Cuộc sống luôn vội vàng

Cuộc sống luôn vội vàng

Cuộc sống luôn vội vàng

TGPSG -- Trong thời đại ngày nay, việc gì người ta cũng muốn giải quyết "nhanh chóng - khẩn trương". Phải chăng vì đời người ngắn ngủi nên người ta cần phải sống gấp gáp, khẩn trương, không được chần chừ? Phải vội ăn, vội nói, vội đi, vội sống, vội yêu, vội bỏ, vội suy nghĩ, vội phán đoán....Mọi thứ đều vội.

Sự vội vã còn len lỏi vào mái ấm của mỗi chúng ta: chúng ta vội đến mức chẳng có thời gian gọi một cuộc điện thoại hỏi thăm Bố mẹ, chẳng đủ giờ để gia đình có một bữa cơm gia đình ấm áp, không có thời gian để quan tâm, hỏi han, chăm sóc bất kì thành viên nào trong "tổ ấm" của mình.

Vào ngày 26/3/2021, lần thứ 4  cả nước chính thức phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19 đang lan rộng và khó kiểm soát, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân Thành phố đã phải ra thông báo, yêu cầu toàn Thành Phố thực hiện giãn cách xã hội và "dừng triệt để các nghi thức tôn giáo trong hai tuần". Hơn lúc nào hết, dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế đó là dịch COVID- 19 đã gây ra bao xáo trộn, đảo lộn cuộc sống của nhiều người, tình trạng thất nghiệp gia tăng, đời sống vật chất của từng gia đình gặp nhiều khó khăn, hơn 4.000 trẻ em phải cách ly tập trung không có gia đình bên cạnh.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác, dịch bệnh tạo cơ hội cho nhiều người tìm về với giá trị đích thực của đời người, sưởi ấm tình cảm thiêng liêng trong gia đình, có nhiều thời gian gần gũi với cha mẹ và con cái....Những việc đó là đương nhiên nhưng trong thời "Bình thường" vì quá bận rộn mà chúng ta "lãng quên". Chính vì vậy, đây là lúc người ta thấy trân trọng cuộc sống, trân trọng gia đình, trân trọng bạn bè và bằng hữu. Đây cũng là cơ hội giúp chúng ta cầu nguyện và sám hối về cuộc sống đã qua của mình, để có thái độ đúng đắn với bản thân, biết trân quý những giá trị cốt lõi mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Có thể nói, đây là thời khắc không ai muốn, nhưng nó cũng là cơ hội giúp chúng ta "có thời gian sống chậm để nhìn lại chính mình". Cách riêng, đối với người Kitô hữu, thời giãn cách không được tham dự thánh lễ, nhưng "đôi khi ngưng Thánh lễ trong thời gian ngắn cũng tốt, vì nhờ đó mà các tín hữu khao khát Thánh Thể hơn, để sau này khi được dự lễ sẽ tham dự cách ý thức hơn" và là cơ hội để mỗi người SỐNG ĐỨC TIN TRONG MỌI HOÀN CẢNH như lời Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã nói.

Mong sao tất cả chúng ta có thể khám phá ra những giá trị ý nghĩa đằng sau thực tại đau buồn của đại dịch và biết "Sống chậm" để cuộc sống của chúng ta đong đầy tình yêu thương và tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc.

Chu Quang Nam (TGPSG)

Top