Dấu chân Bóng đá Hiệp hành
TGPSG -- Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện về một người đàn ông đang nỗ lực phấn đấu hằng ngày. Với niềm đam mê trái bóng từ bé, lớn lên anh được khoác áo trong đội tuyển Clergy Thanh Hóa, mang trên mình số áo CLTH6 (Clergy Thanh Hóa 6).
Ngày 12-7-2022, anh ấy chính thức bước vào giải bóng đá giáo sĩ Việt Nam với tên gọi Cúp Hiệp Hành, do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trên toàn lãnh thổ hình chữ S, có 20 đội bóng đến từ các giáo phận, với 4 bảng thi đấu được thiết lập trải dài từ Bắc vào Nam. Mục đích giải đấu nhằm thể hiện tinh thần hiệp hành Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2023, chào mừng đại hội Hội Đồng Giám mục Việt Nam lần thứ XV, nâng cao vị thế và tinh thần của các giáo phận, đồng thời nối kết tình huynh đệ linh mục giữa các giáo phận với nhau.
Mang trong mình niềm đam mê bóng đá ngay khi còn nhỏ, như cá gặp nước, anh bước vào giải bóng đá hiệp hành với một niềm vui khôn tả. Cùng với đội bóng của mình thi đấu vòng loại bảng B, Clergy Thanh Hóa đã thi đấu 4 trận, thắng 3 thua 1, với 9 điểm, xếp thứ 2 bảng B. Với kết quả này, Clergy Thanh Hóa phải làm khách trên sân Clergy Buôn Mê Thuột trong trận tứ kết vào ngày 7-9-2022.
Thế nhưng, số phận thật nghiệt ngã với anh ấy, trong trận tứ kết gặp Clergy Buôn Mê Thuột, phút thứ 60 anh bị chấn thương trong một pha bóng đã ra ngoài đường biên dọc. Anh cố gắng chạy theo vớt bóng thì bị trượt chân ngã xuống. Một cầu thủ đối phương, chạy cùng hướng với anh, vô tình ngồi lên gối chân trái của anh, thế là anh đã gặp nạn. Sau khi được các nhân viên y tế chăm sóc vết thương, anh đã trở lại sân thi đấu với cái chân đau đó. Tuy nhiên, sức người có hạn, anh trao băng đội trưởng cho một đồng đội khác và rời sân với đôi chân khập khiễng.
Nhưng Trời đã không phụ lòng người. Kết thúc hai hiệp thi đấu chính, hai đội không ghi được bàn thắng nào, đành phải giải quyết thắng thua bằng những loạt đá luân lưu cân não. Sau 4 loạt sút penalty, chung cuộc Clergy Thanh Hóa đã thắng Clergy Buôn Mê Thuột với tỷ số 3-1. Với đôi chân băng bó và những bước đi tập tễnh, anh la hét, reo hò cùng các đồng đội ăn mừng chiến thắng, vì đã cầm chắc trong tay tấm vé vào bán kết. Ngay sau giây phút vỡ òa chiến thắng, anh được các nhân viên y tế trong ban tổ chức đưa đến bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh gần đó để chụp X-Quang phần xương chân trái. Bác sĩ chẩn đoán anh bị tổn thương dây chằng bên trong, và khuyến cáo 2 tuần sau anh cần phải đi chụp MRI để biết rõ có bị đứt dây chằng không?
Sáng ngày 8-9, ngày lễ sinh nhật Đức Maria, anh cùng các đồng đội tạm biệt con người vùng đất Tây Nguyên để trở về giáo phận. Các đồng đội của anh ai nấy trở về quê quán của mình, còn một mình anh cất bước làm thủ tục tại sân bay Buôn Mê Thuột để vào Sài Gòn chuẩn bị cho một hành trình học tập và dưỡng thương. Chỉ ít ngày đặt chân lên đất Sài Gòn, anh đã nhanh chóng tìm đến bệnh viện quốc tế chấn thương chỉnh hình ITO để khám nghiệm gối chân trái. Khi bước vào phòng chụp MRI, anh thầm cầu mong một điều: “Lạy Chúa, xin đừng để con phải dừng chân bóng đá hiệp hành nơi đây”, rồi anh bước lên bàn nằm, đưa chân vào máy chụp.
