Cẩm nang nhỏ để thực thi Văn kiện Chung kết trong các Giáo hội địa phương

Cẩm nang nhỏ để thực thi Văn kiện Chung kết trong các Giáo hội địa phương

Cẩm nang nhỏ để thực thi Văn kiện Chung kết trong các Giáo hội địa phương

WHĐ (10/4/2025)Cùng với một nhóm nhỏ tham dự viên của Thượng Hội đồng, Thầy Alois từ Cộng đoàn Taizé đã dấn thân viết Cẩm nang ngắn này với hy vọng nó sẽ khuyến khích mọi người đọc và thực thi Văn kiện Chung kết của Đại hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua.

"Tính hiệp hành là một hành trình canh tân tâm linh và cải tổ cơ cấu để làm cho Giáo hội có tính tham gia và truyền giáo nhiều hơn".
(Văn kiện Chung kết, 28)

Thượng Hội đồng Giám mục với chủ đề "Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ" đã kết thúc tại Rôma vào cuối tháng 10 năm 2024, nhưng tiến trình hiệp hành vẫn còn tiếp diễn. Một mặt, mười nhóm nghiên cứu do Đức Thánh Cha triệu tập vẫn còn phải trình bày công việc của mình. Mặt khác, giờ đây trách nhiệm được trao cho các giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn tu sĩ và tất cả các nhóm địa phương để thực nghiệm những đề xuất được đúc kết trong Văn kiện Chung kết. Cùng với một nhóm nhỏ tham dự viên của Thượng Hội đồng, tôi đã đảm nhận việc biên soạn cuốn Vademecum (Cẩm nang) này với hy vọng rằng nó sẽ khuyến khích mọi người đọc và thực thi Văn kiện Chung kết.

Tại Colón (Cuba), ngày 26 tháng 2 năm 2025,
Thầy Alois, Cộng đoàn Taizé

--------

Văn kiện Chung kết (được đăng tại www.synod.va) gồm khoảng 50 trang. Theo đường hướng của Công đồng Vatican II, khi kiên quyết chuyển từ một quan niệm mang tính kim tự tháp về Giáo hội sang hình ảnh một cộng đoàn của tất cả những người đã chịu phép rửa, văn kiện này mở ra những khả năng cải tổ giúp Giáo hội trung thành hơn với Tin mừng. Việc đào tạo là điều thiết yếu để đào sâu các khía cạnh cụ thể của một Giáo hội hiệp thông.

Một số người chỉ ra những hạn chế hoặc thiếu sót trong văn kiện. Chẳng hạn, giới trẻ chỉ được nhắc đến một lần, phản ánh sự vắng mặt của họ trong Thượng Hội đồng... Việc truyền chức phó tế cho phụ nữ hoặc truyền chức linh mục cho những người đã lập gia đình không được thảo luận. Các vấn đề về giới tính và khuynh hướng tính dục cũng chưa được đào sâu. Tuy nhiên, điều đó không nên ngăn cản chúng ta cùng nhau lên đường, với những người khác, để giúp Giáo hội tỏa sáng Tin mừng mạnh mẽ hơn.

Cần kiên nhẫn với thời gian, vì sự trưởng thành diễn ra trong một quá trình lâu dài, và tiến trình hiệp hành được mời gọi tiếp tục phát triển không ngừng. Thượng Hội đồng đã khởi xướng những thay đổi sâu sắc trong nền văn hóa Giáo hội. Đây là một công việc dài hạn, nhưng ngay từ bây giờ, cần có những sáng kiến cụ thể để thúc đẩy tiến trình này.

Hơn cả một văn bản đơn thuần, Văn kiện Chung kết là thành quả của một trải nghiệm. Tiến trình Thượng Hội đồng đã bắt đầu từ năm 2021 với các cuộc họp ở cấp địa phương, khu vực và lục địa. Dù những cuộc thỉnh ý này không diễn ra đồng đều khắp nơi, nhưng chúng đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử Giáo hội và đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho các kỳ họp toàn cầu vào năm 2023 và 2024.

