Con đường chẳng mấy ai đi: Sư huynh!

Con đường chẳng mấy ai đi: Sư huynh!

Con đường chẳng mấy ai đi: Sư huynh!

TGPSG -- Thầy Giuse Trần Thành Tài, MI,  sinh ra và lớn lên tại vùng cao nguyên Bảo Lộc, trong một gia đình có ba người con. Ngày còn nhỏ, Tài từng nội trú tại Tu Hội Tận Hiến và đi học chương trình Phổ thông trung học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tài ở lại Tu Hội một năm để phục vụ rồi trở về nhà sinh sống và sinh hoạt với Thiếu nhi và Ban lễ sinh trong giáo xứ.

Tướng tá nhỏ bé, nhanh nhẹn với vẻ  hiền lành đã lọt vào tầm mắt của sơ Maria Vũ Thị Tươi, Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, đang phục vụ giáo xứ lúc bấy giờ. Sơ hỏi “Con muốn đi tu không?” Tài trả lời: “Con yếu lắm, con sợ lắm”. Sơ vẫn kiên trì mai mối “Con cứ đi tìm hiểu trước đi. Sơ giới thiệu cho nhà dòng chăm sóc bệnh nhân”.

Tài nghe thấy cũng bùi tai, muốn được chăm sóc bệnh nhân, muốn tìm cơ hội sống khác với đời sống gia đình nên em đã đồng ý. Giới thiệu ơn gọi với em qua giọng điệu rất ư ngọt ngào nhưng khi sơ gửi gắm em cho Linh mục (Lm) Giuse Đỗ Đức Phú MI., thì sơ nhấn mạnh và nói rằng: Con giao em cho cha, cha xem rồi đào tạo thành người tốt cho con, không thì …” Đến hôm nay, cả sơ và cha Phú đều vui vẻ kể về câu chuyện ngày ấy cho mọi người nghe, ngay trong ngày lễ Tạ ơn Vĩnh Khấn của em.

26/6/2013, em chính thức vào tìm hiểu Dòng Tá viên Mục vụ Bệnh nhân (Dòng Camillô). Ngày 1/5/2017 em vào nhà tập tại Trung tâm bảo trợ xã hội Camillian, Prachinburi, Thái Lan, nơi chăm sóc và chữa trị các bệnh nhân Phong và người già neo đơn. Ngày 1/5/2018 thầy Tài được tuyên khấn lần đầu. Kể từ giai đoạn này cho đến năm 2022, Thầy Giuse Trần Thành Tài, MI vừa học vừa chăm sóc người bệnh, người già tại Thái Lan. Qua công việc chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày, thầy tạo cho bệnh nhân lòng tin tưởng, an tâm. 

Về phần mình, thầy muốn giúp đỡ bệnh nhân, gần bệnh nhân nhiều và nhiều hơn nữa. Vì vậy, sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ và cầu nguyện, thầy quyết định chọn con đường thánh hiến của riêng mình, là trở thành một “Sư huynh”. Thầy quan niệm bệnh nhân là Chúa đang đau khổ, cơ thể của bệnh nhân chính là thân thể mầu nhiệm Chúa đầy thương tích, thầy muốn chạm vào da thịt của Chúa, muốn chăm sóc cơ thể bệnh tật của Chúa… Thầy muốn sống Linh đạo của Dòng Camillô là “chăm sóc bệnh nhân như người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất đang đau ốm” và đặc biệt là sống trọn vẹn Lời Khấn thứ tư của Nhà Dòng là “phục vụ bệnh nhân cho dù nguy hiểm đến tính mạng” Thầy muốn hiến thân hết mình vì người bệnh. Những lúc khỏe mạnh là thế nhưng khi chính thầy đau ốm, thầy lại cảm nhận sự ấm áp và được hưởng sự chăm sóc đặc biệt của anh em trong Dòng. Vì chọn lựa con đường khác biệt nên trong đời tu thầy nhiều lần phải đối diện với quan niệm cũ của hầu hết người dân Việt Nam và gia đình: “đi tu là phải làm cha”.

Sau thời gian phục vụ tại Thái Lan, trở về Việt Nam, Thầy tiếp tục phục vụ tại các mái ấm, phòng khám và các cơ sở chăm sóc bệnh nhân của nhà Dòng. Một trong những nơi ấy, mái ấm Mai Tâm, nơi chăm sóc và giáo dục các bé bị bệnh hiểm nghèo, nơi mà các em thiếu tình thương đặc biệt của cha mẹ, nơi thầy được phục vụ lâu nhất, nơi khiến thầy luôn băn khoăn, thao thức nhất. Trẻ em nơi đây với nhiều độ tuổi khác nhau, có cả nam và nữ, trẻ cần bế ẵm hát ru, trẻ ngang bướng tuổi dậy thì cần lời ngon ngọt, trẻ cần cột tóc đuôi sam… Những ngày tháng đồng hành cùng trẻ nơi đây cũng đủ để đám trẻ đem lòng quý mến thầy sâu sắc. Với thầy, những cảm xúc lưu lại nơi đây ví như món quà Chúa gởi tặng thầy.