Bác sĩ cho anh biết, phải mất 15 phút mới hoàn thành xong việc chụp cộng hưởng từ. Trong khoảng thời gian đó, môi anh luôn mấp máy lời kinh cầu nguyện, xin Đức Mẹ cứu giúp đôi chân anh, để anh có thể tiếp tục tham gia giải đấu. Rồi anh tiếp tục chìm sâu trong lời cầu nguyện, bỗng nhiên anh nghe tiếng cửa phòng kéo ra, một nhân viên y tế nói lớn tiếng: “Anh đã chụp xong, mời anh ra ngoài phòng chờ, sau 30 phút sẽ có kết quả.” Anh vội khoác áo đứng dậy và bước ra khỏi phòng với vẻ mặt lo âu và chờ đợi trong sự lo lắng.
Sau 30 phút, một nhân viên đưa túi phim đựng kết quả chụp cho anh, anh vội vã mở ra xem ngay phần kết luận của bác sĩ với dòng chữ: “Khớp gối trái của anh bị đứt bán phần dây chằng chéo trước; đứt hoàn toàn dây chằng bên trong, chè đùi trong.”
Đọc xong dòng chữ này, anh như chết lặng. Anh đã suy sụp tinh thần hoàn toàn. Lúc này, anh không còn nghĩ đến chấn thương của mình nữa mà chỉ nghĩ đến việc từ nay anh phải nghỉ thi đấu bóng đá hoàn toàn. Rồi anh vội vã cầm túi đựng phim thẫn thờ trở lại gặp bác sĩ để biết thêm thông tin và nhận đơn thuốc. Bác sĩ khuyên anh cần phải hạn chế vận động mạnh ít nhất là 2 tháng, đồng thời uống thuốc để theo dõi gối chân và tái khám lại hàng tuần. Anh chào bác sĩ rồi lặng lẽ bước ra về trong tâm trạng chán nản và thất vọng.
Thời gian cứ thế trôi đi, và trận bán kết lại gần kề; tuy nhiên vết thương gối trái của anh mỗi ngày càng thêm đau nặng. Anh bất lực với đôi chân của mình và nhiều lần than phiền với Chúa: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38, 12). Nói đúng hơn, “lạy Chúa, con đang mãi mê hiệp hành, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay dây chằng!” Tâm trạng này nhiều lần đã đi theo anh vào cả trong những phút giây cầu nguyện và trong mỗi thanh lễ. Những phút giây trầm tư như thế, anh lại có dịp nhớ lại những gì anh đã chia sẻ với mọi người: “Chúa có thể vẽ đường thẳng trên những nét cong” (ĐHY Phanxicô Thuận). Tuy nhiên, nét cong mà anh gặp phải trong giây phút này là một cú sốc lớn đối với anh. Vì thế, anh đã chia sẻ điều này với những đồng đội anh thân tín. Anh đã đón nhận được rất nhiều lời động viên của những người bạn.
Trong số đó, anh gặp thấy một lời thật ý nghĩa: “Biết đâu Chúa lại làm cho cha tránh đi những vết thương nghiêm trọng khác khi tiếp tục thi đấu?” Nhưng có lẽ đối với anh vết thương giờ này là vết thương nghiêm trọng nhất, bởi vì đôi chân trước đây luôn là niềm vui lớn của anh trên sân cỏ thì nay, anh phải tạm dừng chân thi đấu. Và rồi anh lại tiếp tục quay ra than thở với Chúa: “Lạy Chúa, đam mê của con lành mạnh mà! Sao nó lại như thế? Tại sao nó lại xảy ra vào thời điểm này?” Liên tục là những câu hỏi anh đặt ra cho Chúa! Nhưng Ngài vẫn thinh lặng! Suy nghĩ tới những điều đó, anh đứng ngồi không yên.
Lê bước chân trần băng bó vết thương, anh cầm chiếc điện thoại lên, mở tin nhắn đọc. Anh bắt gặp được một dòng tin nhắn của một người bạn khuyên nhủ anh: “Cách tốt nhất để quên đi điều tồi tệ trong cuộc sống là học cách ghi nhớ những điều tốt đẹp”. Nghĩ đến điều đó, anh lại tự trấn an mình rồi tiếp tục trầm tư suy nghĩ về trận bán kết sắp diễn ra. Lúc này, những giọt nước mắt đã rơi trên má người chiến binh, nhưng lần này là giọt nước mắt của niềm hi vọng, vì nếu như Clergy Thanh Hóa thắng Clergy Hà Tĩnh ở bán kết, anh lại có cơ hội tham gia trận chung kết.