Trong các kỳ họp này, hai buổi cầu nguyện đại kết đã cho thấy rằng tính hiệp hành và dấn thân vì sự hiệp nhất Kitô hữu là không thể tách rời. Một buổi cầu nguyện sám hối đã thẳng thắn nêu lên những tội lỗi của Giáo hội. Đức Giáo hoàng đã muốn có sự tham gia của không chỉ các giám mục mà còn cả các đại diện khác của Dân Chúa, cũng như một số lượng lớn hơn các đại biểu huynh đệ từ các Giáo hội khác. Ngài mong muốn khai mạc Thượng Hội đồng bằng một kỳ tĩnh tâm, đưa vào một phương pháp đơn giản để lắng nghe nhau[1], dành thời gian cho cầu nguyện và thinh lặng. Tất cả những điều này đã mang lại nhiều hoa trái. Bầu không khí huynh đệ không chỉ giúp chấp nhận sự đa dạng mà còn nhìn nhận nó một cách tích cực. Trong một thế giới ngày càng phân cực, các Kitô hữu có thể làm chứng rằng sự hiệp nhất trong đa dạng phong phú là điều khả thi.

Kinh nghiệm từ các kỳ họp toàn cầu có thể truyền cảm hứng cho các sáng kiến ở cấp địa phương, chẳng hạn như cầu nguyện sám hối, cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu, và “đối thoại trong Thánh Thần.” Sáu điểm sau đây nhằm giúp đào sâu hơn vào tính hiệp hành mà Văn kiện Chung kết đề xuất.

1. Tìm lại sức mạnh trong cầu nguyện

Các kỳ tĩnh tâm trước mỗi khóa họp tại Rôma đã mời gọi toàn thể Đại hội bước vào một hành trình thiêng liêng. Và vào đầu tuần cuối cùng của khóa họp thứ hai, cha Timothy Radcliffe đã khuyến khích các tham dự viên thực hành ba sự tự do. Tự do ngôn luận: Không sợ hãi khi bày tỏ suy nghĩ của mình. Tự do nội tâm: Giữ một khoảng cách với sự xác tín của chính mình, nhờ đó có thể lắng nghe người khác cách chân thành. Và tự do được Tin mừng ban tặng: Phó thác nơi Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện; nơi Đức Kitô, Đấng đi trước chúng ta; và nơi Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng ta.

Một thái độ nội tâm như thế, sự hoán cải và đức tin được củng cố nhờ cầu nguyện, giúp chúng ta cùng nhau tiến bước trong cộng đoàn của mình. Và để sự tín thác vào đức tin ngày càng lớn lên trong ta, việc được lắng nghe, được đồng hành có thể giúp ích rất nhiều, ngoài việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích.

Việc đào sâu đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn là điều cần thiết để thực thi các cải tổ trong Giáo hội. Bí tích Thánh Thể và lời cầu nguyện chung giúp chúng ta nên một trong Đức Kitô, đồng thời tạo điều kiện để chúng ta nhận ra sự đa dạng trong cộng đoàn.

Làm thế nào để đổi mới đời sống cầu nguyện trong các cộng đoàn của chúng ta? Ai sẽ đảm nhận việc cầu nguyện ấy? Chúng ta có thể thay đổi điều gì trong phụng vụ để khuyến khích mọi người tham gia và giúp họ đi vào chiều sâu nội tâm? Các yếu tố văn hóa địa phương có thể làm phong phú trải nghiệm phụng vụ và thúc đẩy sự tham dự tích cực. Chúng ta có thể chuẩn bị cho những người nam và người nữ biết lắng nghe và đồng hành với người khác trong hành trình đức tin của họ không?

2. Tái khám phá niềm vui được làm Dân Thiên Chúa, trong sự liên đới với nhân loại

Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở thành Dân Thiên Chúa, cùng nhau tiến bước và liên đới với toàn thể nhân loại. Mục tiêu thúc đẩy hành trình này chính là Nước Thiên Chúa, được Đức Kitô loan báo và khai mở. Qua những hành động yêu thương, dù nhỏ bé hay lớn lao, Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong thế giới, giống như men trong bột.

