứ mệnh Inter Gentes, giữa muôn dân. Từ đó, đào tạo trong GH hiệp hành không thể chỉ là đào tạo đến với muôn dân mà chính yếu đào tạo giữa muôn dân. Chính giữa dân chúng, thậm chí giữa thế giới đang thù nghịch, Đức Giêsu đã huấn luyện đào tạo các tông đồ và môn đệ của mình. Chính những ngày ở trong đó, họ đã cảm nhận được niềm vui về TC chinh phục con người để rồi Đức Giêsu hân hoan tạ ơn Cha của Ngài cho họ, cùng với họ, và ở giữa họ. Như Đức Phanxicô chỉ dạy, GH từng bước xây dựng những cây cầu hơn là những rào cản, bức tường biên giới; điều ấy mới giúp GH tìm gặp lại sự đa dạng trong sứ mệnh theo những đặc sủng mà Thánh Thần ban tặng cho từng chi thể vì thiện ích của toàn thân mình. GH tìm gặp lại truyền giáo dưới diện hội nhập văn hóa, hội nhập tình thương tha thứ, với khuôn mẫu nhập thể, phục sinh và thánh thần.[61]
6. Trước nhu cầu đa dạng của con người, những con người nghèo khổ vì "vắng bóng" TC, vì "khử loại" Ngài, vì "dửng dưng với Ngài, vì lối vô thần thực tiễn, Giáo hội, nếu trung thành với Vương quốc TC vốn rộng mở cho mọi người[62] chẳng thể tiến bước một mình theo diện chủ nghĩa giáo sĩ hay chủ nghĩa trần tục (giáo dân, laicism). Cả hai đều sai lạc diện mạo chân thật của Giáo hội.
7. Canh tân cảm thức đức tin cho Giáo hội thấy rõ sứ mệnh của mình, bắt nguồn và quy chiếu tới Đức Giêsu, thì duy nhất và toàn diện. Sứ mệnh này không được trao cho một thành phần nào và càng hơn nữa không cho một người nào. Nó đòi buộc phải liên đới cộng tác. Ai tự hào đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của con người?
8. GH cùng tiến bước về Thành đô Thiên Chúa. GH mang tính cánh chung. Nói gọn gàng hơn GH có một mục đích. Chân lý này hàm ý cách thức tiến bước (modus procendi) và cách thức sống (modus vivendi). Trong triết học, cái mục đích, telos, dù chưa được hiện thực tròn đầy, song lại là điều hướng dẫn toàn bộ bước đi, toàn bộ quyết định. Mỗi bước đặt chân phải được đặt để hướng về đích tới đó. Bằng không, đổ nát sẽ tới vì chiếc xe trệch đường rầy!!! Các chương trình, các định hướng của các cộng đoàn giáo hội, dù là giáo xứ, hiệp hội, gia đình..., nếu muốn trung thành là GH của Đức Kitô, buộc phải đặt đích điểm tối hậu ấy, Nước TC, thành rõ ràng, mỗi ngày một hơn. "Tính hiệp nhất của cộng đoàn ấy thì không thật sự mà không có cái telos (đích tới) bên trong này vốn hướng dẫn nó suốt lối đường thời gian hướng tới mục đích cánh chung của nó."[63] GH không phải là cộng đoàn đập phá rồi lại xây dựng từ đầu. Không. GH là cộng đoàn của những người môn đệ Đức Kitô cùng nhau hiện thực những lời hứa của TC cho nhân loại. Nếu TC luôn trung thành trong dự định, kế hoạch, lời hứa của Ngài cho con người vì chính Ngài, thì GH như ân sủng được lãnh nhận buộc phải cam kết để làm cho những dự định, kế hoạch đầy yêu thương và nhân hậu đó, thành rõ nét ngày một hơn, trong từng quyết định của mình. Như vậy, tính hiệp hành không chỉ là dạng thức tiến hành, modus procendi và dạng thức sống, modus vivendi, song cũng là dạng thức đào tạo, modus formandi.[64] Đó là cách thức huấn luyện, đào tạo những môn đệ Đức Kitô. Nếu chúng ta muốn có những người môn đệ Đức Kitô cho thế hệ đang tới, chúng ta phải đi vào con đường này mà thôi. Chẳng lạ gì Giáo hội đòi buộc phải có sự hiện diện của anh chị em giáo dân trong việc huấn luyện chủng sinh.
