Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh

Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh

Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh

TGPSG - Nhân dịp kỷ niệm năm thứ 20 thành lập và mừng lễ Thánh Bổn Mạng Gioan Phaolô II của Trung tâm Mục vụ (TTMV), Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG) đã phối hợp với Ban Mục vụ Truyền Thông (MVTT) TGPSG để thực hiện buổi “Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh” vào lúc 18g30 thứ Năm 19-10-2023 tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của TTMV/TGPSG.

Hiện diện trong buổi đạo đàm có Linh mục (Lm) Phanxicô Xaviê Bảo Lộc - Giám đốc TTMV, Lm Giuse Vũ Hữu Hiền - Trưởng ban MVTT/TGPSG, Lm Gioan Baotixita Phương Đình Toại MI – hướng dẫn chương trình đạo đàm (MC), Lm Phêrô Lê Văn Chính, Lm Barthôlômêô Nguyễn Hoàng , các linh mục trong TTMV, Đạo diễn Vinh Sơn, Đạo diễn Đỗ Phú Hải, Đạo diễn Hoài Hương, một số Diễn viên và Quay phim, các Giảng viên, Học viên, Nhân viên của TTMV, các Khách mời và các Khán giả.

Sau phần tập hát chuẩn bị, buổi đạo đàm đã bắt đầu với lời cầu nguyện khai mạc của cha Giám đốc TTMV. Lm Phanxicô Xaviê Bảo Lộc dâng lời tạ ơn Chúa trong tâm tình hiệp thông với Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16, cầu nguyện cho các vị Chủ chăn đã hết lòng với TTMV, và xin Chúa chúc lành cho công việc loan báo Tin Mừng giữa lòng đô thị.

Sau đó, ba phim ngắn “Cái La Bàn”, “Tấm Vải” và “Bức Tượng” được lần lượt trình chiếu với lời cầu nguyện của Lm Phanxicô Xaviê Bảo Lộc sau mỗi phim, kèm theo các lần giao lưu với Đạo diễn, Biên kịch, Diễn viên, Quay phim và Dựng phim, cùng với màn trình diễn hòa tấu nhạc phim và hát thánh ca cộng đồng.

PHIM “CÁI LA BÀN”

Với chủ đề “Lương tâm là cái la bàn chính xác nhất”, phim kể về một em lớp trưởng vì mê chơi game đã ăn cắp tiền của bạn thân trong lớp. Nhờ người thầy – từng phạm tội ăn cắp cái la bàn của người bạn học thời thơ ấu –  giúp em lớp trưởng từng bước nhận ra lỗi lầm và trả lại tiền cho bạn.

Sau khi xem phim, Lm Bảo Lộc đã hướng dẫn cầu nguyện: “Nhận ra sự thật là điều không dễ. Chúa là Sự Thật, xin giúp chúng con sống thật với chính mình, và ý thức Chúa luôn hiệp hành… Xin cho chúng con biết thông cảm và bao dung với người trẻ… Xin cầu cho những học sinh, sinh viên đang gặp những khó khăn, thử thách. Xin cho các người thầy giữ được tình người, hầu có thể đào tạo những con người hữu ích cho xã hội.”

Trong phần giao lưu sau đó giữa Lm MC với Lm Phêrô chánh xứ Cầu Kho và các diễn viên của phim “Cái La Bàn”, các khán giả thấy được sự hiệp hành của Lm Phêrô với nhóm làm phim khi ngài sẵn sàng cho mượn nhà để quay bộ phim. Và các diễn viên dù không chuyên, mới đóng phim lần đầu, nhưng đã nhanh nhẹn hợp tác không mệt mỏi theo sự hướng dẫn của đạo diễn.

PHIM “TẤM VẢI”

Phim nói về một nhóm thành viên trong họ đạo chuẩn bị trang hoàng và tập hoạt cảnh cho ngày Chúa tử nạn. Trong khi làm việc, có những va chạm vì tính cách khác nhau, vì thành kiến và vì cách hành xử chuyên chế áp đặt của người trưởng nhóm. Chỉ đến khi có tai nạn xảy ra và những cách ứng xử sau đó mới đưa đến sự hiểu biết và cảm thông với nhau.

Cuối phim, Lm Bảo Lộc gợi ý cầu nguyện: “Bộ phim cho thấy sự xung khắc giữa những thế hệ khác nhau và nhắc nhở đừng đánh giá người khác qua dáng vẻ bên ngoài. Thay đổi cái nhìn không phải là dễ, vì ấn tượng ban đầu khó phai. Cần biết nhìn lại chính mình và biết lắng nghe; không áp đặt người khác; biết tự hỏi mình để có thể tự thay đổi mà không cần có biến cố xảy ra. Và nếu biến cố xảy ra thì điều gì giúp ta thay đổi? Lời kinh chúng ta đọc có khớp với cách sống của chúng ta không?”

Tiếp theo là phần giao lưu với các diễn viên, biên kịch và người nối kết.