Để loan báo Tin mừng, chúng ta cần không ngừng lắng nghe: Thánh kinh, các thành viên trong cộng đoàn của chúng ta, các Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác, những người nghèo và bị gạt ra bên lề, các nền văn hóa đa dạng, các nạn nhân của những vụ lạm dụng, các nhà thần học, những người có niềm tin khác hoặc những người đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống có những điểm tham chiếu khác nhau ngoài Tin mừng, các mạng xã hội, nghệ thuật, khoa học... Chân lý được Chúa Kitô mạc khải mở ra cho chúng ta một thế giới, nơi mỗi con người đều mang trong mình một lời của Thiên Chúa. [2]

Làm thế nào để thiết lập hoặc củng cố những cuộc đối thoại này? Ai sẽ đảm nhận trách nhiệm này? Làm thế nào để khuyến khích người trẻ tham gia? Nền văn hóa của xã hội mang đến cho chúng ta những cách thức cụ thể nào trong việc lắng nghe, thấu hiểu và loan báo Tin mừng?

3. Nhấn mạnh rằng Bí tích Rửa tội mang lại phẩm giá bình đẳng cho mọi Kitô hữu

Bí tích Rửa tội là nguồn mạch ban cho mọi người cùng một phẩm giá là con cái Thiên Chúa. Sứ vụ của các giám mục và linh mục, qua bí tích truyền chức thánh, là nhận ra các đặc sủng, khơi dậy sự tham gia của mọi người vào đời sống cộng đoàn và mở ra sự hiệp thông rộng lớn hơn với Giáo hội hoàn vũ. Thừa tác vụ của họ không làm cho họ có phẩm giá cao hơn, mọi hình thức giáo sĩ trị đều bị loại trừ.

Ngay từ Tông huấn đầu tiên Niềm vui của Tin mừng, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi một “sự tản quyền thích hợp” trong Giáo hội Công giáo. Việc loan báo Tin mừng đòi hỏi phải chú ý đến các bối cảnh, nền văn hóa, tầng lớp xã hội, v.v. Để thúc đẩy sự hội nhập văn hóa, Thượng Hội đồng kêu gọi các Hội đồng Giám mục cần có nhiều chuyên môn hơn trong các lĩnh vực mục vụ, phụng vụ và tín lý. Thượng Hội đồng khuyến khích tổ chức các công nghị và các thượng hội đồng địa phương, các hội nghị giáo hội cấp khu vực và châu lục. Ngài kêu gọi chúng ta chấp nhận rằng các cuộc cải tổ trong Giáo hội có thể diễn ra với những tốc độ khác nhau.

Văn kiện Chung kết kêu gọi sự tham gia của toàn thể cộng đoàn – người nam và người nữ[3], người trẻ, người nghèo và những người bị gạt ra bên lề – vào quá trình chuẩn bị và đưa ra quyết định. Dù giám mục hay linh mục là người đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng các ngài phải lắng nghe ý kiến của các hội đồng đã được thiết lập và có trách nhiệm giải thích nếu quyết định của họ đi ngược lại những ý kiến đó. Các giám mục được mời gọi thường xuyên báo cáo về quản lý tài chính, các vụ lạm dụng tình dục và việc bảo vệ các cá nhân, cũng như về việc chăm sóc mục vụ và thậm chí cả lối sống cá nhân của các ngài. Các cuộc gặp gỡ huynh đệ với giám mục sẽ được thiết lập. Tất cả những điều này đòi hỏi một sự đào tạo liên tục cho giáo dân, phó tế, linh mục và giám mục. Việc đào tạo chủng sinh cũng cần được xem xét lại.