8. Điều trên đưa tới một yêu cầu không thể thiếu: phải biến đổi cơ cấu, điều bó buộc nảy sinh từ sự hoán cải về giáo hội.[65] Ta không thể cứ mãi tiếp tục đi theo luận lý "chúng tôi đã từng làm như thế mà," khi xã hội không ngừng biến đổi. Giáo hội không phục vụ một cơ cấu, một tập tục; chúng ta phục vụ những con người trong thời gian hiện sinh và lịch sử của họ. Chúng ta phục vụ những con người đang khao khát về bên Chúa mãi mãi và chỉ yên nghỉ khi gặp được TC mà thôi. Chúng ta hãy thanh thản để cho sự kiện này chất vấn chúng ta: làm sao chúng ta nói được là một giáo xứ trẻ trung mà không hề thấy có những người trẻ tham gia, cũng như họ không hề trải nghiệm thực sự rằng họ đóng vai chính trong việc xây dựng giáo xứ đó.
- CÙNG NHAU BIẾN GIÁO HỘI HIỆP HÀNH THÀNH HIỆN THỰC NGAY TRONG GIÁO XỨ HÔM NAY
1. UBTHQT cho rằng GH hiệp hành khẳng định việc đối mới giáo xứ hàm ẩn một khoa linh đạo GH được gọi là “hoán cải liên tục”. Hoán cải đó mang tính “mục vụ và truyền giáo” song lại phải liên hệ đến canh tân não trạng thái độ, thực hành và cơ cấu”.[66] Linh đạo đó tôn trọng chỗ đứng của từng thành phần; nó “không giáo sĩ hoá giáo dân cũng chẳng giáo dân hoá giáo sĩ.”[67] Trái lại, trong khác biệt, chúng ta cùng hiệp nhất tiến trên Con Đường Đức Giêsu.
2. Như vậy giáo xứ không chỉ làm việc truyền giáo, song là truyền giáo tận cơ bản.[68] Có thể nói bút thử của giáo xứ chân chính là đây: GH loan báo tin mừng, GH cử hành các bí tích, GH thực thi việc bác ái trong thực tại nhân sinh cụ thể và biệt loại, tất cả đều phải nhuần thấm tính truyền giáo. Chủ thể truyền giáo chính là toàn thể giáo hội/giáo xứ, Dân TC. Ngay cả trẻ em cũng là tác nhân chính của truyền giáo.[69]
3. Huấn luyện và hoán cải. Chúng ta ghi nhận điều này: anh chị em tín hữu rất thiết tha được huấn luyện để sống đức tin, cậy, mến cách tích cực giữa thế giới: “không hoán cải lòng trí, không có huấn luyện có kỷ luật để đón chào và lắng nghe lẫn nhau, những dụng cụ hiệp thông bề ngoài không hữu ích gì. Trái lại, chúng có thể chỉ biến thành những mặt nạ không hồn, không diện mạo.”[70]
4. Chỗ đứng của hội đồng mục vụ giáo xứ: Không phải muốn có hay không có cũng được. Đức Phanxicô nói: “Hội đồng mục vụ cần biết bao! Một Giám mục không thể hướng dẫn địa phận mà không có các hội đồng mục vụ. Một cha xứ không thể hướng dẫn mà không có hội đồng mục vụ."[71] Chỗ khác, "ý nghĩa/tầm quan trọng thần học hội đồng mục vụ được khắc sâu vào thực tại cấu thành nên Giáo hội, nghĩa là vào chính việc GH là Thân mình Đức Kitô", vốn sinh ra một "linh đạo hiệp thông".[72] Vì thế, "không chút chỉ là một cơ quan bàn giấy, hội đồng mục vụ nêu bật và hiện thực vai trò trung tâm của Dân Thiên Chúa như là chủ thể và người vai chính tích cực của sứ mệnh loan báo Tin mừng."[73] Nếu vậy, cơ cấu hội đồng mục vụ cần một sự hoán cải: mục đích của hội đồng ấy "không phải là một tổ chức mang tính giáo sĩ nhưng đúng hơn là một sự khởi hứng truyền giáo lan truyền đến mọi người."[74] "Nhất thiết hội đồng mục vụ biểu thị hiệu quả cộng đoàn mà nó là một diễn đạt trong những thành phần của nó (linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân).[75]