Hỏi về quyết định lựa chọn làm “Sư huynh”, thầy bùi ngùi chia sẻ: “Khi hay tin em chọn làm thầy vĩnh viễn, bố mẹ buồn và phản đối ghê lắm “đi tu là phải làm cha” và giận em một thời gian dài. Bố mẹ bắt em phải đổi ơn gọi. Những lần gọi điện về cho cha mẹ chỉ toàn nước mắt và đau khổ. Thầy cũng đã giải thích và mong cha mẹ hiểu về ơn gọi đặc biệt này. Thầy chia sẻ: “Những lúc đó em chỉ biết trông cậy vào Chúa, xin Chúa chỉ cho em biết phải làm sao? phải nói gì?”

Những lúc yếu lòng muốn chiều theo cha mẹ, muốn hiếu thảo với cha mẹ để đổi ơn gọi thầy đã cảm thấy tâm hồn bất an khi đối diện với Chúa. Thầy cũng tìm gặp cha linh hướng và cha giáo để các ngài hướng dẫn xác định ơn gọi. Đi tu để làm gì? Mục đích khi chọn thánh hiến cho Chúa là gì? khó khăn và thuận lợi khi làm sư huynh? ai được lợi khi thầy làm sư huynh?... Thầy đã phân định ơn gọi của mình theo sự hướng dẫn của cha linh hương, cha giáo và  lời cầu nguyện. Sau cùng thầy quyết tâm chọn “làm sư huynh trọn đời" như ý định ban đầu Chúa mời gọi và từ đó thầy cảm thấy tâm hồn bình an. 

Ngày khấn đã gần kề nhưng thầy vẫn nặng nỗi lo về sự phản đối của gia đình. “Ơn ta đủ cho con”, thật đúng trong hoàn cảnh của thầy. Trước ngày khấn trọn, bố mẹ và gia đình đã đồng ý và chấp nhận để thầy theo ơn gọi sư huynh, và đó chính là món quà lớn nhất Chúa tặng thầy trong ngày khấn trọn. Trong ngày lễ khấn, ngay lúc thầy nói lời tri ân đến cha mẹ, cả thầy và cha mẹ đều chung một nhịp đập trái tim, cảm xúc dâng trào khiến những người xung quanh không cầm nổi sự xúc động, nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống, những giọt nước mắt của hạnh phúc, của sự đồng cảm.

Thầy chia sẻ rằng: câu Kinh Thánh “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” là lời của Đức Mẹ nói với gia nhân khi Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana như muốn nhấn mạnh cho thầy hãy cảm nhận ngay từ ngày đầu bước chân đi tu và quyết định sống bậc sống sư huynh như một mầu nhiệm mà Chúa mời gọi và dọn sẵn cho thầy, tuy gian nan ngay từ ngày đầu lúc đối diện với gia đình nhưng cũng vỡ òa cảm xúc vui sướng trong ngày khấn trọn khi có gia đình đồng hành.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Anh, MI, là anh lớp trên của thầy đã dùng ba từ để nói về thầy Giuse “rất can đảm” khi chọn ơn gọi sư huynh.

Giáo sĩ: hành trình đến khấn trọn của thầy Phaolô Nguyễn Vũ Đức Khôi MI. 

Sinh trưởng tại Đơn Dương, sát bên Đan Viện Châu Sơn. Được nuôi dưỡng bởi 3 người phụ nữ: bà ngoại, chị gái của mẹ và mẹ. Những ngày còn nhỏ thầy Phaolô thường được bà đưa vô Đan Viện Châu Sơn chơi và giúp vài việc vặt cho cha nghĩa phụ. Dưới con mắt của thầy Thượng (Đan sĩ Đan Viện Châu Sơn), thầy Phaolô là đứa trẻ dễ thương, vui vẻ. Khi được hỏi con có đi tu không, thầy luôn trả lời con không biết. Thầy Thượng những tưởng khi chọn đời sống thánh hiến thầy Phaolô sẽ chọn Đan Viện, ngờ đâu sức mạnh của bệnh nhân đã níu giữ thầy Phaolô

Gia nhập dòng Camillo từ năm 2013. Vào nhà tập, khấn lần đầu, học tập và chăm sóc bệnh nhân tại Thái lan từ 1/5/2017 đến năm 2022 trở về và học tập tại Việt Nam. Vào ngày 8/12/2023 thầy Phaolô khấn trọn tại giáo xứ Tam Hải, Tổng giáo phận Sài Gòn. Hôm đó có một vị Lm lớn tuổi (tầm 70 tuổi) đã đến cùng dâng lễ và chia sẻ: “Tôi tên Phêrô Bùi Đức Thành, có biệt danh là Thành cụt. Khi tôi coi xứ, tôi là người ký giấy cho cậu ấy đi tu, tôi cũng dõi theo hành trình đời tu của cậu ấy. Hôm nay trước khi đi dự lễ khấn trọn của cậu ấy, tôi đã xin Đức Maria 3 điều cho cậu ấy, một là bền chí trong ơn gọi, hai là hãy sống đời sống thánh thiện, ba là làm linh mục.

