Cử hành Lời Chúa: Chúa Nhật III mùa Chay năm B

Cử hành Lời Chúa: Chúa Nhật III mùa Chay năm B

 

 

 

 

 

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
Chủ đề: BIẾN ĐỔI TẬN CĂN NHỜ ĐỨC KITÔ
Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23)

I. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

Các bài đọc Lời Chúa hôm này làm nổi bật sự biến đổi tận căn do chính Đức Giêsu Kitô đem lại: từ tinh thần của Giao ước cũ sang tinh thần của Giao ước mới và kéo theo hệ luận trong thực hành cho những ai đón nhận tinh thần mới của Đức Giêsu Kitô.

1. Bài đọc I (Xh 20,1-17)

Israel đã được Thiên Chúa ban Luật qua trung gian ông Môsê. Đó là một trong những điểm cốt yếu làm nên căn tính của dân Israel và cũng là niềm tự hào của họ. Về Luật được ghi ở trong “Torah/Bộ Ngũ Thư”, “Mười điều răn” là Luật nền tảng nhất vì được Thiên Chúa nói trực tiếp với Dân: “I-you/ Ta-ngươi” (x. Xh 20,1-2; Đnl 5,6); còn các điều luật khác đều qua trung gian Môsê (Thiên Chúa ở ngôi thứ 3). “Luật/ Torah” hướng dẫn tất cả các lãnh vực của cuộc sống: pháp lý, luân lý và phụng tự nhằm giúp họ đi đúng đường lối của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với thời gian, Israel lại quá lệ thuộc vào Luật và xem đó như là mục đích mà quyên rằng Luật chỉ là phương tiện để giúp họ sống đúng căn tính của mình là “Dân dành riêng cho Thiên Chúa”.

2. Bài đọc II (1Cr 1,22-25)

Nhờ được kêu gọi và được đón nhận Tin Mừng, người Kitô hữu được biến đổi tận căn trong nhận thức cũng như trong hành động. Nếu việc Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá là nỗi ô nhục và yếu đuối cho người Do thái, và là sự điên rồ cho dân ngoại, thì người kitô hữu lại nhận ra rằng sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua những sự mà loài người cho là yếu đuối và ô nhục, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa được bộc lộ qua những điều mà loài người cho là điên rồ. Người Kitô hữu nhận thức được rằng Đức Giêsu Kitô đã mang lấy nỗi khổ nhục của loài người để loài người được tôn vinh, và mang lấy sự chết của loài người để họ được sự sống muôn đời. Sự thay đổi nhận thức này dẫn đến sự thay đổi về hành động: “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23)

3. Bài Tin Mừng (Ga 2,13-25)

Đức Giêsu kêu gọi chúng ta phụng thờ Thiên Chúa cách đích thực. Đền thờ từng là biểu tượng tôn giáo và là niềm tự hào của Israel. Tuy nhiên, họ đã nhận thức không đúng về Đền thờ nên dẫn đến hành động sai: “Đền thờ là nhà của Thiên Chúa” mà họ biến thành “nơi buôn bán”. Đức Giêsu đã đánh đuổi những người buôn bán này vì muốn họ sử dụng Đền thờ đúng cách để phụng thờ Thiên Chúa.

Đối với Đức Giêsu “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 68,10), nghĩa là Người phải chịu khổ nạn và chịu chết. Dầu vậy, cuộc khổ nạn sự chết của Người sẽ dẫn tới Phục sinh: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,21).

Như vậy Đức Giêsu không chỉ kêu gọi có một sự thay đổi trong cách phụng thờ Thiên Chúa, mà còn đem lại một sự biến đổi tận căn: Từ nay, Đền thờ thực sự để phụng thờ Thiên Chúa chính là “thân thể Người” sau khi đã phục sinh (Ga 2,21-22). Môsê và Giao ước cũ với Lề Luật này được thay thế bằng Đức Giêsu Kitô và Giao ước mới với cái chết và phục sinh của Người.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Luật chỉ là phương thế giúp chúng ta đi đúng đường lối của Thiên Chúa. Tuy nhiên trong đời sống Kitô giáo, có khi nào chúng ta lại quá chú trọng đến các quy định của luật lệ mà quên đi mục đích chính của Luật, đó là: luật lệ nhằm giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình hay không?