5. Trước tiên, ta phải xác định, một GH hiệp thông/tham gia vượt xa sự kiện làm một việc nào đó. Việc quét nhà, tưới cây.... nhà xứ, nhà thờ không bày tỏ một GH tham gia đâu. Có một cái gì hơn nữa ở đây. Huấn quyền Giáo hội nói đến một sự tham gia vào tiến trình cùng hoạch định, cùng lấy những quyết định và rồi cùng nhau thực hiện, mỗi người mỗi vẻ, theo chỗ đứng của mình. Chắc chắn GH hiệp hành chẳng hề cổ xuý kiểu tập thể lãnh đạo và cào bằng mọi người. Đồng trách nhiệm hay chia sẻ trách nhiệm không phải là một tiến trình làm cho cộng đoàn thành vô trật tự, không có đầu. Kiểu lãnh đạo "cá đối bằng đầu" không bao giờ là đúng. Vai trò lãnh đạo, phối kiểm, lấy quyết định sau cùng vẫn dành cho vị chủ chăn của cộng đoàn. Tuy nhiên, chẳng thể bộc lộ được một Giáo hội/giáo xứ tham gia mà không có phương cách để mọi người tham dự vào tiến trình phân định, lắng nghe, lập kế hoạch và quyết định. Như ta đã nói trên kia, hiệp hành cũng là cách thức tiến hành, chứ không chỉ cách sống trong Giáo hội. Như vậy, bước đầu tiên đòi buộc phải làm sao để cảm thức về sự tham gia, về chia sẻ trách nhiệm về đồng trách nhiệm được lớn lên.
6. Các công ty phát triển khi mọi người cùng chung hiện thực một kế hoạch. Chính ở đó sự tham gia đồng trách nhiệm của mọi người thành khả giác và khả tín. Cũng vậy trong giáo xứ. Kế hoạch mục vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ được cùng nhau phác thảo và đồng thuận. Nó diễn tả việc cùng nhau phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, và chắc chắn người mục tử luôn nói tiếng cuối cùng. Như vậy, cùng nhau tiến bước không thể là một sự kéo lê. Tất cả mọi người đều đồng tâm nhất trí hướng về nơi TC đang chờ đợi mình.
7. Giáo xứ là "nhà của các nhà", đáp lại "một nhu cầu mục vụ xác đáng, tức là nhu cầu mang Tin mừng cho Dân qua việc công bố đức tin và cử hành các bí tích."[76] "Giáo xứ khích lệ và huấn luyện các phần tử của mình thành những người loan báo Tin mừng." Từ phía chúng ta, những nhà lãnh đạo, nó đòi hỏi một phong thái lãnh đạo mới theo như Đức Kitô mong muốn: phong thái lãnh đạo-người tôi tớ. Chúng ta phục vụ để nối kết mọi người cho Nước TC. Không hề có một thứ "tập thể lãnh đạo". Hội đồng mục vụ có đặc tính tham khảo (consultative), chứ không phải tuỳ thích của cha xứ.
KẾT LUẬN
Tất cả chúng ta, giáo sĩ và giáo dân, đều yêu mến Giáo hội. Chúng ta đều quan tâm đến công việc của Thiên Chúa. Đó là lẽ sống của chúng ta. Chúng ta có được mẫu số chung quan trọng nhất.
Giờ đây, chúng ta cùng làm cho nó thành hiện thực. "Nhất thiết phải tìm ra những hình thức đồng hành và gần gũi mới. Trách vụ loại này không được coi là một gánh nặng, nhưng đúng hơn là một thách đố ta phải nhiệt tâm ôm ấp."[77] Bằng cách đó, Chúa giải phóng chúng ta khỏi sự ỳ trệ thiêng liêng và mục vụ vốn tìm kiếm sự ổn định, sự thoải mái của riêng mình. Không. Chúng ta không được dựng lên và được chọn cho điều đó. TC chọn để chúng ta bộc lộ hình ảnh Con Ngài: hiến thân và chết cho Giáo hội.
