Cùng Đức Giám Mục Phụ tá TGP. TPHCM: Trò chuyện cuối năm

Cùng Đức Giám Mục Phụ tá TGP. TPHCM: Trò chuyện cuối năm

WGPSG (12.2.2010) -- Toà Tổng Giám mục TGP Thành phố HCM đã gửi cho cộng đồng Dân Chúa trong giáo phận Thành phố “Thư Chúc Xuân Năm Thánh và Xuân Canh Dần”. Thư Chúc Xuân này được ký ngày: “Mừng kính Ngôi Lời làm người ở giữa chúng ta, 25.12.2009” và ký tên hai vị Giám Mục của Tổng Giáo Phận TPHCM: “Gioan B. Phạm Minh Mẫn và Phêrô Nguyễn Văn Khảm”. Chính vì được ký vào một thời điểm rất sớm như thế, và chuyển tải một nội dung khá đặc biệt, Thư Chúc Xuân trên có thể đã gây một ít thắc mắc cho một số người.

Với ước mong tìm hiểu rõ hơn sứ điệp “Thư Chúc Xuân”, Ban Biên tập website TGP. TPHCM (WGPSG) đã xin được phỏng vấn Đức Giám Mục Phụ tá TGP TPHCM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (ĐGM Phụ tá TGPTPHCM) vào ngày hôm qua 11.2.2010. Cuộc phỏng vấn đã diễn ra như một buổi trò chuyện thân tình...

WGPSG: Kính thưa Đức Cha, trước hết chúng con chân thành cảm ơn Đức Cha đã dành cho chúng con buổi trò chuyện này.

ĐGM Phụ tá TGPTPHCM: Tôi cũng phải cảm ơn anh em về sáng kiến này chứ!

WGPSG: Xin được vào đề tài ngay: Trong dịp Xuân Canh Dần, Đức Hồng Y và Đức Cha đã gửi cho cộng đồng Dân Chúa trong giáo phận Thành phố lá thư chúc Xuân. Lá thư này có đặc điểm là rất dài, dài hơn cả những Thư Mục Tử thông thường, và nội dung phong phú. Chắc là Đức Hồng Y và Đức Cha không chỉ muốn gửi lời chúc Xuân mà còn muốn hướng dẫn Dân Chúa sống Đạo?

ĐGM Phụ tá TGPTPHCM: Đúng như thế. Vì Tết năm nay là Tết trong Năm Thánh 2010 nên chúng tôi muốn gửi đến mọi thành viên trong gia đình giáo phận những suy nghĩ về đời sống đức tin theo định hướng của Năm Thánh. Tôi nhớ là trước khi chính thức phổ biến lá thư chúc Xuân, Đức Hồng Y đã đem lá thư này ra đọc trong cuộc họp của Hội đồng mục vụ giáo phận, với mục đích xin góp ý. Điều đó cho thấy lá thư này không chỉ nhằm chúc Xuân nhưng còn hướng dẫn đời sống đức tin của Dân Chúa trong giáo phận.

WGPSG: Một đặc điểm nữa là lá thư chúc Xuân đã được gửi đi từ rất sớm, trước Tết cả một tháng rưỡi?

ĐGM Phụ tá TGPTPHCM: Vâng. Năm nay Đức Hồng Y có sáng kiến mời các vị đại diện các tôn giáo bạn, các vị đại diện các sứ quán tại Tp. HCM., các vị đại diện Chính quyền, đến Toà TGM dự tiệc Giáng Sinh. Nhân dịp này, ngài gửi cho các vị đại diện này lá thư chúc Xuân, coi như là mừng cả Tết “tây” (với những vị đại diện các sứ quán) lẫn Tết “ta”!

WGPSG: Không những gửi sớm, chúng con thấy Đức Hồng Y và Đức Cha còn ký ngày gửi là Mừng ngày Ngôi Lời nhập thể… Như thế là có ý gì, thưa Đức Cha?

ĐGM Phụ tá TGPTPHCM: Nếu gửi để mừng Tết “tây” luôn thì ký vào dịp Giáng Sinh là điều dễ hiểu thôi vì hai ngày này rất gần nhau. Ngoài ra, còn có điều này: chính mầu nhiệm Thiên Chúa làm người hướng dẫn chúng ta cách sống Đạo. Thiên Chúa làm người để mạc khải cho ta chân lý về Thiên Chúa cũng như chân lý về con người, nhờ đó ta sống cho đúng với Đạo làm người.

WGPSG: Trong lá thư chúc Xuân, có những từ ngữ chúng con cảm thấy chưa rõ lắm. Đức Cha có thể giải thích thêm không?

ĐGM Phụ tá TGPTPHCM: Rất sẵn lòng.

WGPSG: Trước hết, Đức Hồng Y và Đức Cha nói đến “tính đối kháng cố hữu”. Phải hiểu làm sao về từ ngữ này?