“Nghị lực và sự bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ, một khi bạn chọn hi vọng, mọi chuyện đều trở nên khả thi. Chỉ khi nào bạn từ bỏ thì mọi chuyện mới thực sự chấm dứt.” Những lời đó luôn vang vọng, lóe lên trong tâm trí anh. Và rồi anh tiếp tục đến gặp bác sĩ để tái khám lại. Lần tái khám đầu tiên, bác sĩ cho biết sau một thời gian uống thuốc, chân anh đã có tiến triển, bằng chứng cho thấy đầu gối của anh không đến mức quá lỏng nên cũng chưa cần phải mổ ngay bây giờ, anh cứ về uống thuốc và tập phương pháp vật lý trị liệu một thời gian, rồi tiếp tục tái khám.
Thời gian trận bán kết cuối cùng cũng đã đến. Chiều ngày 27-9, Clergy Thanh Hóa gặp Clergy Hà Tĩnh. Đối với anh, không được thi đấu trong trận bán kết là một cú sốc lớn, vì thế anh loay hoay tìm mọi cách lấy thông tin trước trận đấu để cập nhật trên trang cá nhân của mình, đồng thời cùng với các cổ động viên la hét, cổ vũ cho đội nhà qua màn hình trực tuyến. Trải qua rất nhiều pha bóng gây cấn và kịch tính, hai đội thi đấu không ghi được bàn thắng nào. Qua loạt sút luân lưu nghẹt thở, Clergy Hà Tĩnh đã may mắn dành được tấm vé vào trận chung kết. Lúc này sự thất vọng, chán nản thể hiện rõ trên khuôn mặt của anh. Anh thẫn thờ bước ra khỏi phòng trong sự tiếc nuối vô hạn.
Hi vọng rồi lại thất vọng; thất vọng rồi hi vọng; những tình cảm đối nghịch cứ thế diễn ra trong suốt thời gian anh gặp chấn thương. Chỉ khi đội bóng của anh phải dừng chân ở vòng bán kết, lúc này đây anh mới bình tĩnh và khám phá ra lời giải đáp cho chính mình: “Hôm nao thấy dấu chân đôi, đó là Chúa đi bên tôi, khi nào còn một dấu chân thôi, là bởi vì Chúa đã ẵm tôi lên rồi” (Dấu Chân – Thông Vi Vu). Anh bình tâm và thầm cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho anh một giải đấu hiệp hành thật tuyệt vời, nơi đây anh đã được gặp gỡ, làm quen với rất nhiều linh mục trong cũng như ngoài giáo phận.
Chính Chúa đã kiến tạo sự lành giữa muôn vàn sự dữ; chính giữa những khó khăn và bế tắc chấn thương anh gặp phải, đến giờ này đôi chân của anh vẫn bước đi vững vàng, và mạnh mẽ tiến lên trên con đường loan báo Tin Mừng. Niềm hăng say của một linh mục trẻ trên “sân bóng truyền giáo” mới là quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất. Anh say sưa cống hiến tất cả sức lực cho cánh đồng truyền giáo, mong gặt hái về cho Chúa bao nhiêu linh hồn hạnh phúc vì đón nhận được ơn cứu độ là hạnh phúc vĩnh cửu tròn đầy. Anh đang hân hoan hiệp hành với Chúa và với bao tông đồ nhiệt thành khác trên sân bóng mênh mông của Nước Trời.
Quả thật, ánh sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm. Thiên Chúa đã mở ra cho anh những trải nghiệm sống đức tin thật tuyệt vời để anh chia sẻ với anh chị em của mình về câu chuyện đời linh mục của anh, câu chuyện: “Dấu chân Bóng đá Hiệp hành.”
Phaolô Nguyễn Văn Thành
bài liên quan mới nhất
- Ba tôi là máng thông ơn Chúa
-
Người Thầy chân chính -
Thiên Thảo Đường: Điểm Hẹn của Người Nghèo -
Ơn gọi và ký ức về Bố -
Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ -
Có Chúa trong đời tôi -
Chiếc mền nhung phủ ấm tim con -
Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi... -
Các thiên thần nhỏ trong cô nhi viện -
Máy khoan và chiếc điện thoại Chúa gửi
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