Như vậy, cần lắm một khóe nhìn chân thật về Giáo hội như bí tích xuất phát từ TC, tức là, khí cụ và phương thế của Nước Thiên Chúa để nảy sinh ra không phải một vài hành động hay việc làm, nhưng là cả một định hướng sống và hành động. Thật cần để nghĩ suy và sống Giáo hội đúng là Dân Thiên Chúa ở đó mọi sự khác biệt và bổ sung đều đến từ căn tính chung của các Kitô hữu, những môn đệ của Đức Kitô. Căn tính đó đến từ cảm thức cùng thuộc về một Thân mình Đức Kitô mà ở nơi đó sự khác biệt trong chức năng là thiết yếu trong sự duy nhất của Thân mình. Hơn nữa, nó cũng đến từ một cảm thức mạnh mẽ về sứ mệnh TC ký thác cho Giáo hội. Sứ mệnh đó thật đa diện để phục vụ nhân vị toàn diện trong một thế giới liên tục đổi thay đến chóng mặt dưới khía cạnh khoa học, kỹ thuật, văn hóa, kinh tế, v.v. Vẻ đẹp không cưỡng lại được của Tin mừng được sống trong Giáo hội hiệp hành là đây.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB (TGPSG)
(Xem: Tư liệu về Thượng Hội đồng Giám mục 16)
[1] x. Tài liệu chuẩn bị, 1.
[2] x. Cẩm nang cho Thượng hội đồng giám mục về tính hiệp hành (từ đây: Cẩm nang), Lời nguyện Adsumus Sancte Spiritus.
[3] x. Cẩm nang, 1.2
[4] x. Lễ Thánh Thần Hiện xuống.
[5] x. FABC/TAC, Những Luận đề về GH địa phương: một suy tư thần học trong bối cảnh Á châu, FABC Papers 60
[6] Đông phương gọi là sobornost.
[7] x. LG 22; CD 4, 6.
[8] x. GS 5-10.
[9] x. GS 19-21; cũng x. Đức Phanxicô, EG 24, 48.
[10] x. Thư chung các Giám mục Đông Dương 1951; Thư chung các Giám mục VN 1952; Thư chung của các Giám mục miền Nam 1963.
[11] x. Thư chung 1980.
[12] x. Thư gởi Đại hội Dân Chúa 2010.
[13] số 1; x. Tài liệu làm việc 1; Cẩm nang 1.2.
[14] số 5-6.
[15] Huấn thị số 6; cũng x. EG 15, 28.
[16] x. GS 5; EG 43, 52.
[17] x. Huấn thị 8-15.
[18] Nguyên văn bài viết mang tựa đề: Gesellschaft im Ubergang – Theologie im Wandel. Theologische Positionen im Streit um die Moderne, đăng trong tạp chí Theologie der Gegenwart 32(1989) 83-94. Dịch giả: Vũ Kim Chính. Truy cập từ https://sjjs.edu.vn/xa-hoi-bien-doi-than-hoc-chuyen-minh-nhung-lap-truong-than-hoc-trong-cuoc-tranh-chap-ve-hien-dai/
[19] UBTHQT, Tính hiệp hành, số 9.
[20] UBTHQT, Tính hiệp hành, số 104; cũng x. EG 25, 27, 30, 33.
[21] UBTHQT, Tính hiệp hành, số 107 (Nhấn mạnh là do tôi); cũng x. GS 32.
[22] x. EG 43, 262. 264.
[23] x. Đại hội Dân Chúa.
[24] x. UBTHQT, Tính hiệp hành, chương 2: 42-70.
[25] X. EG 25,43, 50-100.
[26] UBTHQT, Tính hiệp hành, số 107.
[27] x. LG 13; GS 57-58; GS 72, 76, 88, 89.
[28] x. GS 36-37.
[29] x. GS 25-29.
[30] x. Tài liệu chuẩn bị, phần II.
[31] x. Gioan Phaolô II, RM 26; CL 9, 18-20; Synod 1985; Ratzinger, “The Ecclesiology Of The Constitution On The Church, Vatican II, 'Lumen Gentium', L'Osservatore Romano, 19 September 2001, page 5; Bộ Giáo lý Đức tin, Lá thư gởi các Giám mục về GH như Sự hiệp thông.
