Thiên Chúa là nhà biên kịch và Đức Kitô là người kể chuyện
TGPSG/Aleteia – Thiên Chúa đã kể chuyện từ khi tạo dựng nên trời đất. Đó là lý do tại sao con người là loài thụ tạo biết kể chuyện.
Tôi luôn bị cuốn hút bởi một khía cạnh của Thiên Chúa mà chúng ta thường quên: Thiên Chúa là một nhà biên kịch.
Tiến sĩ thần học Andrew Swafford, giảng dạy tại Đại học Benedictine ở Atchison, Kansas - nơi tôi công tác - vừa cho ra mắt loạt video về các dụ ngôn của Đức Kitô mang tựa đề “Đức Kitô - Người kể chuyện.”
Đây là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa rằng Thiên Chúa của chúng ta là Đấng kể chuyện, và chúng ta - những người được dựng nên theo hình ảnh Ngài - cũng là những người kể chuyện.
Thứ nhất: Những câu chuyện ta kể định hình con người của ta.
Triết gia quá cố Alasdair McIntyre từng nhận định: “Con người là sinh vật kể chuyện.” Ông nói thêm: “Tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi ‘Tôi phải sống thế nào?’ nếu trước hết tôi trả lời được: ‘Tôi đang thuộc về câu chuyện nào?’”
Ý ông là: nếu tôi nhìn đời mình như “một người chồng, người cha đang trên hành trình tiến về thiên đàng,” thì tôi sẽ hành xử khác hẳn với khi tôi coi đời mình là “tôi, chính tôi, đang cố vơ vét mọi thứ trước khi tất cả kết thúc.”
Theo McIntyre, con người được dựng nên để sống bằng những câu chuyện. “Nếu không kể chuyện cho trẻ em, bạn sẽ khiến chúng trở thành những kẻ nói lắp, lo lắng và không có kịch bản trong hành động cũng như lời nói.” ông nhận định. “Không có cách nào giúp ta hiểu được bất kỳ xã hội nào, kể cả xã hội của chính chúng ta, ngoại trừ thông qua kho tàng câu chuyện của xã hội đó.”
Những câu chuyện không chỉ cho tôi biết tôi phải làm gì, mà còn cho tôi biết bản thân tôi là ai.
Thứ hai: Chúng ta như thế là vì chính Thiên Chúa vốn đã như thế từ trước.
Theo một kiểu nói ẩn dụ cổ xưa, Chúa Cha cất tiếng nói Lời - chính là Chúa Con, với Hơi Thở của Ngài - là Chúa Thánh Thần. Điều đó làm cho toàn bộ sự sáng tạo trở thành một câu chuyện.
Thật vậy, trong kinh Tin Kính của ngày Chúa Nhật, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là “Cha toàn năng” - Đấng dựng nên muôn loài, nhưng không phải không có Chúa Con - vì “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,” cùng với Chúa Thánh Thần - “Đấng ban sự sống.”
Trong lễ Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu đã nói về cách câu chuyện vĩnh cửu ấy tiếp diễn: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,” nhưng Người khẳng định sẽ không nói thêm. Thay vào đó, Chúa Thánh Thần sẽ “nói những gì Người nghe được” từ Chúa Cha, vì “mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.”
Như thế, Thiên Chúa kể nên câu chuyện của Kinh Thánh.
Và thứ ba: ngoài Kinh Thánh, Thiên Chúa còn viết nên một quyển sách khác - quyển Sách của Thiên Nhiên.
Như nhà thần học Matthew Ramage chỉ ra, hình ảnh “hai quyển sách” của Thiên Chúa là một chủ đề Kitô giáo được yêu thích từ thời các Giáo Phụ cho đến Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI - người từng nói:
“Hình ảnh thiên nhiên như một quyển sách có nguồn gốc trong Kitô giáo và đã được nhiều nhà khoa học trân trọng. Galilêô xem thiên nhiên là một quyển sách mà tác giả là Thiên Chúa, cũng như Kinh Thánh có Thiên Chúa là tác giả. Đó là một quyển sách mà tiến trình cũng như ‘chữ viết’ và ý nghĩa của nó, chúng ta có thể ‘đọc’ được tùy theo những phương pháp khác nhau của các ngành khoa học.”
Bất cứ ai từng theo dõi loạt podcast “Kinh Thánh Trong Một Năm” đều thấy rõ cách một trong hai quyển sách đó của Thiên Chúa đã đã vận hành như thế nào. Từ những cuộc đời đầy tội lỗi và bi đát của con người bình thường, Thiên Chúa vẫn dệt nên một câu chuyện quy hướng về Ngài. Quyển sách kia của Ngài - sách thiên nhiên - cũng hoạt động theo cách tương tự.
