Chuỗi Hạt nhiều màu

Chuỗi Hạt nhiều màu

Chuỗi Hạt nhiều màu

- Con tặng sơ cái vòng này.

H. tròn mắt nhìn cái vòng chuỗi được kết bằng hạt cườm với nhiều màu sắc khác nhau. H. nhận ra đây là cái vòng cổ mà nhiều em gái người đồng bào K’Ho hay đeo. H. mỉm cười nhận chiếc vòng cổ ấy và hỏi lại:

- Sao con tặng H. cho sơ vậy?

Đứa trẻ với đôi mắt to và nước da ngăm nâu ấy tên là K’ Brừng là học sinh trong lớp học của H. khẽ nở một nụ cười trong trẻo trả lời:

- Tặng sơ vì sơ là người tốt dạy con biết đọc chữ.

H. mỉm cười vì câu trả lời đơn sơ của em và H. nói với em:

- Ưn ngai (cảm ơn)

Em tròn mắt nhìn H.:

- Ơ, sơ cũng biết tiếng của con nè!

- Sơ học tiếng của đồng bào con từ con đó.

Gia đình em K’Brừng ở gần nhà H. Thương cho hoàn cảnh của em: mẹ em mất khi sinh đứa con thứ 3 khi mới 25 tuổi. Vì nhà xa bệnh viện quá, bị mất máu quá nhiều nên đã qua đời. K’ Brừng ở với beps (bố) và em gái. từ nhỏ đã theo beps đi rừng làm rẫy, không được đi học nên chỉ học tiếng phổ thông qua việc giao tiếp hằng ngày mà không biết viết hay đọc chữ phổ thông. H. gặp em trong lớp giáo lý xưng tội lần đầu, thấy em không viết các câu giáo lý vào tập được, sau giờ giáo lý H. đến bên xoa đầu em hỏi:

- Sao con không viết bài như các bạn?

- Con không biết viết. Em cúi đầu lí nhí trong miệng.

- Vậy ở ngoài trường con học lớp mấy rồi?

- Dạ con không đi học.

Có cái gì đó như bóp nghẹt trái tim H., H. thấy như mình có lỗi hơn là đứa trẻ đang đứng trước mặt. H. nhận ra những gì H. dạy trong giờ giáo lý vừa qua trở nên vô nghĩa khi chính H. không hề biết các em bé đang ở trước mặt H. phải sống trong những hoàn cảnh đáng thương thế nào, có cái gì đó mặn chát chảy vào lòng H.

Sau buổi giáo lý ấy, H. và em Brừng trở thành bạn của nhau. H. nhờ em dắt các bạn giống em không biết đọc và viết chữ phổ thông đến để có một lớp học với nhiều độ tuổi khác nhau. Các em đều có chung một ước mơ đọc và viết được tiếng phổ thông để có thể đọc được cuốn sách giáo lý mà sơ cho.

Nơi giáo xứ này 90% là người đồng bào K’Ho. Nơi đây, người dân sống bằng nghề làm nương, trồng lúa ở những vùng bậc thang của đồi núi và làm rẫy café là chủ yếu. Cuộc sống với núi rừng không ồn ào nhộn nhịp như ở thành phố. Ngôi nhà H. đang ở được bao bọc bởi núi đồi và buôn làng. Công việc chính của Cộng đoàn nơi H. đang ở là mục vụ anh chị em đồng bào nơi đây, nên cuộc sống của người dân cũng đang là cuộc sống của H. Cái nghèo về vật chất, nghèo về tri thức vẫn cứ đeo bám buôn làng nơi đây. Luật tảo hôn vẫn còn đó, cái chữ như vẫn chẳng quan trọng bằng nương rẫy. Những đứa trẻ chào đời với nhiều điều kiêng kỵ làm cho nhiều đứa trẻ chết vì thiếu hiểu biết của người thân. Những người già không đến được bệnh viện vì nhà quá xa không rành tiếng phổ thông nên đau ốm gì thì lá cây trong rừng vẫn là những bài thuốc hay giúp họ thôi.

Cuộc sống mà chính H. đang chứng kiến, đang ở với buôn làng này để giúp đỡ họ từng chút, từng chút mỗi ngày, không là gì cả. Những viên thuốc H. lấy cho những người già để vơi bớt cơn đau xương khớp, những buổi học chữ phổ thông H. dạy cho các em nơi đây phải thật chậm và kiên nhẫn vì học chữ là một ngôn ngữ mới đối với các em; đồng thời chính H. cũng phải học lấy thổ âm nơi đây để có thể nói chuyện được với họ.