Diễn viên Mây cho biết bộ phim được quay trong hai ngày đêm: sáng 6g30 đi, về tới nhà là đã 3g30 sáng hôm sau. Diễn viên trong vai Chúa và lính đều không chuyên, chỉ biết cố gắng hết sức mình, và cầu nguyện Chúa cho được tròn vai. Trong cái nắng của ngày hè, dưới sức nóng của các ngọn đèn quay, có những cảnh quay tới lần thứ chín mới đạt. Có những lúc mệt quá mức đến nỗi nuốt cơm không nổi… Đặc biệt, người viết truyện phim đã cho biết ý nghĩa của tấm vải được xé ra: xé sự cứng cỏi của lòng người, giúp băng bó cho nạn nhân, da thịt Chúa bị xé nát để cứu nhân loại, màn trong đền thờ xé ra…

Anh Hữu Sang, người nối kết và theo suốt ba bộ phim cho biết: “Đóng phim là một nghề nhọc nhằn, nhiều áp lực. Tất cả đều chạy đua với thời gian. Kinh phí là gánh nặng thực sự, vì đây là phim giáo dục không thương mại. Có những hội đoàn trong các giáo xứ phục vụ quên mình. Ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là tính trách nhiệm và sự hy sinh kết nối cộng đồng.”

Lm MC góp ý: “Đây là những phim đời thường, truyền tải ý nghĩa Tin Mừng qua ngôn ngữ điện ảnh. Mong các vị có điều kiện kinh tế rộng tay hỗ trợ kinh phí.”

PHIM “BỨC TƯỢNG”

Phim nói về một cô gái ngoại giáo yêu quý bức tượng Đức Mẹ nên mang tượng về đặt trên bàn thờ trong phòng của mình, nhưng lại phải tìm cách cất giấu bức tượng ấy mỗi khi mẹ cô đến thăm vì biết bà sẽ không muốn điều ấy. Cô cũng khám phá ra những nét đẹp của cộng đoàn Công giáo, và tìm cách tham gia. Sau cùng, cô gái đã được toại nguyện nhờ sự đồng hành của cô bạn Công giáo, của cha xứ và của những người trong giáo xứ gần nơi cô đang mướn nhà.

Cuối phim, Lm Bảo Lộc chia sẻ: Có những sự giấu giếm vì yêu thương. Bộ phim gợi ý cách giải gỡ ngộ nhận “Theo đạo bỏ ông bà”: Cầu nguyện cho những người bạn không cùng niềm tin, giải gỡ ngộ nhận bằng những hành động tốt lành với gia đình đương sự.

Lm MC đã triển khai thêm ý nghĩa bộ phim: Nhờ người bạn có đức tin biết chia sẻ, nhờ vị linh mục và những người Công giáo biết can đảm bước vào căn nhà, mà những nhân vật chính đã mở lòng ra đón nhận ơn Chúa.

Trong phần giao lưu, tác giả của truyện phim cho biết: đây là chuyện có thật ở một giáo xứ được một ông trùm kể lại. Nhờ sự khuyến khích của cha Giuse Trưởng ban Truyền Thông mà tác giả đã viết lại thành truyện phim, và trở thành kịch bản nhờ cô giáo Hoài Hương. Vai diễn ‘Ông trùm’ cho biết: Các diễn viên đều không chuyên, hầu hết là các học viên của lớp Mục vụ Truyền Thông Tổng Quan muốn thực hiện phim ngắn này như là bài làm cuối khóa và là kỷ niệm đầy ấn tượng của cả lớp học, được đạo diễn và quay phim tận tình hướng dẫn và thực hiện.

Trong phần giao lưu với đoàn làm phim, đạo diễn Hoài Hương đại diện cả nhóm cho biết: Không gì hạnh phúc hơn là làm phim mà có nhiều người tới xem tác phẩm của mình. Đạo diễn đã rất xúc động khi nói lời cám ơn người hỗ trợ tài chánh, cám ơn những người Quay phim, Dựng phim, Âm thanh hậu kỳ, các Đạo diễn tiền bối…

Lm MC sau đó đã diễn tả ước mơ: Mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều bộ phim chuyển tải các giá trị đức tin và nhân văn.

KẾT THÚC

Trong phần kết thúc, Lm Trưởng ban MVTT đã tri ân mọi người và Lm Batôlômêô Nguyễn Hoàng Tú góp ý: “Ngày 22/10 sắp tới là ngày Truyền giáo. Chúng ta có 117 Thánh Tử đạo, 7 phép Bí tích… Đó là những đề tài rất phong phú để làm phim. Mong rằng sẽ có nhiều bộ phim thắp lên những ngọn lửa để người ta không hiểu sai về đạo và làm sáng danh Chúa.”

Còn Đạo diễn Vinh Sơn thì nhận định rằng: Ba phim ngắn này trình bày những chuyện rất đời thường, nhưng chuyển tải được những giá trị đức tin và nhân bản thật sâu sắc với giá trị nghệ thuật cao.

Cuối cùng, Lm Giám đốc HVMV đúc kết với lời cám ơn và nhấn mạnh: “Đây là món quà tinh thần mừng bổn mạng TTMV do các giáo dân thực hiện, nói lên cách sống hiệp hành qua ba bộ phim này. Khi mình “hiệp hành” với nhau thì sẽ “hành hiệp” nhiều hơn với tinh thần của Thượng hội đồng Giám mục đang diễn ra ở Rôma.”

Buổi đạo đàm đã khép lại lúc 21g20 với phép lành của các linh mục hiện diện.

Tóc Ngắn & Media TGPSG

Xem thêm: Cảm nghiệm về buổi “Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh”

Top