Thứ tư: Quyển Sách Thiên Nhiên, giống như Kinh Thánh, là một câu chuyện phức tạp nhưng cuối cùng đều quy hướng về Thiên Chúa.
Ông Chris Baglow thuộc Đại học Notre Dame cho rằng khoa học cho thấy tiến trình hình thành của vũ trụ là “một câu chuyện đầy ý nghĩa – như một vở kịch.”
Theo ông, để có một câu chuyện hay, cần có một nguyên tắc cơ bản tạo thứ tự cho câu chuyện, cộng thêm thời gian đủ để cho các sự kiện diễn ra - và sau đó là yếu tố mới lạ hoặc bất ngờ.
Chúng ta thấy vũ trụ có đầy đủ những yếu tố ấy: Các định luật tự nhiên vận hành với một trật tự chính xác, nhưng rồi những điều bất ngờ xảy đến - thiên thạch va vào hành tinh làm thay đổi khí hậu; sự sống xuất hiện ở nơi này mà không có ở nơi khác; loài vật thích nghi theo những cách kỳ lạ; một số loài thú có vảy, số khác có vây… và điều bất ngờ nhất là: loài người bắt đầu kể chính câu chuyện của mình.
Ta có thể thấy "câu chuyện khoa học" về sự sáng tạo, được mô tả cách tuyệt vời trong bộ phim Tree of Life (Cây Sự Sống) của Terrence Mallick.
Ở phút thứ 19:30, một người mẹ đau khổ hướng về Thiên Chúa mà thốt lên: “Lạy Chúa, tại sao vậy? Ngài đang ở đâu?” - và bộ phim đã đáp lại khi mô tả câu trả lời của Thiên Chúa cách tuyệt vời trong sách Gióp.
Thứ năm: Và đó chính là câu chuyện nằm phía sau những dụ ngôn Chúa Giêsu kể.
Khi thuật lại câu chuyện “Đức Kitô - Người kể chuyện”, ông Swafford đã dựa trên công trình của mình với tư cách là một trong những tác giả của cuốn Hướng Dẫn Tân Ước Dành Cho Người Công Giáo do Ascension xuất bản.
Cuốn sách mô tả Đức Kitô là một nhà sư phạm tài ba theo nhiều cách, nhưng đồng thời nhấn mạnh: “Đối với Chúa Giêsu, kể chuyện là phương pháp ưa thích nhất.”
Cũng như học trò thường nhớ chuyện thầy kể hơn là nhớ bài học, Chúa Giêsu biết rằng những dụ ngôn của Ngài sẽ để lại dấu ấn sâu đậm nơi người nghe.
Bởi vì những câu chuyện ấy đến từ cội nguồn sự hiện hữu và trái tim của thiên nhiên: chuyện về hạt giống và người gieo giống, vườn nho và chủ vườn nho, sự sống của cây cỏ và đời sống con người.
Nói cách khác, đó là những âm vang của câu chuyện mà Thiên Chúa không ngừng kể từ khi sáng tạo vũ trụ.
Tác giả: Tom Hoopes
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Aleteia
bài liên quan mới nhất

- Cầu nguyện và sống linh đạo truyền thông từng ngày
-
Bạn có thể xem bộ phim tài liệu đầu tiên tại đây (đầy đủ và miễn phí) về Đức Giáo Hoàng Lêô XIV do Vatican sản xuất -
Giáo xứ Thánh Linh hân hoan cúi xuống lãnh nhận thánh ân -
Câu chuyện về niềm hy vọng được chia sẻ cách hiền hòa -
Giáo xứ Hà Đông: Chúa có những cánh tay ngoan -
Giáo xứ Nam Thái với những giá trị truyền thống và hiện đại -
Giáo xứ Mẫu Tâm sống như người con yêu của Mẹ Maria -
60 năm hiện diện trong yêu thương của Giáo xứ Nam Hải -
Những phim hoạt hình dùng để dạy giáo lý thiếu nhi -
Giáo xứ gắn kết như một gia đình trong nửa thế kỷ hiện diện
bài liên quan đọc nhiều

- Sức mạnh của Điện ảnh: 10 bộ phim làm thay đổi thế giới
-
Trong sương mù của “vỏ kén vàng” -
Đạo đàm mùa Chay 2023 với Phim ảnh -
Thập niên 2010: Những bộ phim tốt nhất cho người Công Giáo xem để chiêm niệm -
Video hay nhất về sự sống trong bụng mẹ -
Tình bạn trong phim ngắn “Sứ Mệnh 2” -
Mở án phong chân phước cho Sơ Clare Crockett -
Phim “For Love Alone - Chỉ vì yêu thương” -
Bộ phim 'Linh mục Stu' phát hành vào cuối tuần Phục Sinh 2022 -
Chuỗi Mân Côi và MV “Giêsu, Chúa bên con”