ĐGM Phụ tá TGPTPHCM: Khi nói đến tính đối kháng cố hữu, chúng tôi muốn nói đến tính đối kháng vốn nằm sâu trong tâm hồn con người chúng ta. Theo góc nhìn của giáo lý công giáo, đó là hậu quả của tội tổ tông truyền. Khi tổ tông loài người bẻ gẫy mối tương giao hài hoà với Thiên Chúa, thì họ cũng đánh mất sự hài hoà trong chính bản thân, dẫn đến việc đánh mất sự hài hoà với tha nhân và với cả vũ trụ. Thánh Phaolô kêu lên : “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm… Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,18-24). Nếu đủ chân thành, ta sẽ khám phá ra rằng: kinh nghiệm nội tâm mà thánh Phaolô diễn tả cũng là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta. Ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người đều có sự đối kháng giữa thiện và ác, và chúng ta cần phải ý thức điều này.

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2010, Đức Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh này. Ngài nói đến “sự công chính của Thiên Chúa” và đương nhiên cũng bàn đến công bằng xã hội. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh đến chiều kích nội tâm của công bằng. Ngài cho rằng cơn cám dỗ thường xuyên của con người là cứ cho rằng cội nguồn của cái ác chỉ hệ tại những nguyên nhân bên ngoài. Vì thế, để cho công lý ngự trị, chỉ cần loại bỏ những nguyên nhân bên ngoài thì đương nhiên công bằng xã hội sẽ được tái lập. Thế nhưng, Đức Giáo Hoàng dựa vào Lời Chúa để cho ta thấy cách nhìn đó mang tính thiển cận, bởi lẽ sự bất công không chỉ bắt rễ từ những nguyên nhân bên ngoài mà thôi, nhưng cội nguồn của cái ác nằm ở trong tâm hồn con người: “Cái gì từ trong con người xuất ra mới làm cho con người ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Sự đóng góp lớn nhất của các tôn giáo là ở chỗ giúp con người ý thức chiều kích nội tâm này và vượt thắng cái ác từ bên trong bằng sự thanh luyện bản thân. Các luật lệ xã hội cũng như các ý thức hệ xã hội không có khả năng làm được điều này.

WGPSG: Tính đối kháng này có liên quan gì đến thái độ đối đầu được nhắc đến trong lá thư chúc Xuân không?

ĐGM Phụ tá TGPTPHCM: Có đấy. Khi xẩy ra bất cứ cuộc tranh chấp nào, trong gia đình, trong cộng đoàn cũng như ngoài xã hội, khuynh hướng tự nhiên của mỗi chúng ta là cho rằng mình đúng hoàn toàn, còn đối phương sai hoàn toàn; mình là đại diện của sự thiện, còn đối phương là cái ác hiện nguyên hình. Mà cả hai bên đều nghĩ như thế thì chỉ còn cách duy nhất là đối đầu và tìm cách triệt hạ nhau đến cùng. Còn nếu ta ý thức nơi mình có cả sự thiện và sự ác và nơi đối phương cũng có cả cái thiện lẫn cái ác, thì bản thân ta sẽ khiêm tốn hơn, đồng thời nhìn người khác bằng cặp mắt nhẹ nhàng hơn. Đó là khởi điểm của tiến trình đối thoại. Tôi nghĩ đây cũng là lý do thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: “Anh em hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau”. Ngài không chỉ nói: hãy chịu đựng và tha thứ cho người khác, nhưng là “chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau”. Điều đó có nghĩa là đang khi tôi phải chịu đựng người khác thì đừng quên rằng người khác cũng đang chịu đựng tôi mà người ta không nói ra thôi! Đang khi tôi nghĩ là tôi tha thứ cho người khác, xin đừng quên là người ta cũng tha thứ cho tôi mà tôi không biết.

WGPSG: Thế còn “tình yêu áp đặt” nghĩa là gì? Đạo Chúa là Đạo Tình yêu, ai cũng hiểu điều này, nhưng Đức Hồng Y và Đức Cha lại phân biệt hai loại tình yêu: tình yêu áp đặt và tình yêu tôn trọng tự do. Như thế là làm sao?

ĐGM Phụ tá TGPTPHCM: Để dễ hiểu, chúng ta thử nhìn vào đời sống gia đình. Cha mẹ nào mà chẳng thương con, nhưng nếu vì thương con mà ép buộc con phải học tối tăm mặt mũi những môn cha mẹ thích mà không quan tâm đến năng khiếu và khả năng của con; nếu thương con mà ép buộc con cái kết hôn với người mà cha mẹ thích chứ con cái không yêu… thì đó là tình yêu áp đặt. Nói cho đúng ra, đây không phải là tình yêu đích thực vì hàm chứa trong đó bóng dáng của ích kỷ.

Chúng ta gặp được tình yêu đích thực nơi Thiên Chúa, được bày tỏ trong Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi hiến ban chính Con Một của Ngài, cho chúng ta được sống. Nhưng Ngài tôn trọng tự do của con người, tôn trọng đến độ chấp nhận để con người nhân danh tự do – vốn là quà tặng của Thiên Chúa – mà phản bội và khước từ Ngài. Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá cũng là hiện thân của tình yêu đi đến cùng, tình yêu tôn trọng tự do của con người đến cùng. Xét cho cùng, làm sao có thể có tình yêu nếu không có tự do? Chỉ khi con người đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng tất cả tự do của mình, thì lúc ấy họ mới thực sự bước vào quỹ đạo của ơn cứu độ, cũng là quỹ đạo của tình yêu.

WGPSG: Xin chân thành cảm ơn Đức Cha.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top