[32] x. UBTHQT, chương 2.
[33] UBTHQT, số 104.
[34] UBTHQT, số 73
[35] Đức Phanxicô: Diễn từ cho các Salêdiêng trong Tổng Tu Nghị 28.
[36] Huấn thị số 19.
[37] x. GS 33.
[38] x. Huấn thị 16.
[39] X. EG 197-201.
[40] EG 49.
[41] Tài liệu chuẩn bị 10.
[42] x. Tài liệu chuẩn bị số 17; 18.
[43] X. Đức Bênêđictô XVI, DCE 25, 21-24.
[44] (x. số 22).
[45] (số 22)
[46] (số 23)
[47] (x. số 2).
[48] (số 6).
[49] x. UBTHQT số 11-23; Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia.
[50] x. Tài liệu chuẩn bị 10; UBTHQT, Tính hiệp hành.
[51] UBTHQT số 44.
[52] x. LG 8.
[53] x. Gioan XXIII, Diễn từ khai mạc công đồng
[54] x. Bênêđictô XVI, bài giảng lễ Thứ Năm Tuần Thánh, 20 tháng Ba 2008
[55] UBTHQT số 49.
[56] RH 14.
[57] x. GS 39.
[58] UBTHQT số 50.
[59] UBTHQT số 48.
[60] x. EG 197-215.
[61] x. FABC papers 66.
[62] X. Lời nguyện cho muôn dân vào thứ sáu Tuần Thánh.
[63] UBTHQT số 109.e.
[64] x. Tài liệu chuẩn bị 9, 14.
[65] x. số 35; Tài liệu chuẩn bị, phần IV.
[66] UBTHQT số 104.
[67] UBTHQT số 104.
[68] x. Đức Phanxicô, EG 26, 27, 28, 40, 119; Tài liệu chuẩn bị 3.1; UBTHQT 83-84; Thư gởi hậu Đại hội Dân Chúa 2011.
[69] x. AA 12; thiếu nhi được đề cập đến ở đây, trong một đoạn rất ngắn, nhưng lại không được nói đến trong sắc lệnh về truyền giáo, Ad Gentes.
[70] UBTHQT số 107.
[71] UBTHQT số 108.
[72] UBTHQT số 109.
[73] UBTHQT số 110.
[74] UBTHQT số 110.
[75] UBTHQT số 112
[76] (số 7).
[77] Huấn thị số 14.
bài liên quan mới nhất
- Lần đầu tiên Đức Thánh Cha bổ nhiệm phụ nữ làm thành viên Hội đồng thường kỳ của Thượng Hội đồng
-
Đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm - Diễn văn của Đức Thánh Cha cho các tham dự viên Đại hội toàn thể của Ủy ban Thần học Quốc tế năm 2024 -
Ghi chú của Đức Thánh Cha Phanxicô kèm theo Tài liệu Cuối cùng của Đại hội Thường lệ Lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 25/11/2024 -
Tài liệu Chung kết Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI -
Kho tàng đức tin không thay đổi và không thể thay đổi -
Sơ lược Văn kiện Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về tính hiệp hành -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Văn kiện của Thượng Hội đồng là quà tặng cho Dân Chúa -
Tính hiệp hành, một sự hoán cải để trở nên truyền giáo hơn -
Thượng Hội đồng: Đức Phanxicô đưa Giáo hội vào thiên niên kỷ thứ ba -
Tài liệu Cuối cùng của Thượng Hội đồng có giá trị Huấn quyền
bài liên quan đọc nhiều
- Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh
-
Từ Roma, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ về Thượng Hội đồng Giám mục -
ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến đến hòa hợp và tôn trọng lắng nghe nhau -
Phỏng vấn linh mục Việt Nam tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế các cha xứ với Thượng hội đồng -
Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục -
Thư của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa -
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sẽ công bố “Thư gửi Dân Chúa” vào ngày 25/10/2023 -
Giáo hội hiệp hành: Suy tư về một tinh thần hay linh hồn của tham gia -
Kinh cầu cho Thượng Hội đồng Giám mục 2023 -
Ý nghĩa Logo chính thức của Thượng Hội đồng Giám mục về con đường hiệp hành