Cảm nghiệm về buổi “Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh”

Cảm nghiệm về buổi “Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh”

Cảm nghiệm về buổi “Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh”

TGPSG --  Trong buổi “Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh” được thực hiện nhân dịp kỷ niệm năm thứ 20 thành lập và mừng lễ Thánh Bổn Mạng Gioan Phaolô II của Trung tâm Mục vụ (TTMV) Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG), 3 phim ngắn: Cái La Bàn, Tấm Vải và Bức Tượng đã được trình chiếu vào lúc 18g30 thứ Năm ngày 19/10/2023 tại Hội trường GB Phạm Minh Mẫn của TTMV (số 6 bis Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM)

Diễn viên đóng trong các tác phẩm này hầu hết chỉ là nghiệp dư, đa phần là học viên của các khóa học Truyền Thông tại TTMV TGPSG, nhưng đã để lại dấu ấn làm rung động người xem thông qua lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên, lột tả hết tính cách các nhân vật trong các vai, và thể hiện được nội dung cốt lõi muốn truyền tải đến người xem.

Mỗi một bộ phim mang đến cho khán giả hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

1. Phim "Cái La Bàn"

Một câu chuyện tình người, mang đậm chất nhân văn trong cách giáo dục hình thành nhân cách của một cậu học trò, được mô tả trong bộ phim Cái La Bàn. “La bàn lương tâm” luôn là kim chỉ nam cho giới trẻ khi còn ngồi học dưới mái trường Trung học phổ thông. Đây là độ tuổi mới lớn, đôi khi chưa hoàn toàn phân định được đâu là đúng-sai, đâu là giả dối-chân thật, thiện-ác; và vẫn còn đang hình thành nhân cách để trưởng thành. Nhân vật thầy giáo trong bộ phim đã sử dụng cách giáo dục theo chủ nghĩa nhân bản để dẫn dắt người học trò của mình đi từ ranh giới bị cám dỗ trở thành kẻ cắp, đã đấu tranh tư tưởng nội tâm và nhận ra lỗi của mình để có hành động đúng với lương tâm - là mang trả tiền cho bạn, mà không hề bị “xúc phạm”, không hề mất đi danh dự...

Điều ngạc nhiên là ngay sau khi phim "Cái La Bàn" được trình chiếu, “bản nhạc phim” đã được trình diễn cách sống động do 5 thành viên của ban nhạc violin.

Tiếp đến, khán giả được giao lưu và gặp gỡ dàn diễn viên của “ Chiếc La Bàn” với những chia sẻ rất thân thương:

  • Thầy giáo Tân trong phim là một thầy giáo thật ở ngoài đời, chưa gặp trường hợp nào như vậy. Thầy biết ơn thầy giáo ngày xưa đã cho mình bài học, để khi gặp phải trường hợp như vậy thì biết cách giải quyết mà không làm học sinh mặc cảm và xấu hổ.
  • Người đóng vai lớp trưởng phát biểu:Đây là một vai có chiều sâu, có sự đấu tranh và giằng co tâm lý dữ dội, từ việc không ngăn được cám dỗ cho tới lúc lo sợ, nhút nhát, hối hận rồi dũng cảm hành động là gặp bạn và xin lỗi.”
  • Người đóng vai Nhân nhận định: “Ai cũng có lúc sai, không to thì nhỏ, nhưng cái quan trọng biết nhận ra lỗi lầm của mình. Và khi đó người đầu tiên tha thứ cho mình chính là bản thân mình.”

2. Phim "Tấm vải"

Bộ phim “Tấm vải” là một sự cao trào, kịch tính nhưng không kém phần hóm hỉnh, rất “duyên” của các nhân vật, đã mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái, không mang nặng hình thức áp đặt khán giả phải có “chiều sâu” trong tư duy thì mới hiểu được nội dung. Với câu chuyện về một buổi diễn tập đêm canh thức “Cuộc khổ nạn của Chúa Giê su” trước ngày lễ Phục sinh, bộ phim đã gửi đến người xem một thông điệp: Đừng vội đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, cần biết lắng nghe người khác, đặc biệt là người trẻ...