Trong các cộng đoàn của chúng ta, những nhiệm vụ nào có thể được các thành viên – nam và nữ – đảm nhận nhiều hơn (qua đó, các linh mục được giảm bớt gánh nặng, nhưng không phải với động cơ chính là giảm nhẹ thừa tác vụ của họ)? "Đối thoại trong Thánh Thần" có thể giúp đưa ra những quyết định quan trọng cùng nhau không? Trong cộng đoàn của chúng ta, có sự trao đổi giữa các thế hệ không?

4. Các tổ chức tham gia: bảo đảm việc thực thi nhanh chóng tính hiệp hành

“Phương cách hiệu quả nhất để thăng tiến một Giáo hội hiệp hành” chắc chắn là “cổ võ sự tham gia sâu rộng nhất có thể của toàn Dân Thiên Chúa” (Văn kiện Chung kết, 87). Các phương cách có tính chất thể chế quan trọng nhất để thúc đẩy điều này là thông qua các Hội đồng Giáo hội ở mọi cấp độ trong đời sống của Dân Chúa (x. Văn kiện Chung kết, 103). Do đó, việc “canh tân các tổ chức tham gia” trở nên cấp thiết nhằm khởi động các tiến trình đổi mới sứ vụ (x. Văn kiện Chung kết, 108). Do đó, mục tiêu chính của chúng không phải chỉ mang tính tổ chức.

Làm thế nào để khơi dậy lại, ở các cấp độ khác nhau của đời sống giáo phận, bắt đầu từ các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta, những không gian lắng nghe, phân định cộng đoàn và đưa ra quyết định chung với các mục tử? Chẳng phải bước đầu tiên là dành thời gian để kiên nhẫn lắng nghe nhau, trong sự tín thác rằng Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đang hoạt động, giúp chúng ta tìm kiếm và nhận ra điều Chúa mong đợi nơi chứng tá của các cộng đoàn chúng ta sao? Một thời gian dành cho việc đọc Kinh thanh và cầu nguyện trong các buổi họp của chúng ta có thể hỗ trợ cho tiến trình này.

5. Đào sâu sự hiệp nhất của các Kitô hữu

Việc nhấn mạnh đến Phép rửa chung của tất cả các Kitô hữu một cách tự nhiên mở ra con đường đại kết, một trong những chủ đề xuyên suốt của văn kiện chung kết.

Các Giáo hội Đông phương hiệp thông với Rôma đã nhấn mạnh quyền tự trị và phẩm giá bình đẳng của mình với tư cách là những Giáo hội anh em của Giáo hội Latinh, với di sản phụng vụ, thần học và giáo luật riêng. Nhờ đó, họ đã làm nổi bật sự đa dạng phong phú vốn đã tồn tại trong Giáo hội Công giáo. Nhận định này được phản ánh trong cách Văn kiện Chung kết nói về Giáo hội như một “sự hiệp thông giữa các Giáo hội” (Văn kiện Chung kết, 18).

Trong các cuộc họp toàn cầu của Thượng Hội đồng, các “đại biểu huynh đệ” đến từ các Giáo hội khác đã tham gia đầy đủ vào mọi hoạt động, ngoại trừ việc bỏ phiếu. Họ có quyền phát biểu bình đẳng trong các nhóm nhỏ cũng như trong các phiên họp toàn thể.

Tài liệu nghiên cứu Giám mục Rôma, do Bộ Thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo công bố vào mùa hè năm ngoái, đã xuất hiện đúng thời điểm[4]. Tài liệu này đã củng cố chiều kích đại kết của Thượng Hội đồng. Thượng Hội đồng cũng đã đón nhận tài liệu này một cách rõ ràng (Văn kiện Chung kết, 137).

