Dấu lạ dành cho Giôna

Dấu lạ dành cho Giôna

WGPSG -- Chúa Giêsu đã từng khẳng định: ông Giôna là dấu lạ cho dân thành Ninivê, nhờ đó họ đã ăn năn sám hối và trở về cùng Thiên Chúa (xem Lc 11, 29-32).

Giôna, nhân vật chính của cuốn sách cùng tên là một tiên tri (ngôn sứ) ở vương quốc miền bắc Ítraen. Ông nhận được lệnh của Thiên Chúa phải đi rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê đầy tội lỗi mà Chúa định trừng phạt vì tội của họ. Để lánh mặt Chúa, thay vì đến Ninivê, ông lấy tàu theo một hướng khác đến Tácsít. Chúa cho một trận cuồng phong nổi lên khiến thuỷ thủ vô cùng sợ hãi; họ nghĩ rằng trên tàu có kẻ có tội khiến thần thánh nổi giận trừng phạt. Gieo quẻ thì quẻ rơi trúng Giôna. Ông biết tội mình và tự đề nghị người ta ném mình xuống biển. Thế là sóng yên bể lặng (chương 1,1-16).

Một con cá lớn nuốt ông vào bụng. Nằm trong bụng cá, ông đọc một thánh vịnh cầu xin Chúa cứu giúp trong cơn ngặt nghèo. Sau ba ngày, con cá mửa ông ra lên đất liền (chương 2,1-11). Thiên Chúa lại gọi ông một lần nữa, và lần này ông vâng lời đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng làm một cách miễn cưỡng. Nhà vua và dân chúng nghe lời rao giảng của ông và mau mắn làm việc đền tội. Chúa hối tiếc về tai hoạ Ngài tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã dung tha cho họ (chương 3,1-10). Kết quả này khiến Giôna bực mình, tiên tri trách Chúa về việc Chúa đã làm, và ông muốn chết quách cho rồi. Ông đi ra ngoài thành ngồi chờ xem việc gì sẽ xảy ra trong thành; Chúa cho một cây thầu dầu mọc lên che bóng mát cho ông và ông rất vui, nhưng hôm sau Chúa cho cây ấy bị khô héo khiến ông lại nổi giận và xin Chúa cất mạng sống mình đi. Chúa giải thích cho Giôna nhận ra cơn giận của ông là vô lý. Nếu ông giận chỉ vì một cây thầu dầu không đáng giá chi và ông cũng chẳng mất công gieo trồng và chăm bón, thì chẳng lẽ Thiên Chúa không thương hại thành phố Ninivê rộng lớn mà cứ để cho nó bị huỷ diệt sao? (xem “Tiên tri Giôna bướng bỉnh” trên trang ofmvn.org).

Lời rao giảng của Giôna giúp dân Ninivê thức tỉnh, mau mắn sám hối và đã nhận được sự thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Người ta xem Giôna thực là “dấu lạ” được gửi đến cho thành Ninivê.

Nhưng trong câu chuyện về Giôna trên, chúng ta không chỉ thấy một “dấu lạ Giôna” dành cho dân thành Ninivê, mà chúng ta còn nhận ra “Thánh ý của Thiên Chúa” là “dấu lạ” cho chính Giôna!

Thiên Chúa muốn ông thực hiện một việc tốt đẹp: Đi thẳng đến Ninivê, kêu gọi người dân tội lỗi trong thành sám hối để được Thiên Chúa thứ tha. Ông đã từ chối đi con đường thẳng do Thiên Chúa vạch ra, mà đi vòng để trốn tránh huấn lệnh của Ngài.

Nhưng Giôna đã lầm lạc khi tưởng rằng có thể trốn xa khỏi Thiên Chúa khi đi con đường vòng. Quả thực, hành trình chạy trốn của ông được vẽ bằng những đường vòng vo: lên tàu trốn sang hướng ngược lại hướng đi thành Ninivê, tưởng là được yên thân, ai ngờ lại bị ném xuống biển. Ông ẩn mình trong một tập thể hầu xa lánh khỏi Thánh ý Thiên Chúa, nhưng lại bị chính tập thể đó xua đuổi, loại bỏ.

Rơi xuống đại dương, ông nằm trong tay của một thế lực đen tối, nguy hiểm (theo quan niệm của người Do Thái, biển cả là nơi trú ngụ của ma quỷ, sự dữ). Giôna bất lực trước sức mạnh không thể chống cưỡng của sự dữ, thậm chí ông còn bị thế lực đó nuốt chửng! Thế là hết! Giôna đành buông xuôi, tuyệt vọng, bỏ mặc cho số phận!

Không! Cuộc đời nhà tiên tri không kết cuộc cách vô nghĩa như thế: Thiên Chúa đã cứu vớt ông ra khỏi hiểm họa nguy tử: con cá to lớn đã giữ ông trong bụng ba ngày, thì nay lại nhả ông vào bờ an toàn! Lúc này, có thể thấy một Giôna mới biết khiêm tốn và vâng phục Thiên Chúa hơn, vì chấp nhận lên đường vào Ninivê mà rao giảng. Tuy nhiên, Giôna vẫn chưa nhận ra Thiên Chúa là dấu lạ cho chính ông, vì ông còn thực hiện ý Chúa một cách miễn cưỡng.

Chỉ đến khi Giôna được Thiên Chúa thức tỉnh rằng: ông thương tiếc cây thầu dầu giá trị không là bao, cũng chẳng do ông trồng tỉa và chăm sóc, trong khi đó lại chẳng tỏ ra nhân từ, khoan dung, độ lượng với đám dân tội lỗi nhưng đã kịp thống hối ăn năn, điều đó chẳng phải là vô lý quá ư? Đến đây, chúng ta mới nhìn thấy khuôn mặt Giôna nghệch ra, tẽn tò, xấu hổ: ông đã nhận ra bài học quý giá mà Thiên Chúa dành cho chính ông, chứ không hẳn là dành cho dân Ninivê – bài học về sự khiêm tốn, nhân từ và khoan dung!

Thế đấy bạn ạ, “Thiên Chúa tạo nên đường thẳng từ những đường cong” cách lạ lùng, huyền nhiệm, vượt quá tính toán và trí hiểu của con người. Chạy trốn Thánh ý Thiên Chúa, Giôna tưởng có thể yên thân khi tìm sự lành theo ý riêng mình, nào ngờ chỉ toàn gặp phải hiểm nguy, đau khổ và thất bại! Thiên Chúa sử dụng chính những “nét vẽ vòng vo” của Giôna để kẻ lại một “con đường thẳng” đưa đến hạnh phúc (ắt hẳn, kết thúc câu chuyện của Giôna chính là nụ cười giác ngộ của ông!)

Sao chúng ta còn chưa chịu học cùng Giôna bài học này: Hãy buông đời mình vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa để người dẫn chúng ta đến hạnh phúc trường cửu!

 

Top