Trong phần giao lưu, Anh Linh là tác giả của truyện phim chia sẻ: Đây là bộ phim rất giàu  ý nghĩa khi anh lấy ý tưởng từ trong Kinh Thánh. Có hai tấm vải được nhắc đến ở đây. Một tấm vải để ngăn cách cung thánh, và một tấm vải che kín lòng người. Tấm vải bị xé ra như để nối liền Thiên Chúa với con người, xé toạc đi sự ngang bướng ích kỷ và cố chấp của con người. Từ đó anh liên kết đến một hình ảnh khác: Chúa có hai chiếc áo, một áo trong và một áo ngoài. Tấm vải trong phim xé ra, dính toàn máu, và tấm vải ấy chính là thân xác Chúa Giêsu, bị xé ra để cứu muôn người. Và chỉ trong một đêm, người đóng vai Chúa Giêsu đã làm lại tấm vải hoàn chỉnh, nói lên sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Tác giả còn nói: “Kinh thánh là kịch bản kỳ diệu, khi soi vào đó, chúng ta không thiếu chất liệu để làm phim mà loan báo Tin Mừng”.

3. Phim "Bức Tượng"

Không như  “Chiếc La Bàn” “Tấm vải”, bộ phim “Bức tượng” sử dụng các cảnh quay kết hợp các âm thanh làm cho người xem phải hồi hộp, sợ hãi. Đối lập với tâm trạng bất an này, là một “Bức tượng” đẹp. Bức tượng Đức Mẹ Maria với đôi mắt nhân từ, đôi bàn tay đưa ra như muốn chở che, bao bọc cho cả nhân loại trên toàn thế giới. Và cũng chính đôi bàn tay của người Mẹ này như muốn mời gọi hãy mau chạy đến với Chúa... Có lẽ vì vậy mà bức tượng đã cuốn hút được cô gái và bà mẹ...

Bộ phim kết thúc, Cha Giám đốc Trung tâm Mục vụ gợi ý: “Chúng ta phải tiếp cận với người lương dân bằng cách nào? Chúng ta có thay đổi gì khi xem bộ phim này? Xin cho chúng ta biết sáng tạo trong cách tiếp cận với mọi người, nhất là với lương dân...”

Trong phần giao lưu, tác giả truyện phim là một học viên trong lớp Mục Vụ Truyền Thông Tổng Quan chia sẻ: Đây là một câu chuyện có thật, và anh muốn thực hiện bộ phim này để thể hiện tình yêu bao la của Chúa dành cho mọi người.

Người đóng vai mẹ của cô bé trong phim - là người diễn rất xuất sắc trong vai bà mẹ khó tính - đã bộc bạch: “Vốn dĩ ở nhà mình đã rất khắt khe với con cái rồi nên có vẻ đây là lợi thế. Nhưng mà quay đến 9 lần vẫn chưa được nên mình quyết định 'dữ một lần' cho xong." Khi nhận vai diễn chị rất vui và muốn làm hết mình để mang Chúa đến cho mọi người.

Cuối cùng, phần được chờ đợi nhiều nhất chính là giao lưu gặp gỡ những người "đứng đằng sau" các bộ phim này: Đạo diễn, Quay phim, Dựng phim...

Đạo diễn của cả ba bộ phim chính là cô giáo Hoài Hương - giảng viên của các lớp Biên kịch tại Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn và Học Viện Công Giáo Việt Nam. Cô đã chia sẻ trong niềm xúc động: “Niềm hạnh phúc lớn hơn cả của con lúc này là thấy đông đảo mọi người đến xem và đồng cảm với tác phẩm của chúng con”. Cô bày tỏ niềm tri ân tới nhà tài trợ, những người làm phim, quay phim, hậu kỳ, âm thanh, bối cảnh và đạo cụ, cùng các đạo diễn tiền bối đã giới thiệu cô đến làm việc nơi đây.

Theo nhận định của chúng tôi, cả ba bộ phim đều mang nội dung có giá trị cao trong giáo dục và nhận thức. Với sự hấp dẫn, tinh tế, dí dỏm và hài hước, “Cái La Bàn”, “Tấm Vải”, và “Bức Tượng” đã không làm khán giả thất vọng.

Cám ơn đạo diễn và nhóm làm phim đã mang đến cho người xem những tác phẩm nghệ thuật thứ bảy, mang đến một luồng gió mới trong truyền thông và trong công tác phục vụ các linh hồn.

Minh Hà & Phương Thêm (TGPSG)

Xem thêm: Đạo đàm về Giáo dục với Phim ảnh.

Top