Những mối liên hệ với các Giáo hội khác hiện đã có trong cộng đoàn của chúng ta là gì? Làm thế nào để đào sâu và mở rộng chúng? Ai sẽ (tái) khởi động các cuộc viếng thăm huynh đệ, không phải để cải đạo người khác, nhưng để khám phá cách họ sống Tin mừng, đồng thời tìm kiếm những cơ hội cùng cầu nguyện và cộng tác chung? Làm thế nào để chúng ta cân nhắc tốt hơn thực tế rằng các quyết định và sáng kiến của mình có ảnh hưởng đến các Giáo hội khác? Liệu chúng ta có thể mời đại diện của các Giáo hội khác tham gia vào các tổ chức và hội đồng của mình (như đã được thực hiện trong các khóa họp của Thượng Hội đồng tại Rôma), cũng như chia sẻ với họ về các quyết định và định hướng của chúng ta không?

6. Với các cộng đoàn dòng tu, các cộng đoàn mới và những “không gian Giáo hội” khác

Trong suốt lịch sử kéo dài qua nhiều thế kỷ, các cộng đoàn dòng tu đã phát triển những thực hành của lối sống hiệp hành và phân định chung, học cách hài hòa các đặc sủng cá nhân với nhau, cũng như cách theo đuổi sứ vụ chung (Văn kiện Chung kết, 65). Các tu hội đời sống thánh hiến và các cộng đoàn mới thường bén rễ trong một vùng lãnh thổ và kết nối các địa điểm, môi trường khác nhau (Văn kiện Chung kết, 118). Họ là những phòng thí nghiệm nơi những người thuộc nhiều nền văn hóa cùng sống và làm việc với nhau.

Thượng Hội Đồng đã nhận thấy rằng ngày càng có nhiều Kitô hữu sống đức tin trong một cộng đoàn không thuộc giáo xứ. Họ được liên kết qua các mạng lưới, đôi khi là mạng xã hội.

Làm thế nào để các cộng đoàn dòng tu và các cộng đoàn mới có thể góp phần vào sứ vụ chung của một Giáo hội hiệp hành trong đối thoại với thế giới hôm nay? Họ có thể suy tư lại các cơ cấu quản trị của mình để làm cho chúng trở nên bao hàm và mang tính tham gia hơn không? Nếu chúng ta biết những Kitô hữu đang sống sự hiệp thông đức tin bên ngoài giáo xứ, liệu chúng ta có thể duy trì liên hệ với họ để hiểu rõ hành trình của họ không?

------------

"Đây là điều phù hợp với phong cách hiệp hành mà thừa tác vụ Phêrô cũng được mời gọi thực thi: lắng nghe, triệu tập, phân định, quyết định và đánh giá. Sự tạm dừng, thinh lặng và cầu nguyện là cần thiết ở mỗi bước đi này. Đây là một phong cách mà chúng ta đang cùng nhau học hỏi, từng chút một. Chính Chúa Thánh Thần mời gọi và nâng đỡ chúng ta trong cách học hỏi này, mà chúng ta cần nhìn nhận như một tiến trình hoán cải". (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn sau khi bỏ phiếu cho Văn kiện Chung kết)

________________
Chuyển ngữ : Tâm Bùi & Sr. Marie Gisèle Trầm, rscj
Nguồn: 
synodresources.org

--------

[1] Một “cuộc đối thoại trong Thánh Thần” diễn ra trong các nhóm nhỏ từ 8 đến 12 người. Người điều phối sẽ giải thích chủ đề cần thảo luận và dành một thời gian để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Sau đó, mỗi người có thời gian chuẩn bị cá nhân trước khi “cuộc đối thoại” diễn ra theo ba vòng.

Vòng thứ nhất: Mỗi người trình bày suy nghĩ của mình trong tối đa 3 phút. Những người khác lắng nghe cách tích cực để nhận ra điều quan trọng. Mỗi phần trình bày được theo sau bởi vài giây thinh lặng. Vòng này kết thúc bằng một đến hai phút thinh lặng, để mọi người suy ngẫm và chọn điều mình muốn ghi nhận.

Vòng thứ hai: Mỗi người có 2 phút để tiếp tục phát biểu, có thể đồng tình, đặt câu hỏi hoặc đơn giản là để những điều đã nghe được vang vọng trong lòng mình. Vòng này cũng kết thúc bằng một khoảng thời gian thinh lặng, giúp mỗi người nhận ra điều nào đã chạm đến mình sâu sắc.