Có thể cái nghèo làm cho người ta khổ sở về vật chất và cuộc sống nhân sinh, nhưng với H. nhận ra cái giàu có nơi buôn làng này là tình người, là sự đơn sơ và chân thành của người đồng bào. Họ quý mến mọi người trong buôn làng của họ, rất ít khi có cãi vã hay to tiếng với nhau. Lòng biết ơn khi được nhận bất cứ điều gì cũng là một sự chân tình đáng mến của anh chị em đồng bào nơi đây.

Những buổi chiều xuống Buôn thăm mấy người già bệnh và trò chuyện với mấy đứa trẻ, H. đều được người trong Buôn cho măng rừng hay lá rau bép là những thứ rau có trong bữa ăn hằng ngày của người đồng bào. Bữa cơm nhiều khi chỉ có măng luộc chấm mắm với tô canh rau bép nấu với mấy con cá bắt dưới suối bữa cơm như thế là khá lắm rồi. H. chỉ thấy tội nghiệp mấy đứa bé gầy nhom chạy nhảy khi mẹ nó bê mâm cơm lên, H. muốn làm gì đó để giúp họ. H. ước ao thật nhiều để có thể cải thiện cuộc sống của anh em đồng bào nơi đây.

Nhưng với H. lúc này dường như cũng nghèo giống họ. Điều duy nhất H. có thể cho là tình yêu thương. H. muốn ôm tất cả những đứa trẻ ấy vào lòng và nói với chúng: phải đi học thôi cái chữ quý lắm, cái chữ không làm con no bụng nhưng nó giúp cuộc sống của con được thay đổi. Vì lớp học tình thương của H. vẫn còn đó bao nhiêu người chưa biết chữ, những đứa trẻ học hết lớp 5, lớp 6 phải nghỉ học để đi làm rẫy, những bé gái 15 - 16 tuổi đang phải địu con lên nương rẫy.

H. ngồi sửa lại chiếc vòng cổ mà K’Brừng tặng, thành tràng chuỗi Mân Côi 50 hạt với đủ màu sắc. H. khẽ mỉm cười với tác phẩm nghệ thuật của mình và chợt nhận ra từng phận người mà H. đang gặp gỡ nơi buôn làng này giống từng hạt trong chuỗi hạt này. Có hạt màu đỏ như những đứa trẻ nhỏ được mẹ địu lên nương, hạt màu xanh là những những em gái bị tục tảo hôn gả ép, hay những hạt vàng khè như màu của đôi chân trần dẫm đất rừng của những bạn thanh niên cuốc đất trên rẫy, màu nâu sạm của những khuôn mặt rám nắng của các bà, các chị đang gọi nhau đi hái măng rừng, hay những hạt màu trắng tinh như tâm hồn đơn sơ của người dân nơi đây.

Màu tím phôi pha của đất trời khi ông mặt trời xuống núi thì đâu đó tiếng kinh vọng về lòng H. “Chờ-gờm Ai Maria bềnh jơnau hàng-goh, Kơnran ơm bal mơ Ai, - Ai geh yalniăm tam ală cau ùr, - mơ Jesu, Kòn tờm Ai, Krung geh yalniăm. Maria niăm-goh, Mè Yang dê, - răc hãn bol kòn in cau tìs – tũ do mơ tũ chơt sơl. Amen.”

Lời kinh Kính mừng bằng tiếng K’Ho mà H. học được khi mỗi buổi tối tháng 10 H. đi đọc kinh với những người trong buôn này. Lời kinh sao thân thương quá! Đó là lời kinh của một người vĩ đại đã từng sống, đã từng yêu mến anh chị em sắc tộc nơi đây và chính Ngài đã phiên âm chữ viết cho người đồng bào K’ Ho: Đức Cha Jean Cassaigne. Như một tấm gương sáng cho H. đang khi sống và mục vụ nơi vùng đất nghèo này. Có thể H. chẳng có của cải vật chất gì để cho nhưng H. đang cho đi chính sự hiện diện của H. với anh chị em sắc tộc nơi đây. H. biết ơn Đức Cha Jean Cassaigne khi đọc về tiểu sử và cuộc đời đầy vất vả nhưng tỏa hương yêu thương của ngài nơi vùng đất Di Linh này.

Bài: Maria Hồng Hà CMR (TGPSG)

 

Top