Thánh lễ Tạ Ơn

Ngày 9/12/2023 chuyến xe chở phái đoàn mái ấm Mai Tâm leo đèo Bảo Lộc thật chậm dưới màn sương mù dày đặc, tiến tới thành phố Bảo Lộc. Đón chúng tôi và quý khách xa gần về dự lễ tạ ơn Hồng ân vĩnh khấn của thầy Giuse Trần Thành Tài, MI là tiết trời lạnh giá nhưng ấm áp tình người. Dò tìm đường để đến Giáo xứ Tân Bình, thôn Tân Bình 2, xã Lộc Thanh, Tp Bảo Lộc, chúng tôi đã đến nơi lúc 8g, sớm hơn giờ lễ một tiếng rưỡi để có thời gian chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này.

Khuôn viên giáo xứ cũng trang hoàng cờ quạt đón chào quý linh mục, tu sĩ nam nữ và quý khách xa gần đến dự lễ. Ban đại diện giáo xứ cũng có mặt từ rất sớm để lần lượt đón tiếp và hướng dẫn từng tốp khách đến.

Giờ lễ bắt đầu, đoàn rước gồm quý linh mục tu sĩ thuộc dòng Camillo, quý linh mục, tu sĩ nam nữ trong ngoài giáo xứ, thầy Giuse và gia đình thân bằng quyến thuộc tiến vào thánh đường. Linh mục (Lm) Gioan Baotixita (GB) Phương Đình Toại - bề trên dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân (Camillo) chủ tế thánh lễ. Cùng dâng lễ có Lm Giuse Trần Văn Mạnh - chánh xứ Tân Bình, Lm Giuse Phan Đào Thục - cựu chánh xứ cùng nhiều linh mục khác.

Đầu lễ, Lm GB Phương Đình Toại giới thiệu trước toàn thể bà con giáo xứ Tân Bình về 2 thầy Giuse Trần Thành Tài MI và Phaolô Nguyễn Vũ Đức Khôi MI, thuộc dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân vừa khấn trọn hôm qua ngày 8/12/2023 tại giáo xứ Tam Hải, Tổng giáo phận Sài Gòn.

Tại sao cũng đi tu mà suốt đời làm thầy? có phải vì học không tới nơi tới chốn? có phải vì bị vùi dập?… những khúc mắc ấy đã được Lm GB chia sẻ trong bài giảng lễ về ơn gọi đặc biệt trong dòng Camillo: Làm sư  huynh nghĩa là làm thầy trọn đời để thay thế các Lm trong sứ mạng chăm sóc bệnh nhân, được ví như hai mặt của đồng tiền. Hiện nay dòng cũng có nhiều gương trong sứ vụ làm sư huynh đang chăm sóc bệnh nhân, trong đó có thầy người Ý, có thầy 90 tuổi vẫn chăm sóc bệnh nhân tại Thái Lan,... Do đó trong dòng Camillo không thể thiếu hình ảnh của các sư huynh. Lm GB cho biết thêm: bề trên trong dòng hay nói với nhau “Muốn trở nên cao trọng thì làm linh mục, nhưng nếu muốn làm Thánh thì làm thầy”. Sự thực, trong bài Tin Mừng, chính Chúa cũng truyền cho các môn đệ đi chữa bệnh cho muôn dân.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Thầy Giuse có đôi lời tri ân đến quý Lm nguyên, cựu chánh xứ, quý linh mục và anh em trong dòng Camillo, họ hàng cùng bà con lối xóm. Lời tri ân đặc biệt dành cho cha mẹ, giây phút xúc động, nghẹn ngào của cha mẹ thầy trong ngày lễ tạ ơn của con, người đã chọn con đường chẳng mấy ai đi.

Lời kết Ơn gọi Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân (Camillo) là một ơn gọi đặc biệt: Sứ vụ chăm sóc bệnh nhân. Các bạn trẻ “hãy đến mà xem” không phải tất cả đều là những y bác sĩ hay điều dưỡng giỏi mà thôi, còn rất nhiều chuyên ngành khác vẫn có thể đi tu dòng Camillo được. Điều kiện rất đơn giản: chỉ cần có lòng yêu mến và chăm sóc bệnh nhân là được. Thử hỏi trong gia đình ai chưa từng có bệnh nhân? 

Nhà dòng có hai hướng đào tạo: Giáo sĩ và sư huynh.

                                                                                 Bài: Maria Quỳnh Linh (TGPSG)

Top