Vòng thứ ba: Mỗi người chia sẻ về những xác tín chung mà nhóm đã rút ra từ vòng thứ hai. Đây không còn chỉ là quan điểm cá nhân, mà là điều nhóm đã nói và lắng nghe. Làm thế nào để Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta tiến bước qua những điều chúng ta đã nghe? Đây tiếp tục là một thời gian cần lắng nghe một cách tích cực.

Một thư ký sẽ ghi chép và đưa ra bản tóm tắt ban đầu, không quá hai trang, để nhóm xem xét. Nếu nhiều nhóm thảo luận cùng một chủ đề, các bản tóm tắt sẽ được tập hợp lại để soạn một bản tổng hợp chung, sau đó được thảo luận và biểu quyết (tùy theo nhu cầu và bối cảnh).

[2] "Không thích hợp khi khẳng định một cách loại độc đoán rằng: 'tôi sở hữu chân lý'. Chân lý không thuộc sở hữu của ai, nhưng luôn là một hồng ân, mời gọi chúng ta bước vào một hành trình thấm nhuần chân lý ngày càng sâu sắc hơn.... Chân lý chỉ có thể được nhận biết và sống trong tự do, vì thế chúng ta không thể áp đặt chân lý lên người khác; chân lý chỉ được tỏ lộ trong cuộc gặp gỡ của tình yêu." (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Ecclesia in Medio Oriente, ngày 14.9.2012.)

[3] Nhu cầu trao cho phụ nữ vị trí xứng đáng trong Giáo hội là chủ đề xuyên suốt của Văn kiện Chung kết số 60. “Qua Bí tích Rửa tội, những con người nam nữ có cùng phẩm giá bình đẳng trong Dân Thiên Chúa. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn tiếp tục gặp những trở ngại trong việc đạt được sự nhìn nhận đầy đủ hơn về các đặc sủng, ơn gọi và vị trí của họ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống Giáo hội, đến mức gây tổn hại cho việc phục vụ của họ đối với sứ vụ chung. Kinh thánh chứng thực cho vai trò nổi bật của nhiều phụ nữ trong lịch sử cứu độ. (…) Khóa Đại hội này kêu gọi thực hiện đầy đủ tất cả những cơ hội đã được Giáo luật cho phép liên quan đến vai trò của phụ nữ, đặc biệt tại những nơi mà các cơ hội này vẫn chưa được tận dụng đúng mức. Không có lý do nào ngăn cản các phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Giáo hội: những gì đến từ Chúa Thánh Thần thì không thể bị ngăn cản. Ngoài ra, vấn đề về khả năng tiếp nhận thừa tác vụ phó tế của phụ nữ vẫn còn bỏ ngỏ...” Cần lưu ý rằng đây là đoạn gặp nhiều phản đối nhất trong hội nghị, với kết quả bỏ phiếu 258 phiếu thuận và 97 phiếu chống. Văn kiện Chung kết cũng khẳng định rằng giáo dân, cả nam và nữ, trong một số hoàn cảnh nhất định, đã có thể trở thành thừa tác viên của Bí tích Rửa tội và Bí tích Hôn phối. Văn kiện kêu gọi mở rộng và củng cố những thừa tác vụ này, vốn vẫn còn mang tính ngoại lệ (Văn kiện Chung kết, 76), nhằm bảo đảm sự đồng hành tốt hơn. Ngoài ra, cũng có đề cập đến một thừa tác vụ lắng nghe.

[4] Trong Thông điệp Ut unum sint, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt câu hỏi về cách thức và sự cần thiết phải biến đổi thừa tác vụ Phêrô để có ý nghĩa đối với tất cả những người đã chịu phép rửa, không chỉ trong Giáo hội Công giáo. Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu đã tập hợp và tổng hợp trong tài liệu này nhiều phản hồi đến từ các Giáo hội và ủy ban khác nhau.
 

(Nguồn: hdgmvietnam.com)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top