2. Trong đời sống Kitô giáo, chúng ta có nhận ra rằng Đức Giêsu Kitô chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá, nhưng con đường thập giá đó là con đường dẫn tới sự phục sinh vĩnh cửu hay không? Đức Giêsu mời gọi chúng ta vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Người (x. Mc 8,34; Mt 10,38; Lc 9,23), vậy chúng ta đã kết hợp thập giá cuộc đời với thập giá của Đức Giêsu chưa? Chúng ta có lấy đó làm niềm tự hào (x. Gl 6,14) vì có niềm hy vọng vào sự phục sinh; đồng thời dám “rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23) hay không?

3. Chúng ta là những Kitô hữu, vì thế mỗi người là một Đền thờ của Thiên Chúa. Trong đền thờ ấy, Thiên Chúa phải chiếm vị trí tuyệt đối: "Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20,2). Thế nhưng trong thực tế, Thiên Chúa có thực sự chiếm vị trí tối thượng trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta không? Hay tâm hồn và cuộc sống của chúng ta đã bị biến thành ‘nơi buôn bán’, thờ phượng một ai khác và cái gì khác chứ không phải là thờ phượng Chúa? Vào Chúa nhật II Mùa Chay, Hội Thánh đã mời gọi các tín hữu chiêm ngắm và đi vào cuộc biến hình của Đức Giêsu. Để được biến hình với Chúa, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở các tín hữu phải chấp nhận để cho Chúa thanh tẩy tâm hồn mình. Để Thiên Chúa thực sự chiếm vị trí tối thượng trong đời mỗi người. Khi đó, những tương quan với tha nhân cũng được biến đổi (hiếu thảo với cha mẹ, không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp); nhờ đó, cả xã hội cũng được biến đổi, trở nên nhân đạo hơn. Cuộc thanh tẩy đó giả thiết những hi sinh, từ bỏ; tuy nhiên đó chính là cách thế để người Kitô hữu chia sẻ mầu nhiệm thập giá với Chúa Giêsu, và qua thập giá, chia sẻ mầu nhiệm phục sinh với Người.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cùng với Đức Kitô biến đổi tận căn trong nhận thức cũng như trong hành động, để xứng đáng là đền thờ sống động cho Thiên Chúa. Trong tâm tình sám hối và khát khao đổi mới, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. Hội Thánh là dân riêng và là đền thờ của Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin cho Hội Thánh luôn là mối dây hiệp thông và dấu chứng yêu thương, để nên lời mời gọi con người thời đại nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
2. Con người là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin cho chính quyền các quốc gia biết áp dụng những chính sách hợp lý nhằm đề cao nhân phẩm, tôn trọng nhân quyền, và đảm bảo một môi trường lành mạnh cho con người sinh sống và thăng tiến.
3. “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh.” Chúng ta cầu xin cho mọi kitô hữu biết đặt lẽ sống và niềm hy vọng của họ nơi Chúa Kitô; để trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, họ luôn can đảm loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Người.
4. Mỗi kitô hữu là một viên đá sống động xây nên ngôi nhà Thiên Chúa. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực cộng tác với các vị chủ chăn, xây dựng và kiến tạo giáo xứ thành một cộng đoàn huynh đệ, luôn biết yêu thương và sẵn sàng phục vụ.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, trong Đức Giêsu Kitô, Cha đã thanh tẩy và tái sinh chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và ban Thánh Thần để Người biến đổi, giúp chúng con tích cực sống mùa Chay thánh này cho đẹp lòng Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top